Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,94%.
Mặc dù CPI sau khi loại trừ yếu tố mùa vụ vẫn đang trong xu thế tăng nhưng những lo ngại về việc tăng giá tạo động lực cho phát triển vẫn còn hiện hữu khi mà niềm tin của người tiêu dùng của Việt Nam vẫn ở mức thấp, thậm chí còn giảm 1 điểm so với quý trước, theo công bố mới nhất của Nielsen.
Điều này cũng phù hợp với đại đa số người dân khi giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, phí khám chữa bệnh lại tiếp tục tăng giá trong thời gian qua.
Theo một chuyên gia thống kê, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu này chỉ làm tăng chỉ số CPI chung về mặt con số nhưng trong bối cảnh hiện nay khi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua người tiêu dùng thấp, nó sẽ làm cạn kiệt sức mua của người tiêu dùng. Do đó, có thể tác động khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn, từ đó tác động xấu đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng theo vị chuyên gia này, trong bối cảnh lạm phát đang ở mức thấp, dư địa điều chỉnh giá một số mặt hàng để bám sát thị trường còn nhiều nhưng việc điều chỉnh cần đặc biệt chú ý, tránh ảnh hưởng lớn đến cầu tiêu dùng, vấn đề lớn nhất trong ngắn hạn đối với kinh tế Việt Nam, theo nhận định mới nhất của Ngân hàng Thế giới. Muốn vậy, công tác điều hành giá nhất là giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cần được minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Trở lại diễn biến giá cả trong tháng, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số lớn nhất, tiếp tục có mức tăng đáng kể 0,26% so với tháng trước trong đó lương thực tiếp tục giảm 0,63% trong khi thực phẩm tiếp tục tăng 0,58% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,09% so với tháng trước.
Nối tiếp mức giảm của các tháng trước với cùng nguyên nhân, tháng này, lương thực đã có mức giảm sâu nhất kể từ đầu năm do nguồn cung vừa được bổ sung thêm một lượng lớn từ vụ Đông Xuân bội thu ở cả hai vựa lúa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trái lại với lương thực, thực phẩm có tháng thứ 4 liên tiếp với mức tăng cao nhất 0.58% so với tháng trước.
Giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao đã ảnh hưởng đến việc tái đàn gia súc ở một số địa phương cộng với chi phí vận chuyển tăng cao do giá xăng, dầu tăng liên tục trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân chủ yếu.
Ngoài ra, dịch bệnh và khả năng tái đàn cũng ảnh hưởng đến giá cả các sản phẩm từ gia cầm nhất là mặt hàng trứng khi mà nhu cầu cho Tết Trung thu đang đến gần.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá thực phẩm sẽ là còn tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi các yếu tố đầu vào vẫn đang trong xu thế tăng và theo quy luật, diễn biến của giá các mặt hàng thực phẩm khá tương đồng với giá xăng dầu. Đây sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến CPI chung trong thời gian tới.
Tháng này, những ảnh hưởng của giá dầu thế giới ảnh hưởng khá rõ đến chỉ số CPI chung. Giá gas nhập khẩu tăng qua đó ảnh hưởng đến giá gas bán lẻ trong nước đã khiến chỉ số giá nhóm Nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt tiếp tục tăng mạnh 0,43% so với tháng trước.
Đồng thời, các đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua cũng đã khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh nhất tháng ở mức 0,44%. Do quy định về ngày tính giá của cơ quan thống kê nên đợt điều chỉnh giảm giá dầu ngày 18/7/2014 sẽ ảnh hưởng toàn bộ đến CPI của tháng sau.
Thời tiết nắng nóng cũng đã ảnh hưởng khiến chỉ số giá các nhóm hàng liên quan như đồ uống và thuốc là hay nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước.
Các nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giao dục hầu như giá không đổi so với tháng trước do không có sự điều chỉnh đột biến nào về học phí hay phí khám chữa bệnh tại các địa phương.
Vẫn như các tháng trước, bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai trò bình ổn giá khi tiếp tục giảm 0,01% so với tháng trước.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ cùng tăng giá so với tháng trước ở các mức tương ứng 1,38% và 0,36%.
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét