Được mệnh danh là khu tái định cư (TĐC) lớn nhất nước được xây dựng để phục vụ công tác di dời giải tỏa các dự án trọng điểm của TPHCM, nhưng sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp, nhiều người dân không chịu vào ở.
Đó là tình trạng của khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh). Khu TĐC Vĩnh Lộc B có quy mô hơn 30ha, vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng, gồm 45 block chung cư với 2.000 căn hộ và 559 nền đất. Dù đã bàn giao nhà từ năm 2010 nhưng đến nay chỉ có chưa đến 200 căn hộ có người dân đến ở và 65 nền đất được xây dựng. Nhiều hộ dân nhất quyết không chịu về đây do quá xa nơi ở cũ, xa trung tâm TP.
Ghi nhận của nhóm phóng viên ĐTTC, con đường dẫn vào dự án vẫn còn mù mịt bụi đá, cỏ cây um tùm. Sử dụng chưa bao lâu nhưng nhiều tòa nhà đã xuống cấp, nứt nẻ chân móng, nhiều block chẳng có bóng dáng một người. Một người dân khu B1 cho biết do quá rộng, lực lượng bảo vệ lại mỏng nên chiều đến ít ai dám đi đâu xa khỏi nhà.
Buổi tối nơi đây không có đèn đường, tạo điều kiện để tệ nạn tụ tập. Ông Bình, một hộ dân bị giải tỏa trong dự án kênh Tân Hóa-Lò Gốm, cho biết dù trước kia sống trong cảnh nhà cửa dột nát nhưng cuộc sống hàng ngày được đảm bảo do công việc mua bán thuận lợi.
Từ khi chuyển về đây thu nhập của ông giảm hẳn vì mất việc cũ, việc mới chưa ổn định. Nhiều người dân nơi đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự, hầu hết bà con sống trên và ven kênh rạch bị giải tỏa, nhưng lúc ấy lại có cái nghề để mưu sinh. Về đây việc học hành của con cái cũng trở nên bất tiện. Có lẽ vì vậy mà họ không đến nhận nhà hoặc ở một thời gian lại đóng cửa tìm nơi ở mới.
Ngoài ra người dân sinh sống trong khu TĐC này còn sợ tai nạn vì chất lượng công trình, hạ tầng yếu kém. Bà Trần Thị Kim Huê, ngụ lô B1.2 - hộ dân duy nhất đến nhận căn hộ tại lô này, cho biết do trần nhà hay rớt nên chưa lúc nào giấc ngủ được yên. Nền móng chung cư sụt lún gây bất an, ban đêm ra ngoài thì sợ tội phạm…
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ riêng lô chung cư bà Huê đang ở, hầu như các lô chung cư trong khu TĐC đều xảy ra tình trạng sụt lún vỉa hè, trần nhựa trên nhà gắn sơ sài, tường trong một số căn hộ bị thấm nước, hệ thống dây điện nằm sát ban công, chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo…
Ông Lý Minh Sơn, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích Bình Chánh, thừa nhận hiện các lô chung cư kể trên đang xảy ra tình trạng rớt trần nhựa; máy bơm nước sinh hoạt bị hỏng; thấm nước tại các hộp gen; tường, cột bị nứt; gạch bong tróc, vỉa hè lún…
Tuy nhiên, ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP và đơn vị thi công khắc phục rất chậm, có nhiều hạng mục chưa thực hiện dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần. Trước đó, trong đợt giám sát khu TĐC này, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TPHCM Dương Quan Hà đề nghị phía chủ đầu tư phải hoàn tất sửa chữa, duy tu, nâng cấp hạ tầng, căn hộ theo phản ánh của người dân và cơ quan chức năng để người dân ổn định cuộc sống. Nhưng theo ghi nhận, tại thời điểm tháng 3-2014 dường như những phản ánh đó vẫn chưa được khắc phục.
Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, cho hay: "Tồn tại lớn nhất hiện nay chính là chính quyền TP chưa thực hiện công tác điều tra xã hội học về điều kiện sống của người dân diện giải tỏa để bố trí TĐC một cách hợp lý. Lâu nay, các quận - huyện chỉ điều tra về diện tích nhà đất bị thu hồi, hồ sơ pháp lý để đền bù, còn những thông tin liên quan khác lại không làm. Từ đó mới có tình trạng người bị giải tỏa nhận suất TĐC nhưng sang nhượng, cho thuê hoặc quay lại nơi ở cũ để tiện việc làm ăn. Thậm chí, đã có trường hợp lấy tiền đền bù mua đất nông nghiệp ở khu vực đã quy hoạch rồi xây dựng trái phép. Chính tồn tại những bất cập đó mà khu TĐC lớn nhất TP này có nguy cơ trở thành khu TĐC ma".
Theo Sài Gòn Đầu Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét