Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Hội nhập AEC: Doanh nghiệp đã sẵn sàng?

Hội nhập AEC: Doanh nghiệp đã sẵn sàng?


Thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã lùi đến 31/12/2015 thay vì đầu năm 2015 như dự kiến. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa quỹ thời gian này để có một hành trang dày dặn hơn khi hội nhập.


Thời gian là tiền bạc


Một năm là khoảng thời gian đáng kể cho hành trình nước rút chuẩn bị cho thời điểm có hiệu lực của AEC. Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, Công ty cổ phần Thúy Đạt (chuyên XNK sản phẩm dệt may) đã tính tới việc hình thành vùng nguyên phụ liệu tại Lào nhằm hoàn thiện quy trình khép kín từ trồng bông cho đến sản xuất sản phẩm dệt may và XK. Khi thực hiện AEC, hầu hết mặt hàng NK trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.


Ngoài ra, các sản phẩm có tỷ lệ nội khối khoảng 40% sẽ được xem là sản phẩm vùng ASEAN và được ưu đãi khi XK sang các thị trường mà ASEAN đã ký FTA (Hiệp định thương mại tự do). Hiện dự án trồng bông nguyên liệu tại Lào của Công ty Thúy Đạt đã được Chính phủ Lào cấp 9.500 ha đất, tất cả thủ tục đã hoàn tất và cuối năm 2014 dự án sẽ chính thức triển khai. Do đó việc lùi thời điểm “khai trương” AEC có ý nghĩa rất tích cực với sự chuẩn bị của Thúy Đạt.


Một DN khác cũng có sự chủ động không kém, thậm thí là khá tự tin đối với thị trường ASEAN là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Năm 2014 Công ty đặt mục tiêu đẩy mạnh tỷ lệ XK lên 60% từ 50% hiện nay, 40% còn lại là thị trường nội địa. Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Phước Vũ còn cho rằng, AEC là một cơ hội phát triển và XK tốt của DN một khi cộng đồng kinh tế quan trọng này của khu vực chính thức đi vào hoạt động. Mục tiêu lợi nhuận của Hoa Sen trong năm tài chính 2013-2014 là 600 tỷ đồng. Hiện Hoa Sen đang xúc tiến đầu tư các nhà máy ở Thái Lan và Indonesia chuẩn bị cho hội nhập ASEAN và quốc tế.


Cái khó bó cái khôn


Theo lộ trình, tháng 1-2016, khi AEC ra đời, tất cả lĩnh vực kinh tế của một quốc gia nội khối AEC sẽ được mở cửa để tiếp nhận đầu tư và DN của một nước thành viên hoạt động ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng với DN sở tại. Thực tế ví dụ của hai DN trên đã cho thấy, không phải chờ đến thời điểm AEC chính thức hoạt động, một số DN Việt Nam đã có sự chuẩn bị rõ ràng. Ngược lại, nhiều DN từ các quốc gia ASEAN cũng đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Có thể đơn cử như Berli Jucker Public Co (BJC)- DN Thái Lan đã khai trương hai nhà máy liên doanh tại Việt Nam chuyên sản xuất chai thủy tinh dùng cho sản phẩm bia, nước giải khát hay tập đoàn sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hàng đầu Thái Lan Charoen Pokphand (CP) dự kiến sẽ đầu tư lớn để nâng số nhà máy sản xuất thức ăn tại Việt Nam lên 10 nhà máy vào năm 2014.


Sự chuẩn bị cho hội nhập AEC của các DN lớn đã khá rõ. Trong khi thị trường nội địa ngày càng bị thu hẹp không chỉ bởi cạnh tranh của các DN Việt có ưu thế trên thị trường mà nay miếng bánh đã nhỏ lại nhỏ hơn đối với DN vừa và nhỏ Việt Nam khi có sự tham gia mạnh mẽ của các DN lớn của khu vực. Theo nhận định của ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với các DN Việt Nam chính là nhận thức về AEC còn hạn chế, khi chỉ có 20% DN biết về những cơ hội và thách thức của cộng đồng kinh tế này. Có thể thấy rằng 20% này chính là một số DN lớn, đã có tiềm lực và uy tín trên thị trường. Còn đối với DN vừa và nhỏ, những khó khăn kéo dài trong nhiều năm qua đã khiến cho sức lực của DN cạn kiệt, chỉ còn đủ sức để duy trì hoạt động, chứ chưa dám nói đến việc nhìn xa trông rộng trong vài năm nữa.


Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện đường Thái Lan NK chịu thuế 5% nhưng giá vẫn thấp hơn đường trong nước từ 2- 3 ngàn đồng/kg đã khiến cho sức cạnh tranh của DN mía đường Việt Nam không theo kịp. Năm 2015, thuế suất giảm xuống còn 0%, khi đó khó khăn của ngành mía đường Việt Nam sẽ rất lớn. Ông Long cũng cho biết, những khó khăn hiện tại đang bủa vây khiến DN không thể ngẩng mặt lên được, do đó chưa thể nói gì về sức cạnh tranh sau năm 2015.


Cộng đồng kinh tế ASEAN là một mốc hội nhập lớn của Việt Nam với thị trường nội khối rộng lớn hơn 600 triệu dân cũng như với thế giới bởi DN sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ thông qua các FTA giữa ASEAN và các nước này. Không phủ nhận những khó khăn đối với DN Việt Nam, tuy nhiên cũng không thể vì khó mà DN thờ ơ với việc chuẩn bị cho dấu mốc này. Ngay bây giờ, DN có thể bắt tay thực hiện một việc cụ thể. Đó là tận dụng tối đa lợi ích trong việc sử dụng ưu đãi thuế quan C/O form D (giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cấp cho hàng hóa XK từ một nước thành viên của ASEAN sang một nước thành viên ASEAN khác) mà hiện nay mới chỉ 25% DN trong nước biết tận dụng.


Theo báo Hải quan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á