Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Góc khuất sau 'ván bài' nhân sự

Góc khuất sau 'ván bài' nhân sự


Thua lỗ, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, nợ xấu cao, tăng trưởng tín dụng chậm và áp lực tái cơ cấu để tăng sức cạnh tranh…là những gì mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt. Để vượt qua nó, bên cạnh sáp nhập, hợp nhất, thâu tóm, tái cơ cấu…thì làn sóng thay "tướng" của nhiều ngân hàng trong mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay cũng sẽ "nóng" không kém.

Thật ra, việc thay "tướng" là cần thiết, bởi quá trình tái cơ cấu của mỗi ngân hàng đều cần một "làn gió mới" trong quản trị điều hành và hoạt động kinh doanh. Vậy nhưng, liệu sự thay này có đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông, hay chỉ là những toan tính của những cổ đông lớn, nhóm lợi ích trong ngân hàng?


"Nóng" ngân hàng thay "tướng"


Mới nhất là ngày 27/3, ĐHCĐ thường niên, Nam A Bank đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Toàn làm Chủ tịch HĐQT thay cho bà Nguyễn Thị Xuân Loan.


Trước đó 2 ngày, ngày 25/3, ĐHCĐ Sacombank cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Hữu Phú, sau 2 năm ngồi ghế "nóng" và thế chân là ông Kiều Hữu Dũng.


SCB cũng vừa tổ chức ĐHCĐ, ngày 17/3, với việc thông qua đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của bà Nguyễn Thu Sương, bầu ông Đinh Văn Thành vào vị trí này với nhiệm kỳ 2012 - 2017. Việc bà Sương rời vị trí Chủ tịch HĐQT SCB cũng khiến không ít người bất ngờ. Vì, bà là người gắn bó với SCB kể từ những ngày đầu hợp nhất và trải qua không ít khó khăn trong giai đoạn tái cấu trúc. Tuy nhiên, việc thay đổi của SCB, kể cả bộ máy quản trị và các mặt hoạt động trong giai đoạn tái cấu trúc, được xem là yếu tố tích cực để tăng trưởng bền vững sau giai đoạn tái cơ cấu.


Một sự ra đi khiến không ít người ngỡ ngàng, đó là ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc DongA Bank, đã bất ngờ từ nhiệm. Lý do là vì trước đó, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc DongA Bank nhiều lần khẳng định ông Thông chính là người kế nhiệm vị trí trong tương lai.


Mặc dù chưa tổ chức ĐHCĐ, nhưng Eximbank cho biết cuộc họp lần này sẽ đón nhận 3 thành viên HĐQT mới, thay thế cho những người từ nhiệm. Tuy nhiên, hiện cả 3 nhân vật này vẫn đang là "ẩn số", thu hút sự quan tâm của cộng đồng.


Tuy chưa công bố nhưng ACB cũng có khả năng sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT. Bởi, ông Huỳnh Quang Tuấn đã từ nhiệm trước Tết Giáp Ngọ, do liên quan đến vụ "bầu" Kiên.


VIBank cũng có kế hoạch bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Đây là ngân hàng rất đình đám trong năm 2013, khi có đến 3 lần thay Tổng Giám đốc. Bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm vào đầu năm. Bà Đàm Bích Thủy tiếp nhận sau đó 4 tháng (tháng 6/2013) và từ nhiệm vào tháng 9/2013. Cuối cùng, chính Chủ tịch HĐQT, ông Hàn Ngọc Vũ, đã đảm nhận "ghế nóng" này. Còn vị trí Chủ tịch HĐQT chuyển qua cho ông Đặng Khắc Vỹ.


Được biết, sắp tới có 2 ngân hàng tầm trung cũng sẽ thay "máu" cả Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.


Nếu nhìn trực diện, có thể nói, sự thay đổi lãnh đạo cấp cao của các ngân hàng là cần thiết, bởi vì năm 2013 đã chứng kiến nhiều ngân hàng thua lỗ. Đến ngân hàng lớn như Eximbank, ACB cũng không thoát khỏi vòng xoáy khó khăn trong hoạt động kinh doanh. "Sự thay đổi lãnh đạo cấp cao của ngân hàng là cần thiết, để thổi làn gió mới cho ngân hàng trên đà phục hồi và tái cấu trúc được thực hiện mạnh mẽ", Ts. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính quốc gia, bình luận.


Góc khuất sau con bài nhân sự


Vậy nhưng, câu chuyện "thay tướng" không đơn giản chỉ là vấn đề lợi nhuận, mà còn là vấn đề lợi ích nhóm vẫn chưa được giải quyết triệt để, là những toan tính của những cổ đông lớn… Nhìn vào quá trình diễn ra với Sacombank từ năm 2011 đến nay sẽ thấy rõ điều đó, nhất là sau khi ĐHCĐ năm 2014 vừa kết thúc, với 97,3 số phiếu đồng thuận chủ trương sáp nhập SouthernBank vào Sacombank, cho dù có quá nhiều cổ đông bức xúc về nội dung này.


Đằng sau câu chuyện này là gì? Ông Trầm Bê được gì sau khi sáp nhập SouthernBank vào Sacombank? Nếu nhìn trực diện, có lẽ ông Trầm Bê đã "tay trắng" khi mất cả SouthernBank và chức Chủ tịch của Sacombank. Nhưng vấn đề không đơn giản vậy.


Nhìn lại cuộc khủng hoảng của Sacombank kéo dài từ cuối năm 2011 cho tới nay, có thể thấy câu chuyện sáp nhập Southern Bank là phương án dù được công bố khá bất ngờ gần đây, nhưng lại là một "ván cờ" đã được toan tính từ lâu. Quá trình đó điễn ra trong bối cảnh cơ cấu HĐQT trong suốt cả năm qua mang bóng dáng của một Southern Bank, mà đứng đằng sau đó là vị "nhạc trưởng" Trầm Bê.


Kể từ năm 2012, khi Sacombank bắt đầu thay chủ tịch HĐQT thì cơ cấu HĐQT Sacombank đã thay đổi hoàn toàn. Ban Giám đốc Sacombank cũng gồm rất nhiều người từ hoặc liên quan SouthernBank và đối tác Eximbank. Hàng loạt các vụ thoái vốn của các tổ chức, DN lớn như Dragon Capital, ANZ, REE... trong các năm trước đó cũng cho thấy một sự chuẩn bị kỹ càng của thế lực đi thâu tóm Sacombank.


Và, sự thành công trong lần ĐHCĐ này khiến ai cũng có thể nhận thấy quyền lực thực sự của ông Trầm Bê tại Sacombank, cho dù ông không còn là chủ tịch HĐQT. Có lẽ ông Trầm Bê và những người liên quan không chỉ nắm 6,7% cổ phần hoặc đã có những đàm phán thành công để cân bằng lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn.


Thực tế, đằng sau câu chuyện nhân sự cấp cao của mỗi ngân hàng đều ẩn chứa quyền lực ngầm của một nhóm cổ đông lớn nào đó, có chăng là mức độ chi phối khác nhau. Điều đó cho thấy, câu chuyện nhân sự cấp cao chỉ là cuộc chơi quyền lực của những cổ đông lớn, mà đằng sau đó là lợi ích mà họ sẽ có được. Tất nhiên, khi đó Chủ tịch và Tổng Giám đốc đi "thuê" chỉ là diễn viên đóng thế trong vai diễn này.


Đây chắc chắn là bài toán khó cho NHNN, trong việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và loại bỏ những lợi ích nhóm.


Minh Huệ


Stockbiz




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á