Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Ngao ngán nhìn doanh nghiệp ứng xử với nợ vay

Ngao ngán nhìn doanh nghiệp ứng xử với nợ vay


Nhiều doanh nghiệp phải bán tài sản để trả nợ. Nhưng lãi suất cho vay đang ở mức thấp, có những doanh nghiệp tính đến chuyện đi vay, dù nhu cầu không thật bức thiết.


Xu hướng tái cấu trúc nguồn vốn của các doanh nghiệp (DN) đang diễn ra mạnh mẽ; nhiều DN thậm chí phải bán tài sản để trả nợ. Nhưng ngược lại, có những DN đang tính đến chuyện đi vay, dù nhu cầu không thật bức thiết.


Ngao ngán nợ vay


CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HU3) sắp tới sẽ trình ĐHCĐ thông qua kế hoạch hoạt động năm 2014, trong đó có nội dung liên quan đến việc tái cấu trúc vốn. Theo HĐQT HU3, Công ty sẽ rút vốn khỏi các công ty có cùng ngành nghề, điều chỉnh vốn tại các công ty con theo hướng không tiếp tục nắm cổ phần chi phối, nhằm giải quyết nhu cầu vốn lưu động, tránh lệ thuộc vào vốn vay.


Thực tế, câu chuyện thoái vốn khỏi công ty con, công ty liên kết đã xuất hiện từ hơn một năm nay. Nhiều DN đã thực hiện như Đức Long Gia Lai (DLG), Nhà Thủ Đức (TDH), Địa ốc Hoàng Quân (HQC), Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Gas Petrolimex (PGC)… Bởi lẽ, nguồn vốn của các DN bị phân tán, nếu không muốn nói là phung phí, một phần vì nhiều năm trước, DN huy động rất dễ dàng. Thậm chí, có DN sử dụng vốn vay ngay từ khi bắt đầu dự án, trong khi đối với những dự án có thời gian đầu tư dài thường chỉ sử dụng vốn vay ở giai đoạn sắp hoàn thành.


Tháng 10/2013, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) công bố thông tin đã chào bán cổ phiếu ra công chúng thành công và thu về hơn 180 tỷ đồng để trả bớt nợ. Nói là trả bớt, nhưng thực ra là chỉ trả được một ít. Phần còn lại, NBB đã phải xin các chủ nợ cho gia hạn lại, với con số lên đến cả ngàn tỷ đồng.


CTCP Vận tải và Thuê tàu Việt Nam (VST) cũng được các ngân hàng cho giãn nợ đến năm 2015, với tổng số tiền là 450 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 330 tỷ đồng và lãi vay 120 tỷ đồng. VST từ lâu đã rao bán 3 con tàu để lấy tiền trả nợ, nhưng mới chỉ bán được một tàu.


Cuối tháng 6/2013, ĐHCĐ Tập đoàn Mai Linh đã thông qua việc chào bán 100 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược để có tiền thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn. Kết quả bán cổ phần như thế nào, đến nay không có thông tin.


TTCK kể từ đầu năm đến nay tăng 14% (2 tháng đầu năm còn tăng cao hơn), giao dịch diễn ra sôi động. Đây là một yếu tố thuận lợi để DN phát hành thêm cổ phiếu hoặc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn, qua đó giảm được gánh nặng nợ vay.


Tính chuyện đi vay


Nếu giá cổ phiếu tăng tạo điều kiện cho nhiều DN huy động vốn cổ phần, giảm nợ vay, thì lãi suất giảm lại khiến những DN trước giờ chưa có nợ vay hoặc nợ vay thấp bắt đầu nghĩ đến đi vay để tối ưu hoá cơ cấu vốn.


Trong năm 2013, CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) đầu tư dài hạn tăng gần 317 tỷ đồng, trong đó đầu tư cổ phiếu hơn 54,6 tỷ đồng và nhận nhượng quyền mặt bằng làm nhà văn phòng 262,5 tỷ đồng. Từ chỗ không có đồng nợ vay nào, trong năm 2013, TPP đã vay ngắn hạn hơn 128 tỷ đồng và vay dài hạn hơn 223 tỷ đồng.


CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) dự kiến, trong năm nay sẽ khởi động lại Dự án Nhà máy Long An sau 2 năm tạm dừng. Giai đoạn 1 sắp tới sẽ xây dựng trên diện tích 3 héc-ta với chi phí đầu tư khoảng 160 tỷ đồng, cộng với 10% dự phòng. Mục tiêu của dự án mới này là để phục vụ công tác di dời nhà máy hiện tại ở Quận 6, TP. HCM, tăng sản lượng và phát triển sản phẩm mới.


BMP cho biết, dòng tiền của Công ty có thể đảm bảo cho kế hoạch đầu tư nhà máy mới nói trên mà không cần phải đi vay. Tuy nhiên, BMP đang tính đến phương án vay ngân hàng một phần để đầu tư, vì chi phí vốn vay hiện nay tương đối tốt.


CTCP Kinh doanh Khí hoá lỏng Miền Nam (PGS) hiện có nợ vay ngắn hạn xấp xỉ 390 tỷ đồng và dài hạn hơn 148 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐQT PGS vừa thông qua chủ trương vay 200 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Thực tế, PGS cũng không phải thiếu tiền. Lượng tiền mặt vẫn còn 594 tỷ đồng. Ngoài ra, PGS còn 60 tỷ đồng đang gửi ngân hàng, được thể hiện dưới hình thức đầu tư tài chính dài hạn trong báo cáo tài chính.


Hiện lãi suất cho vay đang ở mức thấp, hấp dẫn đối với các DN. Tuy nhiên, nợ vay là con dao hai lưỡi. Nếu biết sử dụng chừng mực, đúng nơi, đúng lúc sẽ là đòn bẩy tốt giúp DN đạt hiệu quả cao và phát triển nhanh. Nhưng nếu quá phụ thuộc và lạm dụng nợ vay, DN có nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ nần.


Đức Luận




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á