Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Khoanh vùng bảo vệ nhà đầu tư

Khoanh vùng bảo vệ nhà đầu tư


Tại sao Quỹ bảo vệ NĐT chỉ dừng lại ở mức độ rất hạn chế về phạm vi bồi thường thiệt hại cho NĐT, đó chỉ là do lỗi kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK?


Do tính khó khả thi của Quỹ bảo vệ NĐT, theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, hoặc ngay cả khi khả thi, thì cũng không giúp ích đáng kể trong bảo vệ NĐT trước những rủi ro khi tham gia TTCK, nên NĐT quan ngại: bao giờ họ mới được bảo vệ thỏa đáng?​


Tạm chưa bàn đến tính khả thi của Quỹ, câu hỏi đặt ra là tại sao Quỹ chỉ dừng lại ở mức độ rất hạn chế về phạm vi bồi thường thiệt hại cho NĐT, đó chỉ là do lỗi kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK, mà không phải là các trường hợp CTCK phá sản, hoặc tình trạng DN niêm yết “tô hồng” hiệu quả kinh doanh, gian dối trong công bố thông tin… như thực tế diễn ra, gây thiệt hại cho NĐT?​


Với quy định pháp lý hiện hành, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Quỹ bảo vệ NĐT như phương án đề xuất của Bộ Tài chính thể hiện nỗ lực của cơ quan quản lý trong từng bước cụ thể hóa các quy định pháp lý trong bảo vệ NĐT.​


Sở dĩ Quỹ chỉ dừng lại ở bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK, mà không phải ở phạm vi rộng hơn là xuất phát từ quy định của Luật Chứng khoán.​


Theo đó, Luật quy định: CTCK có nghĩa vụ trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty.​


Với quy định khung trên, Bộ Tài chính không thể đề xuất ban hành cơ chế hướng dẫn lập Quỹ bảo vệ NĐT “vượt” luật, mặc dù biết theo thông lệ quốc tế, Quỹ bảo vệ NĐT được giao cho một pháp nhân độc lập xây dựng và vận hành, với vai trò như là một định chế gắn với mô hình tổ chức của TTCK, thì mới bảo vệ khá toàn diện NĐT, chứ không phải chỉ dừng lại ở phạm vi rất hạn chế như phương án đề xuất của Bộ Tài chính.​


Với những hạn chế như vậy, nhưng theo UBCK, khi Quỹ bảo vệ NĐT được thành lập theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ của các CTCK trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại của NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên, chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi do khách quan.​


Xa hơn, giới đầu tư kỳ vọng, khi sửa Luật Chứng khoán trong thời gian tới, Bộ Tài chính, UBCK cần đề xuất phương án lập Quỹ bảo vệ NĐT ở quy mô là một định chế gắn với mô hình tổ chức mới của TTCK trong giai đoạn tới, để thay thế cho phạm vi bảo vệ NĐT hạn chế của Quỹ bảo vệ NĐT do CTCK thành lập như phương án hiện tại, qua đó bảo vệ NĐT toàn diện, khả thi hơn trước những rủi ro phát sinh khi tham gia thị trường.​


Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện niềm tin cho NĐT, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với thị trường sống bằng niềm tin như TTCK.​


Theo Dautuchungkhoan




Nhạy như tỷ giá USD/VND

Nhạy như tỷ giá USD/VND


Có thể xem đây là một phản ứng của thị trường, với độ nhạy cao của tỷ giá USD/VND sau những thông tin vừa công bố.


Đầu giờ sáng nay (1/10), các ngân hàng thương mại đồng loạt nâng giá USD mua vào bán ra. Dù bước tăng không lớn, nhưng là một diễn biến đáng chú ý.


Cụ thể, so với cuối chiều qua, giá USD bán ra đã tăng thêm 10 VND, hiện ít phổ biến ở mức 21.255 VND. Đây cũng là mức cao nhất trong hơn hai tháng qua, sau lần biến động từ hiệu ứng đồn đoán trên thị trường liên ngân hàng cuối tháng 7/2014.


Mức giá trên vẫn nằm sâu dưới trần biên độ cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng và các mức niêm yết của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn không thay đổi. Chênh lệch giá mua vào - bán ra của các ngân hàng thương mại vẫn ổn định, từ 50-70 VND tùy hình thức mua ngoại tệ mặt hay chuyển khoản.


Tuy nhiên, nếu so với sự ổn định hai tuần trước, giá USD hiện đã tăng từ 30-35 VND chỉ trong một thời gian ngắn. Nhất là diễn biến ngay đầu giờ sáng nay, có thể xem là sự nhạy cảm của tỷ giá trước một số thông tin có ảnh hưởng.


Trước hết, kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá có thể đã được thắp lại khi đầu tuần này, trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình định hướng có thể điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ 1-1,43% trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, mức điều chỉnh đã là 1%, tức vẫn còn khả năng điều chỉnh tiếp 0,43% còn lại.


Thứ hai, sau khi Ngân hàng Nhà nước “bật đèn xanh” cho tín dụng ngoại tệ, tăng trưởng cho vay bằng ngoại tệ đã liên tiếp tăng cao trong những tháng gần đây; đến cuối tháng 9/2014 đã tăng tới hơn 20% so với cuối 2013.


Vay ngoại tệ luôn phải đổi diện hoặc phải dự phòng rủi ro biến động tỷ giá. Sự nhạy cảm trước thông tin cũng một phần có ở đây.


Thứ ba, quan trọng hơn, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 chiều qua (30/9), thông điệp đưa ra khá rõ ràng là Thủ tướng sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước để xem xét điều chỉnh lãi suất VND.


Lãi suất có ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ giá, nhất là trong cân đối lãi suất VND và USD ngày càng co hẹp. Theo đó, thông điệp từ Chính phủ là có sức nặng lớn nhất lúc này đối với độ nhạy của tỷ giá USD/VND.


Tuy nhiên, khả năng và mức độ giảm lãi suất cũng cần được đánh giá theo thực tế. Hiện lãi suất huy động VND phần lớn đã thả nổi các kỳ hạn dài, chỉ còn áp trần 6%/năm các kỳ hạn dưới 6 tháng. Mà vài tháng gần đây, nhiều ngân hàng thương mại chiếm thị phần huy động lớn đã chủ động áp thấp hơn hẳn so với mức trần 6%/năm này.


Theo đó, nếu hạ trần lãi suất huy động VND, nó chủ yếu chỉ mang tính định hướng hơn là mức độ tác động trực tiếp đối với chính sách lãi suất của các ngân hàng thương mại.


Nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành (như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường mở…), thì ngoài tính định hướng, tác động sẽ là đáng kể.


Về khả năng giảm lãi suất, trả lời đại biểu Quốc hội đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng dự phòng: “Chúng ta chỉ còn lại duy nhất một mức lãi suất là mức lãi suất trần 6 tháng, 6%/năm. Trên thực tế cũng chỉ là định hướng về lạm phát, còn thực tế đã có nhiều tổ chức tín dụng đã huy động thấp hơn mức đấy rất nhiều. Nếu chúng ta đưa mức lãi suất trần này xuống, ví dụ 5% để cho phù hợp với diễn biến lạm phát của năm nay thì kỳ vọng lạm phát của chúng ta như đã trình bày ở trên còn ở mức cao hơn”.


“Nếu chính sách của chúng ta không ổn định thì tạo ra chấp chới, tạo ra mất niềm tin của nhân dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến này của đại biểu Quốc hội (về giảm lãi suất), tiếp tục phân tích và theo dõi sát tình hình, khi các điều kiện cho phép thì chúng tôi sẽ tiến hành”, Thống đốc nói.


Còn nếu qua buổi làm việc với Thủ tướng, các lãi suất điều hành phải giảm ngay, ngoài những tác động của nó (ở đây là mối liên hệ với tỷ giá), thì còn là vấn đề về tính độc lập và chủ động điều hành của Ngân hàng Trung ương.


Theo Vneconomy




Nợ xấu tại Việt Nam đã từng 'trốn' như thế nào?

Nợ xấu tại Việt Nam đã từng 'trốn' như thế nào?
Trong tổng số nợ cơ cấu lại hơn 300 nghìn tỷ đồng thì có khoảng 157 nghìn tỷ, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, nếu không tiến hành cơ cấu lại nợ thì đã trở thành nợ xấu. Đó cũng là một tiềm năng chuyển thành nợ xấu và làm cho nợ xấu tăng lên.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn con số tuyệt đối rất lớn tại thời điểm 9/2012 có lẽ cũng để nhấn mạnh kết quả đã xử lý được. Đó là trong 3 năm qua, hệ thống đã xử lý được 249.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu so với con số nợ xấu vào tháng 9/2012, mức độ đã xử lý được khá cao, đạt 53,6%.


Cũng trong 3 năm qua, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro khá lớn, trung bình mỗi năm trích được 70.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu. “Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã phần lớn không chia cổ tức và dành luôn nguồn vốn này để dự phòng vốn điều lệ, để nâng cao thêm năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc cho biết, cũng như thực tế mất hút cổ tức tại nhiều ngân hàng lớn nhỏ những năm gần đây.


Như trên, trong 3 năm đã xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng nợ xấu, chuyển qua công ty VAMC là khoảng 86.000 tỷ đồng, thì số còn lại chủ yếu sẽ được tiếp tục xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng. Đến hết tháng 7/2014, số dự phòng mà họ đã trích lập đã được 78.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ dồn đến cuối năm nay tiếp tục xử lý một lần nữa.


Ngoài mức độ xử lý trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khá lạc quan về tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu, khi có giá trị cao gấp 2 lần so với giá trị các khoản nợ xấu.


“Điều đó thể hiện rằng về mặt giá trị tài sản cũng như về mặt khả năng của các tổ chức tín dụng đã hết sức tích cực trong thời gian vừa qua”, ông Bình nói.


Dù việc xử lý được tư lệnh ngành ngân hàng cho là tích cực như vậy, nhưng nợ xấu vẫn cứ tăng những tháng đầu năm nay. Như báo cáo đã gửi đến các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Thống đốc Bình một lần nữa lý giải cho xu hướng.


Theo ông, thường thì các tổ chức tín dụng sẽ tập trung xử lý nợ xấu vào dịp cuối năm, khi họ hạch toán thu chi của cả năm biết được lợi nhuận, lỗ lãi, phần trích lập dự phòng rủi ro và khi đó họ tiến hành xử lý nợ xấu. Do vậy nợ xấu thường giảm mạnh vào ngày 31/12 hàng năm khi các ngân hàng đã trích lập và xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.


Trong năm do các khoản nợ trước đây đến hạn chưa trả được thì nợ lại tích tụ những khoản nợ xấu và tăng dần lên trong năm. Đặc biệt là tháng 6/2014, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng Thông tư 02 và Thông tư số 09, hai văn bản quy phạm pháp luật nâng tầm hoạt động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng một cách chặt chẽ hơn, phù hợp hơn so với các thông lệ quốc tế. Vì quy định chặt hơn nên nợ xấu theo các quy định mới cũng gia tăng hơn.


Nhưng với tốc độ xử lý như hiện nay, với quyết tâm của các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dự tính nợ xấu đến cuối năm theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở mức khoảng trên 3%; theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm được về xung quanh mức 6%.



Không tái cơ cấu, bất động sản sẽ tái diễn đầu cơ, tăng giá vô tội vạ

Không tái cơ cấu, bất động sản sẽ tái diễn đầu cơ, tăng giá vô tội vạ


Nhìn lại chặng đường thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá: Xác định nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế là sự chuyển hướng đúng đắn. Tuy nhiên, bắt tay vào làm thực tế đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.


Vì theo ông Doanh, để thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế, nếu chỉ chọn 3 lĩnh vực then chốt hiện tại là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực tài chính, ngân hàng, thì khó đạt mục tiêu đề ra, mà cần tái cơ cấu thêm 2 lĩnh vực then chốt khác là ngân sách nhà nước và lĩnh vực bất động sản, để bổ trợ tốt cho 3 lĩnh vực tái cơ cấu hiện tại.


Ông Doanh cho rằng, quá trình triển khai tái cơ cấu 3 lĩnh vực hiện tại cho thấy “đụng” rất nhiều đến các lĩnh vực ngân sách nhà nước và bất động sản. Nếu không bổ sung tái cơ cấu hai lĩnh vực trên, thì việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực hiện tại sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc.


Dẫn chứng cụ thể về thị trường BĐS, ông Doanh cho biết: Về thị trường bất động sản, theo đánh giá của Công ty Nomura, lên đến 21 tỷ USD (4,4 triệu tỷ VNĐ), nhưng lại bị chôn một số vốn tín dụng khổng lồ với rất nhiều yếu tố tiêu cực như lừa đảo, chiếm dụng vốn, tỷ lệ đút lót, lại quả rất cao, phải cần đến khoảng 7 năm để giải quyết.


Thực trạng này có liên quan mật thiết đến nợ xấu và hoạt động ngân hàng, nhưng ông Doanh lo lắng là, hiện vẫn không có đề án tái cơ cấu lĩnh vực này một cách toàn diện và có hệ thống mà chỉ có dự án cho vay với tổng số vốn là 30.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ giải ngân của gói này cũng rất chậm và chỉ có tác động rất “khiêm tốn” đến việc giải tỏa kho bất động sản đang tồn đọng trên thị trường.


Các vấn đề khác của thị trường bất động sản được đề cập riêng lẻ trong những đề án khác như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở trong khi công luận đã phát hiện những chồng chéo, vướng mắc giữa các luật trên. Kết quả là bong bóng bất động sản tiếp tục tác động đến cục máu đông nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.


Trước thực trạng này, ông Doanh quan ngại rằng: “Nếu không tái cơ cấu lĩnh vực bất động sản, mà chỉ triển khai các gói hỗ trợ như hiện tại, thì vẫn tiếp diễn tình trạng đầu cơ, tăng giá vô tội vạ, thậm chí lừa đảo... và lại gây tác hại lớn cho kinh tế và xã hội”.


Còn về lĩnh vực thu – chi ngân sách nhà nước, ông Doanh cảnh báo: Hiện tình trạng bội chi vượt xa dự toán, nợ công tăng nhanh, thu ngân sách không đủ để trang trải chi thường xuyên, phải vay mới để trả nợ cũ.


Đây chính là “những đòi hỏi bức bách phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, kiểm soát chi ngân sách có hiệu quả, khắc phục tình trạng chi tiêu ngân sách lãng phí”- ông Doanh nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không được thể hiện trong một đề án tái cơ cấu ngân sách mà chỉ được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội và thực hiện trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách với những tác động rất hạn chế trong thực tế.


Do đó, ông Doanh đề nghị Quốc hội cần thực hiện quyền giám sát thu, chi ngân sách nhà nước có hiệu lực hơn và ban hành một kế hoạch tái cơ cấu và cải cách hệ thống ngân sách nhà nước./.


Theo Vov




Sẽ trở lại đỉnh cũ

Sẽ trở lại đỉnh cũ


Các chỉ số chứng khoán quan trọng, đặc biệt là VN-Index và VN30 đã điều chỉnh khá mạnh trong thời gian gần đây. Tính từ mức điểm cao nhất xác lập vào ngày 3/9 đến giá đóng cửa ngày 30/9, hai chỉ số này đã sụt giảm lần lượt 7,1% và 5,9%. Dự báo, thị trường sẽ sớm tăng điểm trở lại. Lực hỗ trợ từ yếu tố vĩ mô


Theo quan sát của chúng tôi, các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số như VIC, GAS, VNM, MSN giảm giá khá mạnh trong tháng 9, do trước đó giá có xu hướng tăng cao, trở thành là nhân tố chính dẫn tới nhịp điều chỉnh vừa qua của chỉ số, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình vẫn được nhiều nhà đầu tư mua vào. Chỉ số VNMidcap hôm qua (30/9) thậm chí tăng 1,2% so với ngày 3/9 (thời điểm VN-Index và VN30 xác lập đỉnh ngắn hạn).


Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đối với sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng vẫn đang được cải thiện, thể hiện ở việc họ tiếp tục mua vào những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt và thị giá không quá cao. Chúng tôi cho rằng, điều này là có sơ sở, khi những dữ liệu kinh tế tiếp tục hỗ trợ cho thị trường.


Số liệu vừa được công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, nền kinh tế trong quý III đã diễn biến tốt hơn so với kỳ vọng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 6,19% trong quý III, cao hơn so với mức tăng 5,42% trong quý II và 5,09% trong quý I. GDP tăng mạnh trong quý III đã giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,62%, cao hơn so với mức tăng 5,14% của cùng kỳ năm ngoái.


Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cả nước (IIP) tính chung 9 tháng đầu năm 2014 ước tăng 6,7%, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm 2013. Đây là mức tăng đáng khích lệ, vượt cả mức tăng của GDP cả nước 9 tháng qua.


Bên cạnh đó, tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối tháng 9/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt xấp xỉ 7%, cao hơn mức tăng 6,87% của 9 tháng đầu năm 2013. Theo Thống đốc, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% cả năm có khả năng đạt được do tăng trưởng tín dụng quý IV tăng 5,5 - 6% là khả thi. Điều này có nghĩa, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có những tín hiệu khởi sắc.


Do đó, chúng tôi cho rằng, TTCK hiện tại không có lý do để điều chỉnh quá mạnh. Sự giảm điểm nếu có của thị trường do tác động của các cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư trung và dài hạn tích lũy những mã có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng sản xuất - kinh doanh tích cực ở các mức giá hợp lý.


VN-Index có khả năng hồi phục lên vùng 610 - 620 điểm


Sau gần 1 tháng điều chỉnh, VN-Index hiện đang kiểm tra vùng hỗ trợ cho xu hướng trung hạn tại 590 - 595 điểm, hình thành bởi đường trung bình động 100 ngày (MA100). Đây cũng là vùng hỗ trợ tạo bởi ngưỡng Fibonacci Retracement 38,2% tính cho giai đoạn tăng trưởng của chỉ số sàn HOSE từ tháng 5 đến tháng 9/2014.


Theo quan sát của chúng tôi, VN-Index đã xuất hiện hai nhịp kiểm tra vùng hỗ trợ này vào ngày 25/9 và 30/9. Lực cầu tốt tại vùng giá thấp đã giúp cho chỉ số hồi phục trở lại và xuất hiện những tín hiệu đảo chiều xu hướng, là các nến dạng Bullish Hammer và Spinning Top. Xác suất đảo chiều của VN-Index được gia tăng khi các chỉ báo động lượng ngắn hạn (momentum indicators) cho thấy, chỉ số đang tiến vào vùng quá bán.


Do đó, chúng tôi dự báo, VN-Index sẽ sớm tăng điểm trở lại trong những phiên giao dịch tới và trước mắt, hướng lên vùng kháng cự 610 - 620 điểm. Thậm chí, nếu các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, GAS hay MSN hồi phục tốt, chỉ số sàn HOSE có thể quay trở lại vùng đỉnh cũ quanh 640 điểm.


Theo Stockbiz




Ông Ngô Thế Hiển (SHS): Kịch bản xấu nhất là VN-Index về vùng hỗ trợ 580-585

Ông Ngô Thế Hiển (SHS): Kịch bản xấu nhất là VN-Index về vùng hỗ trợ 580-585


Ông Ngô Thế Hiển – Phó Trưởng phòng Phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng kịch bản xấu nhất là VN-Index có thể lùi về vùng hỗ trợ 580-585 điểm trước khi bật trở lại.


Rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn liên quan tới áp lực điều chỉnh tại nhóm các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Theo đó, áp lực này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và điều này sẽ tác động khá tiêu cực lên tâm lý chung của thị trường.


Với rủi ro này, kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là VN-Index lùi về vùng hỗ trợ 580-585 điểm trước khi bật trở lại”, ông Hiển nói thêm.


Khi đó, nhà đầu tư nên dừng trạng thái đầu tư ngắn hạn, không mua vào cổ phiếu đầu cơ. Đối với nhà đầu tư dài hạn thì nên xem xét mua cổ phiếu tốt đã điều chỉnh mạnh, ưu tiên cổ phiếu dự báo có kết quả kinh doanh quý 3/2014 tích cực.


Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh rằng xu hướng chung của thị trường trong các tháng còn lại của năm 2014 vẫn là tích cực mặc dù chỉ số VN-Index đã tăng trưởng rất mạnh trong suốt 3 quý đầu năm và hiện đã dừng bước ở mốc cao nhất 640 điểm.


Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm, yếu tố tích cực tác động tới thị trường vẫn là tình hình vĩ mô tiếp tục ổn định, những tín hiệu nền kinh tế Việt Nam phục hồi từ đáy sẽ tiếp tục xuất hiện. Thị trường cũng sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp nhằm làm tăng tính hấp dẫn của chứng khoán, tiêu biểu là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.


Ngoài ra, lộ trình cổ phần hóa (IPO) các doanh nghiệp quốc doanh lớn được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tiêu biểu như IPO Vietnam Airlines trong thời gian tới giúp thu hút sự quan tâm của dòng vốn ngoại và sẽ có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.


Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn “hút” nhà đầu tư


Trong quý vừa qua, dễ nhận thấy là dòng tiền chảy mạnh vào nhóm dầu khí. Giải thích nguyên nhân này, ông Hiển cho biết, cổ phiếu dầu khí tăng mạnh trong thời gian qua đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư về tiềm năng phát triển của các công ty trong nhóm này khi hàng loạt các dự án hóa lọc dầu đang và sẽ triển khai với giá trị rất lớn.


Bên cạnh đó, thông tin về việc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hoạt động khoan và thăm dò khai thác trong thời gian tới hứa hẹn tiếp tục đem lại mức lợi nhuận đột biến cho các doanh nghiệp trong tập đoàn.


Từ nay tới cuối năm, ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ vẫn tiếp tục là điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư thì một số ngành khác như thủy sản, cảng biển, dịch vụ logistic là những ngành đáng quan tâm do tận dụng được cơ hội từ sự gia tăng của hoạt động thương mại xuất nhập khẩu”, ông Hiển nhận định.


Ngoài ra nhóm các doanh nghiệp trong ngành chứng khoán với những diễn biến tích cực của thị trường chung trong quý 3 được kỳ vọng sẽ ghi nhận những kết quả tích cực cũng sẽ là nhóm cổ phiếu cần theo dõi.


Margin đã giảm đáng kể


Trở lại với hoạt động margin trên thị trường hiện này, ông Hiển cho biết rủi ro giải chấp chỉ xuất hiện khi thị trường điều chỉnh mạnh, tạo áp lực bán giải chấp tại các tài khoản đã mua ở giá cao nhằm thu hồi tiền vay chứng khoán.


Tỷ lệ margin trên thị trường đã giảm đáng kể nhất là trong các phiên giảm điểm vừa qua khi nhà đầu tư đã chủ động bán ra đối với các tài khoản sử dụng margin cao. Hiện tại margin đã ở mức không quá đáng lo ngại nên ít có khả năng thị trường trồi sụt quá mạnh bởi hoạt động này.


Theo Vietstock




Quỹ ETF đem lại công bằng cho nhà đầu tư cá nhân trong cuộc đua với NĐT tổ chức

Quỹ ETF đem lại công bằng cho nhà đầu tư cá nhân trong cuộc đua với NĐT tổ chức


Là một bước tiến của nhà quản lý trong việc đa dạng sản phẩm đầu tư cho thị trường nhưng quỹ đầu tư chỉ số ETFs “made in Việt Nam” dường như chỉ là miền đất hứa của các nhà đầu tư tổ chức.


Như một bài viết trước đây đã đề cập, do tập quán “thích tự đầu tư”, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân đối với sản phẩm này rất thấp. Những nhà đầu tư nhỏ cho biết họ chưa tìm hiểu về ETFs nội hoặc có tìm nhưng chưa thực sự hiểu lắm, và dù sao cũng không có ý định mua chứng chỉ quỹ (CCQ). Nhiều nhà đầu tư lớn được xếp vào hàng VIP tìm hiểu chuyên sâu và kỹ càng hơn nhưng người thì khẳng định không mua CCQ do không tin tưởng, người cho rằng cần phải theo dõi hoạt động của các quỹ trong một thời gian xem sao.


Ngay tại buổi Hội thảo “Cơ hội từ ETF cho nhà đầu tư cá nhân” do Công ty chứng khoán VnDirect và Sở giao dịch Hà Nội HNX phối hợp tổ chức vào ngày 30/09, khi chúng tôi hỏi chuyện một số nhà đầu tư đến tham dự hội thảo, cũng vẫn nhận được ý kiến tương tự. Thích tự đầu tư để dễ dàng kiểm soát tài khoản của mình, không tin vào sự “minh bạch” của bất kỳ quỹ nào là những lý do mà nhà đầu tư trung niên tên K. ở Hà Nội nêu ra.


Trong một lần trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Hoài Giang – Phó Tổng giám đốc của CTCK Hồ Chí Minh lý giải điều này là do nhà đầu tư cá nhân chưa biết nhiều về ETF như ETF là gì, giao dịch như thế nào, hoán đổi danh mục như thế nào, lợi ích là gì? Chính vì thế, việc tuyên truyền quảng bá cho nhà đầu tư và trước hết là cho đội ngũ bán hàng của CTCK phải cố hơn nữa. Ông Giang cho rằng mặc dù “thích tự đầu tư” là tập quán khó bỏ nhưng thời gian sẽ giúp NĐT tìm hiểu, làm quen và sử dụng sản phẩm này. Đây là trào lưu trên thế giới trong việc đầu tư thụ động và có thể tương lai tại Việt Nam, các NĐT sẽ theo trào lưu.


Song nhìn lại, cũng có không ít người (đáng chú ý là người cao tuổi nhiều hơn) rất quan tâm đến việc đầu tư vào quỹ ETF. Tại Hội thảo, các nhà đầu tư đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề hoạt động của ETF, cách thức mua chứng chỉ quỹ, số vốn cần thiết để có thể mua được CCQ trên thị trường sơ cấp… Điều này thể hiện hoạt động của ETF đang dần nhận được sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư.


Ông Nguyễn Trung Du - Giám đốc Môi giới tư vấn của CTCK VNDirect nhận xét, sau khi các cơ quan quản lý Nhà nước chấp thuận và tạo hành lang hỗ trợ sự phát triển của các Quỹ ETF thì loại hình quỹ này sẽ sớm bùng nổ trong thời gian tới.


“Tôi cho rằng với một thị trường ngày một chuyên nghiệp và khó hơn cho nhà đầu tư cá nhân thì ETF sẽ sớm trở thành lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới với các chuỗi Hội thảo về ETF sẽ giúp nhà đầu tư nâng tầm hiểu biết về các quỹ này và có thêm nhiều kênh đầu tư để lựa chọn.” – ông Nguyễn Trung Du nhận định.


Với loại hình ETF, nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp vào các chứng chỉ quỹ hoặc mua lại các chứng chỉ quỹ này khi được niêm yết trên các Sở giao dịch. Theo ông Du, đối với nhiều nhà đầu tư thì việc lựa chọn các cổ phiếu khi thị trường thuận lợi cũng là một khó khăn lớn. Trong khi đó ETF là một danh mục đa dạng và mô phỏng các chỉ số nên nếu nhà đầu tư nhận thấy các cơ hội của thị trường chung và khó khăn trong việc tự giao dịch thì ETF là một lựa chọn tốt. Mức sinh lợi từ các ETF thường sẽ không quá cao với kỳ vọng lãi nhiều lần của nhà đầu tư nhỏ nhưng lại an toàn và ổn định hơn.


Tuy nhiên, rủi ro khi đầu tư vào các ETF là việc dự đoán sai xu hướng thị trường bởi các ETF cũng chỉ là một hình thức mô phỏng thị trường một cách thụ động, không tránh khỏi thiệt hại khi TTCK suy giảm. Song, nhà đầu tư có thể hạn chế các rủi ro bằng cách đặt các mức cắt lỗ để thu tiền về khi thấy thị trường không thuận lợi.


ETF là một sản phẩm hiện đại đã quen thuộc trên thị trường tài chính quốc tế nhưng tại Việt Nam thì thực sự mới mẻ. Quả thực như lời ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Dịch vụ chứng khoán của VNDirect nói: “Với quy mô lớn, ETF là một sản phẩm đem lại sự công bằng cho nhà đầu tư cá nhân trong cuộc đua với nhà đầu tư tổ chức”. Thiết nghĩ thời gian là điều cần thiết cho sự phát triển của một sản phẩm và nhà đầu tư không nên bỏ qua việc tìm hiểu bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường.


Bảo Ngọc



Thu NSNN 9 tháng đạt 81,3% dự toán

Thu NSNN 9 tháng đạt 81,3% dự toán


Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 9 ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng đạt 427,89 nghìn tỷ đồng, bằng 79,4% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong số đó đã thu vào NSNN khoảng 32,5 nghìn tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận còn lại của các DNNN theo số quyết toán năm 2013 và phát sinh 6 tháng đầu năm 2014 theo Nghị định số 204/2013/NĐ-CP của Chính phủ.


Đồng thời, đã thu khoảng 1,83 nghìn tỷ đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp phát sinh trong quý III-2013 của một số đối tượng doanh nghiệp đã được gia hạn 3 tháng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, nay đến hạn phải nộp.

Thu từ dầu thô tháng 9 ước đạt 8,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đạt 79,78 nghìn tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2013.


Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện tháng 9 ước đạt 12,96 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 9 tháng đạt 125,1 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013.


Theo đánh giá của Bộ Tài chính, công tác thu NSNN 9 tháng đầu năm kết quả đạt khá. Cơ quan Thuế, Hải quan đã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp quản lý thu NSNN; tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế Giá trị gia tăng, tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, ngành hàng có rủi ro cao về thuế.


Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu quyết liệt thực hiện mục tiêu giảm số giờ kê khai nộp thuế, tăng số doanh nghiệp khai thuế điện tử và số địa phương nộp thuế điện tử, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp và người dân...


Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 85,41 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 9 tháng ước đạt 768 nghìn tỷ đồng, đạt 76,3% dự toán, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013.


Trong đó chi đầu tư phát triển tháng 9 ước đạt 13,36 nghìn tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% dự toán, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2013. Đến hết tháng 9-2014, vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN đã giải ngân (bao gồm cả tạm ứng vốn theo chế độ) đạt 78,5% dự toán (cùng kỳ năm 2013 đạt 63,8%); vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt xấp xỉ 71,5% kế hoạch (cùng kỳ năm 2013 đạt 68,6%).


Chi trả nợ và viện trợ 9 tháng đạt 101,86 nghìn tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013, đảm bảo thanh toán đầy đủ và kịp thời các khoản nợ đến hạn.


Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 9 tháng đạt 538,07 nghìn tỷ đồng, bằng 76,4% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013.


Tính đến hết tháng 9-2014, tổng nguồn dự phòng NSTW năm 2014 đã sử dụng và dự kiến sử dụng khoảng 8.341 tỷ đồng, bằng 80,9% dự toán ( trong tổng số 10.300 tỷ đồng), nguồn còn lại khoảng 1.959 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng ưu tiên sử dụng để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh.


Bội chi NSNN tháng 9 ước 28,15 nghìn tỷ đồng; lũy kế 9 tháng 131,99 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.


Theo Dautuchungkhoan




Gỡ 'cục máu đông' nợ xấu ở Việt Nam cần 'kháng sinh' liều cao

Gỡ 'cục máu đông' nợ xấu ở Việt Nam cần 'kháng sinh' liều cao


Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đối với nợ xấu hiện nay không chỉ ở con số chính xác là bao nhiêu mà nó đã và sẽ được giải quyết như thế nào.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt lên hàng đầu trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Chính phủ ban hành hồi đầu năm 2012.


Nhìn một cách tổng thể thì đây không còn là vấn đề riêng của ngành ngân hàng mà nó đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các Bộ, ngành liên quan.


Nỗ lực từ phía ngân hàng


Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bản thân các tổ chức tín dụng cũng tích cực xử lý nợ xấu.


Số liệu của 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, các tổ chức tín dụng xử lý được tổng số nợ xấu khoảng 33.000 tỷ đồng, trong đó có thu nợ từ khách hàng, bán phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro.


Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho hay, Vietinbank trong thời gian qua đã quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để tăng cường trích lập dự phòng nhằm xử lý rủi ro. Trong thời gian gần đây, ngân hàng cũng đã rà soát các danh mục, các khoản nợ không sinh lời, nợ xấu để có giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp đàm phán và bán nợ xấu cho VAMC.


Cụ thể hơn, Tổng giám đốc Vietinbank cho biết, với những khoản nợ được xác định là nợ xấu, ngân hàng cũng đã có những giải pháp tích cực để xử lý tối ưu nhất.


Với những khách hàng còn khả năng phát triển hoạt động kinh doanh, nếu có phương án khắc phục được khó khăn thì Vietinbank có thể cùng với doanh nghiệp xây dựng phương án để vượt qua khó khăn đó đồng thời ngân hàng cũng xem xét và tái cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp, có thể điều chỉnh lại thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ cũng như lãi suất.


Với những khoản nợ mà không còn có những biện pháp để có thể tái cơ cấu, Vietinbank áp dụng những biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý, thu hồi nợ trên tinh thần chủ động phối hợp với khách hàng. Trong trường hợp cần thiết, có thể phối hợp với cơ quan pháp luật.


Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.


Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng để rà soát lại những vướng mắc tại Nghị định 53 về xử lý nợ xấu của Chính phủ, để sửa đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình này.


Lấy tiền ở đâu để xử lý?


Để xử lý nhanh và dứt điểm “cục máu đông” nợ xấu cần nhiều nguồn lực; trong đó vấn đề tài chính được chú ý hơn cả. Điều đó đã được nhiều chuyên gia và nhà quản lý đề xuất cho lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế còn đang trong tình trạng khó khăn, ngân sách còn hạn chế thì đây lại là vấn đề không đơn giản.


Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chính sách kinh tế (VEPR) – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, để có tiền xử lý nợ xấu, cũng như có nguồn để “bơm” vốn cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thì cần “bơm” tiền trực tiếp từ ngân sách vào hệ thống ngân hàng.


Tuy nhiên, theo ông Thành, phương thức này khó khả thi do ngân sách liên tục thâm hụt. Do vậy, trong trường hợp này Chính phủ có thể cân nhắc lấy một phần từ tiền bán tài sản của doanh nghiệp Nhà nước (việc này đã thực hiện từ đầu năm 2014).


Giải pháp thứ 2 mà tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đề xuất là thay đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến phát mãi, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu. Đặc biệt cần trao thêm những quyền đặc biệt cho VAMC để công ty này có thể thực hiện việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.


Với giải pháp thứ 3, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành đề xuất sử dụng một phần nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước để trực tiếp xử lý các ngân hàng thương mại có vấn đề và các khoản nợ xấu có liên quan. Quá trình này có thể đi liền với quá trình quốc hữu hóa tạm thời hoặc yêu cầu sáp nhập một số ngân hàng hoạt động kém lành mạnh. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, giá tài sản tăng trở lại thì Ngân hàng Nhà nước có thể bán lại phần tài sản đã được quốc hữu hóa.


Giải pháp thứ 4 được Giám đốc VEPR đưa ra nếu 3 “kế sách” trên không thể triển khai, là vay tiền từ các tổ chức quốc tế. Ông Thành cho rằng, đây là sự lựa chọn “bất đắc dĩ, không ai muốn nhưng có thể cân nhắc khi cả 3 phương án trên đưa ra không làm được.”


Còn tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì “hiến kế” nên tập trung vào “”giải cứu” thị trường bất động sản. Ông Thành lý giải tài sản đảm bảo trong nợ xấu hiện nay cơ bản nằm trong bất động sản. Để xử lý được nợ xấu thì phải kích thích thị trường này giao dịch sôi động trở lại. Với việc thừa nguồn “cung”, đặc biệt là phân khúc trung – cao của thị trường bất động sản, việc mở cửa tăng “cầu” cho thị trường này sẽ góp phần quan trọng cho xử lý nợ xấu.


Ba kịch bản xử lý nợ xấu


VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc bán nợ, bán tài sản và hướng tới mua theo giá thị trường. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC. Trên cơ sở đó, ông Hùng đã đưa ra ba phương án xử lý nợ xấu từ 2016 trở đi.


Phương án thứ nhất mà Chủ tịch VAMC đề xuất là sẽ hạn chế mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt mà chuyển dần sang phương thức mua bán nợ xấu theo giá thị trường có được thông qua cơ chế phát hành trái phiếu, tín phiếu hoặc vay vốn nước ngoài để mua nợ xấu mới phát sinh.


Với những khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC tiến hành đánh giá, phân loại từng khoản nợ và tài sản đảm bảo để phát mại cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời VAMC có thể mua luôn khoản nợ xấu đó theo giá thị trường với điều kiện đảm bảo kinh doanh không lỗ sau khi trừ các khoản phí.


“Theo phương án này, việc xử lý nợ xấu vẫn không phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước,” ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.


Ở phương án thứ hai, Chủ tịch VAMC đề nghị Chính phủ trao cho công ty này quyền hạn đặc biệt xử lý nợ xấu triệt để trong việc thu giữ, phát mại, đấu giá khoản nợ/tài sản và cho phép VAMC phát hành trái phiếu có thể chuyển đổi, thế chấp, cầm cố để mua nợ xấu đối với những khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Riêng đối với các khoản nợ xấu mới phát sinh, VAMC mua theo giá thỏa thuận tại thời điểm mua nợ và có thể trả bằng tiền.


Cơ sở để triển khai phương án này theo ông Nguyễn Quốc Hùng là đến năm 2016, các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro khoản nợ được 40% giá trị, cộng với số đã trích rủi ro trước khi bán tối thiểu 5% giá trị, như vậy tổ chức tín dụng đã trích được tối thiểu 45% giá trị khoản nợ. Với điều kiện này, việc VAMC mua khoản nợ theo giá thị trường sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác, để tránh thiệt thòi cho khách hàng và tổ chức tín dụng, trường hợp VAMC bán nợ đã mua có giá trị tăng thêm, giá trị này sẽ được chia cho tổ chức tín dụng tối thiểu theo tỷ lệ chênh lệch VAMC 30%, tổ chức tín dụng 70%.


“Phương án này có thể xử lý dứt điểm ngay nợ xấu và tổ chức tín dụng sẽ nhận được trái phiếu chuyển đổi để cầm cố, thế chấp vay tại Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng khi thiếu thanh khoản, hoặc tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế. Mặt khác, tổ chức tín dụng vẫn được chia sẻ lợi nhuận khi VAMC bán nợ,” ông Hùng nhận định.


Với phương án thứ 3, ông Hùng đề xuất: Trường hợp khó khăn không huy động được vốn, không phát hành được trái phiếu và tín phiếu cũng như vay vốn từ các tổ chức quốc tế thì từ năm 2016, Chính phủ cần trao cho VAMC quyền năng thật đặc biệt để xử lý khối nợ xấu tối thiểu là 150.000 tỷ đồng đã mua, đồng thời cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành cũng tham gia hỗ trợ VAMC để nhanh chóng xử lý dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trường hợp đặc biệt mới chuyển trả tổ chức tín dụng sau 5 năm bán nợ.


Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành ví hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay như một “bệnh nhân.” Nếu “căn bệnh” nặng vừa đủ thì hệ thống ngân hàng có thể chữa lành thông qua hệ thống kháng thể của riêng mình, nhưng nếu “căn bệnh” quá nặng thì buộc phải có sự can thiệp từ bên ngoài, như tiêm kháng sinh hoặc dùng thêm các thuốc đặc trị.


“Dù áp dụng bất cứ giải pháp nào trong số các giải pháp nêu trên, thì cũng cần lưu ý rằng việc giải quyết nợ xấu không phải là việc riêng của Ngân hàng Nhà nước mà là bài toán tổng thể của cả nền kinh tế. Bởi quá trình giải quyết nợ xấu cần đi liền với sự phục hồi sức sống của khu vực doanh nghiệp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Gỡ được nợ xấu mới nói tới chuyện tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo,” tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nói.


Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho biết đến tháng 10 tới, Quốc hội sẽ báo cáo về giám sát tối cao đối với lĩnh vực đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu tổ chức tín dụng.


“Chúng tôi sẽ cùng Chính phủ và các bên liên quan đánh giá lại và tiếp tục khẩn trương trong năm 2015 đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu," tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên khẳng định./.


Theo Stockbiz




Kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc ở mức 'khủng'

Kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc ở mức 'khủng'


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc ước tính đạt 31,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013. Nhập siêu từ thị trường này đã lên tới khoảng 20 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.


Trong khi đó, nhập khẩu từ ASEAN đạt 17 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 15,6 tỷ USD, tăng 3,5%; Nhật Bản đạt 9,1 tỷ USD, tăng 7,4%; EU đạt 6,5 tỷ USD, giảm 7,1%; Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, tăng 20,5%.


Qua đó, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước 9 tháng đầu năm lên 107,2 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 12,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,3 tỷ USD, tăng 9,8%.


Chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng ước tính đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Khu vực kinh tế trong nước đạt 36,6 tỷ USD, tăng 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73 tỷ USD, tăng 14,1%.


Tính chung 9 tháng, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 12,7 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỷ USD.


Theo đánh giá của cơ quan thống kê, xuất siêu ở mức cao cho thấy việc tiếp cận thị trường ngoài nước đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam đã có nhiều cải thiện, góp phần ổn định tỷ giá, cung cầu ngoại tệ trong nước. Tuy nhiên, xuất siêu chủ yếu vẫn thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với hàng gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu là chính cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta mang lại hiệu quả chưa cao và thiếu tính bền vững.


Theo Diễn đàn Doanh nghiệp




Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Không 'trao' đồng nào thì phải 'đổi lại' cho VAMC?

Không 'trao' đồng nào thì phải 'đổi lại' cho VAMC?

Sau loạt đề xuất của một số chuyên gia, đến lượt Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trực tiếp nói về những điều mà công ty xử lý nợ xấu đang cần.


“Cho đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa dùng 1% GDP nào để xử lý nợ xấu”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh khi trả lời đại biểu Quốc hội về hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chiều qua (29/9).

Đại biểu chất vấn, đã một năm hoạt động rồi, VAMC đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng việc xử lý thực sự thì nhỏ giọt. Vướng mắc ở đây là gì? Do năng lực thực hiện hay vướng mắc về cơ chế pháp lý trong mua bán nợ?


Trước chất vấn này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình dẫn một chi tiết đáng chú ý: để chuẩn bị cho phiên chất vấn, ông có mang theo một bản tài liệu, được nhấn mạnh là dày tới 29 trang, chủ yếu là tập hợp những vướng mắc pháp lý mà VAMC đang gặp phải.


Đã có khoảng một năm chuẩn bị, nhiều cuộc họp bàn và thảo luận về mô hình xử lý nợ này, cũng như đã có một năm thực tiễn triển khai, nhưng chỉ riêng những vướng mắc về cơ chế pháp lý đã dày đến như vậy.


Bản liệt kê trên hẳn sẽ được Ngân hàng Nhà nước gửi đến các cấp và đầu mối chuyên trách để hy vọng từng bước tháo gỡ.


Chi tiết dẫn chứng nói trên dừng lại ở đó. Không rõ trong 29 trang đó có phần nào đề cập đến những vướng mắc cơ chế pháp lý mà chính các tổ chức tín dụng đang hàng ngày gặp phải hay không.


Các tổ chức tín dụng mới chính là những đầu mối trực tiếp sống chung với nợ xấu, chịu áp lực trực tiếp về nợ xấu và đang tìm cách tự xử lý nợ xấu (qua giảm lợi nhuận và tăng trích lập dự phòng, thậm chí cả áp lực trách nhiệm pháp lý). Theo đó, nếu tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình xử lý cho họ cũng chính là tháo gỡ từ gốc.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng hướng đến việc có một đạo luật riêng cho VAMC, như ý kiến của một đại biểu Quốc hội đề cập khi chất vấn, nhưng nếu có thì đây là một lộ trình lâu dài.


Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tiến hành xây dựng một đạo luật riêng cũng nằm trong loạt đề xuất của một số chuyên gia xuất hiện gần đây. Có điều lạ, những đề xuất đó không có được từ sớm, từ hai năm trước (từ nghiên cứu mô hình đến vận hành thực tế), mà đến nay mới dồn dập như “một cuộc vận động” nào đó vậy (?).


Điểm chung của những đề xuất này là trao quyền năng đặc biệt để VAMC đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quyền năng đó là như thế nào, có mâu thuẫn với các cơ sở pháp lý khác không, có thể tạo ra cho riêng VAMC mà không xung đột lợi ích hợp pháp của các đối tượng khác, hiệu quả và sự cần thiết của nó như thế nào?


Tiếc rằng hiện chưa có những tham luận, ý kiến đầu tư phân tích và lập luận một cách xứng đáng cho các câu hỏi trên trong các dòng chảy thông tin công bố.


Và quan trọng hơn, nếu quyền năng đó hiệu quả và cần thiết, có mở rộng cho các tổ chức tín dụng được không, bởi họ mới là những đối tượng cần đẩy nhanh xử lý nợ xấu nhất?


Tháo gỡ những vướng mắc cơ chế pháp lý, xây dựng đạo luật riêng, trao thêm quyền năng đặc biệt cho VAMC dường như là một yêu cầu để đổi lại cho việc xử lý nợ xấu khi mà không chi một đồng nào từ ngân sách.


Tại phiên trả lời chất vấn chiều qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đề cập đến ý trên: nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC.


Bởi lẽ, như trên, ông Bình dẫn rằng, nhiều quốc gia trên thế giới ít thì dùng 7-10% GDP để xử lý nợ xấu, bình thường cũng dùng tới 20-30% GDP, thậm chí có quốc gia còn dùng tới khoảng 60% GDP…, còn Việt Nam thì chẳng dùng đến 1% GDP nào.


Theo đó, như loạt đề xuất của một số chuyên gia gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra yêu cầu về tăng năng lực tài chính cho VAMC. Trước mắt, ông Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ để tăng vốn điều lệ cho công ty này từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.


Về kết quả hoạt động của VAMC, đến nay số lượng nợ xấu mua lại đã được khoảng 60.000 tỷ đồng. Nếu được đáp ứng những yêu cầu trên, tổng quy mô mua lại đến năm tới, được đề cập trong nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc, có thể lên tới 200.000 tỷ đồng.


Nếu vậy, bằng lát cắt cơ học đó, một phần rất lớn nợ xấu được đưa ra ngoại bảng và tỷ lệ nợ xấu báo cáo sẽ giảm xuống, còn kết quả xử lý thực chất thế nào hẳn là phải chờ từng bước.



Ông Nguyễn Hồng Khanh (SBS): VN-Index sẽ trở lại 640-660 từ đây đến cuối năm

Ông Nguyễn Hồng Khanh (SBS): VN-Index sẽ trở lại 640-660 từ đây đến cuối năm


Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Hồng Khanh – Trưởng Phòng phân tích CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cho rằng VN-Index sẽ trở lại 640-660 điểm từ đây đến cuối năm nay.


Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần lễ giảm thứ hai liên tiếp và VN-Index điều chỉnh thêm 10 điểm về gần hơn ngưỡng 600. Theo ông Khanh, vùng hỗ trợ gần nhất của VN-Index hiện tại nằm trong biên độ 585 đến 605 điểm. Đây là vùng giá VN-Index đã tích lũy trong quãng thời gian gần một tháng từ tháng 7 đến tháng 8/2014.


Thời gian tới, khả năng thị trường tiếp tục dao động quanh vùng 600 – 610 điểm và có thể kéo dài trong vài tuần với sự phân hóa mạnh trong các nhóm cổ phiếu khi chờ kết quả kinh doanh quý 3/2014 sắp đến, ông Khanh nói thêm.


Với thông tin GDP 9 tháng vừa công bố tăng 5.62%, tăng hơn dự tính 5.54% của Bộ kế hoạch và đầu tư, đây là thông tin tích cực cho thấy nền kinh tế đang từng bước hồi phục và tăng tốc trong những tháng cuối năm. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng đang có dấu hiệu hồi phục khá rõ rệt. Vì vậy những ngành có liên quan lĩnh vực xây dựng và bất động sản sẽ là những ngành được quan tâm từ đây đến cuối năm.


Với kỳ vọng lạc quan một chút, tôi cho rằng VN-Index sẽ trở lại mốc 640-660 từ đây đến cuối năm”, ông Khanh chia sẻ.


Dòng tiền sẽ tăng mạnh trở lại vào cuối quý 4


Dòng tiền hiện tại so với thời điểm đỉnh cao giữa tháng 9 đã có biểu hiện sụt giảm, đặc biệt là tỷ lệ margin đang thấp dần. Thanh khoản chung dù vẫn ở mức trung bình nhưng đã giảm khoảng 30% so với đỉnh cao đầu tháng 9.


Ông Khanh cho rằng khả năng dòng tiền sẽ còn tiếp tục sụt giảm trong ngắn hạn sắp tới trước khi tăng mạnh trở lại vào cuối quý 4/2014.


Về tình hình sử dụng margin trên thị trường, khi thị trường đi vào xu hướng giảm thì dòng tiền sẽ di chuyển chậm lại. Một số nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu sẽ tiếp tục trạng thái chờ đợi trong khi những người đang giữ tiền sẽ giải ngân chậm lại và chờ đợi tín hiệu tăng tốc thật sự của thị trường. Đó là lý do khiến thanh khoản thị trường chung chững lại và tỷ lệ margin cũng thấp dần.


Trước xu hướng đó, ông Khanh chia sẻ: “Ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên giữ trạng thái margin vừa phải và chỉ ưu tiên giải ngân vào những cổ phiếu có tín hiệu tăng trưởng chắc chắn”.


Cổ phiếu chứng khoán, xây dựng và bất động sản sẽ dẫn dắt thị trường


Thời gian vừa qua, nhóm ngành dầu khí đã có sự tăng trưởng rất ấn tượng khi hàng loạt cổ phiếu ngành này đã tăng giá gần 100%. Điều này cũng dễ hiểu do nhiều cổ phiếu ngành này đã đạt lợi nhuận 6 tháng đầu năm đều vượt kế hoạch. Đợt điều chỉnh vừa qua là do thị trường đã hào hứng quá mức và đẩy giá cổ phiếu nhóm ngành này vượt qua giá trị thật.


Tuy nhiên, ông Khanh cho rằng tiềm năng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành này vẫn còn và khả năng nhóm ngành dầu khí sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới.


Sau nhóm ngành dầu khí thì nhóm ngành chứng khoán và xây dựng-bất động sản sẽ là những nhóm ngành đóng vai trò thu hút dòng tiền và dẫn dắt thị trường trong thời gian tớikhi thị trường xây dựng bất động sản đang có dấu hiệu ấm dần và thoát khỏi khủng khoảng.


Riêng nhóm ngành chứng khoán đã chững lại trong thời gian qua cũng sẽ quay lại khi nhìn chung thị trường năm nay giao dịch tăng mạnh về thanh khoản so với các năm trước đã mang lại lợi nhuận lớn các công ty chứng khoán trong mảng môi giới và cả tự doanh, ông Khanh cho biết thêm.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Tín dụng mang hình bóng 'chế độ gia đình trị'

Tín dụng mang hình bóng 'chế độ gia đình trị'


Tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu diễn ra cuối tuần qua tại Ninh Bình, liên quan đến hệ thống ngân hàng, câu chuyện tín dụng và nợ xấu tiếp tục là vấn đề chính được đề cập… Chia sẻ với ĐTCK, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, khó khăn còn kéo dài, việc xử lý các vấn đề trên nằm trong câu chuyện khác.​


Tín dụng: câu chuyện con gà và quả trứng


Tính đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của ĐTCK, tăng trưởng tín dụng đã đạt được con số khả quan gần 6,6%. Như vậy, trong quý IV, thời điểm các DN đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, việc đạt tăng trưởng tín dụng 10% trong năm nay không quá khó khăn.​


Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, bản thân câu chuyện tín dụng hiện tại của Việt Nam cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn. Thứ nhất, khâu thẩm định tín dụng luôn đẩy giá tài sản thế chấp lên cao hơn nhiều so với giá trị thực tế, dẫn đến rủi ro nợ xấu tăng; thứ hai, tình trạng sở hữu chéo khiến những người nắm quyền trong ngân hàng cho vay những đối tượng mình muốn. Do đó, tín dụng không dựa trên khả năng chi trả, phương án kinh doanh, mà trên cơ sở quan hệ là điều vô cùng rủi ro; thứ ba, câu chuyện quản trị ngân hàng hiện nay chưa được đẩy mạnh, đưa đến tình trạng tín dụng mang hình bóng “chế độ gia đình trị”.​


Liên quan đến vấn đề tín dụng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề chính ở đây là “cơ hội”. Nguồn vốn có, nhưng không có cơ hội thì DN vay tiền để làm gì? Nhưng để có cơ hội lại là vấn đề của tổng cầu, mà giữa tín dụng và tổng cầu là câu chuyện “con gà và quả trứng”; thứ hai, tín dụng tắc vì điều kiện tiếp cận lại liên quan đến nợ xấu và cơ bản nhất là xử lý nợ xấu.​


“Từng DN thấy có cơ hội phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra cơ hội ngược lại cho DN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, khơi thông để nguồn tín dụng trôi chảy bình thường. Tuy nhiên, việc tăng giảm tín dụng ở mức độ bao nhiêu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ gắn với cải cách kinh tế vĩ mô”, TS. Võ Trí Thành nói. ​


Xử lý nợ xấu: cần những giải pháp căn cơ


Tại diễn đàn, GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các cộng sự phân tích, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của Đề án 254 về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của các TCTD hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và lành mạnh tài chính. Trong giai đoạn 2011 - 2013, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc, vì VAMC không thể bán hoặc xử lý được nợ xấu đã mua. Thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các TCTD… Cho đến nay, VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào, trong khi áp lực gia tăng nợ xấu đối với các TCTD ngày càng lớn.​


Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc có nhiều ngân hàng không phải là điều xấu, vấn đề chính là các ngân hàng hoạt động không hiệu quả, trong đó vấn đề nợ xấu đang là thách thức lớn. Điều này đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng không thể chậm trễ hơn nữa.​


“Mặc dù chúng ta đã thành lập VAMC để xử lý nợ xấu, nhưng cho tới hiện nay, nợ xấu vẫn là ung nhọt của các NHTM. Để xử lý tận gốc vấn đề này, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD”, PGS, TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.​


Đồng quan điểm, GS. TS. Trần Thọ Đạt, cho rằng, năm 2015 nên tập trung vào xử lý dứt điểm nợ xấu của các TCTD thông qua tạo dựng hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và khả thi cho VAMC, đồng thời xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo.​


“Quá trình tái cơ cấu đã giúp hệ thống ngân hàng xử lý những ngân hàng yếu kém, nhưng để làm lành mạnh hóa hệ thống là cả một quá trình. Quá trình này rất phức tạp, đòi hỏi sự cải cách từ chính nội tại ngân hàng, gắn với những cải cách về cơ cấu, pháp lý từ các bộ, ngành khác…”, TS. Võ Trí Thành nói. ​











Khác với phân tích của GS. Đạt, khi chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) cho biết, tính đến thời điểm này, VAMC đã mua được 89.000 tỷ đồng nợ gốc, 73.000 tỷ đồng giá mua từ 37 TCTD với hơn 6.000 khoản nợ của 3.500 khách hàng. VAMC đã thu tiền về từ bán nợ là 1.500 tỷ đồng và sẽ thu tiếp 1.200 tỷ đồng trong tuần này.​



Theo Dautuchungkhoan





Bức tranh kinh tế 'sáng' dần

Bức tranh kinh tế 'sáng' dần


Nhiều số liệu thống kê khả quan đã được công bố tại cuộc họp giao ban, điểm lại tình hình sản xuất, xuất khẩu và đầu tư 9 tháng đầu năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần qua.


GDP tăng 5,54%, xuất siêu 2,47 tỷ USD


Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng đầu năm, GDP tăng 5,54% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,17%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,12%; dịch vụ tăng 6,02%. Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng liên tục qua từng tháng, tính chung 9 tháng tăng 6,7%.​


Nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 67,2 tỷ USD, tăng 14,6% và chiếm 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao gồm: dầu thô, điện thoại và linh kiện điện thoại các loại, dệt may, da giày, cà phê, đồ gỗ… Cả nước đạt mức xuất siêu 2,47 tỷ USD, bằng 2,25% tổng kim ngạch xuất khẩu.​


Đại diện Bộ Công thương cho biết thêm, công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 9 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tăng trưởng ở những ngành chiếm tỷ trọng cao như dệt may tăng 18,8%, các sản phẩm da tăng 20,7%, sản phẩm điện tử và quang học tăng 35,9%. Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như sản xuất thuốc lá giảm 12,3%, giấy nhăn, bao bì, sản phẩm sơn, mực in cũng có dấu hiệu giảm.​


Trong hoạt động xuất khẩu, theo đại diện Bộ Công thương, điểm đáng lưu ý là kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm so với tháng 8, trong đó xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 6,6%.​


Tại cuộc họp, Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm 2014 tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,3%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,41%, cao nhất là giáo dục tăng 10,81%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,8%.​


11.872 doanh nghiệp “hồi sinh”


Ông Bùi Hà cho biết, ước tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2014 đạt 833.900 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, thu hút thêm 11,18 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bằng 74,5% cùng kỳ. Hàn Quốc nổi lên là quốc gia đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,55 tỷ USD.​


Đáng chú ý, trong tháng 9, cả nước có 5.742 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 13,7% về số doanh nghiệp và 11,7% về số vốn so với tháng 8. Tính chung, 9 tháng đầu năm 2014, cả nước có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 302.349 tỷ đồng, giảm 8,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Số lao động dự kiến được tạo công ăn việc làm là 795.200 người, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.​


Cũng trong tháng 9, cả nước có 4.549 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, giảm 31,9% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 48.330, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng có 11.872 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.​


Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau tăng cao hơn quý trước, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội ổn định…​


Tuy nhiên, nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu do sức cầu còn yếu, dẫn đến tình trạng tồn đọng sản phẩm của doanh nghiệp chậm được cải thiện. Mức huy động vốn từ các nguồn trong và ngoài nước còn hạn chế, cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. ​


Theo Dautuchungkhoan




Bốc thuốc trị nợ xấu ngân hàng: Liều nhẹ sẽ không khỏi bệnh

Bốc thuốc trị nợ xấu ngân hàng: Liều nhẹ sẽ không khỏi bệnh


Chiều 29/9, trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình lý giải nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn.


Số liệu báo cáo của các ngân hàng cũng cho thấy, đến cuối tháng bảy, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ, trong khi cuối năm 2013 là 3,61%.


Bản thân các ngân hàng cũng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.


Theo Thống đốc Bình trước đây, các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. Ba năm qua, Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận.


Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu. “Tính từ đầu năm, tháng bảy có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước), cho thấy, chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện”, ông Bình cho biết.


Ông Bình thông tin, trong tuần này, Chính phủ thông qua giai đoạn 2 quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Trong chương trình tái cấu trúc giai đoạn 2 sắp tới, ngân hàng thương mại quốc doanh sẽ đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt quá trình tái cơ cấu.




Lãi suất cho vay sẽ giảm nhưng mức độ rất thấp






Thống đốc Bình cho biết, lãi suất cho vay có xu hướng tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, nhưng giảm với mức độ rất thấp. Tăng trưởng tín dụng từ 12-14% liệu nền kinh tế có hấp thụ hết và có tạo sức ép lên lạm phát không? Theo ông Bình, con số tăng trưởng tín dụng 12-14% hiện nay đã được cân đối từ nhu cầu của nền kinh tế. Nếu đạt được tăng trưởng như kỳ vọng là phù hợp với năng lực thực tiễn của nền kinh tế, nhưng nếu vượt trên mức này là cho vay không hiệu quả như thời gian trước đây.




Trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Văn Hùng về quản trị các ngân hàng thương mại và việc giải quyết nợ xấu “Có phải là do giải pháp bốc thuốc không đúng hay bắt bệnh không đúng mà nợ xấu giờ vẫn là cục máu đông treo lơ lửng trên đầu?”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định việc quản trị của các ngân hàng thương mại và giải quyết nợ xấu đã được “bắt bệnh đúng, chữa bệnh cũng trúng nhưng đôi khi liều lượng thuốc cũng phải căn cứ sức khỏe của con bệnh. Nếu liều lượng cao quá, con bệnh không chịu được thì có khi chưa chết vì bệnh đã chết vì thuốc quá liều, còn nếu liều nhẹ quá thì không khỏi bệnh”.


Thống đốc Bình cho rằng mục tiêu căn bản nhất là lành mạnh hóa và tiến dần tới bền vững hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng, vì vậy phải có lộ trình thích hợp. Có nhiều điều theo thông lệ quốc tế nhưng không thể “chép hoàn toàn bài quốc tế” để áp dụng ngay vào Việt Nam.


Chịu trách nhiệm về sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam


Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: “Thống đốc có trách nhiệm thế nào với việc để xảy ra sai phạm ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam? Nguyên nhân xảy ra sai phạm?”.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình thẳng thắn thừa nhận, dù tất cả sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào, lúc đó ông có làm Thống đốc hay không thì vẫn là trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và “Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc này”.


Thậm chí đối với các vụ việc lớn như vụ siêu lừa Huyền Như, vụ bầu Kiên, đại án tham nhũng tại ALC II, ông cũng khẳng định “sai phạm dù to nhỏ thế nào, diễn ra từ bao giờ đều là trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi phải xử lý”. Ông Bình cho biết ông cũng có bản kiểm điểm về các vụ việc trên theo đúng tinh thần Nghị quyết T.Ư 4.


Ông Bình giải thích, trước các vụ việc nêu trên NHNN không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà tạo điều kiện cho đơn vị sai phạm khắc phục; khi không khắc phục được, gây thiệt hại cho đất nước, cho nhân dân mới xử lý hình sự.


Về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình thừa nhận còn nhiều nan giải. Như việc xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước.


Về thông tin gói tín dụng sắp tới mà cán bộ, công chức có thể sắp được vay tới 2 tỷ đồng để mua nhà, Thống đốc khẳng định: Với tư cách là Thống đốc NHNN tôi chưa hề có chủ trương gì về việc này”.



GS Trần Thọ Đạt (ĐH Kinh tế Quốc dân): Cho phá sản ngân hàng yếu để thanh lọc hệ thống


Năm 2015 nên tập trung vào xử lý dứt điểm nợ xấu của các ngân hàng thông qua tạo dựng hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và khả thi cho VAMC và xử lý vấn đề sở hữu chéo. Cần thay đổi chiến lược và biện pháp mua bán sáp nhập các tổ chức tín dụng như hiện nay từ hình thức “tự nguyện” sang “bắt buộc”. Thậm chí cho tuyên bố phá sản một số ngân hàng yếu kém để làm thanh lọc hệ thống.


Ngoài ra, VAMC cần có được những quyền hạn đặc biệt như có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp giảm thiểu các vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu và đẩy nhanh tốc độ mua bán nợ. Theo đó, VAMC cần có quyền hạn đủ lớn để tịch thu tài sản đảm bảo, bao gồm cả bất động sản, mà không cần phải thông qua tòa án.


Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên: Tập trung xóa sở hữu chéo


Một trong nhưng lĩnh ưu tiên “cần làm ngay” trong tái cơ cấu ngành ngân hàng là xóa sở hữu chéo, đầu tư chéo. Việc xử lý sở hữu chéo đang là một trong hai vấn đề lớn nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu.


Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, để tiến hành cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, hầu hết các nước đều lập quỹ tái cấu trúc ngân hàng. Quỹ này sẽ bao gồm các chi phí trong quá trình tái cấu trúc như cấp tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ tài chính các ngân hàng yếu kém trước khi tiến hành sáp nhập và hợp nhất với các ngân hàng tốt. Tùy vào quy mô nền kinh tế của từng quốc gia nói chung và quy mô của khu vực ngân hàng nói riêng, chi phí cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là khác nhau.


TS Lê Đăng Doanh: Xử lý nợ xấu vẫn bế tắc


Việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng thời gian qua triển khai nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính. Cụ thể, việc xử lý nợ xấu vẫn chưa đánh giá đầy đủ quy mô nợ xấu, cơ cấu nợ xấu nằm ở đâu. Nằm ở bất động sản, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu chéo ở hệ thống ngân hàng, hay chất lượng tài sản thế chấp? Thêm nữa, mô hình VAMC với số vốn 400 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước ứng ra thực chất không khai thông được nợ xấu.


Cùng đó, các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng vẫn chưa có lời giải.


Theo Tienphong





Kẽo kẹt nợ xấu: Sếp ngân hàng bán cá, trông kho

Kẽo kẹt nợ xấu: Sếp ngân hàng bán cá, trông kho


Những ông chủ ký vay hàng ngàn tỷ đồng rồi làm ăn thất bát nhưng vẫn hoành tráng nhà sang, xe đẹp. Còn nợ thì cứ ‘nhập kho’ mặc ngân hàng lo. Thế mới có nghịch lý, sếp NH phải đi bán cá, canh kho… để tính cách xử lý nợ xấu.


Của đau con xót


Hồi đầu năm, khi Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi “Toàn đại gia đi xe Phantom thì giải cứu cái gì?” đã được nhiều sếp NH chia sẻ vì chính họ là người trong cuộc của nghịch cảnh này. Nợ xấu phát sinh từ DN, từ nền kinh tế nhưng được tính hết vào NH, NH phải tự xử lý. Một mình vật vã với nợ xấu, sếp NH càng thêm tâm tư về điều này.


Sau hai năm sáp nhâp Habubank vào SHB, một trong những thành tích đáng nhớ là đã xử lý và tái cơ cấu thành công con nợ Bianfishco. Đại gia thủy sản này đã vay hàng ngàn tỷ nhưng đầu tư sai mục đích, kém hiệu quả dẫn đến đổ vỡ.


Đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân bỏ trốn ra nước ngoài để lại Phương Nam nợ nần hàng ngàn tỷ đồng. Tiếp cận tài sản thế chấp, NH không chỉ lo lắng chon ngàn tỷ của mình mà đau xót trước dây chuyển lớn và hiện đại bắt đầu bị han gỉ, hàng ngàn lao động và hộ nông dân lao đao vì mất nghề. Để rồi, chính các NH lại phải cùng nhau xử lý, trước hết là cứu lấy DN, việc làm, thu nhập cho hàng ngàn người rồi mới hy vọng có tiền để thu nợ.Trước một khối nợ lớn, một cơ ngơi sản xuất hiện đại đang đình trệ, ‘của đau, con xót’, SHB phải dồn lực, dồn người để cứu DN. Đến giờ, Bianfishco đã hoạt động tốt, ông chủ cũ an toàn rút lui chỉ còn NH tiếp tục vất vả và sẽ còn lâu nữa mới thu được hết nợ.


Phương Nam đã hoạt động ổn định và có lãi. Nhưng các NH tiếp tiếp tục phải kẽo kẹt giám sát, hỗ trợ còn việc thu đủ khoản nợ ngàn tỷ có khi còn dài lắm.


Gỗ Trường Thành vay cả ngàn tỷ cho tham vọng phát triển nhanh nhưng thất bại, đứng trước nguy cơ vỡ nợ và phá sản. Đại gia bế tắc, để cứu lấy DN, cứu lấy tiền của mình, các NH lại phải vào cuộc, cùng tính toán, cơ cấu lại nợ rồi tiếp tục hỗ trợ để DN trước rồi mới tính đến thu nợ về sau.


Còn ông chủ Mai Linh cũng sai lầm khi vay hàng ngàn tỷ đồng, đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực BĐS, thủy điện, tài chính… ngoài thế mạnh của mình. Để rồi khi vỡ nợ, DN đình đốn, lao động đình công… thì không còn cách nào khác là cầu cứu NH. NH lại vào cuộc dù biết rằng như thế lại thêm mệt còn để đòi được nợ còn lâu dài.


Trên đây là những câu chuyện điển hình trong nỗ lực xử lý nợ xấu NH nhưng trước hết là cứu DN và rộng hơn là vực dây nền kinh tế đang khó khăn thế nhưng trong lộ trình đầy vật vã này mới chỉ có một mình NH vật vã, xoay xở.


Báo cáo NHNN cũng chỉ ra rằng, sự phối hợp của các bên với NHNN trong cơ cấu lại hệ thống NH và xử lý nợ xấu chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả. Kết quả đạt được về cơ cấu lại NH và xử lý nợ xấu chủ yếu do những nỗ lực và sự chủ động hay đúng hơn là chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống NH


Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội cũng thừa nhận có tình trạng khách hàng vay chưa chủ động xử lý để trả nợ NH. Thậm chí, nhiều trường hợp khách hàng chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ và không hợp tác với NH trong việc xử lý nợ. Bên cạnh đó, việc triển khai tái cấu trúc và nợ xấu của DNN cũng chưa được xử lý.


Cần một giải pháp toàn diện


Báo cáo của NHNN mới đây cho biết, đến nay, nợ xấu đã được kiềm chế và tiếp tục được xử lý. Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).


Kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước; và điều kiện thị trường còn nhiều bớt lợi.


Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống NH, song các cơ chế, chính sách huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn.Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo việc là TCTD tự xử lý nợ xấu đã làm giảm sự lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của NH trong ngắn hạn. Nếu nỗ lực này không được được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản, chậm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh.


Ông Nguyễn Đức Kiên Nguyễn Đức Kiên lưu ý, việc thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống TCTD là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình cơ cấu lại TCTD.


Theo ông Trần Du Lịch, “nợ xấu đã và đang là vấn đề đặt ra cần sớm được giải quyết của bài toán kinh tế vĩ mô; nó liên quan đến chính sách về thị trường, đến cả hệ thống pháp luật về kinh tế, dân sự, thậm chí cả hình sự”.


“Nợ xấu không còn là vấn đề riêng của NH, mà gắn liền với bài toán kinh tế vĩ mô, khai thông thị trường, phục hồi nền kinh tế. Vì thế, cần phải cần phải có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, trung ương - địa phương mới mong nhẹ gánh nợ xấu”.


Theo VietnamNet




Ngân hàng thành lập công ty tài chính: Thận trọng với rủi ro

Ngân hàng thành lập công ty tài chính: Thận trọng với rủi ro


Khoanh vùng rủi ro


Mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, để được thực hiện cho vay tiêu dùng theo quy định, các ngân hàng phải thành lập công ty tài chính.


Hiện nay, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều cho vay tiêu dùng cho những tài sản như nhà, ô tô, tiện nghi gia đình,... Tuy nhiên, thông thường các ngân hàng cho vay với các đối tượng có các tiêu chuẩn để được cho vay tín chấp. Còn các công ty tài chính cho vay đại trà hơn, với các đối tượng chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Chính vì vậy, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao hơn do rủi ro cao, còn với ngân hàng, mức độ rủi ro thấp hơn nên lãi suất cũng thấp hơn.


Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay do đầu ra đang khó khăn nên các ngân hàng cũng phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, lấn sân sang lĩnh vực của các công ty tài chính. Vì vậy, mục đích của quy định mà NHNN dự kiến áp dụng là buộc các ngân hàng trở lại quản lý rủi ro chặt chẽ hơn theo tiêu chuẩn, còn các lĩnh vực rủi ro cao hơn thì để cho các công ty tài chính thực hiện.


Theo đó, để cho vay tiêu dùng thì các ngân hàng phải thành lập công ty tài chính với một số vốn điều lệ nhất định. Khi đó, nếu công ty tài chính này kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn thì chỉ ảnh hưởng đến công ty tài chính, mà không ảnh hưởng đến ngân hàng. Ngược lại, nếu ngân hàng cũng cho vay mở rộng như công ty tài chính, đến khi xảy ra thua lỗ, thất thoát sẽ ảnh hưởng cả ngân hàng đó. Đây là một biện pháp tích cực cần ghi nhận.


Tuy nhiên, quy định này không phải là thông lệ quốc tế. Thông thường ở các nước, ngân hàng có thể cho vay tiêu dùng với mọi đối tượng, lĩnh vực, miễn là nằm trong quy định của luật pháp. Ít có nước nào khoanh vùng đối tượng cho vay chia ra đối tượng nào, món vay nào thì do công ty tài chính làm, hoặc do ngân hàng làm.


Quy định không đầy đủ, rủi ro có thể cao hơn


Để quản lý rủi ro, các nước thường có những quy định, tiêu chí chặt chẽ về cho vay tại các ngân hàng thương mại, tại các công ty tài chính. Khi có quy định, các định chế tài chính sẽ phải tuân thủ quy tắc và sau đó họ tự do lựa chọn đối tượng, lĩnh vực cho vay. Đối với nền kinh tế thị trường, cách quản lý tốt nhất là giảm mệnh lệnh hành chính, quản lý bằng chỉ tiêu, quy định rõ ràng và sau đó để các thành phần kinh tế tự do sắp xếp.


Một quan điểm nữa chuyên gia tài chính ngân hàng nói trên lưu ý là về quản lý rủi ro. Mặc dù mục tiêu của NHNN là muốn giảm rủi ro khi các ngân hàng cho vay tiêu dùng, nhưng nếu không quy định đầy đủ, rủi ro thậm chí có thể cao hơn. Lý do là bởi hiện nay các công ty tài chính chưa được quản lý bằng các quy định chặt chẽ như các ngân hàng. Các công ty này thường có khuynh hướng là mạnh tay cho vay tiêu dùng, với lãi suất rất cao và tiêu chí thấp. Để giảm rủi ro, cần có các quy định chặt chẽ hơn với các công ty tài chính.


Tuy nhiên, công ty tài chính cũng khó có thể áp dụng những quy định như ngân hàng, nếu không sẽ khó đáp ứng nhu cầu vay vốn của một bộ phận người dân. Trong xã hội có những nhóm người tiêu dùng có thể dễ dàng đáp ứng các tiêu chí để được vay, nhưng cũng có những nhóm khó đáp ứng được các tiêu chí này, dù họ vẫn có khả năng chi trả. Nếu áp dụng các quy định cứng nhắc thì họ sẽ không thể vay được tiền. Vì vậy, cần thiết có các quy định được thiết kế riêng cho công ty tài chính để vừa đảm bảo quản lý rủi ro, đặc biệt khi do ngân hàng quản lý, đồng thời vẫn đáp ứng được nhu cầu hoạt động cho vay tiêu dùng đối với nhóm khách hàng phi chuẩn.


Hiện tại, dự thảo thông tư cũng đưa ra các quy định về trách nhiệm của công ty tài chính, của khách hàng, quy định về lãi suất, thời hạn vay, lãi suất quá hạn,... tuy nhiên, một số quy định còn chưa cụ thể, chưa rõ tiêu chí xác định,... Nên chăng, NHNN cần tổ chức những cuộc lấy ý kiến của các bên liên quan là ngân hàng thương mại, công ty tài chính, đại diện người tiêu dùng,... để có những quy định phù hợp nhất cho lĩnh vực vốn đang còn rất nhiều tiềm năng phát triển này./.



Thị trường Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý

Thị trường Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý


Theo ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), thị trường đang tồn tại một nghịch lý rằng, có những doanh nghiệp tốt, có thị trường xuất khẩu, sản phẩm bán tốt, nhưng lại không dễ thu hút vốn đầu tư nước ngoài.


Năm 2015, nhiều hiệp định dự kiến sẽ được ký kết như Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA song phương Việt Nam - EU, Asean + 6, đặc biệt là Hiệp định tự do mậu dịch khu vực ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực, tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội kinh doanh mới, tham gia các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu…, nhất là sẽ tiếp cận nhiều nguồn vốn mới, đa dạng hơn để phát triển. Tuy nhiên, để đi trên con đường này, doanh nghiệp Việt Nam cũng còn đối mặt với nhiều chông gai.


Thống kê cho thấy, một công ty quản lý quỹ đầu tư ở Mỹ có thể quản lý vài tỷ đến vài chục tỷ USD, đồng nghĩa dòng tiền đầu tư trên thế giới rất nhiều, nhưng làm sao để thu hút được dòng tiền này về phục vụ sản xuất?


Tại Diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2014, nhận định cơ hội phát triển thị trường vốn trong cuộc “tìm kiếm dòng hải lưu” của doanh nghiệp Việt Nam, ông Johan Nyvene cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chưa được gọi là nền kinh tế mới nổi, nên để gọi nguồn vốn đầu tư từ thị trường tài chính lớn là không dễ dàng.


Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG cho biết, dòng vốn FDI đang có xu hướng “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam.


KPMG hiện đang hỗ trợ cho một số doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam và cũng nhận thấy một làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có thể tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dồi dào hơn, khi chỉ cần ngân hàng có niềm tin vào dự án doanh nghiệp đầu tư đã có thể vay vốn, thay vì phải mang nhiều tài sản để thế chấp. Đây chính là điểm bất lợi đối với các doanh nghiệp trong nước.


Quay trở lại với những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sắp ký, điểm chung của những hiệp định này là hướng đến mở cửa thị trường và bình đẳng hóa sự cạnh tranh, trong đó các bên đều phải chuẩn hóa môi trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn thị trường, tiếp cận với doanh nghiệp và đầu tư sâu rộng hơn.


Theo ông Johan, thị trường đang tồn tại một nghịch lý rằng, có những doanh nghiệp tốt, có thị trường xuất khẩu, sản phẩm bán tốt, nhưng lại không dễ thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bởi khi doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận, họ thấy rằng doanh nghiệp vẫn dùng tiền công ty để đầu tư bất động sản; dòng tiền không đủ để trả nợ khi lãi suất tăng cao. Đây là điểm trừ đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài.


Đối với ngành tư vấn M&A, một số ngành như thực phẩm, bán lẻ, mua bán nhanh… thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng số doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được bài toán của họ đưa ra để bắt đầu một cuộc thương lượng là rất ít.


Trên TTCK, thống kê sơ bộ trong 2 - 3 năm gần đây cho thấy, trong 90 triệu người Việt Nam, có khoảng 1,3 triệu tài khoản chứng khoán nhưng chỉ có khoảng 500.000 tài khoản nhà đầu tư đầu tư thực sự. Vốn hoá TTCK khoảng 50 - 60 tỷ USD, tương đương gần 40% GDP, trong khi ở các thị trường phát triển, vốn hóa thị trường thậm chí là cấp số nhân GDP. Qua đó cho thấy, tiềm lực phát triển cho TTCK còn rất lớn.


Bên cạnh đó, 2 công cụ chính của TTCK là cổ phiếu và trái phiếu, nhưng hiện Việt Nam mới thu hút được nhà đầu tư đại chúng vào thị trường cổ phiếu.


Theo ông Johan, tiềm lực còn nhiều hơn nữa nhờ sự phát triển thị trường trái phiếu trong tương lai. Hiện thị trường trái phiếu mới thấy trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu của ngân hàng lớn, còn trái phiếu doanh nghiệp vẫn hạn chế.


Theo đánh giá của các diễn giả tại diễn đàn, những hiệp định thương mại chắc chắn sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam hướng đến những chuẩn mực quốc tế, để có thể cùng “chơi” với các doanh nghiệp nước ngoài khi hội nhập. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải minh bạch tài chính, giảm nợ hay làm lợi cho cổ đông mới thu hút được dòng vốn nước ngoài.


Phan Hằng


Theo Tinnhanhchungkhoan




Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Khối ngoại có mua đáy bán đỉnh?

Khối ngoại có mua đáy bán đỉnh?


Tháng 5/2014 là quãng thời gian đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam với phiên giảm kỷ lục hơn 30 điểm ngày 8/5- tệ nhất trong vòng 13 năm qua, thị trường chứng kiến làn sóng bán tháo hàng loạt của nhà đầu tư nội. VN-Index lúc này chạm mốc 513 điểm (13/5/2014) có thể xem là mức đáy của năm.


Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại đã tận dụng thời điểm này để tích cực mua vào với tổng giá trị mua ròng trong tháng 5 hơn 120 triệu USD. Khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 18 phiên liên tiếp và bán ròng nhẹ 2 phiên 21-22/5.


Cụ thể, trên HOSE, khối này đã mua ròng hơn 100 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 2.059 tỷ đồng và trên HNX là 34,79 triệu đơn vị, tổng giá trị 497 tỷ đồng.


Tháng 8/2014, khối này đã đẩy mạnh bán ròng tháng thứ 2 liên tiếp trên HOSE, đạt trên 303 tỷ đồng và quay lại bán ròng nhẹ trên HNX sau 4 tháng mua ròng.


Từ 5/9-26/9/2014, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 7 triệu đơn vị trên HOSE, đạt giá trị hơn 698 tỷ đồng và bán ròng trên HNX gần 13 triệu đơn vị, đạt giá trị hơn 309 tỷ đồng.


Đầu tháng 9, VN-Index hướng đến vùng đỉnh kháng cự 630-640 và đạt mốc 640 vào phiên ngày 8/9, mức đỉnh cao nhất 5 năm kể từ 2009, đồng nghĩa với việc chỉ số này đã tăng gần 25% từ đáy 513 điểm.


Cuộc chơi luôn bắt đầu từ khối ngoại?


Tuy chỉ chiếm từ 10%-15% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng bất cứ động thái mua bán nào của khối ngoại cũng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại đã thể hiện được bản lĩnh của mình trên thị trường chứng khoán Việt Nam với việc mua ròng tại các thời điểm nhạy cảm về tâm lý hay khủng hoảng. Điệp khúc nhà đầu tư nước ngoài "mua mạnh tạo đáy, bán ròng mạnh tạo đỉnh" khiến cho nhiều nhà đầu tư phân tích động thái của khối ngoại thời gian gần đây lo sợ.

Tháng 5/2014, khối này đã mua ròng mạnh các mã vốn hóa lớn như GAS, MSN, VCB. Tỷ trọng vốn hóa lớn của các mã này tác động đáng kể đến chỉ số VN-Index. Với mức giá 108.000 đồng (26/9), vốn hóa của GAS hiện đạt 204.660 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng vốn hóa của rổ chỉ số VN-Index. Điều này đủ thấy sức ảnh hưởng quá lớn của cổ phiếu này tới chỉ số chung, hay nói cách khác, GAS là đầu tàu kéo chỉ số VN-Index đi lên.​













































Mã CP​



KLGD

(triệu CP)​



GTGD

(tỷ VND)​



% thay đổi giá (5/5-31/5)​



GAS​



3,3​



306, 58​



-1,5%​



MSN​



1,77​



166,1​



8,24%​



BVH​



2,84​



107,8​



21,6%​



VCB​



3,92​



105,19​



9,5%​



STB​



4,8​



94,24​



5,7%​




Khối ngoại mua ròng tháng 5/2014



Tháng 9/2014, khối ngoại đã bán ròng mạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, BVH, GAS khi VN-Index giao dịch trong vùng kháng cự 630-640. Đặc biệt là cổ phiếu VIC đã bị khối ngoại bán ròng mạnh từ đầu tháng 9 đến giờ. Phiên giao dịch ngày 25/9/2014, VIC giảm giá sàn xuống 52.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 6,4 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 336 tỷ đồng.​
































Mã CP​



KLGD (triệu cổ phiếu)​



GTGD (tỷ VND)​



% thay đổi giá CP (5/9-30/9)​



GAS​



-1,95​



-221,883​



-13,6%​



VIC​



-18,61​



-1,011,475​



-11,2%​



BVH​



-2,3​



-89,5​



-11,9%​




Khối ngoại bán ròng tháng 9/2014


Theo Gafin





NỆM LIÊN Á