Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

VDSC: VN-Index có khả năng vượt 600 điểm trong tháng 7

VDSC: VN-Index có khả năng vượt 600 điểm trong tháng 7


VDSC nhận thấy có sự tăng trưởng tốt của ngành Thủy sản, ngành Hàng tiêu dùng với dệt may và săm lốp và ngành Vật liệu xây dựng với Xi măng và Sắt Thép.


Trong bản Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 07/2014, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu không có thông tin gì quá tiêu cực, với sự bứt phá về thanh khoản gần đây, việc vượt ngưỡng kháng cự 600 điểm là có khả năng đối với VN-Index.


Sự phân hóa sẽ rõ ràng hơn trong tháng 7


TTCK tháng 6 chủ yếu vận động đi ngang nhưng thực sự đã có những dấu hiệu tích cực vào những ngày cuối tháng. Mức tăng tốt và liên tục của chỉ số kết hợp với sự hồi phục về thanh khoản trong hơn một tuần cuối của tháng 6 cho thấy giới đầu tư đã dần lấy lại sự tự tin và đã mạnh dạn hơn trong việc giải ngân vào cổ phiếu.


Được ủng hộ bởi sự đồng thuận của các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát thấp, cán cân thương mại thăng dự và tăng trưởng GDP tích cực, VDSC cho rằng, tâm lý này sẽ vẫn được duy trì trong tháng 7.


Bên cạnh đó, trong tháng 7, một số công ty sẽ bắt đầu công bố chính thức KQKD quý 2 và một số có kết quả ước tính hoặc dự báo của giới phân tích. VDSC cho rằng, đây sẽ là cơ sở thúc đẩy sự sự phân hóa về biến động giá giữa các nhóm các cổ phiếu cụ thể.


Dù khả năng tình hình biển Đông có những diễn biến bất ngờ vẫn là một quan ngại thường trực đối với thị trường chứng khoán, không thể phủ nhận là tâm lý của nhà đầu tư đối với vấn đề này đã vững vàng hơn giai đoạn đầu khi căng thẳng mới bùng nổ.


Riêng về hoạt động của khối ngoại, VDSC không nhận thấy điểm nào để lo lắng. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn vẫn duy trì cam kết với chính sách tiền tệ mở rộng và lãi suất thấp, TTCK Việt Nam vẫn còn rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.


Do đó, tựu chung lại, tháng 7 được dự báo sẽ là một tháng tích cực đối với TTCK Việt Nam.


Những ngành hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu hứa hẹn KQKD quý II khả quan


Tháng đầu tiên và tháng cuối cùng của mỗi quý thường là những thời điểm thị trường chờ đợi thông tin về KQKD của các doanh nghiệp niêm yết. Những đồn đoán và thông tin rò rỉ về KQKD quý II của các công ty dần dần sẽ được xác nhận.


Nhìn vào thống kê xuất nhập khẩu và chỉ số sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm, VDSC nhận thấy có sự tăng trưởng tốt của ngành Thủy sản, ngành Hàng tiêu dùng với dệt may và săm lốp và ngành Vật liệu xây dựng với Xi măng và Sắt Thép.


Cụ thể, ngành Dệt may hiện đang hưởng lợi nhiều từ việc chuyển dịch đơn hàng của các quốc gia lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sang Việt Nam nhằm đón đầu các hiệp định thương mại như hiệp định TPP và FTA Việt Nam – EU, trong khi ngành Săm lốp đang hưởng lợi từ giá nguyên liệu cao su ngày càng giảm.


Các thống kê gần đây cho thấy, giá cước vận tải tăng cũng không ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng tiêu thụ VLXD trong nước cũng như xuất khẩu, thậm chí, giá bán của xi măng và sắt thép trên thị trường nội địa còn có xu hướng tăng. Do đó, đây có thể là những ngành sẽ được nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng về KQKD quý II.


Ngành Cảng biển cũng rất đáng chú ý trong giai đoạn này nhờ hưởng lợi trực tiếp từ cả tăng trưởng thương mại và việc siết chặt kiểm soát tải trọng đối với vận tải đường bộ. Tuy nhiên, yếu tố thanh khoản khiến các cổ phiếu Cảng phù hợp hơn với nhà đầu tư dài hạn.


Cũng như cảng biển, các doanh nghiệp trong nhóm Dầu khí, Thực phẩm – Đồ uống, Tiện ích công cộng khó có thể kỳ vọng lợi nhuận quý II đột biến nhưng đều hứa hẹn mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục cải thiện như hiện nay.


Sự sàng lọc trong lĩnh vực bất động sản sắp bắt đầu


Ngoài diễn biến của các chỉ tiêu kinh tế chính, kinh tế vĩ mô trong tháng 7 còn được đánh dấu bằng việc chính thức áp dụng 2 đạo luật quan trọng là Luật Đất đai và Luật Đấu thầu mới.


Trong khi việc áp dụng thực tế Luật Đầu thầu còn đang chờ các văn bản hướng dẫn, Luật Đất đai sẽ được áp dụng cùng lúc với hàng loạt các văn bản hỗ trợ như Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất và hoạt động tư vấn xác định giá đất, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cùng một số Thông tư khác về việc cấp giấy CNQSDĐ, gia hạn thời hạn nộp tiền SDĐ, quản lý nhà ở tái định cư, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai...


Trong dài hạn, Luật Đất đai 2013 được kỳ vọng sẽ giải quyết 3 nút thắt lớn trong việc phát triển thị trường bất động sản: (1) việc định giá đất sao cho phù hợp với diễn biến của thị trường từng thời điểm, (2) vấn đề đảm bảo năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả sử dụng đất của doanh nghiệp bất động sản nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp “chạy” dự án, ôm đồm quá nhiều dự án, kéo dài tiến độ, phân lô bán nền... (3) công khai minh bạch các thủ tục liên quan đến quá trình cấp giấy CNQSDĐ.


Trước mắt, quy định việc gia hạn thời gian nộp tiền SDĐ lên đến 24 tháng sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho không ít doanh nghiệp BĐS. Bên cạnh đó, việc cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai cũng sẽ có tác động tích cực đến thanh khoản trên thị trường BĐS.


Tuy nhiên, khi Luật Đất Đai được áp dụng, sẽ có không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị thu hồi dự án do chậm tiến độ. Đồng thời, yêu cầu về khả năng tài chính và năng lực thực hiện dự án cũng sẽ cao hơn. Theo đó, quá trình sàng lọc các doanh nghiệp BĐS trên thị trường sẽ diễn ra nhanh hơn và dòng tiền nhất thiết sẽ tìm đến những doanh nghiệp có tiềm lực và năng lực tài chính tốt. Sự phân hóa giữa các cổ phiếu trong ngành cũng có thể sẽ bắt đầu từ đây.


Chiến lược đầu tư tháng 07/2014


Với các nhận định tương đối lạc quan về TTCK tháng 7, VDSC cho rằng hoạt động giao dịch ngắn hạn cũng như tích lũy cổ phiếu tốt sẽ diễn ra tích cực hơn trong tháng 7.


Những lo ngại về nợ xấu và tăng trưởng tín dụng sẽ khó tác động mạnh đến thị trường khi các chỉ tiêu vĩ mô khác tiếp tục đồng thuận chỉ ra rằng nền kinh tế đang có những cải thiện. Tương tự, căng thẳng biển Đông sẽ luôn đặt ra một rủi ro với thị trường nhưng sẽ khó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trừ khi tình hình trở nên thật sự tồi tệ.


Nếu không có thông tin gì quá tiêu cực, với sự bứt phá về thanh khoản gần đây, việc vượt ngưỡng kháng cự 600 điểm là có khả năng đối với VN-Index. Đối với sàn Hà nội, do không có trợ lực từ những cổ phiếu lớn có yếu cơ bản thật sự tốt, HNX-Index có thể sẽ khó bước qua mốc 85 điểm.


Vùng điểm dự báo trong tháng 7 của VDSC là 580 – 605 đối với VN-Index và 77 – 85 đối với HNX-Index. Như vậy, một khi thị trường tăng tốc, những nhà đầu tư đã kiên trì “nhặt thóc” trong giai đoạn thị trường xuống thấp đã có thể bắt đầu tận hưởng thành quả. Trong kịch bản thị trường tăng điểm như trên, việc lựa chọn cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn sẽ không còn dễ dàng và cơ hội sẽ chủ yếu rơi vào các nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt nhưng hệ số beta thấp.


Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn để tham gia các giao dịch ngắn hạn bằng cách tăng tỷ trọng những cổ phiếu có beta cao và càng tốt hơn nữa nếu doanh nghiệp có KQKD kỳ vọng tích cực.


Dù vậy, việc hạn chế mua đuổi, xác định cơ hội chốt lời và cẩn trọng khi thị trường tiếp cận các ngưỡng kháng cự mạnh là điều cần thiết trong giai đoạn này. Tỷ trọng đề xuất sẽ bao gồm 2/3 cổ phiếu và 1/3 tiền mặt.


Kịch bản thị trường đã được VDSC cân nhắc khá kĩ dựa trên những yếu tố hiện có. Tuy nhiên, một sự biến động bất ngờ trong nền kinh tế hoặc thị trường có thể gây sai lệch những kỳ vọng.


Yếu tố bất ngờ VDSC muốn đề cập ở đây là những biến động khó lường liên quan đến tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới cũng như những căng thẳng trên biển Đông, điều mà có thể sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của NĐT trong nước và khối ngoại và khiến cho VN-Index lùi xa hơn ngưỡng 580 điểm mà VDSC đặt ra.


Bình Minh - NDH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á