Có mối liên hệ nào giữa việc Bộ Tài chính công bố kết quả thu ngân sách sáu tháng đầu năm đạt 52,8% dự toán cả năm, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và ngành thuế phấn đấu cả năm vượt mức dự toán thu ngân sách tối thiểu 5% với chuyện giá xăng dầu tăng liên tiếp trong những ngày gần đây?
Cách giải thích về lý do tăng giá xăng dầu của Bộ Tài chính lần nào cũng giống lần nào, là "làm đúng theo quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, đã tính toán cân nhắc kỹ, chia sẻ lợi ích người dân- doanh nghiệp và Nhà nước".
So sánh giá xăng ở Việt Nam với ở Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác khó chính xác vì mỗi quốc gia có một nền kinh tế, chính sách thuế...khác nhau. Nhưng hàng chục quốc gia có nhiều điểm khác ấy lại có một điểm giống nhau là giá xăng của họ đều rẻ hơn Việt Nam - nơi xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước.
Có sự hài hòa lợi ích thật sự ở đây không khi mà trong các đợt đẩy giá, hai công cụ đầu tiên mà Bộ Tài chính nhắm đến là sử dụng Quỹ bình ổn giá và tăng giá bán lẻ trực tiếp, cuối cùng đều “đánh ” vào túi người tiêu dùng?
Quỹ bình ổn giá cũng là tiền đóng trước của người tiêu dùng vào từng lít xăng, nhằm san sẻ rủi ro trực tiếp mỗi khi giá xăng dầu tăng mạnh. Thế nhưng, họ không có quyền quyết định tiền của mình được dùng ra sao, khi nào thì được xả quỹ. Quỹ lại để tại doanh nghiệp. Mức lợi nhuận thu được từ nó, chỉ tính tiền lãi gửi ngân hàng hàng tháng thôi, là bao nhiêu thì người nộp không rõ.
Có sự hài hòa lợi ích ở đây không khi mà mỗi lần muốn tăng giá là doanh nghiệp đệ trình mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ tại thời điểm đề nghị tăng. Bộ Tài chính chỉ nhìn nhận mức chênh lệch tại thời điểm đó để ra quyết định mà không nhìn một cách toàn diện hơn vào tình hình sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp?
Cho dù có lỗ ở một thời điểm nhất định và đã từng lỗ như thế nhiều lần thì năm 2013, Petrolimex, đơn vị chiếm 52% thị phần kinh doanh xăng dầu cả nước đã lãi 2.021 tỉ đồng, hơn một nửa lợi nhuận là từ kinh doanh xăng dầu. Quí 1 năm nay họ tiếp tục lãi 337,4 tỉ đồng trước thuế.
Có sự chia sẻ của Nhà nước với người dân thật không khi tổng các mức thuế phí đánh vào một lít xăng A92 tại Việt Nam thời điểm này là 8.244 đồng, chiếm 32,15% tổng số tiền mà người dân phải trả khi mua một lít xăng? Trong đó, thuế nhập khẩu, công cụ mà nhà nước có thể điều tiết linh hoạt nhất để chia sẻ gánh nặng giá với người dân là 18%. Mức này đã được giữ nguyên hơn một năm qua, bất chấp giá xăng dầu thành phẩm thế giới có lúc giảm liên tục. Năm 2013, chỉ cần nhà nước giảm một điểm phần trăm thuế xăng dầu (từ 19% xuống còn 18%), tổng mức thuế và phí mà mỗi lít xăng phải gánh đã giảm xuống còn 7.300 đồng, thấp hơn 944 đồng so với mức thuế phí hiện hành.
Bộ Tài chính luôn cho rằng họ đã cân nhắc. Sự cân nhắc đó khó có thể nói là chia sẻ với người dân mà là cho mục tiêu ngân sách. Việc giá xăng ở Việt Nam - vì được nhà nước điều tiết, vẫn cao hơn giá xăng “nhảy múa” hàng ngày ở Mỹ - do tư nhân điều hành, chẳng có gì là khó hiểu.
Theo SaigonTimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét