Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Để 'quả đấm thép' không là... thép gỉ

Để 'quả đấm thép' không là... thép gỉ


Tiến trình tái cơ cấu vốn đầu tư tại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua hoạt động thoái vốn hay cổ phần hóa đang diễn ra chậm chạp, tác động tiêu cực tới tiến trình tái cơ cấu chung của nền kinh tế, đòi hỏi phải có một hành động cương quyết, cứng rắn.

Thực tế hoạt động của các DNNN thời gian qua chứng minh hiệu quả mà các “quả đấm thép” này mang lại cho nền kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực ưu đãi.


Theo báo cáo của Bộ Tài chính, so với năm 2010, vốn chủ sở hữu của 91 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong năm 2011 tăng 9,3%; doanh thu tăng 25%; nộp ngân sách tăng khoảng 10%.


Nếu trừ đi tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2011 là 18,13%, thì vốn chủ sở hữu, đóng góp vào ngân sách của các “quả đấm thép” bị giảm.


Cũng theo báo cáo này, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của 91 tập đoàn, tổng công ty thấp hơn lãi vay ngân hàng; lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với năm 2010, nhưng chủ yếu rơi vào một số đơn vị.


Trong số này có PetroVietnam (đạt 53.833 tỷ đồng), Viettel (19.793 tỷ đồng), VNPT (8.646 tỷ đồng), Vinacomin (8.632 tỷ đồng)...


Nếu trừ đi số lợi nhuận trước thuế của những doanh nghiệp này, thì lợi nhuận của các đơn vị còn lại không nhiều. Đó là chưa kể 13 đơn vị bị thua lỗ, với tổng số tiền gần 50.000 tỷ đồng.


Trước thực trạng này, Chính phủ đã có yêu cầu các DNNN phải có lộ trình tái cơ cấu, trong đó, nhấn mạnh tái cơ cấu vốn thông qua cổ phần hoá và thoái vốn ngoài ngành, song dường như mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở khâu hoàn thành đề án.


Nhiều lý do được đưa ra để giải thích việc chậm tái cơ cấu vốn khu vực DNNN như do đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp sợ mất lợi ích, do lãnh đạo doanh nghiệp sợ “mất ghế” nên trì hoãn việc đa sở hữu, do thị trường tài chính suy thoái nên khó tìm được nhà đầu tư, do vốn thu được từ thoái vốn chưa biết đầu tư vào đâu...


Những lý do này rõ ràng là thiếu tính thuyết phục, bởi dù thị trường tài chính khó khăn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, một khi chấp nhận bán vốn nhà nước thì sẽ nhận được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư.


Minh chứng rõ nhất là theo thông tin của ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), hiện có khoảng 30 tỷ yên Nhật đang chờ được đổ vào Việt Nam để mua nợ của DNNN. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà đầu tư khác đang sẵn sàng đổ vốn vào các doanh nghiệp mà sắp tới đây, Nhà nước không cần phải nắm 100% vốn.


Cần nhắc lại rằng, tái cơ cấu vốn đầu tư tại DNNN là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cần phải thực thi nghiêm túc với thái độ kiên quyết, cứng rắn của các cơ quan chức năng.


Bài học này được lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện ráo rốt khi yêu cầu 54/94 doanh nghiệp nằm trong diện cổ phần hóa, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì cách thức ban lãnh đạo. Kết quả là, tiến trình cổ phần của Bộ Giao thông - Vận tải sắp cán đích.


Chìa khóa của tái cơ cấu DNNN là thoái vốn, thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội nhằm nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo phát triển bền vững.


Vì vậy, một chế tài đủ mạnh, một thông điệp mạnh mẽ, cứng rắn với đại diện chủ sở hữu, với lãnh đạo DNNN không hoàn thành nhiệm vụ là động thái cần thiết trong bối cảnh hiện nay.


Mạnh Bôn


Theo Baodautu.vn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á