Sau thời gian tăng nóng, nhà đầu tư (NĐT) chính thức chốt lời bằng mọi giá khiến nỗi sợ hãi bao phủ toàn thị trường bằng cơn lốc đỏ rực. Lực bắt đáy cũng rất tốt, nhưng lệnh bán ồ ạt, đẩy thị trường lao dốc mạnh. Hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đã giảm mạnh, nhiều cổ phiếu nóng bị chốt ở giá sàn. Chỉ số VN-Index đã giảm gần 14 điểm và lùi sâu về mức 588 điểm.
Trong phiên, NĐT cứ ngỡ chỉ số sẽ giằng co ở mức cao, nhưng tâm lý của nhiều người trở nên tiêu cực, bi quan trong phiên chiều, nên phải bán bằng mọi giá. Các cổ phiếu có tính dẫn dắt trên cả 2 sàn đều đua nhau giảm giá và kéo 2 chỉ số giảm điểm khá mạnh. Điều này chứng tỏ TTCK đang ở giai đoạn phân phối là rất lớn.
"Chết" trên đỉnh cao
Trong lúc thị trường đang "say sưa" trên đà chiến thắng, nhiều thông tin tốt, kỳ vọng lợi nhuận khủng lên tới vài chục phần trăm thì cú lao dốc chốt lời khiến nhiều người tỉnh lại. Sắc đỏ đã bao trùm trên cả 2 sàn, chỉ cần kéo thêm vài phiên nữa, thị trường sẽ rơi vào mức nguy hiểm khi hàng chục nghìn tỷ đồng cho vay thế chấp sẽ bị ép bán.
Dấu hiệu thị trường quay đầu giảm điểm đã được dự báo từ vài phiên trước khi tiền vào rất nhiều, thanh khoản lớn, nhưng giao dịch vẫn lừng khừng không thể đột phá qua các mốc kháng cự mạnh. Trong khi đó, NĐT nước ngoài liên tục bán ra, khối tự doanh cũng xả hàng mạnh mẽ thì sớm muộn thị trường cũng sẽ giảm.
Việc khối ngoại bán ròng kỷ lục kéo dài kèm theo tín hiệu NĐT lớn bắt đầu bán ra trên thị trường dẫn theo rất nhiều NĐT tổ chức khác tạm dừng không mua vào hoặc sẽ bán ra theo. Điều này khiến mức độ rủi ro của TTCK lên cao, tốc độ xả hàng sẽ mạnh hơn, khiến thị trường giảm điểm.
Hơn nữa, rất nhiều cổ phiếu làm ăn thua lỗ, sắp bị hủy niêm yết mà vẫn được NĐT đẩy giá tăng lên chóng mặt. Trong đó, nhóm cổ phiếu lỗ nghìn tỷ như PVX và dòng họ PVA, PVL, PFL… làm ăn thua lỗ, bết bát mà vẫn được tranh mua giá trần mà chẳng sợ rủi ro. Nhiều cổ phiếu đã tăng giá phi mã từ 40 - 130%, thì việc xả hàng là đương nhiên. NĐT khôn ngoan sẽ không bao giờ tích lũy vùng đỉnh mà chỉ mua vào vùng giá thấp mà thôi.
Trong phiên giao dịch chiều 26/3, lượng hàng khủng hơn 400 triệu đơn vị, giá trị hơn 6.000 tỷ đồng đã về đến tài khoản. Lượng hàng khủng này chính là mối lo của nhiều NĐT trên thị trường, dù dòng tiền chờ thời vẫn lớn.
Thị trường đã tăng mạnh trong thời gian dài, các chỉ số chạm ngưỡng kháng cự mạnh, trong khi nhiều cổ phiếu cũng đã xuất hiện dấu hiệu quá mua, đặc biệt là sự hưng phấn quá mức trong phiên đầu tuần này.
Nhiều NĐT đã "tháo chạy" trong phiên hôm trước, nên lực bán dù đã giảm bớt nhưng vẫn còn rất mạnh. NĐT lớn không muốn tâm lý thị trường bị hoảng loạn, kích hoạt lệnh bán tháo ồ ạt quá sớm khiến lượng hàng ôm vào cuối tuần trước bị kẹt, nên những NĐT này đã cố níu giữ, không để chỉ số giảm quá sâu.
Tuy nhiên, sang phiên chiều, lệnh bán cứ thế liên tiếp tục tung ra với mức giá cứ thấp dần với mục đích làm sao thoát được càng sớm càng tốt khiến thị trường bị chìm trong sắc đỏ.
Tháo chạy bằng mọi giá
Một số cổ phiếu đầu cơ có khả năng kháng cự tốt, đầy hưng phấn như FLC đã phải chấp nhận giảm kịch sàn với 15,37 triệu đơn vị. Trong khi ITA mới bứt phá được vài phiên cũng phải trở về tham chiếu với lực bán quá mạnh. Cổ phiếu chứng khoán AGR sau nhiều phiên bứt phá mạnh cũng chốt ở mức sàn và còn dư bán sàn.
Trên sàn HNX, PVX may mắn bật trên giá sàn với lực mua mới khá mạnh với 17,47 triệu đơn vị được khớp lệnh. Cổ phiếu SCR cũng bị hãm đà tăng khi đóng cửa ở mức 12.100 đồng, tăng 300 đồng với 13 triệu đơn vị được khớp.
Cổ phiếu SHB sau khi bị khối ngoại bán mạnh họ đã mua vào trở lại, nên tạo lực đỡ giá rất tốt khi tăng nhẹ cuối phiên. Các mã chứng khoán sau khi cố hồi trở lại trong phiên sáng đã phải cắm đầu lao xuống, nhiều mã chạm đáy khi chịu lực xả quá mạnh.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng rất nhanh và mạnh, từ mức 80 điểm đã lên đến 93 điểm, tương đương khoảng 15% trong vòng chưa đầy nửa tháng. Đây quả thực sự là mức tăng giá rất ấn tượng, nhưng tăng nhanh và mạnh như vậy cũng chính là lúc rủi ro đầu tư rất cao.
Và, phiên giao dịch ngày 26/3 chứng kiến cơn lốc bán tháo cổ phiếu, khiến thị trường giảm giá và nhiều NĐT không kịp cắt lỗ. Theo các chuyên gia chứng khoán, biến động của TTCK thường có tính chu kỳ, xoay vòng quanh việc tích lũy, đẩy giá, phân phối, rồi giảm giá...
Quá trình này lặp đi lặp lại với cách thức biến động giá và chu kỳ thời gian rất khác nhau. Trong bối cảnh rủi ro cao như vậy, NĐT nên hạn chế việc đảo cổ phiếu, hạn chế mua vào. Hạn chế dùng đòn bẩy tài chính mà và bán dần cổ phiếu đã tăng quá nóng thời gian qua để đảm bảo khi TTCK điều chỉnh thì vẫn bảo toàn được lợi nhuận.
Sơn Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét