Dự kiến, dự thảo Luật DN (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới tại kỳ họp Quốc hội thứ 8. Khi chính thức đi vào cuộc sống, Luật DN (sửa đổi) sẽ tạo ra những bước đột phá mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sáng nay 10-7, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức “Hội thảo xin ý kiến về dự thảo 5 Luật DN sửa đổi”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM): Luật DN hiện hành có nhiều quy định hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư. Đó là DN chỉ được quyền kinh doanh những ngành nghề đã đăng ký và ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều đó dẫn tới thực trạng, nhiều DN khi đăng ký thành lập đã kê khai quá nhiều ngành nghề kinh doanh, thậm chí danh sách này dài tới vài trang A4, nhưng thực tế DN chỉ kinh doanh một vài ngành nghề nhất định. Hậu quả tất yếu gây ra là hạn chế trong công tác thống kê, tạo ra số liệu ảo đối với những đơn vị điều tra xu hướng đầu tư, kinh doanh thị trường...
Để khắc phục những điểm yếu này, dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã nới lỏng để DN thỏa sức kinh doanh. Khi đăng ký thành lập, DN chủ động đăng ký chính xác ngành nghề kinh doanh mà không cần phải mã hóa theo mã ngành kinh tế quốc dân. Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy không ghi nhận toàn bộ ngành nghề đăng ký kinh doanh của DN mà chỉ ghi nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Về bản chất, nếu dự thảo được thông qua, DN sẽ được kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, trong vấn đề đăng ký ngành kinh doanh bổ sung sau khi hoạt động, luật sửa đổi cũng chuyển từ việc yêu cầu DN đăng ký ngành nghề trước rồi mới được kinh doanh sang việc cho phép DN chuyển hướng kinh doanh trước, sau đó đăng ký lại với cơ quan quản lý. Điều này giúp DN chủ động hơn, chớp thời cơ, loại bỏ những rủ ro kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Ông Trần Vũ Hải, giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho rằng: Trong vấn đề đăng ký ngành nghề kinh doanh, quy định "cứng" là không ghi các ngành nghề kinh doanh trong Giấy đăng ký kinh doanh là chưa đủ chặt chẽ. Nên duy trì 2 phương án, một là không ghi rõ các ngành nghề kinh doanh, 2 là ghi theo yêu cầu của DN.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Xuân Thuyên, Phụ trách Phòng Đầu tư và quản trị DN (Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bổ sung: Cần cân nhắc lại việc có ghi hay không ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập DN. Nếu nhà đầu tư có yêu cầu ghi thì mặc dù không cần thiết cũng phải cấp cho DN. “Bên cạnh việc hoàn thiện nội dung Luật sửa đổi trình Chính phủ ban hành, ban soạn thảo cũng cần bàn tới Nghị định ban hành kèm theo để hướng dẫn chi tiết, thi hành một số điều, lĩnh vực trong luật mới”, ông Thuyên nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề "khai sinh" DN, nội dung được nhiều đại biểu tại hội thảo quan tâm nữa là quy định giảm tỷ lệ đồng thuận của Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng thành viên xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt” (theo Luật DN hiện hành là 65% và 75%).
Theo đại diện Hiệp hội Công Thương Hà Nội: Xuất phát từ thực tiễn cho thấy, con số nêu ra trong dự thảo vẫn chưa thực sự hợp lý, đề nghị tỷ lệ thông qua chỉ cần trên 50% đối với mọi quyết định mà không cần chia ra theo quyết định thông thường hay quyết định “đặc biệt”. Phương án này sẽ giúp giải phóng cho vố số DN cổ phần hóa Nhà nước đang ngắc ngoải hoặc hoạt động cầm chừng.
Đối với những nội dung mới trong dự thảo luật liên quan tới các thủ tục “khai tử” DN, hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều bày tỏ sự nhất trí cao. Hiện nay, nhiều DN không làm nổi thủ tục giải thể bởi khó khăn, vướng mắc ở khâu quyết toán thuế. Trong luật mới, DN có thể chủ động tuyên bố tình trạng và tiến hành giải thể. Sau 180 ngày kể từ khi DN công bố giải thể, nếu không có vấn đề, khiếu kiện gì thì có thể làm đơn xin xóa tên đối với đơn vị đăng ký kinh doanh mà không gặp phải vướng mắc gì.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: Dự kiến, dự thảo Luật DN sửa đổi sẽ trình quốc hội thông qua trong tháng 10 tại kỳ họp Quốc hội thứ 8. Khi chính thức đi vào cuộc sống, Luật DN (sửa đổi) sẽ tạo ra những bước đột phá mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ĐTCK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét