Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Kinh Đô đã thông qua mua 30% cổ phiếu quỹ

Kinh Đô đã thông qua mua 30% cổ phiếu quỹ


Ngoài ra, Đại hội cổ đông bất thường Kinh Đô còn thông qua tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex và Mondelez mua cổ phần Kinh Đô Bình Dương.


Ngày 1/12/2014, Đại hội cổ đông bất thường năm 2014 của Công ty cổ phần Kinh Đô .KDC có sự tham gia của 923 cổ đông, đại diện cho 204.543.426 cổ phiếu, tương ứng với 80,16% vốn điều lệ KDC.


Đại hội đã thông qua một số nội dung gồm đầu tư thêm vào Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) và KDC mua lại cổ phiếu quỹ tối đa lên đến 30% tổng số cổ phiếu phát hành.


Tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51%


Hiện tại, Kinh Đô đang sở hữu 24% cổ phần Vocarimex. Sắp tới, Kinh Đô sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex lên 51%.


Ngày 29/11/2014, tại Đại hội Cổ đông lần đầu của Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), 3 nhân sự của Công ty cổ phần Kinh Đô đã được bầu vào Hội đồng quản trị Vocarimex. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kinh Đô còn giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Vocarimex.


Ngoài việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex, Kinh Đô dự định mua 1 công ty sản xuất bột mì.


Mondelez International mua 80% cổ phần Kinh Đô Bình Dương


Ông Trần Quốc Việt, phó Tổng Giám đốc Kinh Đô giải thích nguyên nhân Công ty tái cấu trúc ngành bánh kẹo và dự kiến chuyển giao 80% cổ phần Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) đã tái cấu trúc (bao gồm 100% cổ phần Kinh Đô Miền Bắc) cho Mondelez International là do ngành hàng bánh kẹo của Công ty đang tăng trưởng chậm lại.


KDC sẽ chuyển nhượng 80% cổ phần BKD cho công ty con Mondelez International là Cadbury Enterprises Pte. Ltd. (CEPL) cùng với quyền chọn mua số cổ phần BKD còn lại với cùng giá chuyển nhượng áp dụng với từng cổ phần như giao dịch mua 80% cổ phần trước đó. Ông Trần Quốc Việt cho biết, việc giữ lại 20% cổ phần để giao dịch sau là ý định của Công ty.


Như công bố tại lễ ký kết đầu tư giữa KDC và Mondelez International vào tháng 11/2014, dự kiến việc chuyển nhượng 80% cổ phần BKD sẽ hoàn thành vào quý II/2015. Việc chuyển nhượng sẽ bao gồm hệ thống phân phối của mảng bánh kẹo.


Giá chuyển nhượng trước thuế cho giao dịch mua 80% cổ phần BKD là 7.846.875.000.000 đồng Giá trên chưa bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu và khấu trừ nghĩa vụ phải trả, tùy thuộc vào các điều chỉnh cụ thể.


Phương thức thực hiện giao dịch sẽ bao gồm việc Kinh Đô ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với CEPL và ký hợp đồng thỏa thuận phong tỏa tài khoản tại Ngân hàng Standard Chartered - chi nhánh Singapore giữa KDC và CEPL.


Sau khi giao dịch thực hiện xong, KDC sẽ còn giữ 20% cổ phần BKD, 100% cổ phần Ki Do và 24% cổ phần Vocarimex trong ngành hàng thực phẩm. Việc tăng tỷ lệ sở hữu của Kinh Đô tại Vocarimex lên 51% được Đại hội cổ đông bất thường thông qua nhưng vẫn chưa được thực hiện. Ngoài ra, những khoản đầu tư khác trong ngành hàng thực phẩm vẫn chưa được công bố.


Về lượng tiền mặt lớn nếu giao dịch với Mondelez International thành công, ông Kelly Wong, CFO Kinh Đô, cho biết Công ty sẽ không tái cấu trúc mảng bất động sản mà tập trung vào ngành hàng thực phẩm đóng gói.


Mua lại 30% cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ


Theo đề nghị của nhóm cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 10% cổ phần, KDC đã bổ sung nội dung mua cổ phiếu quỹ với mức lên đến 30% tổng số lượng cổ phiếu phát hành vào Đại hội cổ đông bất thường năm 2014 và được cổ đông thông qua. 30% cổ phần được mua lại tương ứng với gần 77 triệu cổ phiếu KDC, bao gồm gần 1,5 triệu cổ phiếu quỹ.


Số lượng cổ phiếu này được mua với giá không quá 60.000 đồng/cổ phiếu do Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC) làm đại lý thực hiện giao dịch mua lại. Như vậy, Kinh Đô sẽ chi tối đa khoảng 4.530 tỷ đồng để mua lại lượng cổ phiếu quỹ trên.


Nguồn vốn để mua lại là 4.681.146.658.713 đồng, lần lượt gồm thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận chưa phân phối.


Khi được cổ đông hỏi về vấn đề cổ tức năm 2015, đại diện Công ty cho biết nội dung cổ tức vẫn sẽ được quyết định tại Đại hội cổ đông năm 2015 của Kinh Đô. Cổ tức năm 2014 vẫn sẽ được chi trả theo tỷ lệ 20%, tương ứng 2.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.


Khi cổ đông chất vấn đại diện Công ty về việc nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh cổ phiếu KDC trong thời gian vừa qua, Công ty cho biết không bàn luận về cổ phiếu.


Về việc bán ra lượng cổ phiếu lớn nếu KDC mua lại trên 70 triệu cổ phiếu về làm cổ phiếu quỹ, Kinh Đô dự kiến không bán qua sàn mà bán cho nhà đầu tư chiến lược cùng trong ngành hàng thực phẩm.




Giá dầu có thể giảm xuống mức 30 USD

Giá dầu có thể giảm xuống mức 30 USD

Phát biểu trên tờ Canada Post, ông Edwards cho biết: "Giá dầu có thể tụt xuống mức 30-40 USD. Nó đã từng xuống đến mức 35 USD trong năm 2008, trong một thời gian rất ngắn."



Edwards cũng cho biết thêm: "Vào một ngày nào đó bạn có thể thấy những biến động trên thị trường, nơi mà giá cả biến động nhiều hơn so với các giá trị kinh tế cơ bản", thêm nữa, ông cũng không mong đợi giá dầu sẽ giảm xuống mức 30-40 USD/thùng như dự đoán.


"Câu hỏi tốt hơn là khi nào nó sẽ ổn định, và khu vực 70-75 USD có lẽ không phải là một nơi quá tồi tệ để duy trì trong một khoảng thời gian cho đến khi bạn có được sự cân bằng hơn trong chu kỳ tăng trưởng về cung cầu", Edwards nói.


Vào ngày thứ 6 vừa qua, giá dầu thô WTI giao ngay giao động quanh mức 66 USD một thùng, giảm khoảng 8 USD/thùng so với mức bắt đầu của tuần do tác động từ thông báo hôm thứ 5 từ OPEC rằng họ sẽ không cắt giảm mức sản lượng.


Edwards cũng cho rằng các dự án dầu khí đang được tiến hành và các dự án dài hạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục, nhưng các dự án trong tương lai có thể sẽ bị trì hoãn do sự sụt giảm gần đây.


Edwards cho biết Canadian Natural Resource sẽ giảm chi phí vốn của mình trong năm tới.


Cổ phiếu của Canadian Natural đã giảm hơn 9% vào thứ 6 trong bối cảnh một lượng lớn cổ phiếu dầu mỏ được rao bán sau sự sụt giảm của giá dầu thô.



Kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, khó thực hiện

Kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá, khó thực hiện


10 tháng đầu năm nay, xuất siêu cả nước đạt 2,36 tỷ USD; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao, trên 11 tỷ USD; giải ngân FDI và nguồn kiều hối đều tăng so với cùng kỳ, nên theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, tỷ giá khó biến động những tháng cuối năm.


Nhưng liệu NHNN có điều chỉnh thêm 1% tỷ giá vẫn là dấu chấm hỏi khi tỷ giá tiếp tục có biến động trong mùa thanh toán cao điểm cuối năm của doanh nghiệp.


Tỷ giá USD/VND cuối tuần qua vẫn nhích nhẹ. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank chiều ngày 28/11 ở mức 21.390 - 21.405 đồng/USD (mua - bán). Cùng ngày, ACB niêm yết tỷ giá ở mức 21.380 - 21.400 đồng/USD, không tăng so với 2 ngày trước đó.


Trước biến động của tỷ giá, nhiều người cho rằng là do tâm lý kỳ vọng NHNN sẽ một lần nữa điều chỉnh thêm 1% biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà băng, tỷ giá tăng do nhu cầu thanh toán cuối năm. Cán cân thương mại của Việt Nam đã nhập siêu trong vòng 2 tháng gần đây (tháng 9 và tháng 10, tổng nhập siêu là 1 tỷ USD), bên cạnh việc dòng vốn đầu tư gián tiếp đảo chiều sau khi Fed ngừng gói nới lỏng định lượng QE3. Trong khi thanh khoản nguồn vốn tiền đồng dồi dào, lãi suất thấp tạo điều kiện cho các NHTM tăng cường mua ngoại tệ, để quản lý trạng thái ngoại hối.


Theo lãnh đạo HSBC Việt Nam, về cơ bản, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn thặng dư (9 tháng đầu năm, thặng dư 11 tỷ USD), nên nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp và cá nhân vẫn sẽ được đáp ứng đầy đủ. Nguồn tiền kiều hối đổ về vào giai đoạn trước Tết cũng sẽ đóng góp đáng kể vào nguồn cung USD, đảm bảo cho tỷ giá ổn định. Theo số liệu thống kê, 11 tháng đầu năm, kiều hồi chuyển về chỉ riêng khu vực TP. HCM đạt 4,4 tỷ USD, ước cả năm đạt 5 tỷ USD.


“Tiết kiệm VND vẫn là kênh đầu tư vừa bảo toàn vốn vừa sinh lời. Nếu so sánh mức lãi suất tiết kiệm tiền đồng hiện nay với dự báo về lạm phát trong thời gian tới (+2,90% cho cả năm 2014 và +5,80% cho cả năm 2015), thì mức lãi suất 5,5%/năm vẫn thực dương”, HSBC Việt Nam nhận định.


Tỷ giá được cho là đang phản ánh đúng giá của thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn được kiểm soát, nên ngay cả khi NHNN tăng thêm 1% biên độ tỷ giá, thì đồng Việt Nam vẫn ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính - tiền tệ, điều này rất quan trọng, vì hiện tại NHNN mới tạo được niềm tin của người dân vào tiền đồng, nên sẽ còn cả một chặng đường dài để người dân có thể tin tưởng và cảm thấy an toàn vào hệ thống tài chính trước khi NHNN thả nổi đồng nội tệ. Vì vậy, việc kiểm soát tỷ giá hiện nay của NHNN được cho là đang tạo hành lang an toàn, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.


Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, cung - cầu ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng vẫn đang duy trì ổn định. Nguồn tiền gửi bằng ngoại tệ sụt giảm mạnh, trong khi huy động vốn tiền đồng vẫn tăng cao. Điều này được nhiều chuyên gia tiền tệ đánh giá là phù hợp với xu hướng thị trường trong thời gian tới khi quan hệ giữa người dân có ngoại tệ với ngân hàng sẽ là quan hệ mua - bán hơn là gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.


Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam, hiện tại, các ngân hàng vẫn được phép huy động ngoại tệ và người dân có ngoại tệ vẫn gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ vào ngân hàng. Song định hướng về dài hạn, không nên khuyến khích điều này.


“Kỳ vọng trong tương lai, người dân sẽ tin tưởng hoàn toàn vào tiền đồng, khi đó, họ sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm hoàn toàn bằng tiền VND”, ông Hải nói.


Theo cam kết của NHNN sẽ không tăng tỷ giá quá 2% trong một năm. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã điều chỉnh tăng 1%, nên việc kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh là có lý do. Với xu hướng lãi suất tiền đồng giảm dần thời gian qua, ngân hàng có xu hướng đẩy mạnh mua ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong mùa cao điểm cuối năm, khiến tỷ giá tăng. Tuy nhiên, dòng tiết kiệm vẫn khó chuyển hướng từ tiền đồng sang USD. Bởi lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện đã được điều chỉnh xuống mức thấp, dao động từ 0,5 - 1%/năm cùng với tỷ giá ổn định. Do đó, việc tỷ giá biến động nhẹ trong những ngày qua vẫn được cho là do ảnh hưởng bởi tâm lý kỳ vọng tỷ giá điều chỉnh.


Về phía NHNN, cơ quan này đã chính thức công bố không điều chỉnh tỷ giá. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN, thứ nhất, cung - cầu ngoại tệ vẫn ổn định, nguồn cung ngoại tệ diễn biến tích cực, trong khi chưa xuất hiện nhu cầu lớn về ngoại tệ. 10 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 2,36 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao, trên 11 tỷ USD. Thứ hai, giải ngân FDI và kiều hối đều tăng so với cùng kỳ và tiếp tục khả quan dịp cuối năm. Thứ ba, trên thị trường ngoại tệ, doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường, không có gì đột biến. Hệ thống TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ các khách hàng tổ chức và cá nhân cho thấy, nhu cầu ngoại tệ của khách hàng không những được đáp ứng đầy đủ, mà tổ chức và cá nhân còn có xu hướng bán ngoại tệ cho các TCTD.


Tuy nhiên, trước biến động nhẹ của tỷ giá USD/VND trên thị trường ngân hàng biến động nhẹ trong những ngày gần đây, lãnh đạo NHNN cũng cho biết, đang tập hợp nhu cầu của các ngân hàng thương mại, để sẵn sàng bán ra khi cần thiết.


“NHNN đã thông báo về kế hoạch bán ngoại tệ cho các ngân hàng trong hệ thống. Chúng tôi đang tổng hợp nhu cầu, sẵn sàng bán ra để ổn định thị trường”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.


Theo Tinnhanhchungkhoan




Gỡ sở hữu chéo - Minh bạch thông tin, con số

Gỡ sở hữu chéo - Minh bạch thông tin, con số


Xử lý sở hữu chéo (SHC) được xem là vấn đề nổi cộm và khó khăn nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM bên cạnh việc xử lý nợ xấu. Kỳ vọng gỡ SHC cũng quy định rõ tại Điều 20 trong Thông tư 36/TT-NHNN việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác. Song theo các chuyên gia, muốn gỡ SHC điều quan trọng phải đảm bảo công khai, minh bạch các con số liên quan.


Kỳ vọng Thông tư 36


Theo Điều 20 của Thông tư 36, giới hạn quy định NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NHTM đó; chỉ được mua, nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của TCTD khác đó.


NHTM không được cử người tham gia HĐQT tại TCTD mà NHTM đã mua trừ trường hợp là công ty con, tham gia tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN. Đây được xem là một trong những nỗ lực của NHNN để xử lý vấn đề SHC đã tồn tại khá lâu trong hệ thống NHTM.


Trước đó, liên quan đến việc xử lý SHC cũng đã có nhiều giải pháp được ban hành và triển khai nhưng vẫn chưa xử lý rốt ráo. Trong số các giải pháp xử lý SHC đã được thực hiện, sáp nhập và hợp nhất (M&A) được đánh giá có thể xử lý triệt để SHC. Tuy nhiên, dù thực hiện nhiều thương vụ M&A nhưng cũng chỉ có 2 trường hợp M&A có liên quan đến SHC.


Tiếp theo, Đề án 254 về việc yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn trong các TCTD trước ngày 31-12-2015 với 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xử SHC trong hệ thống các TCTD; Nghị định 15/NĐ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gỡ được SHC với 4 cách thức thoái vốn nhà nước tại các NHTM. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai thực tế, các giải pháp này không suôn sẻ như mong muốn và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra.


Khi một loạt giải pháp được triển khai thực hiện chậm chạp, những quy định của Thông tư 36 được xem như một động thái tích cực đối với việc xử lý tình trạng SHC. Theo Thông tư này, từ năm 2015, một số NHTM sẽ phải thoái vốn tại một hoặc các TCTD khác để giảm sở hữu về dưới 5%, đồng thời siết tín dụng đề phòng doanh nghiệp vay mua trái phiếu, cổ phiếu cũng được kỳ vọng làm giảm nguy cơ thâu tóm NH. Điều này đã tạo ra kỳ vọng tích cực đối với việc ngăn chặn và xử lý được tình trạng SHC trong hệ thống NH thời gian tới.


Phải đảm bảo minh bạch


Tại Nghị quyết được thông qua tại phiên họp cuối cùng cuối tuần trước, Quốc hội đánh giá việc xử lý SHC, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD vẫn còn chậm. Theo đó, Quốc hội yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với TCTD, giám sát chặt chẽ vấn đề SHC, đầu tư chéo, xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh, để cuối năm 2015 cơ bản kiểm soát SHC, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật.


Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, SHC đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro mang tính hệ thống. Do mối quan hệ giữa dòng tiền và sản xuất, nên nếu một vài NH đổ vỡ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống NH mà còn lan tỏa đến khu vực sản xuất kinh doanh. Nợ xấu là một kết quả của quá trình trên. SHC cũng làm cho dòng tiền chuyển vào các dự án sân sau của các ông chủ NH.


Khi xảy ra nợ xấu, sự nhập nhằng của SHC khiến vấn đề nợ xấu trở nên rất khó xử lý. Song song đó, SHC cũng làm giảm đi tính minh bạch, tăng khả năng đổ vỡ của một định chế tài chính, đe dọa sự an toàn của người gửi tiền và đặc biệt gây cản trở quá trình tái cơ cấu hệ thống NH. Vì vậy, nếu thực hiện được mục tiêu Quốc hội đề ra sẽ có lợi cho quá trình tái cơ cấu cũng như hoạt động của hệ thống.


Với Thông tư 36, những quy định về việc NHTM mua và nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác đang nhận được nhiều ý kiến tán thành, vì quy định này cho thấy sự nhiệt tình trong việc xử lý vấn đề SHC của hệ thống.


Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lưu ý muốn xử lý SHC như mong muốn khi thực thi Thông tư 36 nhất thiết phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% phải là con số thật. Thời gian qua, nợ xấu chưa rõ ràng, số liệu mỗi cơ quan công bố mỗi khác, nên cho đến thời điểm này con số về nợ xấu vẫn gây nghi ngờ.


PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, chỉ khi nào công khai, minh bạch về các số liệu liên quan của các NHTM mới có thể tháo gỡ được tình trạng SHC và xóa bỏ được tình trạng lách luật để sở hữu cổ phần vượt quá quy định. Muốn kiểm soát SHC hiện nay không chỉ cần có văn bản pháp quy mà cần phải có giải pháp kiểm soát quá trình thực hiện và có thể hình sự hóa các vấn đề liên quan đến SHC bổ sung vào luật dân sự để ngăn ngừa hành vi này.


Còn muốn minh bạch thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, NHNN cần phải thúc đẩy các NHTM sớm niêm yết lên sàn như mục tiêu đã đề ra.




Tăng chất cho vay đầu tư cổ phiếu

Tăng chất cho vay đầu tư cổ phiếu


Quy định cấp tín dụng cho cổ phiếu không quá 5% trên vốn điều lệ của NH sẽ nâng chất lượng vốn đầu tư cho TTCK.


Sẽ có NH không sử dụng hết 5%


Theo thống kê của NHNN, tổng vốn điều lệ của các NH và chi nhánh NH nước ngoài khoảng 435,5 ngàn tỷ đồng, trong khi khối lượng giao dịch trên TTCK hiện nay trên dưới 3.000 tỷ đồng/phiên. Đối chiếu theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các TCTD được phép cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu 5% vốn điều lệ thì toàn thị trường sẽ có dư địa khoảng 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng để đầu tư. Đây không phải là con số nhỏ.


Trên toàn thị trường hiện số dư cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu được ước tính khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó có cả phần cho vay từ nguồn vốn chủ sở hữu của các CTCK.


Theo đánh giá của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học NH TP. Hồ Chí Minh, con số 5% vốn điều lệ vẫn đang lớn hơn nhiều số dư cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán hiện tại trên thị trường. Nếu nhìn ở phạm vi ảnh hưởng tới hệ thống NHTM và TTCK thì chỉ về số lượng có thể sẽ giảm lượng vốn đầu tư vào cổ phiếu. Nhưng trong thực tế, tổng lượng vốn NH vào cổ phiếu tính trên toàn hệ thống thì chưa lúc nào đạt tới 20% tổng vốn điều lệ. Tỷ lệ cho vay đầu tư cổ phiếu 5% vốn điều lệ trong dài hạn sẽ nâng chất của TTCK và tác động tốt đến chất lượng hoạt động NH.


Trong Thông tư 36 cũng quy định điều kiện với NH được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ. Điều này đã thể hiện rất rõ định hướng của NHNN trong quản lý cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu trong hệ thống NH. Tâm lý đã đè nặng lên thị trường làm giá cổ phiếu đi xuống 3 ngày sau khi có quy định NH cho vay đầu tư cổ phiếu không quá 5% vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Lê Thẩm Dương, về bản chất, quy định này sẽ thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững hơn nhờ nguồn vốn đầu tư thực chất.


Thực tế, trong quá trình nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư 36, các NHTM đã hình dung cơ bản được yêu cầu nội dung, khối lượng công việc cần triển khai, thậm chí cả về chi phí. Do vậy, những quy định mới sau khi có hiệu lực sẽ được triển khai bình thường tại các NHTM.


Tác động nhất thời


Nguyên Tổng giám đốc một NHTM cho rằng, trước đây theo quy định tại Thông tư 13, các NHTM được phép cho vay lĩnh vực chứng khoán tối đa không được vượt quá 20% vốn điều lệ. Còn theo quy định của Thông tư 36 các NHTM không được phép cho vay cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ. Như vậy, điều đó phải hiểu rằng, cổ phiếu chỉ là một trong những loại giấy tờ có giá trong chứng khoán nói chung.


“Với mục đích tái cấu trúc hệ thống NH, giảm sở hữu chéo, thanh lọc cổ đông thông qua việc cung cấp tín dụng là điều đương nhiên… Bởi mục tiêu của tái cơ cấu NH phải làm cho hệ thống NH lành mạnh, hạn chế việc sở hữu chéo”, nguyên lãnh đạo NHTM trên nói.


Điều đó cũng có nghĩa, sẽ có một số NH không được phép đầu tư chứng khoán, do nợ xấu còn trên 3% tổng dư nợ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vốn tín dụng sẽ không “còn cửa” vào chứng khoán, mà thực tế các NH đang từng bước xử lý nợ xấu. Ở mặt ngược lại, hiện một số NH được cho vay, nhưng cũng không vì thế mà móc hết hầu bao ra cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu. Có thể các sản phẩm cho vay thấu chi ba bên giữa CTCK - NH - NĐT sẽ không còn nhiều cơ hội, do điểm chốt chặt 5% ở NH.


Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ cho vay đầu tư cổ phiếu 5% vốn điều lệ NH sẽ làm thị trường phát triển trên nền ổn định, chất lượng, cho dù trước mắt có thể giảm sút về quy mô, nhưng đạt được ổn định lâu dài. Quy định này trong Thông tư 36 sẽ hướng đến các chuẩn mực quốc tế.


Tuy nhiên, trước mắt giới hạn tỷ lệ các NH đầu tư trái phiếu Chính phủ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự linh hoạt dòng vốn chứng khoán chuyển đổi. Các NĐT lo ngại sẽ có những tác động nhất định đến TTCK.


Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, câu chuyện của TTCK là một câu chuyện lớn của thị trường, vốn có rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ ở một khía cạnh tác động nhất thời và đòi hỏi sự lành mạnh. Do đó, Thông tư 36 cũng chỉ là một khía cạnh có thể tác động trong ngắn hạn đối với TTCK. Nhưng về dài hạn, với các quy định của Thông tư 36 sẽ tác động làm cho thị trường tài chính lành mạnh, trong đó có các NHTM.


Theo Thoibaonganhang




Cú rơi của Eximbank

Cú rơi của Eximbank


Quy mô tài giảm sụt giảm, Eximbank chính thức rớt khỏi câu lạc bộ 150.000 tỉ đồng.



Cổ phiếu của Ngân hàng Eximbank đang được giao dịch tại mức giá 11.200 đồng/cổ phiếu, theo giá đóng cửa trên sàn giao dịch chứng khoán vào cuối tuần qua. Mức giá này hiện thấp hơn giá cổ phiếu của các ngân hàng được xếp trong cùng nhóm có quy mô tài sản tương đồng như Sacombank, Ngân hàng Quân đội và ACB.



Mặc dù đa số giá cổ phiếu của các mã trên thị trường chứng khoán Việt Nam biến động trong biên độ tương đối rộng, nhưng nhìn chung, giá cổ phiếu vẫn là một trong những chỉ báo cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào công ty.


So với nhóm các ngân hàng cùng quy mô như Ngân hàng Quân Đội, Sacombank, Eximbank, ACB và Techcombank, tình hình kinh doanh của Eximbank trong quý này tiếp tục “đội sổ”.


Lợi nhuận trước thuế trong quý này giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái, còn lũy kế 9 tháng đầu năm, con số lợi nhuận cũng giảm đến 18%. Khả năng cán đích của kế hoạch lợi nhuận cả năm cũng khó khả thi khi Eximbank mới chỉ đạt được hơn 50% kế hoạch đặt ra sau 9 tháng.


Các con số tài chính khác cho thấy hoạt động kinh doanh của Eximbank đang có nhiều trục trặc. Hoạt động tín dụng tiếp tục xu hướng giảm (dư nợ cho vay giảm đến 3,9% so với hồi đầu năm) đi kèm theo chất lượng nợ ngày càng đáng lo hơn. Tỉ lệ nợ xấu tăng vọt lên mức 3,36% vào thời điểm cuối quý III (cuối năm 2013 chỉ ở mức 1,98%), cao hơn các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương.


Nếu nhìn lại, cú rơi của Eximbank không phải là trường hợp duy nhất. Trước đó, 2 ngân hàng khác là ACB và Techcombank cũng lần lượt gặp phải những vấn đề tương tự như Eximbank.


Chẳng hạn, giống như ACB, Eximbank cũng “dính đòn” khá nặng từ vàng, hoạt động vốn mang lại cho 2 ngân hàng này lợi nhuận trước đó. Còn với Techcombank, điểm chung đó là tỉ lệ nợ xấu tăng vọt cùng dư nợ cho vay giảm đáng kể.


Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là quy mô tài sản của Eximbank lại giảm mạnh hơn nhiều các ngân hàng khác, cho dù bối cảnh kinh doanh giống nhau. Sau 9 tháng đầu năm, quy mô tài sản của Eximbank đã sụt giảm gần 29.000 tỉ đồng, tương ứng với mức sụt giảm của khoản mục Tiền gửi và Cho vay các tổ chức tín dụng khác, theo bảng cân đối tài sản.


Với việc giảm tổng tài sản này, trong năm nay, Eximbank đã chính thức rớt khỏi câu lạc bộ các ngân hàng có quy mô tài sản trên 150.000 tỉ đồng, cũng như rớt khỏi nhóm 5 ngân hàng tư nhân có quy mô tổng tài sản lớn nhất trên thị trường.


Trước đây, thị trường luôn có một nhóm 5 ngân hàng có quy mô tài sản trung bình, bao gồm: Ngân hàng Quân Đội, Sacombank, Eximbank, ACB và Techcombank, xếp ngay sau nhóm 4 ngân hàng thương mại thuộc chi phối Nhà nước. Nhóm này được xem là khá tương đồng về quy mô, vị thế, thương hiệu, cùng duy trì mức tăng trưởng nhanh và ổn định.


Tuy nhiên, trong năm 2014, vị trí của Eximbank đã được thay thế bằng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngay sau là VPBank. Cả SHB và VPBank nhanh chóng tăng trưởng quy mô tài sản trong 9 tháng đầu năm nhờ vào việc mở rộng danh mục cho vay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, dư nợ cho vay của SHB tăng trưởng đến 25,6%, còn ở VPBank tăng trưởng 35,1%.


Nói về tăng trưởng quy mô, Sacombank được xem là trường hợp đặc biệt khi ngân hàng này vẫn tăng trưởng đều đặn (tăng trưởng quy mô 16% trong 9 tháng đầu năm). Quy mô tài sản của Sacombank đã gần tương đương với Ngân hàng Quân Đội.


Theo lý thuyết về chu kỳ tăng trưởng ở doanh nghiệp, sau mỗi giai đoạn tăng trưởng nóng là bắt đầu chu kỳ đi xuống.


Ví dụ, giai đoạn tăng trưởng mạnh của ACB là vào những năm 2006-2007, thì đến năm 2012 ngân hàng này bắt đầu đi xuống. Sau đó lần lượt là Techcombank và đến Eximbank cũng bắt đầu có dấu hiệu tụt dốc từ năm 2013 và rất có thể tiếp theo sẽ là Ngân hàng Quân Đội, vốn đang chịu áp lực do nợ xấu tăng mạnh. Còn Sacombank, SHB lẫn VPBank dường như đang tận dụng rất tốt thời cơ này để chiếm lĩnh thị trường.


Trở lại với Eximbank, một trục trặc quan trọng từ năm 2013 là sự khủng hoảng về nhân sự cấp cao. Tháng 5.2014, ông Phạm Hữu Phú từ Sacombank đã về lại để nhận chức Quyền Tổng Giám đốc và chính thức trở thành Tổng Giám đốc vào giữa tháng 11.


Với việc điều hành Eximbank, ngân hàng vừa rơi khỏi danh sách top 5 truyền thống, thì nhiệm vụ của ông Phú là khá rõ ràng và cũng nặng nề không kém, đó là ghi tên Eximbank trở lại vào danh sách này.


Theo Nhịp cầu Đầu tư




Báo cáo tình hình tài chính của DNNN: Có lãi nhưng nợ rất cao

Báo cáo tình hình tài chính của DNNN: Có lãi nhưng nợ rất cao

Ngập trong nợ nần dù lợi nhuận tăng 15%



Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2013, cả nước có 796 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó, có 8 tập đoàn kinh tế, 100 TCT Nhà nước, 25 công ty TNHH một thành viên mô hình mẹ - con, 309 công ty TNHH một thành viên độc lập công ích và 354 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại. Tổng tài sản của các DN theo báo cáo hợp nhất trong năm 2013 là 2.869.120 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2012. Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của các DNNN đạt 181.530 tỷ đồng, tăng 15% so với 2012. Trong đó, khối TĐ đạt 137.648 tỷ đồng, tăng 14% và chiếm 76% tổng lợi nhuận trước thuế của DN cả nước. Khối TCT đạt 30.669 tỷ đồng, tăng 35%.




Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy các DNNN đang hoạt động chủ yếu bằng vốn vay. Cụ thể, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT năm 2013 là 1.514.915 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,45 lần. Trong đó, 41 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Tăng nhiều nhất trong số nợ phải trả của DN là nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng với 489.260 tỷ đồng, tăng 12,3%. Các DN nợ tương đối lớn là EVN: 78.583 tỷ đồng, Vinacomin: 49.566 tỷ đồng… Các TĐ, TCT cũng đang nợ nước ngoài 325.936 tỷ đồng. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 125.061 tỷ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 122.543 tỷ đồng, còn lại là tự vay, tự trả.




Mặc dù tổng tài sản của khối DNNN là 2.639.916 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2012 song tỷ trọng đầu tư tài chính dài hạn/tổng tài sản chỉ ở mức 7,1%. Nhưng, các TĐ, TCT lại có tổng nợ phải thu là 298.645 tỷ đồng, trong đó, nợ khó đòi là 10.329 tỷ đồng, tăng 15,8%. Một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu ở mức cao (trên 50%) như Công ty mẹ của: TCT XD CTGT8, nợ phải thu 1.054,489 tỷ đồng, bằng 73%; TCT XD Trường Sơn 1.123,542 tỷ đồng, bằng 64,7%; TCT XD Thăng Long 1.037,583 tỷ đồng, bằng 58,4%…




Áp dụng kỷ luật thị trường tái cơ cấu DNNN




Những yếu, kém của khối DNNN hiện nay chủ yếu nằm ở việc khu vực Nhà nước đang tham gia vào quá nhiều hoạt động, dự án khác nhau, ở nhiều lĩnh vực nhưng không mang lại hiệu quả, trong khi hệ số nợ của khối này vẫn ở mức quá cao.




Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết sắp xếp lại 432 DNNN trong thời gian từ nay đến năm 2015, áp lực với khối DN này không hề nhỏ bởi còn quá nhiều tồn tại liên quan đến vấn đề tài chính và quản trị DN. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc không rõ ràng giữa nhiệm vụ DN và nhiệm vụ chính trị nhiều năm qua là cái cớ để một số DNNN chậm đổi mới, cải tổ. Trách nhiệm chính trị mà một số DNNN vẫn nói đến thực chất là nhiệm vụ xã hội về thực hiện chính sách. Cần tách bạch rõ hai nhiệm vụ này để tính toán một cách rõ ràng mới có thể khắc phục phần nào bất cập hiện nay.




Tại "Diễn đàn Kinh tế mùa thu" diễn ra mới đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Sở dĩ việc TCC nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu DNNN nói riêng còn chậm là do hậu quả của mô hình tăng trưởng cũ, của hệ thống thể chế cũ quá nặng nề nên chúng ta phải trả giá bằng sự suy yếu nghiêm trọng, kéo dài của nền kinh tế và cả DN. Từ quyết tâm cổ phần hóa tại Bộ GTVT, nếu từ nay đến cuối năm, DNNN nào không cổ phần hóa thì người đứng đầu DN đó phải rời khỏi vị trí, TS Trần Đình Thiên cho rằng cần gắn trách nhiệm cá nhân trong việc triển khai các quyết định của Nhà nước mới có thể tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn.




Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, phải áp đặt kỷ luật thị trường để tạo ra những chuyển biến thực chất hơn trong TCC DNNN. Để thực hiện, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, để giải quyết nợ xây dựng cơ bản và nợ của DNNN, cần tìm nguồn để trả như bán cổ phần của các DNNN tại Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giải phóng gánh nặng cho các tổ chức tín dụng đi đôi với việc xử lý lãnh đạo DN đã gây ra nợ xấu...




Hoãn nới room khối ngoại

Hoãn nới room khối ngoại


Nhà đầu tư quốc tế sẽ phải chờ ít nhất 10 tháng nữa trước khi Việt Nam nới room khối ngoại.


Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 28/11, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng cho biết, Ủy ban đang điều chỉnh kế hoạch trình lên Bộ tài chính về việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành từ 49% lên 60%. Đề xuất mới sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10/2015.


Ông cho biết, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ liên quan để điều chỉnh kế hoạch và giải quyết các vấn đề chưa chiểu theo luật hiện hành.


Trước đó, hồi tháng 2, ông Bằng cho biết Chính phủ sắp hoàn tất việc xem xét và ra quyết định cuối cùng về đề xuất nới room khối ngoại.


Đồn đoán về khả năng Việt Nam sắp nới room khối ngoại giúp VN Index tăng 22% năm 2013 và 12% kể từ đầu năm nay.


Các quỹ đầu tư trong đó có Quỹ quản lý tài sản Templeton và Dragon Capital cho biết họ không thể mua số lượng cổ phiếu ở Việt Nam như mong muốn bởi vẫn bị giới hạn tỷ lệ sở hữu.


Attila Vajda, giám đốc điều hành công ty tư vấn và nghiên cứu dự án châu Á, nhận định: “Kế hoạch này sẽ khiến thị trường đang trong đà tăng sẽ thất vọng. Ông này cho rằng, ít nhất phải đến năm 2016 đề xuất mới được phê duyệt.




Doanh nghiệp niêm yết vào tầm ngắm của khối ngoại

Doanh nghiệp niêm yết vào tầm ngắm của khối ngoại

Trước đó, vào đầu tháng 10/2014, cổ đông lớn của Công ty CP Bibica là Lotte Confectionary Co., Ltd đã mua thành công 71.730 cổ phần của Bibica. Với giao dịch này, Lotte Confectionary Co., Ltd sở hữu 6,789 triệu cổ phần của Bibica, tương đương tỷ lệ sở hữu 44,03%. Ý đồ thâu tóm Bibica của Lotte đã bắt đầu dậy sóng từ năm 2007, khi Lotte mua 30% cổ phần của Bibica và hai bên ký kết hợp đồng trở thành đối tác chiến lược. Ngay sau đó, Lotte ngày càng lộ rõ tham vọng thâu tón Bibica khi liên tục gom cổ phần và gia tăng tỷ lệ sở hữu.


Lotte cũng nhiều lần gây áp lực và tham gia vào hoạt động kinh doanh của Bibica. Trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2012, Lotte đề xuất đổi tên Bibica thành Công ty CP Lotte - Bibica nhưng nội dung này đã được điều chỉnh vào giờ chót. Tại cuộc họp đại hội cổ đông đầu năm 2013, Lotte tiếp tục đề xuất thay toàn bộ Hội đồng quản trị của Bibica nhưng phút chót, đại hội không diễn ra được do nhóm cổ đông Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI - nắm hơn 38%) không tham dự. Cuộc họp đại hội cổ đông năm 2013 được tổ chức sau đó dù đã diễn ra êm đẹp, song đến nay, Lotte vẫn tiếp tục thu gom cổ phần của Bibica.


Theo đánh giá của giới phân tích, nguy cơ bị Lotte thâu tóm của Bibica là rất lớn bởi nhiều khả năng SSI sẽ chuyển nhượng số cổ phần sở hữu của mình khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng.


Cũng trong tháng 11/2014, tại TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với Quỹ đầu tư Global Emerging Market (GEM). Theo đó, GEM cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) để mua 10% cổ phiếu HAG. Ông Martin Đoan, đại diện của quỹ GEM chia sẻ rằng thương vụ này được quyết định trong vòng hai tháng sau chuyến đi thăm các dự án nông nghiệp của HAG tại Việt Nam, Lào và nhiều cuộc thương lượng giữa hai bên. Dự kiến giao dịch này sẽ được hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.


Ông Martin Đoan khẳng định, dù giá cổ phiếu trên thị trường trong thời gian tới tăng hay giảm cũng không làm ảnh hưởng đến cam kết của GE, và GEM cam kết sẽ đầu tư lâu dài và hỗ trợ HAG niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ đông của Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) là F&N Dairy Investments Pte Ltd mới đây cũng đã mua thêm 15 triệu cổ phần của VNM, nâng sở hữu lên 110,4 triệu cổ phần, tương đương 11,04% vốn điều lệ.


Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, việc tiếp nhận dòng vốn ngoại sẽ giúp DN có thêm tiềm lực về tài chính để đẩy mạnh đầu tư và gia tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn, đặc biệt là khi đối tác mua cổ phần là những DN cùng ngành với mục tiêu mua cổ phần để mở rộng mạng lưới, gia tăng thị phần. Do đó, các DN khi ký kết hợp tác cần hết sức tỉnh táo để có những bước đi phù hợp, tránh gặp phải những bài học như một số thương hiệu Việt đã gặp phải trước đây như Tribeco bị thâu tóm bởi Uni-President, kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate mua lại, Công ty bia Huế bị Carlsberg thâu tóm…









Một số thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần của DN Việt niêm yết trong thời gian gần đây:


Mutual Fund Elite (Non-Ucits) mua thêm 3,19 triệu cổ phần Công ty CP Thế giới Di động (MWG), nâng tỷ lệ nắm giữ từ 4,5 triệu cổ phiếu lên thành 7,7 triệu, tương đương 7,23% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn của MWG.


Amersham Industies Limited mua thêm 1 triệu cổ phần của Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), nâng sở hữu lên thành 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 5,04% vốn điều lệ.




Việt Nam sẽ tiếp tục thanh lọc công ty chứng khoán

Việt Nam sẽ tiếp tục thanh lọc công ty chứng khoán


“Có những công ty cả tháng chỉ giao dịch vài trăm ngàn đồng, chúng tôi cũng không hiểu công ty sống bằng gì?”...


Bên cạnh sự cải thiện kết quả kinh doanh của khối công ty chứng khoán trong nước 3 quý đầu năm, vẫn là sự tập trung thị phần không cân đối. Yếu tố thị trường đang sử dụng sức mạnh của nó để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc hệ thống trung gian này.


Tại hội nghị thành viên do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức ngày 29/11, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục theo các cơ chế thị trường, không dùng vốn ngân sách.


Lợi nhuận phân hóa


Theo tổng hợp báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của khối các công ty chứng khoán, kết quả hoạt động tương đối tốt và đặc biệt khởi sắc so với năm 2013.


Cụ thể, nếu như cùng kỳ 9 tháng năm 2013, có tới 70% các công ty chứng khoán báo lỗ thì 9 tháng năm 2014 đã có 78% công ty báo lãi. Số 20% công ty báo lỗ tổng cộng khoảng 36 tỷ đồng.


Lợi nhuận của các công ty trong 9 tháng đạt 2.828 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Chỉ số lợi nhuận trên vốn (ROE) bình quân 9 tháng đạt 7,1% trong khi 9 tháng 2013 chỉ đạt 5,81%.


Đánh giá tổng hợp về bức tranh lợi nhuận nói trên, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thay vì sự phát triển tập trung vào hoạt động môi giới, tự doanh như trước kia, các mảng nghiệp vụ khác đã phát triển hơn, trong đó đặc biệt là tư vấn, tái cấu trúc doanh nghiệp.


Số hợp đồng tư vấn của các công ty chứng khoán hiện nay là gần 5.000 hợp đồng, gồm tư vấn tài chính, tư vấn tái cấu trúc..., tăng 30% so với năm ngoái.


Đặc biệt, các công ty chứng khoán đã làm tốt nhiệm vụ đẩy dòng vốn vào doanh nghiệp thông qua hoạt động đánh giá lại doanh nghiệp, tìm ra các doanh nghiệp bình thường nhưng có giá trị tiềm ẩn, góp phần tái cơ cấu, gọi vốn từ các quỹ đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đó là bước đồng hành nổi bật của các công ty chứng khoán với doanh nghiệp.


Tuy vậy, bức tranh lợi nhuận cũng như hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán có mức độ phân hóa rất rõ. Theo số liệu của HNX, hoạt động giao dịch trên thị trường tập trung chủ yếu vào các công ty chứng khoán lớn, nhiều khách hàng, các công ty nhỏ phát sinh giao dịch rất thấp. Top 10 và Top 20 các công ty chứng khoán lớn đã chiếm 57% và 80% thị phần môi giới chung tính đến tháng 10/2014.


Môi giới đang trở thành nguồn lợi nhuận quan trọng cho công ty chứng khoán. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu khoảng 7.682 tỷ đồng thì doanh thu môi giới đạt 2.050 tỷ đồng, chiếm 27%. Số công ty nằm trong top 10 có doanh thu lên tới 4.467 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh thu của các công ty chứng khoán. Hơn 60 công ty chứng khoán không thuộc Top 20 chiếm chưa đến 20% tổng doanh thu.


Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, sự phân hóa trong bức tranh lợi nhuận sẽ tạo ra sức ép mang tính thị trường rất lớn. Đây là điều kiện để tái cấu trúc lại hệ thống trung gian này. Cho đến hiện tại, đã có hơn 20 công ty thực hiện giải thể, sáp nhập và chỉ còn lại 84 công ty đang hoạt động. Tuy nhiên trong số 84 công ty này, khoảng 20% hoạt động thấp, vốn nhỏ.


“Có những công ty cả tháng chỉ giao dịch vài trăm ngàn đồng, chúng tôi cũng không hiểu công ty sống bằng gì? Do đó, việc tái cấu trúc sẽ vẫn tiếp tục và còn mạnh hơn. Quá trình này hoàn toàn dựa trên nguyên tắc thị trường. Qua thực tế gần đây, các công ty lớn, quản trị tốt thì càng hoạt động tốt hơn và các công ty nhỏ ngày càng khó khăn. Do đó bản thân các công ty này sẽ phải tự điều tiết và tìm ra con đường cho mình”, ông Sơn nói.


Cuộc chơi mới


Quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán không chỉ là một yêu cầu tự thân trong hoạt động của các công ty, mà còn lại sự đào thải trong quá trình phát triển của thị trường.


Hiện có nhiều ý kiến tranh luận liên quan đến số lượng công ty chứng khoán trên thị trường Việt Nam bao nhiêu là đủ, nhưng theo ông Sơn, điều quan trọng nhất không phải số lượng mà là quy mô và chất lượng. Những công ty chứng khoán lớn trên thế giới có thể có quy mô vốn bằng cả toàn bộ 84 công ty chứng khoán hiện tại của Việt Nam.


Thị trường chứng khoán sẽ ngày càng phát triển và đòi hỏi các công ty chứng khoán phải nâng cao năng lực của mình, về vốn lẫn chất lượng hoạt động nghiệp vụ. Điều này đặc biệt quan trong khi dự kiến năm 2015, thị trường phái sinh có thể triển khai với nhiều sản phẩm tài chính mới và trước mắt là hợp đồng tương lai với chỉ số chứng khoán, chỉ số trái phiếu…


Các hoạt động trên thị trường phái sinh đòi hỏi chất lượng cao từ phía các công ty chứng khoán do mức độ rủi ro cao hơn, quy mô giao dịch có thể rất lớn do sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính. Đó là lý do tại sao dự thảo về các sản phẩm phái sinh mới đây đã đặt ra tiêu chuẩn vốn rất cao đối với công ty chứng khoán muốn tham gia. Chẳng hạn nghiệp vụ môi giới sản phẩm phái sinh đòi hỏi vốn tối thiểu 700 tỷ đồng.


Các tiêu chuẩn rất cao này đã loại ra khỏi cuộc chơi rất nhiều công ty chứng khoán nhỏ. Đó dường như là một sự không công bằng, nhưng thực tế lại là thông lệ quốc tế. Muốn tham gia vào một sân chơi chuyên sâu, công ty phải có quy mô nhất định mới đảm bảo an toàn. Tiêu chuẩn này trước hết là để đảm bảo an toàn cho chính công ty, cho nhà đầu tư và hoạt động thông suốt của thị trường.


Hệ thống văn bản pháp lý đối với các công ty chứng khoán đã hoàn thiện, tạo ra những tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nhanh hơn và mang tính thị trường. Đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết quá trình tái cấu trúc hiện tại là sự tự tái cấu trúc của chính các công ty chứng khoán. Dựa theo những tiêu chuẩn an toàn tài chính, hệ thống xếp hạng theo mô hình CAMELS, các công ty chứng khoán biết được mình đang đứng ở vị trí nào để thay đổi.


Chẳng hạn bức tranh xếp hạng trên cơ sở báo cáo tài chính bán niên có soát xét cho thấy 19 công ty có độ an toàn cao (23%); 29 công ty an toàn (36%), 20 công ty rơi vào diện nguy cơ thấp (25%) và 13 công ty có nguy cơ trung bình (16%).


Quá trình tái cấu trúc có thể tiếp tục thực hiện với những công ty có nguy cơ nhất.


“Định hướng của hoạt động tái cấu trúc là sẽ thanh lọc các công ty không đủ an toàn tài chính. Các tiêu chí này sẽ ngày càng được siết chặt hơn”, ông Sơn khẳng định.




Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Vụ '4.385 đồng': VietinBank đã lỡ cơ hội vàng?

Vụ '4.385 đồng': VietinBank đã lỡ cơ hội vàng?


Tuần qua, kết quả xử lý của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) về khoản tiền gửi tiết kiệm 270 đồng sau 30 năm thu hút sự chú ý của dư luận, cùng với những quan điểm trái chiều.


Ngày 9/11, báo Tuổi Trẻ có bài viết phản ánh bà Lê Thị Bích Thủy (tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM) đã gửi 270 đồng tiền tiết kiệm (theo mệnh giá năm 1983) vào quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu theo sự vận động của tổ dân phố lúc đó.


Qua 30 năm với những thay đổi, khoản tiền gửi trên được xác định tại VietinBank chi nhánh 7. Việc xử lý sau đó trở thành câu chuyện có cách kết thúc đơn giản, nhưng khó gọn về dư âm…



Từ “mất trắng” đến... mớ rau


Theo phản ánh của bài viết trên, khi bà Thủy tìm đến VietinBank chi nhánh 7 thì nhận được câu trả lời: năm 1985, nhà nước có thực hiện đổi tiền theo tỷ giá 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới, nên khoản tiền 270 đồng của bà còn 27 đồng, không phát sinh lãi gì. Vì số tiền này thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định nên khoản tiền trong sổ bị trừ còn 0 đồng.


Với trả lời trên, người gửi bỗng nhiên “mất trắng” số tiền, hay ngân hàng lẳng lặng “ăn không” nó.


Cũng may, đó chưa phải là cái kết sớm của câu chuyện.


Ngày 24/11, có một cái kết khác và cũng là cuối cùng cho đến thời điểm này. VietinBank đã rà soát lại, căn theo các quy định hiện hành và tính toán số tiền gốc và lãi suất quy định từng thời kỳ, để rồi thực hiện chi trả tổng cộng 4.385 đồng cả gốc lẫn lãi tính đến 30/11/2014.


“VietinBank cũng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch nhận lại số tiền gửi tiết kiệm, VietinBank chỉ định chi nhánh 7 thực hiện chi trả cho khách hàng khoản tiền gửi tiết kiệm”, báo Tuổi Trẻ viết ở kỳ tiếp theo.


Điểm nhấn “để tạo điều kiện thuận lợi” cùng với con số 4.385 đồng gây xôn xao trong cộng đồng mạng những ngày qua.


Thứ nhất là những phản ứng về số phận của khoản tiền gửi, từ “mất trắng” thành giá trị chỉ bằng một mớ rau.


Ở kết quả này, VietinBank cho rằng đã làm đúng các quy định, tính lãi theo đúng thời kỳ và đó là nguyên tắc rõ ràng. Thế nhưng, bên cạnh chữ “lý”, nhiều quan điểm chia sẻ trên mạng xã hội đề cập đến chữ “tình”.


Có điều gì đó hụt hẫng khi mà 30 năm trước bà Thủy thực hiện gửi tiền theo vận động của phường, tổ dân phố như một hành động yêu nước, với kết quả nhận được hiện nay. Thời điểm đó, 270 đồng bà gửi được xác định tương đương khoảng 2 chỉ vàng; còn nay tổng giá trị chi trả chỉ ngang mớ rau hay 1,5 ly trà đá vậy.


Thứ hai là quan điểm rõ ràng về nguyên tắc, thực hiện theo đúng quy định pháp lý. Theo đó, 4.385 đồng VietinBank chi trả là xong, chuyện kết thúc ở đó, khách hàng không thể trách ngân hàng được. Bởi lẽ, khoản tiền gửi trên là tài sản của họ và họ phải tự quản lý.


Tuy nhiên, ở đây còn có một điểm để ngỏ khi nói về nguyên tắc: nếu như khách hàng không tìm đến ngân hàng, thì mà chính ngân hàng cũng không chủ động tìm đến khách hàng để nhắc nhở hoặc xử lý. Dù nhỏ, nhưng nếu vậy sẽ là sự lẳng lặng biến tài sản của người khác thành của mình.


Thứ ba, một quan điểm khác so sánh: giả sử trước đây số tiền đó chuyển sang nắm giữ bằng vàng thì giá trị đến nay đã rất khác. Góc nhìn này góp thêm phần lý giải cho tâm lý ưa thích vàng trong dân cư, hay hàng trăm (thậm chí nghìn) tấn vàng trong dân vẫn chưa thể “nung chảy” thành VND để thành một nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh - điều mà Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện suốt ba năm qua.


Cùng đó, cái kết 4.385 đồng sau 30 năm trở thành một điển hình về giá trị của đồng tiền trước những thay đổi của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát…



“Cơ hội vàng”


Còn có một cái kết khác nữa cho câu chuyện, đúng hơn là một tình huống. Tiếc rằng nó đã không diễn ra.


Trên trang cá nhân, doanh nhân Lương Hoài Nam nhìn nhận rằng: “Trong vụ này VietinBank có một cơ hội làm thương hiệu cực tốt, không tốn kém bao nhiêu tiền, thế mà bỏ lỡ, đã thế lại còn bị dư luận chỉ trích”.


Góc nhìn của ông nhận được không ít đồng tình. Cùng đó là so sánh với trường hợp chớp cơ hội làm thương hiệu của câu lạc bộ bóng đá Arsenal với “Running Man”, sự kiện nổi tiếng cả thế giới trong chuyến du đấu tại Việt Nam năm ngoái.


Tương tự như nguyên tắc của VietinBank, Arsenal không bắt buộc phải dừng xe để đón “Running Man” Vũ Xuân Tiến chạy theo, nhưng họ đã chớp lấy và biết cách biến cơ hội thành sự kiện được thế giới chú ý.


Dĩ nhiên, cũng có ý kiến phản biện rằng, ngân hàng là nguyên tắc, VietinBank không làm khác được vì nếu có sẽ tạo ra tiền lệ, trong khi đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết là thực tế còn có nhiều trường hợp gửi tiền như bà Thủy.


Ngược lại, cũng sẽ không ngược nguyên tắc, cũng không có quy định cấm VietinBank chia sẻ, tri ân người gửi tiền bằng một cái kết khác, có hậu hơn. Ngay cả khi họ tranh thủ “cơ hội vàng” này để làm thương hiệu, hẳn sẽ vẫn nhận được nhiều ủng hộ.


Còn việc tạo ra tiền lệ, VietinBank hoàn toàn có thể truy xuất và chủ động tính toán chi phí cho những trường hợp này của riêng mình. Nếu xem đó là một khoản “đầu tư”, nó trở nên đáng giá không chỉ gắn với sự kiện, mà còn khẳng định thông điệp gắn bó, tri ân người gửi tiền - một thông điệp không hẳn cứ mạnh tay đầu tư là tạo được hiệu ứng mong muốn.


Chuyện có thể đã qua, cái kết 4.385 đồng đã định. VietinBank đã không như Arsenal để ghi một bàn thắng đẹp. Thế nhưng, có lẽ công chúng vẫn rộng lòng đón nhận một cái kết có hậu hơn (nếu có thể), dù nó được làm bất cứ khi nào, hay chỉ đến sau khi nghĩ lại.


Theo Vneconomy




Giá dầu rớt thảm, Opec lại nhóm họp

Giá dầu rớt thảm, Opec lại nhóm họp


Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất kể từ bốn năm nay, trong lúc các nước trong khối Opec đang nhóm họp tại Vienna để thảo luận về sản lượng dầu của khối


Theo BBC, giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất kể từ bốn năm nay, trong lúc các nước trong khối Opec đang nhóm họp tại Vienna để thảo luận về sản lượng dầu của khối.


Việc giảm bớt sản lượng khó có thể xảy ra sau khi Ả rập Saudi, Kuwait, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất nói họ đã đạt được đồng thuận về sản lượng dầu.


Người ta cho rằng các nhà sản xuất lớn này đang muốn duy trì việc khai thác dầu ở mức hiện thời.


Dầu thô Brent đã giảm khoảng 2 đôla vào hôm thứ Năm xuống còn 75,75 đôla Mỹ một thùng, là mức thấp nhất kể từ 9/2010 tới nay.


Giá dầu thô giảm 30% kể từ tháng Sáu, do nhu cầu trên thế giới giảm trong lúc sản lượng từ Hoa Kỳ lại tăng.


Việc giảm giá khiến các nước chuyên sản xuất dầu quan ngại, bởi đa số cần mức giá phải trên 80 đôla một thùng mới đủ cân đối ngân sách chính phủ và có những nước cần mức giá phải trên 100 đôla một thùng.


"Ả rập Saudi và các nước vùng Vịnh có thể cầm cự được một thời gian," Simon Wardell, chuyên gia về năng lượng từ tổ chức Global Insight nói.


"Họ có những tài sản có giá trị lớn về tài chính, cho nên có khả năng chịu được mức giá dầu thấp. Họ có thể đảm bảo cân đối ngân sách khi giá dầu không cao."


Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Dầu khí của Ả rập Saudi, Ali al-Naimi, và người tương nhiệm từ Các Tiểu vương quốc Ả rập, Suhail bin Mohammed al-Mazroui nói họ trông đợi thị trường dầu sẽ tự bình ổn.


Ả rập Saudi là nước sản xuất dầu lớn nhất trong 12 quốc gia thành viên khối chuyên sản xuất dầu Opec.


"Hầu hết mọi người trông đợi là sẽ chẳng có chuyện thay đổi gì về việc cắt giảm sản lượng dầu từ cuộc họp này," ông Wardell nói. "Nhưng Opec luôn khiến người ta bất ngờ."


Nhóm các nước sản xuất dầu lửa sẽ có họp báo trong chiều 27/11.

Mối đe dọa từ Hoa Kỳ


Các nhà phân tích nói rằng có thể Ả rập Saudi sẽ dùng chiến lượng nhằm duy trì vị trí thống trị trong thị trường trước sản lượng dầu diệp thạch của Hoa Kỳ.


Sự bùng nổ trong hoạt động khai thác đá diệp thạch đã là một trong những lý do chính khiến giá dầu tụt giảm.


Nhưng khi giá dầu giảm mạnh thì việc sản xuất dầu từ đá diệp thạch lại trở nên đắt đỏ.


Giá dầu duy trì ở mức thấp trong một thời gian sẽ khiến cho việc sản xuất dầu diệp thạch bị hạn chế bớt về mặt dài hạn. Cho nên việc duy trì giá dầu ở mức thấp trên thực tế là điều hợp lý đối với khối Opec.


Opec chiếm một phần ba doanh số bán dầu trên toàn thế giới.


Theo Bizlive




Chứng khoán châu Á giảm do dầu và đồng yên mất giá

Chứng khoán châu Á giảm do dầu và đồng yên mất giá

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 0,2% xuống 141,11 điểm vào lúc 16h36 tại Hong Kong sau khi tăng 0,2% trong phiên giao dịch trước đó. Trung bình cứ hơn 2 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu của lĩnh vực năng lượng chịu áp lực rất lớn do giá dầu tiếp tục giảm trước thềm hội nghị OPEC tại Vienna.


Trong phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm chủ yếu do giá cổ phiếu tại Nhật Bản giảm mạnh. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,78% và yên giảm phiên thứ 3 liên tiếp so với USD.


Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc lại tăng 1% sau khi chính phủ Trung Quốc tăng cường nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách hạn chế bán các hợp đồng mua lại. Cuối tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã hạ một số lãi suất chủ chốt.


Một điều bất ngờ là, Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới về giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu do chỉ số Topix của Nhật Bản (giảm 1% trong phiên hôm nay) và yên suy yếu trong khi Shanghai Composite liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây.


Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,5% và Straits Times của Singapore giảm 0,26% trong khi Kospi của Hàn Quốc và S&P/ASX 200 của Australia đồng loạt tăng 0,1%.




Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Vietinbank: Kiều hối năm nay của Việt Nam có thể đạt 12,1 tỷ USD

Vietinbank: Kiều hối năm nay của Việt Nam có thể đạt 12,1 tỷ USD


Thông tin này được Vietinbank chia sẻ với các nhà đầu tư tại buổi Hội nghị “Nhà đầu và chuyên gia phân tích” diễn ra vào chiều qua (ngày 25/11/2014) tại trụ sở.


Theo dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2014, Vietinbank cho rằng: GDP năm nay có thể đạt khoảng 5,8 – 5,9%, CPI được kiểm soát ở mức 3,5%, nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục là động lực của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới.


Nhập khẩu năm nay đạt khoảng 145 tỷ USD và xuất khẩu đạt khoảng 146,5 – 148 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư khoảng 1,5 tỷ USD.


Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục ổn định, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá thêm nữa, dự trữ ngoại hối sẽ dồi dào.


Năm 2014 Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng ngoại hối năm nay khoảng 10%, đạt 12,1 tỷ USD.


Dự báo về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2014, Vietinbank cho rằng: Các tháng cuối năm 2014 và năm 2015 sẽ tiếp tục là ngoãng thời gian khó khăn đối với hệ thống ngân hàng trong việc đạt được các mục tiêu kinh doanh.


Riêng lãi suất có thể giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất của các doanh nghiệp; thanh khoản của các ngân hàng sẽ dồi dào với việc huy động sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cho vay.


Thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động sôi nổi với lãi suất thấp, khối lượng giao dịch lớn.


Về vấn đề nợ xấu, quan điểm của Vietinbank là sẽ chưa được cải thiệt rõ rệt với lưu ý đặc biệt là các khoản nợ tái cơ cấu. Vietinbank cũng cho rằng, các biện pháp xử lý nợ xấu hiện nay chưa hiệu quả và nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề trọng tâm của các ngân hàng trong thời gian tới.


Khánh Nhi



Cholimex và Nichirei quyết không bán, Masan khó mua được 49% cổ phần Cholimex Food

Cholimex và Nichirei quyết không bán, Masan khó mua được 49% cổ phần Cholimex Food


Ngày 22/11, Cholimex Food đã có văn bản phản hồi về Đề nghị chào mua công khai cổ phiếu của Masan Food với nội dung ngắn gọn: “… Hội đồng quản trị [Cholimex Food] đề nghị Công ty TNHH MTV Thực phẩm Ma San thực hiện việc chào mua công khai cổ phiếu của công ty theo đúng các quy định của pháp luật về chứng khoán.”


Ý kiến của Hội đồng quản trị được chào mua là một trong những văn bản cần có để đợt chào mua công khai có thể diễn ra.


Sau khi hoàn tất các thủ tục, Masan Food - công ty con do Masan Consumer sở hữu 100% vốn - sẽ tiến hành 49% cổ phần của Cholimex Food, tương ứng 3.969.000 cổ phiếu với mức giá 90.000 đồng/cp. Thời gian chào mua sẽ diễn ra từ 28/11 đến 29/12.


Masan chính thức chào mua công khai 49% cổ phần của Cholimex Food (1)


Hai cổ đông nắm 60% cổ phần sẽ không bán ra


Ngày 21/11, tức một ngày trước khi HĐQT Cholimex Food ra nghị quyết trên, hai cổ đông chính của Cholimex Food là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) sở hữu 40,72% cổ phần và Nichirei Foods sở hữu 19% cổ phần đã ra thông cáo chung khẳng định 2 tổ chức này sẽ không bán, dù một phần hay toàn bộ số cổ phiếu Cholimex Food đang nắm giữ cho Masan Food như Masan Food đề nghị tại Bản Đăng ký chào mua công khai.


Với việc 2 cổ đông sở hữu xấp xỉ 60% đã khẳng định sẽ không bán ra thì gần như Masan Food sẽ không thể mua được 49% cổ phần của Cholimex Food.


Về phía Masan Food, doanh nghiệp này có quyền hủy bỏ đợt chào mua công khai này nếu như lượng đăng ký bán thấp hơn lượng dự kiến mua.


Nếu vẫn tiếp tục thực muốn hiện đợt chào mua thì với mức giá khá hấp dẫn là 90.000 đồng/cp, Masan Food sẽ không khó để mua được 40% cổ phần từ các cổ đông khác.


Khi đó, nếu phía Masan Food và Cholimex/Nichirei không tìm được tiếng nói chung thì kịch bản của “cuộc chiến Bibica” giữa Lotte và nhóm SSI sẽ lặp lại.


Cả Masan Consumer và Cholimex Food hiện là 2 trong số những doanh nghiệp lớn nhất trong phân khúc tương ớt – một nhánh quan trọng của ngành gia vị. Phía Masan muốn đầu tư vào Cholimex để tăng cường sự hiện diện trên thị trường trong khi quan điểm của phía Nichirei/Cholimex trong thông cáo chung là muốn duy trì việc các doanh nghiệp độc lập, cạnh tranh sòng phẳng với nhau.


KAL



Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

[Góc nhìn môi giới] Thị trường đang trở lại giá trị cơ bản - Câu chuyện thoái vốn của SCIC và PetroVietnam

[Góc nhìn môi giới] Thị trường đang trở lại giá trị cơ bản - Câu chuyện thoái vốn của SCIC và PetroVietnam

“The Clash of the Cultures Investment vs. Speculation” – John C.Bogle


Quyển sách nổi tiếng mà Warren Buffett giới thiệu trong thư viết tay gởi đến các cổ đông Berkshire vào 3/2013 của tác giả John C.Bogle (sáng lập Quỹ Vangard năm 1974), đã gần như mô tả hoàn toàn những hoạt động giao dịch gần đây trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngài Bogle tin rằng “ điều không tốt khi việc giao dịch ngắn hạn tập trung vào biến động giá cổ phiếu đã chôn vùi văn hóa đầu tư dựa trên giá trị thực (intrinsic value) của doanh nghiệp” và điều này dẫn đến việc những người đầu cơ xem cổ phiếu chỉ là “phương tiện” trong khi những nhà đầu tư thực sự muốn sở hữu công ty bằng cách nắm giữ cổ phiếu.


Thị trường biến động hẹp, nhà đầu tư tổ chức ít tham gia và không có tin tức mới sẽ là những thời điểm thuận lợi nhất cho những cổ phiếu mang tính chất đầu cơ cao, trong khi những cổ phiếu mang nền tảng cơ bản tốt tạm thời bị lãng quên.


Nhưng thị trường đang trở lại giá trị cơ bản khi số lượng cổ phiếu tăng chiếm tỷ trọng lớn đến 59.7% (giảm 19%, đứng giá 21.1%) và các nhóm vốn hóa tăng tương ứng nhau: VNSmall +1.3%, VNMidcap +1.39%, VN100 +0.91%, VNAllshare +0.92%


Người đầu cơ có thể lựa chọn nhóm cổ phiếu thường xuyên có biến động giá lớn trong phiên giao dịch : FLC, KLF, FIT, SAM, DRH, RCL, TNC và HAR


Nhà Đầu tư hãy tìm kiếm mức giá hợp lý tại các cổ phiếu có tăng trưởng đang giao dịch thấp hơn định giá: FPT, PET, GMD, NT2, HSG, NKG, PNJ và VSC.


Câu chuyện thoái vốn của SCIC và PetroVietnam


Thị trường dường như đang thích câu chuyện về thoát vốn của Tổng công ty đầu tư vốn nhà nước (SCIC) và tập đoàn PetroVietnam vì tin rằng những người mua lại phần vốn này đang có tiềm năng và động lực để giá cổ phiếu tốt hơn sau khi thương vụ thành công.


Quá khứ: DPM thoát vốn khỏi PVC tại giá 18.800đ/cp ngày 14/7. Sau đó PVC đã tăng giá +250% trong vòng 2 tháng.


SCIC bán HAI tại giá khoảng 22.000đ/cp ngày 5/9 và lập tức, HAI tăng +265% lên đến đỉnh ngày 9/10.


SCIC bán DQC tại giá 46.000đ/cp ngày 15/9 và DQC đã tăng +157% trong vòng 2 tháng.


SCIC bán RDP giá 14.000đ/cp ngày 28/8, và cũng như thông lệ RDP đã tăng giá +130%.


Hiện tại: SCIC và Petro Vietnam (PVN) đã công bố bán tiếp những công ty này để cơ cấu lại nguồn vốn và tập trung vào nguồn lực chính, nhưng thương vụ chưa diễn ra và đó (có thể) nên là thời điểm để Mua dành cho những Nhà đầu cơ:


PVN đăng ký bán 19.8 triệu PVT (Mua) để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 50.7% từ 58.4%. Thị trường tin rằng một tập đoàn Dầu khí lớn trong khu vực Asean đang đàm phán mua lại phần vốn này.


PVN đăng ký bán 7 triệu PET (Mua) để giảm tỷ lệ sở hữu từ 35.24% xuống 25.24%: người mua chưa được tiết lộ. Giá cổ phiếu PET đã tăng 11% ngay sau thông tin này.


SCIC đăng ký bán hết 3.6 triệu cổ phiếu DCL ( 36.5% vốn điều lệ): người mua chưa được tiết lộ nhưng thị trường tin rằng có liên quan đến những công ty đầu tư vào nông nghiệp- dược phẩm mới nổi như FLC- FIT. Giá DCL đã tăng 130% ngay sau khi thương vụ chưa diễn ra.


SCIC đã đăng ký bán 6 triệu DBC (Mua) tương ứng 9.6% vốn tại công ty này đến hạn chót ngày 14/11 nhưng giao dịch vẫn chưa thực hiện.



Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.


Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.


Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.





Thu phí 0,005% khi rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN

Thu phí 0,005% khi rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 35 quy định phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN.


Theo đó, khi rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu mức phí rút tiền mặt là 0,005% trên số tiền rút.


Đối tượng áp dụng của thông tư này là NHNN, các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.


Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/1/2015. Sở giao dịch NHNN là đơn vị thực hiện thu phí rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại đơn vị.


NHNN cũng bãi bỏ Thông tư số 01/2007/TT-NHNN ngày 7/3/2007 quy định mức phí rút tiền mặt mà các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền thu từ 0% đến 0,05% số tiền mặt giao dịch và việc rút tiền từ các máy ATM không bị giới hạn mức phí này.



Giảm mức trần cho phép thanh toán tiền mặt xuống 20 triệu đồng

Giảm mức trần cho phép thanh toán tiền mặt xuống 20 triệu đồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 33 quy định một số trường hợp được thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn Nhà nước.


Thông tư mới quy định, tổ chức sử dụng vốn Nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt khi thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thủy sản, dịch vụ và các sản phẩm khác cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại Ngân hàng; Khi thanh toán công tác phí, trả lương và các khoản thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.


Các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước cũng thuộc diện được thanh toán bằng tiền mặt.


Ngoài ra, thông tư còn quy định các trường hợp cho phép là khi nhận thanh toán tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực nông thông nơi chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.


Cuối cùng là khoản thanh toán với giá trị dưới 20 triệu đồng, trừ trường hợp các khoản thanh toán trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, một đối tượng thanh toán nhưng tổng các khoản thanh toán này lớn hơn 20 triệu đồng. Theo quy định trước đó, với mức chi trả 30 triệu đồng trở xuống thì được sử dụng tiền mặt để chi trả.


Tổ chức sử dụng vốn nhà nước quy định tại thông tư này bao gồm tổ chức có sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.


Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2015.



Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Bất động sản phía Nam vào mùa mở bán

Bất động sản phía Nam vào mùa mở bán


Thời gian qua, thị trường bất động sản TP. HCM đã có nhiều sự thay đổi tích cực, đem lại cơ hội cho cả người mua, lẫn các chủ đầu tư. Động thái dồn dập ra hàng và cạnh tranh chất lượng, tiến độ của các chủ đầu tư khiến các “thượng đế” thêm nhiều cơ hội lựa chọn.


Theo Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy” và có dấu hiệu phục hồi trở lại. Con số thống kê của cả CBRE và Savills Việt Nam đều cho thấy, thanh khoản trên thị trường bất động sản TP. HCM đã tăng lên rõ rệt. Lượng giao dịch thành công trên toàn thị trường lên mức 70% lượng chào bán. Khách hàng lựa chọn nhiều phân khúc, nhưng mạnh nhất vẫn thuộc phân khúc căn hộ giá trung bình.


Trao đổi với Báo ĐTCK, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, hiện nay, thị trường bất động sản đã nóng và sôi động ở cả tần suất lẫn số lượng giao dịch. Hàng loạt dự án căn hộ mới, với quy mô lớn đã được triển khai xây dựng, với hàng chục ngàn căn hộ tung ra thị trường ở cả 3 phân khúc (thấp, trung và cao).


Ngoài ra, nhằm tạo ra tính cạnh tranh trong các đợt mở bán cuối năm, nhiều chủ đầu tư và đơn vị phân phối cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, như hỗ trợ lãi suất, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…, giúp thị trường có thanh khoản tốt hơn, niềm tin của khách hàng cũng dần trở lại.


Theo khảo sát của Báo ĐTCK, từ đầu quý III tới nay, có rất nhiều dự án căn hộ được chào bán. Đặc biệt, càng về cuối năm, thị trường càng trở nên nhộn nhịp với các đợt ra hàng, như Dự án Icon 56, Galaxy, RiverGate (quận 4), Lexington (quận 2)… của Novaland; Him Lam Chợ Lớn của Him Lam; Cantavil Premier của Daewon-Thủ Đức; Cityland Center Hills (quận Gò Vấp) của Công ty Địa ốc Thành Phố (Cityland)… Các đợt mở bán này có chung đặc điểm là đều thu hút rất đông khách hàng tham dự và đặt mua.


Ông Võ Hữu Khoa, Phó tổng giám đốc Cityland cho biết, mối quan tâm hàng đầu của khách hàng hiện nay là tính pháp lý của dự án, sau đó đến năng lực, thương hiệu của chủ đầu tư, tiếp đến chất lượng cơ sở hạ tầng của dự án, cuối cùng mới đến giá và các chính sách khuyến mãi.


“Ngoài các yếu tố trên, để thu hút khách hàng, chủ đầu tư cũng cần phải đưa ra những phương thức bán hàng cởi mở, sáng tạo, công khai, minh bạch thông tin dự án”, ông Khoa nói và chia sẻ thêm, Cityland đã áp dụng thành công những chiến lược bán hàng trên thể hiện ở tính thanh khoản tốt của các sản phẩm đưa ra thị trường.


Trước việc các doanh nghiệp dồn dập ra hàng vào cùng thời điểm cuối năm, đã có những lo ngại về khả năng bội cung, tuy nhiên, theo ông Châu, điều này hiện nay không đáng lo ngại, thậm chí, nguồn cung tại TP. HCM tăng cao đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sang các thị trường lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Minh chứng là có nhiều dự án đất nền, căn hộ có giá phù hợp tại các địa phương này đã, đang và sẽ được mở bán sau thời gian dài im hơi lặng tiếng. Đơn cử, Công ty Thanh Yến Land mở bán dự án tại huyện Bến Lức (Long An) với hơn 1.500 sản phẩm, hay Dự án IJC@vsip tại Thành phố mới Bình Dương.


Ông Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng phòng Nghiên cứu TP. HCM, Công ty Savills Việt Nam cho biết, doanh số bán hàng tại nhiều dự án trong những đợt mở bán gần đây khả quan chứng tỏ thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cần có một chiến lược bài bản hơn nữa trong quá trình nghiên cứu và phát triển dự án, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ tâm lý khách mua nhà, sau đó đưa ra được chiến lược kinh doanh phù hợp với từng đối tượng khách hàng.


“Ngoài việc chú trọng tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khách hàng hiện nay cũng quan tâm nhiều tới gói tín dụng hỗ trợ mua nhà của các ngân hàng thương mại. Đây chính là yếu tố được các doanh nghiệp sử dụng để tăng tính cạnh tranh trong các đợt mở bán. Tín dụng tăng sẽ như ngọn gió, thổi bùng ngọn lửa hồi phục của thị trường bất động sản, vốn chỉ đang âm ỉ”, ông Toàn chia sẻ.


Theo Nguyễn Hải

Báo Đầu tư Bất động sản




Tạo niềm tin về chính sách tỷ giá

Tạo niềm tin về chính sách tỷ giá


Giữa rất nhiều mục tiêu khó khăn như phải hỗ trợ DN, duy trì ổn định lạm phát, giá trị nội tệ… NHNN phải có lựa chọn mục tiêu nào lớn và có tác động mạnh đến thị trường hơn. Đó là giữ ổn định tỷ giá.


Theo đánh giá của các chuyên gia, thông báo của NHNN không điều chỉnh tỷ giá là phù hợp. Từ giác độ của các NH, theo TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT DongABank thì cầu ngoại tệ từ các DN có tăng nhưng ở mức độ không lớn. Đồng quan điểm, theo quan sát của TS. Cấn Văn Lực, quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường biến động nhẹ nên có tạo chút "sóng" trên thị trường. Điều này không quá bất ngờ đối với thị trường ngoại tệ. Vì theo chu kỳ kinh doanh, thời điểm cuối năm, các DN thường cần ngoại tệ thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh cho tháng lễ tết... nên tỷ giá thường có dao động. Và năm nay cũng không ngoại lệ.


Cầu ngoại tệ tăng, trong khi nguồn cung có thay đổi theo chiều hướng giảm nhẹ khi các NH phải giảm bớt trạng thái âm ngoại tệ và DN cũng bán ra ít hơn vì cần dùng đến ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về mặt tổng thể cung - cầu trên thị trường không chênh lệch nhiều. Bởi nguồn cung ngoại tệ được đánh giá khá dồi dào. Và trong thực tế đã có khách hàng mua được ngoại tệ từ NHNN.


TS. Lực phân tích: Tính từ đầu năm đến thời điểm này, thặng dư cán cân thương mại đã khoảng hơn 2 tỷ USD; nguồn kiều hối, ODA, FDI giải ngân và tăng trưởng tốt hơn năm ngoái 6-7%. Cộng với mức dự trữ ngoại hối dồi dào nhất từ trước đến nay vào khoảng 35 tỷ USD… thì NHNN hoàn toàn có thể can thiệp giữ ổn định thị trường.


Với ý kiến cho rằng, nếu nhìn góc độ vĩ mô, khi lạm phát đang ở mức thấp, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại tệ vẫn tăng mạnh, trong khi tổng cầu còn yếu thì NHNN vẫn còn dư địa để điều chỉnh tỷ giá, vừa không tạo bất ổn mà lại còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.


Về điều này, TS. Lực cho rằng cơ quan điều hành đều tính đến, nhưng để đưa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá phải xét trên tổng thể lợi ích của nền kinh tế. Có thể đồng USD tăng giá so với ngoại tệ khác nhưng đó là ngoại tệ nào, có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam hay không?


Theo lý giải của vị chuyên gia này, nếu "đồng bạc xanh" lên giá so với euro, bảng Anh… thì đây là những thị trường không phải là đối thủ cạnh tranh xuất khẩu nên sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các DN. Nhưng nếu đồng USD lên giá so với các nước cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Indonesia… thì cơ quan điều hành phải để mắt tới nhân tố này. Đương nhiên để kiểm soát được điều này, NHNN sẽ phải bám sát phân tích, nghiên cứu diễn biến đồng ngoại tệ này trên mọi phương diện. Hay nói cách khác, để điều chỉnh tỷ giá NHNN cân nhắc ở nhiều góc độ.


Đồng tình quan điểm này, lãnh đạo Viện CIEM từng dự báo, sau lần điều chỉnh tỷ giá hồi giữa năm, là khả năng NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá hoặc chỉ điều chỉnh 0,5%. Bởi qua quan sát của ông về cách điều hành của NHNN trong suốt thời gian qua thì thấy, Thống đốc NHNN khá thận trọng trong điều hành chính sách tỷ giá. Và các điều chỉnh chính sách của NHNN đều nhằm đảm bảo mức độ hấp dẫn của đồng VND so với USD, gia tăng niềm tin của người dân vào giá trị VND. Điều đó có thể nhận thấy rõ qua việc NHNN vừa thực hiện giảm lãi suất VND cả huy động và cho vay theo xu hướng giảm của lạm phát.


Cùng với đó, lãi suất tiền gửi USD cũng được giảm xuống từ 1% còn 0,75%/năm. Hiện lãi suất huy động VND bình quân vào khoảng 5-6%/năm, trong khi đó lạm phát năm nay dự kiến dưới 5%. Như vậy, nếu giữ được tỷ giá thì người dân không còn lo lắng về sự mất giá của VND.


Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này có nhiều dư địa, nhiều lựa chọn cho nhà điều hành. Nhưng khi đặt trong mục tiêu tổng thể nền kinh tế thì việc lựa chọn mục tiêu là vấn đề không đơn giản đối với nhà điều hành. Giữa rất nhiều mục tiêu khó khăn như phải hỗ trợ DN, duy trì ổn định lạm phát, giá trị nội tệ… NHNN phải có lựa chọn mục tiêu nào lớn và có tác động mạnh đến thị trường hơn. Đó là giữ ổn định tỷ giá.


"Tôi nghĩ rằng NHNN đã làm tốt vai trò nhà quản lý khi đang giữ ổn định giá trị của VND. Đó là chưa kể sau những tuyên bố của NHNN cùng với điều chỉnh chính sách kịp thời đều tác động rất tích cực đến thị trường. Theo đó, ngày càng tạo niềm tin cho dân chúng về chính sách tỷ giá", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.


Theo Thanh Huyền - TBN




Vốn FDI 'rót' vào Trung Quốc giảm mạnh

Vốn FDI 'rót' vào Trung Quốc giảm mạnh


Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2014, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào nước này chỉ đạt 95,9 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.


Trung Quốc đã thu hút được 8,5 tỷ USD vốn FDI trong tháng 10/2014


Tính riêng trong tháng 10 năm nay, Trung Quốc đã thu hút được 8,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 1,3% so với năm 2013, song thấp hơn mức tăng 1,9% ghi nhận trong tháng tháng đó.


Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc thu hút 53,1 tỷ USD vốn FDI trong vòng 10 tháng qua, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước đó và vượt hẳn con số 32,5 tỷ USD vốn FDI đổ vào vào ngành công nghiệp chế tạo của nước này (giảm 15,1%).


Tính từ đầu năm đến hết tháng 10 năm nay, trong số 10 quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc, FDI từ Hàn Quốc và nước Anh tăng lần lượt 26,4% và 32,4% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn FDI từ Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 42,9%, trong khi FDI của Mỹ vào nước này giảm 23,8%.


Thêm vào đó, khi nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc muốn đầu tư ra nước ngoài để cắt giảm chi phí và tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.





Cổ tức chi trả trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục trong năm 2014

Cổ tức chi trả trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục trong năm 2014

Trong năm 2014, các cổ đông trên toàn thế giới sẽ nhận được số tiền cổ tức nhiều hơn 133 tỷ USD so với năm 2013. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát hàng quý được công bố bởi Henderson Global Investors có trụ sở tại Anh.


Năm 2014 sẽ là một năm kỷ lục với 1.190 tỷ USD cổ tức được 1.200 công ty niêm yết trên các sàn chứng khoán thế giới phân chia cho các nhà đầu tư. Đây là một năm mà các cổ đông được chi trả cổ tức tốt nhất kể từ năm 2011, thể hiện bằng mức tăng 9,6%. Mức tăng trưởng cổ tức này không tính đến sự gia tăng do biến động của tỷ giá và chi trả cổ tức đặc biệt (4,3 tỷ USD chi trả cổ tức đặc biệt trong quý III, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua).


Theo dự đoán của Alex Crooke, một chuyên gia của Henderson GI, thì tốc độ tăng trưởng cổ tức trên toàn thế giới sẽ đạt mức hai con số trong cả năm nay. Mặc dù đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 là không chắc chắn nhưng cổ tức vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, tuy nhiên sự gia tăng sẽ không mạnh như năm 2014. Ông còn dự đoán, các công ty niêm yết sẽ phải trả 1.240 tỷ USD tiền cổ tức trong năm 2015.


Trong quý III/2014, cổ tức đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 288,1 tỷ USD. Tuy nhiên mức này vẫn còn thấp hơn nhiều mức cổ tức kỷ lục được trả trong quý II là 427 tỷ USD. Quý III hàng năm được coi là thời gian nhiều công ty trên thế giới chi trả cổ tức. Chính vì vậy, 90% doanh nghiệp Trung Quốc đã chi trả cổ tức, 50% doanh nghiệp của các nước mới nổi và chỉ có 9% doanh nghiệp ở châu Âu thực hiện chi trả cổ tức.


Các công ty tài chính của Mỹ vẫn là một trong những nhà vô địch về trả cổ tức khi chi 87,7 tỷ USD tiền cổ tức (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2013). Henderson Global Investors cho biết, kể từ đầu năm, các công ty tài chính Mỹ đã trả cổ tức nhiều hơn gấp hai lần so với năm 2010. Trong khi đó, cổ tức được trả bởi các tập đoàn tài chính trên thế giới chỉ tăng 12,1% kể từ năm 2010. Điều này cho thấy rằng lĩnh vực dịch vụ tài chính Mỹ đã hồi phục nhanh hơn các công ty tài chính khác trên thế giới từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.


Cổ tức chi trả ở Trung Quốc cũng tăng mạnh 14% (so với cùng kỳ năm 2013) đạt 26 tỷ USD, trong khi các công ty Nga đã trả 16,5 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2013)) trong quý thứ ba, bất chấp lệnh cấm vận của phương Tây. Tại châu Âu (ngoại trừ Anh), cổ tức đã tăng 14,4% lên 19,7 tỷ USD. Ở Pháp, các công ty chỉ chi trả 3,8 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong giai đoạn này.



Sắp mở cửa, TTCK phái sinh vẫn lạ lẫm

Sắp mở cửa, TTCK phái sinh vẫn lạ lẫm


Sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên, quy trình thực hiện hồ sơ để trở thành thành viên giao dịch, các khoá đào tạo cho thành viên thị trường sắp tới… là những nội dung được các đại diện CTCK, ngân hàng quan tâm và đặt ra tại diễn đàn về TTCK phái sinh do Sở GDCK TP. HCM và Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán tổ chức hôm 18/11/2014.


Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và dựa trên trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ là sản phẩm giao dịch ban đầu của TTCK phái sinh Việt Nam. Nguyên nhân lựa chọn hai sản phẩm trên, theo ông Sơn, trong giai đoạn sơ khai của TTCK phái sinh, cần đi từ những bước đơn giản tới phức tạp. Trong khi đó, tính biến động của các chỉ số như VN30, HNX30, Largecap, Midcap… khá đơn giản. Thứ hai, TPCP vốn là sản phẩm tương đối ít rủi ro.


Theo lộ trình, TTCK phái sinh đi vào hoạt động trong năm 2015 và chậm nhất vào đầu năm 2016. Sau khi các sản phẩm đơn giản được vận hành ổn định, khoảng 1 đến 2 năm sau sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm hợp đồng quyền chọn dựa trên chỉ số và cổ phiếu. Bên cạnh đó, để có thị trường phái sinh, bắt buộc phải có hoạt động thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) tại VSD -CCP.


Ông Bùi Nguyên Hoàn, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện UBCK tại TP. HCM cho rằng, TTCK phái sinh là thị trường bảo hộ giá. TPCP cũng là công cụ cần bảo hộ giá nhưng lựa chọn TPCP là sản phẩm phái sinh thì chưa phù hợp lắm với thị trường Việt Nam hiện nay. Lý do là, điều kiện để đưa hàng hoá vào niêm yết trên TTCK phái sinh là tính phổ biến, biến động giá và có giá trị khá lớn, nhưng ở Việt Nam, TPCP có mức biến động giá rất ít và đa phần là do các tổ chức mua/bán chứ NĐT cá nhân tham gia không nhiều. Ông Hoàn cũng kiến nghị, có thể không đưa một số cổ phiếu trong nhóm chỉ số VN30 làm hàng hoá niêm yết trên TTCK phái sinh.


Theo dự thảo nghị định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh, CTCK thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. CTCK thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và có đăng ký hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên. Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh phải là ngân hàng lưu ký có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản về việc thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh.


Ông Hoàn cho rằng, bản chất của vốn bảo chứng (ký quỹ) là không phải là khoản vay như trên TTCK, đây là giao dịch mua bán nhưng chưa thực hiện ngay mà phải 3 - 12 tháng sau mới thực hiện, ký quỹ chỉ là để “làm tin”. Do đó, số tiền ký quỹ nhỏ, chỉ khoảng 3 - 10%. Chính vì vậy, quy định CTCK thực hiện tự doanh hay môi giới cần có vốn từ 500 - 700 tỷ đồng là không cần thiết. Ngoài ra, việc thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) thông qua VSD là chưa hợp lý mà nên để cho những tổ chức khác như NHTM, CTCK, Quỹ đầu tư có đủ tiềm lực thực hiện nhiệm vụ này.


Theo quy định, trong hồ sơ xin làm thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, ngân hàng phải có quy trình quản lý rủi ro, quy trình thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, theo một đại diện ngân hàng Sacombank, khi chưa có ý kiến chấp thuận của NHNN thì chắc chắn ngân hàng sẽ chưa ban hành những quy định nội bộ liên quan đến nghiệp vụ đó. Do đó, khi nộp hồ sơ, bản thân ngân hàng sẽ chỉ viết theo hướng suy nghĩ của mình về dịch vụ.


Đại diện Sacombank cũng chia sẻ thêm rằng, việc NHTM muốn làm thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh phải xin NHNN chấp thuận cho thực hiện nghiệp vụ này, sau đó mới làm thủ tục nộp UBCK hay các Sở GDCK sẽ mất rất nhiều thời gian nếu không có sự tương tác giữa UBCK và NHNN trong việc giải quyết, hướng dẫn hồ sơ.


Theo quan sát của ĐTCK tại diễn đàn, đa số thành viên tham dự đều chưa hiểu nhiều về sản phẩm phái sinh và hầu như tại các CTCK, số nhân viên “rành rọt” về sản phẩm này là rất khiêm tốn.


Ông Sơn cho biết, sắp tới, UBCK, các Sở GDCK sẽ tiến hành mở các buổi đào tạo cho các thành viên thị trường. Hiện khá nhiều CTCK đã liên hệ với UBCK để đăng ký tham gia các khoá huấn luyện này.


Theo Tinnhanhchungkhoan




NỆM LIÊN Á