Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Thoát bẫy thu nhập trung bình và bài học liên kết

Thoát bẫy thu nhập trung bình và bài học liên kết


Tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa” vừa diễn ra tại Hà Nội, Giáo sư Kenichi Ohno đến từ Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản đã có một nhận xét rất đáng chú ý.


Đáng chú ý là ở chỗ lập luận của ông đã không gặp phải sự phản biện nào từ phía các chuyên gia Việt Nam có mặt tại hội thảo.


Theo Giáo sư Kenichi Ohno, Việt Nam sau một vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành thực tế cho Việt Nam. Bẫy thu nhập trung bình là dấu hiệu trì trệ của một nền kinh tế, là lực cản kinh tế của một nước khi không tự vượt được chính mình và hệ lụy mà nó mang đến là người dân phải nằm im với con số thu nhập kém cỏi mỗi năm trong vài chục năm liên tiếp.


5 triệu chứng của việc vướng bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam gồm: Tăng trưởng chậm lại, năng xuất sản xuất mờ nhạt, thiếu hụt của chuyển dịch cơ cấu theo đúng nghĩa, khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và cuối cùng là xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây.


Vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo đề xuất của giáo sư Kenichi Ohno là Việt Nam thay vì mở rộng về số lượng cần nâng cao chất lượng và thể chế nhằm thúc đẩy công nghệ, kỹ năng và kiến thức. Triết lý được ông Kenichi Ohno khẳng định ở đây là Việt Nam cần tạo một động lực tăng trưởng mới bằng việc xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp FDI- địa phương và tạo ra giá trị trong nước.


Chia sẻ quan điểm này, một số chuyên gia kinh tế Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách. Thứ nhất, có các chính sách liên kết tập đoàn đa quốc gia- doanh nghiệp địa phương. Thứ hai, xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp. Thứ ba, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nội địa. Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu về các SME, các nhà cung cấp địa phương. Thứ năm, phát triển các cụm ngành công nghiệp. Thứ sáu, xây dựng và triển khai thành công các chương trình thúc đẩy liên kết các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp địa phương. Thứ bảy, phát triển thị trường nội địa kết hợp xuất khẩu và cuối cùng là khuyến khích doanh nghiệp cả FDI lẫn nội địa mua hàng trong nước.


Quang Lộc - Báo Công Thương




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á