Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Áp lực xài tiền

Áp lực xài tiền


Chúng ta còn tới gần 21 tỉ USD vốn viện trợ phát triển (ODA) đã được các nhà tài trợ cam kết nhưng chưa giải ngân. Nếu cứ giải ngân ì ạch, mỗi năm đất nước mất đi cả trăm triệu USD chi phí cơ hội.

Thông tin này được nêu tại hội nghị với nhóm sáu ngân hàng phát triển quốc tế - nhà tài trợ ODA ngày 29-3. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng đang loay hoay tìm cách đưa tiền ra.


Nguyên nhân vốn ODA chậm vào cuộc sống là không mới, vẫn do thủ tục, năng lực các ban quản lý dự án yếu kém, chậm giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng ở trong nước... Còn tình trạng vốn đọng ở ngân hàng tập trung vào hai nguyên nhân chính: doanh nghiệp ngại vay hoặc muốn vay nhưng không đủ điều kiện vì còn vướng nợ xấu.


Thực tế này cho thấy chúng ta đang có nhiều tiền nhưng lại không sử dụng để lèo lái con thuyền kinh tế ra khơi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.


Làm sao có thêm việc làm, người dân có thu nhập tốt hơn khi vốn đầu tư cho nền kinh tế giảm từ 40% GDP còn 30% GDP. Trong đó, đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân - được kỳ vọng là động lực chính trong phát triển kinh tế những năm tới - lại teo tóp nhanh hơn, chỉ còn chiếm 37% thay vì 40% trong tổng đầu tư của nền kinh tế. Sự sụt giảm này cần được đặt trong bối cảnh mới, đó là Chính phủ chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kéo theo đó là đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước về lâu dài sẽ giảm đi. Thay vào đó là đầu tư của kinh tế tư nhân. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy khu vực kinh tế này chuẩn bị để đảm nhận trọng trách mới.


Ngược lại, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có vai trò lớn hơn trong phát triển kinh tế. Có chuyên gia nói rằng nếu cứ thế này thì chúng ta không có của ăn của để bởi khi có được lợi nhuận, các doanh nghiệp này sẽ chuyển về nước. Nếu như kinh tế tư nhân có vai trò lớn hơn, đất nước có thêm những doanh nghiệp thành công, làm ăn có lãi đương nhiên tiền lãi thuộc về các doanh nhân thành đạt, nhưng đó cũng chính là tài sản quốc gia.


Phải đưa tiền vào nền kinh tế, kênh cần khai thông đó chính là khu vực kinh tế tư nhân. Đã có cơ chế cho phép doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn vốn ODA nhưng việc triển khai chưa như mong đợi. Doanh nghiệp tư nhân còn bỡ ngỡ với nguồn vốn này, bởi từ lâu đó là đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, với họ, vay vốn ngân hàng còn chật vật chứ nói gì đến vay vốn ODA có lãi suất thấp. Còn nhiều việc phải làm, thậm chí cả thời gian mới có thể đưa vốn ODA đến tay doanh nghiệp tư nhân. Một khi doanh nghiệp tư nhân còn xa lạ với vốn ODA thì nguồn lực này sẽ còn bị lãng phí.


Nhưng việc cần phải làm ngay để tiền từ ngân hàng có thể chảy vào nền kinh tế đó chính là dẹp bỏ các rào cản khối tư nhân vay vốn ngân hàng. Giải pháp đó không thể trông mãi vào việc giảm lãi suất cho vay đang được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, mà còn phải giúp doanh nghiệp giải quyết nợ tồn đọng. Thế nhưng việc này còn bị giằng kéo bởi ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng. Nợ cũ còn đó, nếu lãi suất giảm thêm thì tiền cũng chỉ nằm trong ngân hàng. Rõ ràng, áp lực xài tiền hiệu quả vẫn là một thử thách lớn, còn khó hơn cả chống lạm phát, và chỉ có tập trung giải quyết nó mới hi vọng cải thiện cuộc sống của người dân.


Citinews




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á