Vietnam Airlines như đã dự đoán chắc chắn sự thành công của đợt IPO sắp tới, khi đưa ra đề xuất xin Chính phủ cho giữ lại thặng dư vốn để đầu tư mua máy bay... Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, muốn vậy thì Vietnam Airlines sẽ phải làm lại phương án cổ phần hóa.
Cần sự đồng ý của cổ đông
Trao đổi với báo chí chiều ngày 10/7/2014, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, việc đầu tư vào các đội bay của Vietnam Airlines đã nằm trong kế hoạch trước đây của hãng hàng không này, khi hãng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Do đó, sau khi cổ phần hóa (CPH), Vietnam Airlines vẫn phải kế thừa kế hoạch này, trong tương lai.
Ngay cả trong trường hợp nếu IPO không đạt được như kỳ vọng, không có thặng dư vốn, kế hoạch đầu tư vào các đội bay của Vietnam Airlines vẫn phải được thực hiện và doanh nghiệp này vẫn phải có vốn đối ứng để làm.
"Tuy nhiên, việc giữ lại phần vốn thặng dư này đi ngược lại xu hướng muốn hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào công ty cổ phần sau này. Do đó, hãng hàng không này cũng phải nhận được sự nhất trí của cổ đông chiến lược" - ông Tiến nói.
Có thể thấy, quan điểm của nhà chức trách chuyên về CPH doanh nghiệpNN không khác nhiều so với những lập luận mà Vietnam Airlines, cũng như ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đưa ra.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, Vietnam Airlines nhất thiết phải có sự đồng ý của cổ đông chiến lược mới được làm việc này.
Ông Tiến cũng cho biết, theo quy định hiện nay, phần thặng dư cổ phần của Nhà nước phải thu về; nếu để lại doanh nghiệp vì bất kỳ mục đích gì, đều phải có lý do và phải được công khai, minh bạch.
Như vậy, bên cạnh việc thuyết phục được cổ đông chiến lược bên ngoài, Vietnam Airlines phải xây dựng được phương án sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo gia tăng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp trước cổ đông là Nhà nước.
Đồng thuận với quan điểm của ông Tiến, một chuyên gia tài chính cho biết, Vietnam Airlines phải xây dựng được phương án sử dụng vốn hiệu quả để thuyết phục Chính phủ cho phép sử dụng số tiền đó.
Thành ra, nếu muốn giữ lại phần vốn thặng dư đó thì Vietnam Airlines sẽ phải làm lại phương án CPH, bổ sung thêm nội dung giữ lại phần vốn thặng dư nhằm mục đích gì.
Chuyên gia tài chính này cũng cho rằng, nếu phương án giữ lại phần vốn thặng dư của Nhà nước tại Vietnam Airlines hợp lý, chắc chắn Chính phủ sẽ cho phép doanh nghiệp này đạt được nguyện vọng.
Có làm “pha loãng” cổ phiếu NĐT khác?
Có ý kiến cho rằng, khi giữ lại thặng dư vốn nhà nước tại Vietnam Airlines thì phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tăng lên, “pha loãng” cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) khác, thì nhà đầu tư chiến lược không dễ chấp thuận.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia đầu tư chứng khoán, việc "pha loãng" cổ phần của NĐT khác khi giữ lại thặng dư vốn nhà nước tại Vietnam Airlines còn phụ thuộc vào hình thức CPH của doanh nghiệp này.
Nếu hình thức CPH ở Vietnam Airlines là giữ nguyên phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thì việc xin để lại phần thặng dư vốn nhà nước là có một phần cơ sở. Cách làm này tương đối “chuẩn” theo thông lệ quốc tế.
Chuyên gia đầu tư chứng khoán này cũng cho biết, cổ phần của các cổ đông khác hoàn toàn không bị "loãng" đối với trường hợp của Vietnam Airlines. Vì phần thặng dư vốn của nhà nước, nếu để lại, sẽ làm tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp cổ phần sau này. Và điều này cũng hoàn toàn có lợi cho các cổ đông cũng như chiến lược phát triển đường dài của Vietnam Airlines.
Vừa qua, Vietnam Airlines đã trình đề án cổ phần hóa lên Bộ Giao thông Vận tải, trong đó có đề nghị được giữ lại 25% thặng dư vốn bán ra sau CPH, nhằm giúp Vietnam Airlines có nguồn tiền đầu tư cho các đội bay.
Phần thặng dư này theo quy định tại Nghị định 59 hay Thông tư 196 sẽ được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp tại công ty mẹ, để lại doanh nghiệp phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm (theo mệnh giá), thanh toán phí CPH và thực hiện chính sách với người lao động dôi dư, trong trường hợp doanh nghiệp này bán thành công 25% cổ phần với mức giá 22.300 đồng/cổ phiếu.
Dự kiến Vietnam Airlines sẽ IPO trong quý III/2014 và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 1/2015.
Theo Thời báo tài chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét