Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Thu hút đầu tư nước ngoài và lý thuyết trò chơi

Thu hút đầu tư nước ngoài và lý thuyết trò chơi


Tại Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN), khái niệm "nhà đầu tư nước ngoài" và "DN có vốn đầu tư nước ngoài" (FDI) là những khái niệm gây nhiều tranh cãi nhất. Khái niệm này cũng đã từng được đề cập tại Luật Đất đai, Luật Chứng khoán.


Có quan điểm cho rằng, Nhà nước nên thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Chỉ cho phép nhà đầu tư vào Việt Nam đối với các dự án sản xuất có sức lan tỏa, cần nhiều vốn và công nghệ, chứ không phải ai cũng được vào đầu tư, như tinh thần của Nghị quyết 03/NQ-CP.


Quan điểm này hoàn toàn đúng, nhưng cũng cần chú ý đến một giả thiết quan trọng của lý thuyết trò chơi: đó là, mọi người chơi đều thông minh (hay kém thông minh) như nhau. Nhà nước không thể giả thiết nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào Việt Nam chỉ để phục vụ nhân dân Việt Nam.


Họ đến Việt Nam chỉ vì lợi nhuận, nếu hạn chế họ thâm nhập thị trường, khả năng tiếp thị và lợi nhuận của họ sẽ giảm (trừ phi họ chỉ chuyên xuất khẩu). Không có lợi nhuận, họ không mở rộng sản xuất, không thể tăng thêm vốn và không chuyển giao công nghệ. Sự thất bại của công nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam là kết quả của việc suy nghĩ quá đơn giản về thu hút đầu tư, đánh giá thấp nhà đầu tư nước ngoài.


Ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài mang vốn vào, thì vốn đó cũng là của họ, khi ra khỏi Việt Nam họ có quyền thu hồi mang đi. Công nghệ họ mang vào hôm nay, dù có là hiện đại thì 20 năm nữa cũng lỗi thời. Trường hợp nhà máy sản xuất bóng đèn hình Daewoo Hanel bán lại cho Việt Nam là một ví dụ.


Vậy, nên chăng cần xem lại mục tiêu thu hút (hay cản trở) nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu hàng đầu phải là tạo công ăn việc làm. Có công ăn việc làm mới làm tăng GDP, phát triển thị trường nội địa và tạo thêm cơ hội làm ăn cho DN trong và ngoài nước. Lúc đó, việc mang vốn, công nghệ vào Việt Nam là kết quả của kinh doanh thành công tại Việt Nam, chứ không phải là mục tiêu ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài khi sang Việt Nam.


Nếu thực sự muốn thu hút đầu tư hơn nữa, thì có thể tăng thêm ưu đãi thuế nếu nhà đầu tư nước ngoài tăng vốn hay chuyển giao công nghệ, song phải cụ thể theo nguyên tắc có đi có lại - ví dụ, đầu tư thêm 100 triệu USD thì được miễn thuế thêm 1 năm. Không nên quy định mọi dự án lớn nhỏ, miễn có "công nghệ cao" đều được ưu đãi như nhau.


Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nếu thành công thì họ đóng thuế, nếu thất bại thì họ sẽ bán rẻ dự án để rút về nước. Khi đó, DN trong nước sẽ có cơ hội mua lại cơ sở sản xuất với giá rẻ. Việc Vinamilk mua lại F&N Diary, hay Kinh Đô mua lại Walls, Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn Victoria là những ví dụ điển hình. Bằng cách nào thì Việt Nam cũng có lợi.


Hiển nhiên, việc hạn chế đầu tư nước ngoài vào các vùng biên giới, các địa điểm trọng yếu đối với an ninh quốc gia, các lĩnh vực tác động lớn đến an ninh quốc phòng là cần thiết. Tuy nhiên, các lĩnh vực nhạy cảm như vậy không nhiều.


Nói tóm lại, không có nhiều lý do để hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài, trừ một số lý do an ninh quốc phòng tại một số địa điểm xung yếu hay các lĩnh vực thuộc về an ninh quốc gia.


Nhà nước phải coi việc tạo công ăn việc làm cho người dân là mục tiêu trên hết, chứ không phải nhu cầu thu hút vốn hay chuyển giao công nghệ. Kết hợp quá nhiều mục tiêu cũng giống như bắt cá hai tay. Có thể sẽ không bắt được con nào.


Và vì vậy, cách giải thích "nhà đầu tư nước ngoài" nên là cách giải thích hiện nay theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp cho thống nhất, tức là DN mà ở đó phía nước ngoài nắm (trực tiếp hay gián tiếp) trên 50% vốn điền lệ, hay có quyền bầu đa số thành viên hội đồng quản trị.


Theo Đầu tư




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á