Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa tuyên bố một thỏa thuận giải cứu với Ukraine, trong đó tổ chức này sẽ tung cho Kiev một gói viện trợ trị giá 14-18 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế.
Hãng tin CNBC dẫn lời ông Nikolay Gueorguiev, trưởng phái đoàn IMF, nói rằng, gói giải cứu trên sẽ tương tự như gói cứu trợ mà IMF đã từng dành cho Iceland và Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Gói giải cứu của IMF sẽ giúp Ukraine thoát khỏi bờ vực phá sản cấp quốc gia đang cận kề. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đi kèm những điều kiện rất khắt khe. Trong đó, các chủ nợ của Ukraine sẽ chịu mất một phần khoản vay của mình. Ngoài ra, IMF sẽ áp dụng các biện pháp cải cách để đưa Ukraine trở lại với ổn định tài chính.
Cuộc đàm phán cứu trợ giữa Chính phủ tạm quyền của Ukraine với IMF đã kéo dài suốt nhiều tuần qua do các bên liên quan không nhất trí được về các điều khoản của thỏa thuận. Trong khi đó, nền kinh tế của Ukraine ngày một suy sụp.
"Những mất cân đối về kinh tế vĩ mô của Ukraine đã trở nên mất bền vững trong vòng 1 năm trở lại đây", ông Gueorguiev nói. Theo vị trưởng phái đoàn IMF, bất ổn tỷ giá đã đẩy thâm hụt cán cân vãng lai của Ukraine vượt ngưỡng 9% GDP. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh yếu kém cũng khiến tăng trưởng xuất khẩu và GDP của nước này đình trệ.
Với gói cứu trợ này, IMF yêu cầu Ukraine phải tăng giá bán khí đốt cho các hộ gia đình. Trước đây, khí đốt được Chính phủ Ukraine trợ giá mạnh tay. Tuy nhiên, việc tăng giá bán khí đốt sẽ đi kèm với "chế độ phúc lợi xã hội được cải thiện". Ngoài ra, theo IMF, Ukraine cũng phải thực thi các cải cách tăng cường quản trị, tăng cường tính minh bạch, và cải thiện môi trường kinh doanh.
Một trong những vấn đề lớn của Ukraine là nạn tham nhũng tràn lan trong cả lĩnh vực chính trị lẫn kinh doanh. Một khi IMF bơm tiền cứu trợ, tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogaz Ukrainy của Ukraine sẽ trở thành một tâm điểm của cuộc chiến chống tham nhũng. Nước này cũng sẽ có một đạo luật chống tham nhũng mới áp dụng đối với các hợp đồng của chính phủ.
Thỏa thuận đạt được với IMF có thể giúp cho lực lượng thân phương Tây ở Ukraine trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, IMF không muốn bị xem là đứng về bất kỳ bên nào ở Ukraine, bởi đã có những nghi vấn về tham nhũng nhằm vào hầu hết các chính trị gia Ukraine từng làm việc trong chính phủ.
Một số nhà phân tích cho rằng, Ukraine có thể cần tới số tiền lớn hơn nhiều so với mức viện trợ mà Ukraine cam kết. Riêng tập đoàn Naftogaz của Nga đang bị thâm thủng ngân quỹ một khoản lên tới 7 tỷ USD. Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine đưa ra con số về số tiền mà Chính phủ nước này cần là 15-20 tỷ USD.
Một phần của vấn đề trong việc viện trợ Ukraine là, khoản vay sẽ đẩy tỷ lệ nợ công so với GDP của Ukraine vượt ngưỡng 60% - ngưỡng mà Ukraine phải ngay lập tức trả khoản nợ 3 tỷ USD vay của Nga dưới dạng trái phiếu, theo như thỏa thuận đã ký giữa hai bên, cho dù số nợ này chưa đáo hạn.
Về ảnh hưởng đối với thế giới trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phần nhiều sẽ phụ thuộc vào việc các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga sẽ có tác động lớn như thế nào. Hôm qua (26/3), Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục cảnh báo sẽ áp dụng những lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa lên Moscow.
"Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có khả năng sẽ giữ căng thẳng địa chính trị ở mức cao trong ngắn hạn, và có thể tạo ra thêm những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đối với Nga và các nước láng giềng có quan hệ gần gũi với nước này", một báo cáo của ngân hàng Citi nhận định. "Tuy nhiên, sự phụ thuộc cao của châu Âu vào dầu thô và khí đốt của Nga, cũng như sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu từ xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu, sẽ khiến cả EU và Nga có lý do để tránh những lệnh trừng phạt thương mại trực diện".
Vneconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét