Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Bộ Tài chính 'điểm mặt' các địa chỉ cổ phần hóa chậm

Bộ Tài chính 'điểm mặt' các địa chỉ cổ phần hóa chậm


Các bộ, UBND cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty tiến hành cổ phần hóa chậm, vừa bị Bộ Tài chính nêu đích danh, khi đánh giá về kết quả triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), mà trọng tâm là cổ phần hóa trong 6 tháng đầu năm nay.


Theo cập nhật của Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm nay, có 297 DN thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa; trong đó, 159 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 67 DN đã có quyết định công bố giá trị DN, 38 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, 31 DN đã chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Dự kiến, đến cuối năm 2014, sẽ có khoảng 200 DN và cuối quý III/2015, toàn bộ 432 DNNN trong danh sách sẽ được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành IPO.


Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa là rất chậm, khi mới có 38 DN được cổ phần hóa trong 6 tháng. Hiện còn tới 135 DN chưa triển khai cổ phần hóa (chưa thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa), 138 DN đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, nhưng chưa thực sự triển khai cổ phần hóa (chưa tiến hành xác định giá trị DN và các bước tiếp theo).


Đáng chú ý, khác với cách đánh giá kết quả cổ phần hóa nhiều năm gần đây thường không chỉ đích danh các đơn vị triển khai chậm, 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã “điểm mặt” các địa chỉ cổ phần hóa chậm như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các DN thuộc Bộ Y tế, TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Yên Bái, Kon Tum. Ngược lại, Bộ cũng nêu tên nhiều đơn vị đạt kết quả cổ phần hóa tốt như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; các bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương...


Sự chậm trễ trên, theo Bộ Tài chính là do đối tượng cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý. Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn... Ngoài ra, các chính sách phục vụ cho đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN, trong đó có cổ phần hóa hiện vẫn chậm được ban hành. Cụ thể, theo kế hoạch, hết tháng 6/2014, Bộ Nội vụ phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý người giữ các chức danh quản lý tại DN 100% vốn Nhà nước; dự thảo Nghị định về quản lý người giữ các chức danh quản lý tại DN mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nhưng đến nay vẫn chưa trình. Tương tự, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chưa trình cấp có thẩm quyền chính sách đối với lao động dôi dư trong quá trình tái cơ cấu DNNN...


“Làm mới” cách thức cổ phần hóa


Do tiến độ cổ phần hóa sau 6 tháng đầu năm nay vẫn còn chậm, nên theo Bộ Tài chính, từ nay đến hết năm 2015, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn rất nặng nề.


Để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa đề ra, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xác định rõ kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN trong giai đoạn 2014 - 2015 là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần kiên quyết hoàn thành.


Về phần mình, Bộ Tài chính cam kết ngoài đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình cổ phần hóa, còn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn việc thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, để đảm bảo thúc đẩy thành công quá trình cổ phần hóa. Theo đó, đối với 159 DN đang xác định giá trị DN, phấn đấu đến quý III/2014, tất cả đều công bố được giá trị DN và cuối quý IV/2014 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa. Với 135 DN chưa thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, thì trong quý III/2014 cần thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa và triển khai việc xác định giá trị DN, để nỗ lực đến hết quý II/2015 công bố được giá trị DN và quý III/2015 phê duyệt xong phương án cổ phần hóa.


Để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa lượng DN còn lại rất lớn, Bộ Tài chính đề xuất phương án đổi mới cách thức cổ phần hóa. Theo đó, với những DN có điều kiện sẽ thực hiện IPO, còn những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm đa dạng hóa sở hữu, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát DN.


Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng danh sách DN để đưa vào diện cổ phần hóa ngoài 432 DN, Bộ Tài chính đang phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành, để khẩn trương rà soát, bổ sung DN cần cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, trên cơ sở đó, trong quý III/2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.


Theo ĐTCK




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á