Đó là cổ phiếu đã bị định giá quá cao và việc kinh tế còn tăng trưởng không có nghĩa là chứng khoán sẽ tăng theo.
Henry Blodget, Tổng giám đốc, kiêm Tổng biên tập của Business Insider, đã viện dẫn cảnh báo của tỷ phú đầu tư Warren Buffett và lịch sử kinh tế Mỹ để nói về thị trường chứng khoán Mỹ những ngày này như vậy.
Vâng, chứng khoán có thể còn tăng, Henry Blodget nói, đặc biệt nếu Fed tiếp tục điên cuồng bơm tiền ra. Nhưng các phương pháp định giá hợp lý nhất đều nói rằng, cổ phiếu đang vượt quá giá trị thực của chúng. Và, trong quá khứ, điều này thường dẫn đến sự trì trệ của thị trường trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn đang lạc quan với chứng khoán, bất chấp sự thật cổ phiếu bị định giá quá cao.
Một trong những lý lẽ mà những người lạc quan này đưa ra là: nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng khả quan và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong một tương lai có thể dự đoán. Và, nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chứng khoán cũng sẽ lên theo.
Lập luận đó nghe có vẻ thuyết phục. Nhưng có 2 lỗ hổng lớn bên trong nó.
Thứ nhất, việc các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế sẽ giữ được sự tăng trưởng không có nghĩa là nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng thật. Các nhà kinh tế có một thành tích tồi tệ khi dự đoán về suy thoái (họ chưa bao giờ nghĩ rằng chúng sẽ xảy đến).
Thứ hai, và quan trọng hơn, ngay cả nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đó không có nghĩa là chứng khoán sẽ tăng.
Hãy nhớ lại một bài báo gây sửng sốt của Warren Buffett hồi năm 1999. Khi đó, nhà tỷ phú lỗi lạc cảnh báo nhà đầu tư trên tạp chí Fortune rằng, thành tích ấn tượng của chứng khoán giai đoạn 1982 – 1999 (tăng 17%/năm) sẽ không thể tiếp diễn.
Như thường lệ, Buffett đã đúng. Gần 1 năm sau khi ông viết bài báo đó, thị trường đã lao dốc sầm sập, và 15 năm sau, nó vẫn không cao hơn nhiều so với năm 1999.
Trong bài báo của mình, Buffett có nhắc nhở mọi người rằng, chứng khoán và nền kinh tế không phải lúc nào cũng song hành. Trên thực tế, Buffett nhấn mạnh, có nhiều giai đoạn dài trong lịch sử mà trong đó, chứng khoán và nền kinh tế chẳng liên quan gì đến nhau.
Đúng thật, trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1981, khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng đến 370% và doanh số của 500 công ty hàng đầu tăng hơn 6 lần thì chỉ số Dow Jone lại chỉ… giậm chân tại chỗ. Vào ngày 31/12/1964, chỉ số Dow ở mức 874,12 điểm, 17 năm sau, vào ngày 31/12/2981, nó chỉ tăng chưa đầy 1 điểm, với 875,00 điểm.
“Ai đó có thể cho rằng, sở dĩ chứng khoán không tăng là do lãi suất. Đúng vậy. Trong 17 năm tính đến năm 1981, lãi suất đã tăng vọt lên mức siêu cao”, Blodget nói. “Nhưng có chắc là điều đó sẽ không sớm lặp lại trong thời gian tới?”.
Quang Huy (theo Business Insider)
Tinnhanhchungkhoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét