Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Cổ phiếu đắng

Cổ phiếu đắng


Cơn sốt đổ xô kiếm lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu đã lùi xa. Chạy đua lên sàn hay dăm triệu buổi sáng, ngày hôm sau thu tiền tỷ cũng thành quá khứ. Cuộc chơi nào cũng phải có điểm dừng. Sau cơn sốt, sóng không lặng với thị trường chứng khoán. Rung lắc, chao đảo cũng không buông tha những người đã trót ném tiền vào cuộc chơi.

Không ít doanh nghiệp niêm yết đang phải đối mặt với án phạt nặng, khắc nghiệt nhất của thị trường chứng khoán: Bị hủy niêm yết bắt buộc vì thua lỗ 3 năm liên tiếp. Những con số thua lỗ cả trăm tỷ đồng/năm không còn là hiếm gặp với các doanh nghiệp niêm yết.


Nhiều lý giải được đưa ra: Doanh nghiệp vào bước đường cùng: Do thua lỗ triền miên. Có người đổ do thị trường… khắc nghiệt. Cũng có doanh nghiệp "láu cá" chủ động rút khỏi cuộc chơi với lý do: Bảo vệ doanh nghiệp khỏi bị thâu tóm do thị giá quá thấp. Người chê: Doanh nghiệp yếu bóng vía, thiếu chiến lược kinh doanh. Kẻ khen, doanh nghiệp "khôn sớm". Vào, ra, chơi tiếp hay rút khỏi cuộc chơi, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu.


Một lần nữa, quy luật của cuộc chơi thể hiện rõ sức mạnh. Thị trường chứng khoán không phải mảnh đất màu mỡ với những "tay mơ". Tiền đến từ chứng khoán dễ dàng thì cũng ra đi một cách nhẹ nhàng.


Bài toán lớn với doanh nghiệp và cả người chơi: Hậu hủy niêm yết sẽ ra sao? Thực tế cho thấy, hủy niêm yết không hẳn là bi kịch. Không ít trường hợp doanh nghiệp chủ động rút lui sớm và hồi sinh nhờ những chiến lược mới.


Cũng khó lý giải được doanh nghiệp "ăn may" hay nhờ lãnh đạo tài giỏi khi nhìn vào trường hợp các doanh nghiệp bị hủy niêm yết vì thua lỗ nhưng khi chuyển sang giao dịch trên UpCOM lại có lợi nhuận. Có thể điểm thấy không ít trường hợp như của Công ty CP Vitaly (VTA), Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (CAD), Mekophar (MKP)….


Hủy niêm yết, doanh nghiệp thiệt là điều thấy rõ. Hủy niêm yết có hai mặt: Kẻ khóc, người vỗ tay. Cổ đông lớn, nhà đầu tư có tiềm lực mừng vì có cơ hội thâu tóm doanh nghiệp với giá rẻ. Nhưng cái rủi lớn nhất, thiệt hại nhất luôn rơi vào các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ đã trót gửi tiền đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp.


Thiệt hại thấy rõ khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư nhỏ lẻ lo mất tiền buộc phải bán ra với giá bèo số cổ phiếu ít ỏi đang nắm giữ. Nhà đầu tư mất tiền, mất luôn cả quyền giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Người chậm chân hơn thì chỉ còn biết ngồi ôm mớ giấy tờ chứng nhận sở hữu để hưởng cổ tức hàng năm.


Thị trường có sự sàng lọc là xu hướng tất yếu. Sẽ không có gì đáng nói nếu trên sàn chỉ toàn doanh nghiệp tốt, hàng hóa tốt cho nhà đầu tư. Khi tham gia cuộc chơi, doanh nghiệp và cả nhà đầu tư luôn phải sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.


Nhưng xét cho cùng, nếu các chủ trương, các quy định được chuẩn hóa ngay từ đầu, sẽ không có cảnh doanh nghiệp ào ạt đua lên sàn. Sẽ không còn cảnh doanh nghiệp cứ hồn nhiên lên sàn huy động vốn mà chả cần vạch ra kế hoạch dài hơi. Tiền thu được sau đó ném sang bất động sản, đầu tư ngoài ngành. Giá phải trả đắt hay rẻ đã được chứng minh.


Theo www.tienphong.vn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á