Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Phân loại nợ xấu của ngân hàng thương mại: Lại thêm bước... lùi

Phân loại nợ xấu của ngân hàng thương mại: Lại thêm bước... lùi


Ngày 18/3/2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 09/2014/TT-NHNN (TT09) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN (TT02) ngày 21/1/2013.

Theo đó, các ngân hàng được phép lùi lại thời gian phân lợi nợ theo Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) tới đầu năm 2015.


Nhiều ý kiến phân tích cho rằng, việc lùi thời hạn phân loại nợ xấu theo TT02 đến đầu năm 2015 là cần thiết, có lợi cho cả các ngân hàng và doanh nghiệp.


Trước hết, số nợ xấu của ngân hàng sẽ không phát sinh thêm và do đó, khoản trích lập dự phòng rủi ro cũng không tăng lên trong năm 2014, giúp các ngân hàng có thể hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trong điều kiện rất khó khăn như hiện nay.


Với TT09, trước mắt, các doanh nghiệp cũng được lợi. Bởi, một doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi vay ngân hàng nhưng không trả được thì ngân hàng sẽ mặc định chuyển thành nợ quá hạn. Nhưng nếu áp dụng TT02 ngay thì dù doanh nghiệp trả được phần lãi cũng bị quy thành nợ quá hạn, khoản nợ đáng lý chưa xấu sẽ thành rất xấu.


Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ngược lại, cho rằng việc TT09 là một bước lùi.


Trước hết, việc phân loại nợ xấu của các ngân hàng không phải là việc riêng của từng quốc gia. Các nước trên thế giới đã có hiệp ước, quy định rõ chuẩn mực để phân loại nợ xấu ngân hàng. TT02 là một bước tiến để việc quản lý các ngân hàng ở nước ta theo kịp các chuẩn mực quốc tế. Việc tiếp tục lùi thời hạn áp dụng tiêu chí phân loại nợ của các ngân hàng theo TT02 đồng nghĩa với việc phân loại nợ của các ngân hàng ở Việt Nam đang "một mình một chợ".


Thứ hai, xét trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, với TT09, chuyện nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục bị "ém" lại. Đến bao giờ mới có được số liệu đúng về tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng? Khi chỉ tiêu này chưa được tính đúng mà bị "đẩy vào tương lai" theo TT09, làm sao có được những quyết sách đúng trong điều hành kinh tế vĩ mô? Một khi số lượng, tỷ lệ nợ xấu là con số "ảo" thì việc trích lập dự phòng rủi ro cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, tương đối thì hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cũng sẽ trở thành "ảo", rất nguy hiểm đối với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.


Thứ ba, TT09 gây khó cho hoạt động của VAMC. Bởi lẽ, hoạt động của VAMC phụ thuộc rất lớn vào việc xác định chính xác và đầy đủ con số nợ xấu, từ đó đưa ra kế hoạch và lộ trình mua lại các khoản nợ xấu từ các tổ chức tín dụng và có phương án phát hành trái phiếu đặc biệt. Khi các ngân hàng được trì hoãn việc cơ cấu nợ, giấu nợ xấu lâu hơn, thì sức ép bán nợ cho VAMC cũng giảm.


Hy vọng rằng, TT09 sẽ là "bước lùi" cuối cùng của NHNN trên con đường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với những yêu cầu của chuẩn mực quốc tế.


Theo Công Thương




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á