Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Sau cổ phần hóa, lợi nhuận của Vinatex vẫn dựa vào cổ tức

Sau cổ phần hóa, lợi nhuận của Vinatex vẫn dựa vào cổ tức


Dù đầu tư mạnh vào phát triển nguyên phụ liệu dệt may sau cổ phần hóa, nhưng lợi nhuận chính của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vẫn sẽ đến từ cổ tức của các cổ phần mà tập đoàn này đang nắm giữ tại các công ty con, công ty liên kết.


Theo báo cáo của Công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) – đơn vị tư vấn IPO cho Vinatex, được công bố tại hội thảo “Cơ hội đầu tư cổ phiếu Vinatex” hôm nay 4-7 tại TPHCM, doanh thu thuần của công ty mẹ dự kiến lên đến 1.897 tỉ đồng trong năm 2014 và tăng dần lên 8.692 tỉ đồng trong năm 2016 (trong khi năm 2013, con số này là 116 tỉ đồng).


Mặc dù doanh thu thuần cao nhưng lợi nhuận gộp dự kiến của Vinatex chỉ có 80 tỉ đồng (2014), 197 tỉ đồng (2015) và 313 tỉ đồng (2016).


Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ lên đến 300 tỉ đồng trong năm 2014 và 562 tỉ đồng trong năm 2016 nhờ doanh thu tài chính,chủ yếu là cổ tức từ các công ty con, công ty liên kết của Vinatex.


Theo ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực của Vinatex, sau cổ phần hóa, chiến lược của Vinatex là đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu, nhưng không phải để kinh doanh mà chủ yếu cung cấp cho các công ty con, liên kết của Vinatex trong chuỗi phát triển phương thức sản xuất ODM (thiết kế, sản xuất, và bán thành phẩm cho khách hàng - PV).


Do đó, rủi ro từ việc đầu tư vào phát triển nguyên phụ liệu của Vinatex sẽ thấp vì không phải cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, như các doanh nghiệp nước ngoài, mà vẫn đảm bảo được đầu ra.


Theo báo cáo, doanh thu của công ty mẹ Vinatex năm 2013 là 116 tỉ đồng, chỉ bao gồm các đơn vị hạch toán phụ thuộc (3 đơn vị) và không bao gồm các công ty con và 4 công ty TNHH MTV hoạch toán độc lập (tổng doanh thu 4 công ty này là 2.555 tỉ đồng năm 2013).


Do vậy nguồn doanh thu lớn nhất trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ Vinatex là từ hoạt động tài chính, gồm cổ tức được chia từ các đơn vị thành viên và lãi tiền gửi. Tính riêng trong năm 2013, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty mẹ là 423 tỉ đồng, trong đó đến từ cổ tức là 322 tỉ đồng.


Những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất về cổ tức cho Vinatex trong năm 2013 gồm Việt Tiến (67 tỉ đồng), Việt Thắng (29,6 tỉ đồng), Phong Phú (48,1 tỉ đồng). Dòng cổ tức từ các công ty thành viên trong tập đoàn Vinatex có xu hướng tăng trưởng bền vững nhờ kết quả kinh doanh cải thiện và Vinatex tái cơ cấu tập trung vốn vào các doanh nghiệp trong ngành.


Tính đến ngày 31-12-2013, Vinatex có tổng cộng 38 đơn vị. Trong đó, ngoài 4 công ty TNHH MTV Vinatex sở hữu 100% vốn, tập đoàn này sở hữu chi phối (trên 50% vốn điều lệ) tại 14 công ty con cấp I, 28 công ty cấp II (do công ty con cấp I của Vinatex sở hữu trên 50% vốn điều lệ), 34 công ty liên kết và 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc.


Vinatex dự kiến đấu giá cổ phần tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 27-7. Với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng, tương ứng 500 triệu cổ phần, trong đợt IPO này Vinatex sẽ bán ra 24,4% vốn điều lệ (1.220 tỉ đồng) với gần 122 triệu cổ phần, giá khởi điểm là 11.000 đồng/cổ phiếu.


Theo TBKTSG




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á