Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Đại gia điện, than lại 'đánh tiếng' đòi tăng giá

Đại gia điện, than lại 'đánh tiếng' đòi tăng giá


Có một nghịch lý khá hy hữu ở Việt Nam: Người dân đang phải chấp nhận chi trả cho nhiều mặt hàng có giá bị coi là "chưa minh bạch", nhưng thậm chí chưa bao giờ được bồi hoàn vì những tổn thất do sự thiếu minh bạch đó mang tới.

Báo Đất Việt chỉ ra rằng, sở dĩ người dân Việt Nam phải chịu mức giá cao là do hệ quả của việc 3 ông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013-2018. Theo đó, nhiệt điện được tính toán chiếm tới gần 60% tổng công suất nguồn toàn hệ thống. Nếu muốn tăng giá bán lẻ điện, EVN "chỉ cần "nháy mắt" với hai Tập đoàn còn lại, để PVN tăng giá khí, Vinacomin tăng giá than, như vậy là 2 trong 3 yếu tố chính cấu thành giá điện (cơ cấu nguồn điện và giá nhiên liệu đầu vào) đều đã tăng."


Quả thực, mới đây, TKV tuyên bố tăng giá than bán cho điện từ ngày 1/4 thêm 4-10% tùy từng loại, khiến cho chi phí sản xuất điện bị đội lên. Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam - phân trần: "Năm 2014, theo chỉ đạo của Chính phủ, giá than cho điện ít nhất phải bằng giá thành sản xuất than năm 2014. Do vậy, ít nhất cũng phải tăng thêm 30% nữa. Giá xăng dầu cũng vậy." Còn theo ông Hà Quang Giới - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng - tâm sự, giá than chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất điện của nhà máy.Điều đó có nghĩa là "khi than tăng giá thì sẽ tác động đến giá điện. Giá điện do nhà nước quản lý, tuy nhiên chắc chắn sắp tới giá điện sẽ phải tăng, nhưng sẽ tăng theo lộ trình", ông nói. Nhưng lộ trình gì đi nữa thì chung quy cũng chỉ có một sự thật: "Giá điện, giá than chắc chắn lại tăng tiếp, theo… chỉ đạo của Chính phủ!"


Trong khi ngành điện đang ráo riết tìm cách tăng giá "bù lỗ", thì TKV đã dọn đường cho một đợt tăng giá mới. Theo đó, TKV trần tình, sau đợt tăng giá này, giá bán than cũng mới chỉ đủ để bù đắp chi phí sản xuất, tức là lợi nhuận gần như bằng không, dù rằng trước đó, lợi nhuận cả năm 2013 của TKV vẫn đạt 3.000 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch. TKV không chỉ bán than cho mỗi ngành điện, nhưng với sản xuất, tiêu thụ điện đạt 9.394 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch, mức độ "khốn khó" của TKV chẳng thể trầm trọng như những gì Tập đoàn này thường nói. Chưa hết, với lý do "khai thác than ở các tầng sâu hơn thì chi phí sản xuất than sẽ tăng cao hơn", giá than trong thời gian tới gần như chắc chắn sẽ lại tăng tiếp.


Trái ngược thay, giá than ở nhiều nước lại đang có xu hướng giảm khá mạnh. Theo Reuters, giá than bán cho ngành điện đã giảm một nửa từ mức đỉnh điểm trong năm 2011 và giảm gần 70% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được hồi năm 2008. Chuyên gia của Bank of America cho biết xu hướng giảm giá này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014, hướng tới năm thứ ba sụt giảm liên tiếp.


Chỉ mới ba năm trước đây thôi, TKV còn xuất khẩu ồ ạt thứ nguyên liệu vô cùng quan trọng này với mức giá khá rẻ, bất chấp mọi cảnh báo sẽ phải nhập khẩu trong tương lai gần với giá rất cao. Và điều đó đã xảy ra, khi 10.000 tấn than (đúng loại Việt Nam đã xuất khẩu) đầu tiên đã được nhập từ Indonesia vào cảng Cát Lái TP.HCM. Theo các chuyên gia tính toán, Việt Nam đã mất khoảng 1 tỷ USD trong vụ mua bán này, còn theo Đời sống Pháp luật, lượng tiền xuất khẩu than mang lại không đủ để mua một nửa số lượng than mà Việt Nam đã xuất khẩu cùng thời điểm. Theo dự toán, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 100 triệu tấn/năm. "Cái lãi ngành than được nhận, nhưng lỗ thì toàn bộ nền kinh tế lại phải gánh chịu", TS Lê Đăng Doanh bình luận.


Có thể thấy, người dân đang phải trả giá cho những chiến lược chủ quan đã "bóp méo" thị trường từ các đại gia năng lượng. Nhưng người Việt Nam khó lòng có thể được như người dân Anh, khi các ông lớn trong ngành năng lượng nước này buộc phải chấp nhận hoàn trả lại phần tiền bị tính quá cao. Không có một hệ thống bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đủ mạnh, điều duy nhất mà các khách hàng có thể nhận được là những cam kết dập khuôn "sẽ minh bạch hơn trong thời gian tới" - một cụm từ vô cùng chung chung không hề có thời hạn cụ thể.


NDH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á