Vì không có quyền lực nên VAMC chọn những hồ sơ nợ xấu nào “ngon” nhất mới mua, những hồ sơ như vậy thì tự các ngân hàng cũng bán tốt hơn, nhanh hơn nên... không muốn bán cho VAMC.
Đối thoại với các doanh nghiệp về tình trạng xử lý nợ xấu hiện nay còn quá chậm chạp khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) không thể khởi sắc.
Ngày 11/7 tại TP.HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh cho biết: “Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) khi thành lập được kỳ vọng là có quyền lực tuyệt đối, có thể vượt lên trên các luật, quy định vì nhiệm vụ của nó là xử lý nợ xấu trong thời gian rất ngắn với những quy chế đã ban hành rất rắc rối… Nhưng đến khi tất cả các các văn bản được chỉnh sửa lại để nó không xung đột với các luật khác đã khiến cho VAMC không có quyền lực, không có đủ quyền để lập một bộ hồ sơ mua – bán nợ”.
Ông Nghĩa cho biết thêm, vì không có quyền lực nên VAMC chọn những hồ sơ nợ xấu nào “ngon” nhất mới mua, những hồ sơ như vậy thì tự các ngân hàng bán tốt hơn, nhanh hơn và nhiều kinh nghiệm xử lý hơn là nhờ VAMC. Do vậy, các ngân hàng thương mại cũng không muốn bán cho VAMC.
Ngay cả khi VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại thì VAMC cũng không đủ quyền lực về chủ quyền đối với tài sản đó. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua nợ xấu của Việt Nam sẵn sàng có đủ tiền mặt để mua số nợ đó, nhưng VAMC cũng không thể trong 1 tuần phải xác nhận chủ quyền cho nhà đầu tư nước ngoài. Một vị lãnh đạo của VAMC cho rằng "nhà đầu tư nước ngoài có được chủ quyền với đống nợ xấu đó phải mất 2 năm".
Chẳng hạn, một tài sản đảm bảo là đất cho thuê thì dù đã bán cho VAMC thì 2-3 năm sau mới hết chủ quyền cho thuê, còn chưa tính tới cả những mảnh đất thế chấp ngân hàng nhưng vẫn trong tình trạng chưa đền bù xong, chưa hoàn thuế…
Trước thực trạng đó, nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận quyền sử dụng (không cần quyền sở hữu) tài sản nợ xấu, nhưng VAMC cũng không thể làm được thủ tục sang tên.
“Đây là trường hợp khá phức tạp tại Việt Nam. Chẳng hạn, thời gian qua, lãnh đạo TP. Hà Nội đã bán lại 06 nhà máy cấp nước cho một doanh nghiệp nhưng đến gần 03 năm vẫn chưa sang tên 06 nhà máy này cho doanh nghiệp đã mua”, TS. Nghĩa cho biết.
Thủ tục hành chính làm cho thị trường mua bán nợ không phát triển được, dù các nhà đầu tư nước ngoài vào rất nhiều. VAMC đã cung cấp 60 hồ sơ nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài xem xét để mua nợ xong cũng chưa có kết quả.
Để giải quyết nợ xấu, các chuyên gia kinh tế của Chính phủ đã đề nghị Chính phủ tăng thêm quyền lực cho VAMC, phải có một nguồn lực tài chính “tiền tươi thóc thật”, còn “tiền” bằng trái phiếu đặc biệt khó có thể xử lý nhanh chóng và dứt khoát nợ xấu.
Về nguồn tiền tươi để xử lý nợ xấu có thể lấy từ nguồn 100.000 tỷ đồng của công ty quản lý vốn của Nhà nước, hoặc từ nguồn dự trữ ngoại tệ mà Thủ tướng có quyền quyết định mà không phải thông qua Quốc hội.
Mới đây, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra cơ quan giám sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, việc mua nợ của VAMC chậm hơn một chút, song điều này không có nghĩa là tiến trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm lại. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 6.300 tỷ đồng nợ xấu, đưa tổng số nợ xấu mà VAMC mua được đạt hơn 45.000 tỷ đồng. tự hệ thống ngân hàng cũng đã xử lý được khoảng 10.000 tỷ đồng nợ xấu.
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét