“Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của nền kinh tế, không hề làm chậm mà thậm chí còn tạo nên sức ép phải đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngân hàng”.
Đây là ý kiến của một vị lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng TMCP lớn sau khi NHNN ban hành Thông tư 09 ngày 18/3/2014.
Thông tư 09: Không làm chậm tiến trình ‘tái cơ cấu’ ngân hàng
Ngày 3/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, trong đó nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ giao NHNN tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn liền với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, duy trì và phát triển sản xuất, mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.
Trong 02 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, hàng tồn kho tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.
Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy nhiều doanh nghiệp sau những tháng khó khăn đã bước đầu phục hồi sản xuất, hàng tồn kho đã giảm nhưng nợ ngân hàng vẫn còn cao, khó tiếp tục tiếp cận với vốn vay ngân hàng hoặc phải chịu lãi suất cao nếu có nợ xấu.
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 Quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, một trong những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) được thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ ngày 20/3/2014 đến hết ngày 31/3/2015 và chưa phải thực hiện điều chỉnh kết quả phân loại nợ theo kết quả tổng hợp phân loại nợ của CIC cho đến hết ngày 31/12/2014.
Ngân hàng có "đắc lợi"?
Có nhiều ý kiến cho rằng với việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 09, ngân hàng thương mại là người đắc lợi nhất. Theo Thông tư 09, để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng thương mại, chi nhánh NHNNg phải đáp ứng một loạt các điều kiện hết sức chặt chẽ, đó phải là những khoản nợ:
(i) mà việc cấp tín dụng không vi phạm các quy định của pháp luật;
(ii) phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng;
(iii) khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích;
(iv) khách hàng có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với diều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
(v) khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, TCTD, chi nhánh NHNNg phải đáp ứng được quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của NHNN bao gồm cả tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn trong trường hợp cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn để thành khoản nợ trung hạn, dài hạn;
(vi) việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 01 lần.
Đồng thời, Thông tư 09 yêu cầu TCTD, chi nhánh NHNNg phải đảm bảo đã ban hành quy định nội bộ để kiểm soát, giám sát đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đảm bảo kiểm tra, giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. TCTD, chi nhánh NHNNg cũng phải kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ và định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo NHNN về tình hình cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo cơ quan thanh tra giám sát của NHNN, so với quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN về phân loại nợ và giữ nguyên nhóm nợ và Chỉ thị số 04/CT-NHNN của NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu, các điều kiện quy định tại Thông tư 09 trên đây được nhiều TCTD đánh giá là quá chặt chẽ, không còn ”cửa hẹp để lách” và từ đó, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ được phản ánh đầy đủ, đúng thực trạng.
TCTD có thể chưa phải trích ngay số tiền dự phòng rủi ro cho những khoản nợ được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, sẽ có thêm điều kiện về nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng trong thời gian tới, một điều chắc chắn là các TCTD, chi nhánh NHNNg sẽ phải trích bổ sung dự phòng rủi ro và phải hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc phân loại nợ theo kết quả tổng hợp phân loại của CIC là quy định rất chặt chẽ mà không có nhiều nước áp dụng. Quy định này cũng cần phải có thêm thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá bởi lẽ có khi chỉ vì một khoản nợ có giá trị nhỏ vài triệu đồng vay tiêu dùng cá nhân của một khách hàng ở tại một ngân hàng bị xếp vào nợ xấu (ví dụ nhóm 3) thì toàn bộ các khoản vay để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của khách hàng đó tại một hoặc nhiều TCTD khác, với giá trị khoản vay hàng tỷ đồng cũng sẽ bị xếp vào nợ xấu.
Mặc dù cho phép TCTD, chi nhánh NHNNg chưa phải điều chỉnh phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của CIC nhưng Thông tư 09 cũng đã quy định yêu cầu TCTD, chi nhánh NHNNg vẫn phải gửi kết quả tự phân loại nợ cho CIC để tổng hợp, CIC sau khi tổng hợp sẽ gửi kết quả tổng hợp cho tất cả từng TCTD, chi nhánh NHNNg để quản lý chất lượng tín dụng. Đồng thời gửi NHNN để giám sát chất lượng tín dụng của từng TCTD, chi nhánh NHNNg và trong trường hợp cần thiết, NHNN yêu cầu TCTD, chi nhánh NHNNgphải điều chỉnh hoặc phân loại lại đối với các khoản nợ.
Kiểm soát chất lượng tín dụng, nợ xấu và tiến độ cơ cấu lại ngân hàng hậu Thông tư 09
Các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã được quy định tại Quyết định 843/QĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, TCTD phải đồng thời thực hiện trích lập đủ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, bán nợ cho VAMC, chuyển nợ thành vốn góp, cơ cấu lại nợ, bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ,...
Thông tư 09 quy định TCTD, chi nhánh NHNNgphải báo cáo NHNN kết quả, nội dung, lý do cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ, trong đó phải báo cáo rõ tổng số tiền đã cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ của từng nhóm nợ, tổng số tiền không phải chuyển sang nhóm nợ xấu do được giữ nguyên nhóm nợ và số tiền dự phòng sẽ phải trích lập thêm nếu các khoản nợp này được chuyển sang nợ xấu.
Trong Kế hoạch thanh tra số 02 của NHNN năm 2014, NHNN thực hiện thanh tra toàn diện pháp nhân đối với TCTD, chi nhánh NHNNgđược thanh tra, trong đó tập trung thanh tra chất lượng tín dụng, nợ xấu và đặc biệt là các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, NHNN sẽ thực hiện việc thuê các tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán TCTD theo nội dung yêu cầu của NHNN, trong đó có việc kiểm toán chất lượng tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Trên cơ sở kết quả giám sát chất lượng tín dụng theo quy định tại Thông tư 02, ngày 25/3/2014, NHNN tiếp tục có văn bản yêu cầu từng ngân hàng thương mại phải rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu theo tiêu chí quy định tại Thông tư 02 để xây dựng, báo cáo NHNN kế hoạch bán nợ xấu trong năm 2014 và kế hoạch bán nợ xấu cụ thể từng tháng cho VAMC. NHNN sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với TCTD không xây dựng, báo cáo NHNN kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC hoặc không bán, chậm bán nợ xấu theo kế hoạch đã báo cáo NHNN.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, trong đó có việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/05/2013 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NHNNg. Theo đó, NHNN bổ sung quy định về việc xử lý đối với TCTD, chi nhánh NHNNg có giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định và một trong các chế tài xử lý là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn, hạn chế một số hoạt động hoặc hạn chế việc mở rộng địa bàn hoạt động (mở chi nhánh),… và nếu vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định dẫn đến vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn (như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, các giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn,…) thì TCTD, chi nhánh NHNNg sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.
Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, có thể khẳng định rằng NHNN hiện nay đã có đủ công cụ, biện pháp và đã hoàn toàn kiểm soát được chất lượng tín dụng, nợ cấu của từng TCTD và của cả hệ thống. NHNN phải có thêm nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại. Cùng với sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD chắc chắn sẽ được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả.
Thu Trang - NDH (theo SBV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét