Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Đối tác ngoại muốn gì ở ngân hàng Việt Nam?

Đối tác ngoại muốn gì ở ngân hàng Việt Nam?

Trao đổi với phóng viên, ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài mà VinaCapital tiếp xúc gần đây vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.




Điều được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh. Trong đó, việc Chính phủ Việt Nam cho phép ngân hàng yếu kém có thể mở 100% “room” cho đối tác chiến lược nước ngoài đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.


Thông tin từ Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho hay, trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt I, thì chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài, theo đó, đối tác nước ngoài sẽ mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này.


Đại diện một ngân hàng nước ngoài cho rằng, khả năng tăng trưởng của ngành ngân hàng là rất lớn, với mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP. Tính bình quân 10 năm tới, ngành ngân hàng Việt Nam dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 15%/năm.


Quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam được các quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá là cơ hội cho cổ đông ngoại xem xét cơ hội bỏ vốn. Đáng chú ý, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm hơn 30% cổ phần của các ngân hàng trong trường hợp đặc biệt để tái cấu trúc tổ chức tín dụng yếu. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể được phép sở hữu lên đến 20% cổ phần ngân hàng trong nước mà không cần phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.


Tuy nhiên, ngân hàng là một ngành đặc thù và việc nhà đầu tư nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào ngân hàng nội hay không còn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác, như chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng tốt và nét tương đồng văn hóa giữa 2 doanh nghiệp…


Vì thế, trong mấy năm qua, không ít nhà băng nội đã tìm được đối tác chiến lược ngoại, song vẫn khó tránh M&A. Điều đáng nói hơn, khi ngân hàng nhỏ phải M&A, thì cổ đông chiến lược nước ngoài thường rút vốn. Chẳng hạn, Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) nắm giữ 20% cổ phần của MeKong Bank, song trước khi MeKong Bank chính thức sáp nhập vào MaritimeBank, FFH đã nhanh chóng thoái vốn. Sở dĩ FFH rút khỏi MeKong Bank là do không muốn về chung một nhà với ngân hàng mới.


Tương tự, ANZ đã rút gần 10% vốn khỏi Sacombank và chuyển nhượng lại cho Eximbank trước khi Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn vào đầu năm 2012.


Một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho rằng, trước khi đầu tư vào ngân hàng Việt Nam, các đối tác chiến lược ngoại luôn tính toán và xem xét kỹ chiến lược tăng trưởng trong dài hạn. Vì thế, một khi ngân hàng mà họ đã đầu tư bị sáp nhập, thì chắc chắn họ sẽ tính đến chuyện rút lui, nếu cảm thấy chiến lược không phù hợp với ngân hàng mới sau sáp nhập.


Với nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng trong thời gian gần đây, đến nay, về cơ bản, các ngân hàng yếu kém đã được kiểm soát và xử lý thông qua M&A. Thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện tốt. Dự kiến trong 1 - 2 năm tới, các cổ phiếu ngân hàng sẽ hồi phục và cải thiện thanh khoản. Với triển vọng như vậy, giai đoạn hiện nay được xem là cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài tham gia bỏ vốn vào ngân hàng trong nước.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á