Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

TTCK đang thiếu thông tin hỗ trợ và rủi ro ở mức cao

TTCK đang thiếu thông tin hỗ trợ và rủi ro ở mức cao


Trong khi các dữ liệu kinh tế quý 1 chỉ cho thấy mức độ phục hồi vừa phải và thấp hơn kỳ vọng thì thị trường đang trở nên thiếu thông và ẩn chứa nhiều rủi ro hơn.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), các số liệu về tình hình kinh tế xã hội Quý 1 cho thấy một bức tranh nền kinh tế chỉ cho thấy sự phục hồi ở mức vừa phải, không tốt hơn kỳ vọng và chưa đột phá.


Cụ thể, CPI tháng 3 cả nước giảm 0,44% (so với tháng trước), thấp nhất của tháng 3 trong vòng 11 năm, tương ứng mức tăng chỉ 4,39% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây, tính chung cả Quý 1, CPI chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013. Mặc dù cũng do ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ nhưng CPI tăng thấp cũng cho thấy người dân đang thắt chặt chi tiêu hơn, hay nói cách khác cầu tiêu dùng hồi phục khá yếu.


Trong khi đó, GDP Q1.2014 tăng 4,96%, mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng lần lượt 4,69% và 5,95%, đều cao hơn mức tăng tương ứng trong cùng kỳ 2013 (+4,59% và 5,68%). Có thể thấy, mặc dù khu vực Công nghiệp và xây dựng cũng đã có sự cải thiện so với cùng kỳ nhưng mức tăng vẫn thấp hơn so với tăng trưởng GDP. Sự cải thiện của tăng trưởng GDP Q1 chủ yếu do đóng góp của khu vực Dịch vụ.


Về lĩnh vực sản xuất chỉ cho thấy sự tăng trưởng nhất định khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, tăng 5,2%, nhích nhẹ so với con số 4,9% cùng kỳ năm trước. Đồng thời, những lo ngại về tồn kho lớn vẫn còn đó. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết tháng 2 tăng 13,4% so vỡi cùng kỳ, tuy giảm so với mức 16,5% của cùng kỳ 2013 nhưng lại đang cho thấy xu hướng tăng trở lại kể từ đầu năm 2014.


Theo NHNN, sau khi quy định điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND được áp dụng, mặt bằng lãi suất huy động giảm 0,5%-1% so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, việc giảm này chỉ tập trung ở các kỳ hạn ngắn trong khi các kỳ hạn trên 6 tháng hầu như không thay đổi.


Về việc mua bán nợ xấu, VAMC dự kiến sẽ chỉ mua khoảng 3.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt trong Quý 1, thấp hơn khá nhiều so với con số 7.000- 10.000 tỷ đồng được đưa ra trước đó và cũng là rất nhỏ so với kế hoạch lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng trong năm 2014. Có thể thấy dù Quý 1 đã gần trôi qua nhưng việc giải quyết nợ xấu vẫn chưa có nhiều đột phá so với thời điểm cuối năm ngoái.


Theo Tổng cục Thống kê, trong Quý 1.2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 33,34 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 32,34 tỷ USD, tăng lần lượt 14,1% và 12,4% so với cùng kỳ 2013. Như vậy, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD và riêng tháng 3 nhập siêu 300 triệu USD.


Nếu như sự tăng trưởng về xuất khẩu cho thấy nhu cầu từ nước ngoài đang được cải thiện thì việc nhập siêu trong hai tháng trở lại đây đi kèm với nhập khẩu tăng lên tiếp tục thể hiện lĩnh vực sản xuất đang có những chuyển biến tích cực, dù chưa thực sự bứt phá.


Vốn FDI thực hiện tiếp tục xu hướng tăng, đạt 2,85 tỷ USD nhưng chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ 5,6% (so với cùng kỳ), thấp hơn con số 7,1% so với cùng kỳ của Q1.2013. Trong khi đó, một số tín hiệu không tích cực xuất hiện khi vốn FDI đăng ký đến tháng 3 chỉ đạt 3,33 tỷ USD, giảm mạnh 49,6% so với cùng kỳ.


Thị trường thiếu thông tin và rủi ro cao


Trong khi đó, theo CTCK Vietcombank, thị trường lúc này khá thiếu thông tin hỗ trợ mới và rủi ro vẫn ở mức cao khi thông tin nới room đã được phản ánh nhiều vào mặt bằng giá hiện tại của thị trường. Vì vậy, khi được chính thức công bố, dư địa để thị trường tăng điểm từ thông tin này sẽ không nhiều.



Ngoài ra, tỷ lệ đòn bảy trên thị trường vẫn khá lớn.


Trong khi, kể từ đầu tháng 3 trở lại đây, thị trường vẫn chịu áp lực thoái vốn khá mạnh của khối ngoại, tổng giá trị bán ròng trong tháng đã lên tới hơn 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, trên thị trường thế giới, hai quỹ ETFs lớn là VNM và FTSE đều có dấu hiệu bị rút vốn.


Cụ thể, trong 3 phiên trở lại đây, VNM giảm 500.000 chứng chỉ quỹ (ccq), chấm dứt chuỗi hút vốn liên tục từ đầu tháng 2, trong khi FTSE cũng giảm 100.000 ccq tương đương tổng giá trị khoảng 290 tỷ đồng.


Việt rút vốn của khối ngoại có thể sẽ chưa dừng lại khi (i) nền kinh tế Mỹ vẫn đang dần phục hồi, FED tiếp tục duy trì tốc độ cắt giảm gói QE3 và việc nâng lãi suất cơ bản có thể sẽ đến sớm hơn mong đợi; (ii) nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy dấu hiệu giảm tốc khi PMI, theo HSBC sơ bộ, của Trung Quốc giảm xuống 48,1 trong tháng 3 từ mức 48,5 trong tháng 2.


Theo VCBS, động thái bán ròng không ảnh hưởng nhiều lên thị trường khi cầu nội vẫn hưng phấn, tuy nhiên khi sự thận trọng trở lại, tác động xấu của nó sẽ trở nên rõ nét hơn.


Học Khiêm - NDH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á