Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Không thể 'cứu' bất động sản chỉ bằng tiền?

Không thể 'cứu' bất động sản chỉ bằng tiền?


“Bơm” thêm 50.000 tỷ đồng và tương lai có thể nhiều hơn để kỳ vọng thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi bị cho là thiếu thực tế.

Ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước cùng với Ngân hàng Xây dựng và SHB bàn về gói tín dụng liên kết “4 nhà” do chính NHNN nghiên cứu trước đó. Đại diện NHNN cho biết, gói tín dụng này sẽ giao cho BIDV chủ trì nhằm mục tiêu kiểm soát dòng tiền đi đúng nơi, về đúng chỗ.


Trước đó, ngày 25/3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh đã chính thức công bố gói tín dụng lên tới 50.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản. Ngay sau đó, trả lời trước báo giới, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, trong tương lai còn có các gói tín dụng khác lên tới hàng trăm nghìn tỷ.


Bình luận về gói tín dụng do VNCB đưa ra, các chuyên gia tài chính cảnh báo, đừng vội hấp tấp mà hãy nhìn kỹ vào bản chất của nó để có những quyết định đầu tư đúng đắn và rằng lợi ích của gói tín dụng này chưa thấy đâu, nhưng nguy cơ thì có thể dự báo trước


Thực tế cho thấy, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng do VNCB chủ trì là một gói tín dụng thương mại chứ không phải là gói tín dụng hỗ trợ. Bởi đối tượng vay gói này không được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi nào, lãi suất không thấp hơn các chương trình vay thông thường và điều kiện cho vay cũng không được nới lỏng.


Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB cho biết, gói 50.000 tỷ đồng được xây dựng nhằm liên kết “4 nhà” gồm ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung ứng vật liệu xây dựng. Trong đó, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức, cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản.


Còn Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng và chủ trì Sàn kinh doanh vật liệu xây dựng nhằm kết nối các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng trên cả nước. Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Thanh còn giữ vai trò là đầu mối. Các nhà đầu tư bất động sản, nhà thầu muốn tiếp cận gói tín dụng này phải thông qua trung gian là Tập đoàn Thiên Thanh.


Hãy thử nhìn lại gói tín dụng 30.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng chủ trì. Đây lại là gói tín dụng nghiêng về chính sách, đối tượng vay được hưởng khá nhiều ưu đãi nhưng đến nay sau 9 tháng triển khai mà con số giải ngân cũng chỉ đạt có 5 – 6%. Bây giờ tiếp tục tung ra gói 50.000 tỷ đồng mà lại không có ưu đãi gì, điều kiện vay cũng không được nới lỏng thì liệu có khả thi không?


Để “cứu” ngành bất động sản phải bắt đầu từ nội tại của thị trường chứ không phải “bơm” tiền là đủ.


Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, ý tưởng thành lập gói 50.000 tỷ để liên kết “4 nhà” không mới, quan trọng là cách triển khai như thế nào.


Theo ông Đực, ngân hàng chủ trì gói này cần phải mở rộng tối đa các đối tượng tham gia, nếu chỉ gói gọn trong vài ba doanh nghiệp là nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu xây dựng thì có nguy cơ phát sinh nhóm lợi ích.


“Nếu có độc quyền xảy ra, các nhà cung cấp vật liệu xây dựng không được cạnh tranh bình đẳng, giá vật liệu không những không giảm mà có thể còn tăng, kéo theo các sản phẩm nhà ở làm ra bị đẩy giá lên, sớm muộn gói này sẽ thất bại”, ông Nguyễn Văn Đực cảnh báo.


Cùng chung nhận định này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, chuỗi liên kết “4 nhà” có thể bị tan rã nếu quyền lợi các bên tham gia không thỏa đáng. Nếu phân tích kỹ sẽ nhận ra rằng, trong “4 nhà” này, nhà đầu tư bất động sản là đối tượng chịu rủi ro nhiều nhất chứ không phải ngân hàng.


Mỗi ngân hàng có quyền chủ động cho ai vay, không cho ai vay và có cơ chế kiểm soát dòng tiền rất chặt chẽ, trong khi nhà đầu tư bất động sản lại đứng trước nguy cơ không bán được sản phẩm làm ra bởi điều này phụ thuộc chủ yếu vào câu chuyện của thị trường, của quy luật cung cầu.


Nhiều năm nay, phần lớn các dự án nhà ở đều chậm tiến độ. Nhiều dự án không có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, xây dựng không đồng bộ nên không bán được hoặc có bán nhưng dân không thể ở được. Rất nhiều chủ đầu tư sau khi xây dựng móng, bán ra, huy động vốn từ khách hàng nhưng sau đó không hoàn thiện dự án, không giao nhà cho người mua gây ra nhiều hệ lụy và tai tiếng.


Theo các chuyên gia, câu chuyện của ngành bất động sản hiện nay chính là niềm tin của người tiêu dùng đã bị “lấy cắp” bởi sự thiếu lành mạnh của thị trường. Và, để “trả lại” niềm tin này đòi hỏi trước tiên là phải làm minh bạch hóa thị trường, khơi thông các điểm nghẽn trong thủ tục, loại bỏ đầu cơ… chứ không thể chỉ “bơm” vốn là đủ.


Trao đổi với PV, ông Phạm Trung Tuyến, Vụ trưởng, Trưởng văn phòng thường trực BCĐ Trương ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản cho rằng: Trước mắt, chúng ta tập trung đưa ra giải bài toán khó khăn lúc này là phải giảm bớt gián thu mà tăng trực thu. Song song đó, mở rộng cho Việt kiều, người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam. Bổ sung các chương trình mục tiêu quốc gia vào các chương trình chiến lược nhà ở, trong đó tập trung vào chương trình nhà ở giá thấp.


Theo ông Tuyến, hiện chỉ có ở Việt Nam là kinh doanh bất động sản bằng nguồn vốn vay ngắn hạn. Do đó, việc cần có chính sách hạn chế chi phí tăng là rất quan trọng. Có như vậy mới hướng tới giảm 30% giá thành so với mặt bằng giá hiện nay.


“Lúc này, giá nhà ở mới phù hợp bình quân thu nhập của người lao động”, ông Phạm Trung Tuyến nhấn mạnh.


Tapchitaichinh




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á