Dòng tiền đang tích cực săn lùng những cổ phiếu có lợi nhuận đột biến sau tái cấu trúc. Trong đó có những cổ phiếu vừa thoát khỏi diện cảnh báo đã tăng chóng mặt với mức lợi nhuận cao.
Các doanh nghiệp còn lại cũng tích cực thay đổi khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh để vượt qua thời kỳ đen tối.
Vào thời điểm này năm trước, cổ phiếu VHG của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn vẫn giao dịch ở mức lẹt đẹt dưới 3.000 đồng/cổ phiếu. Vậy mà giờ đây, VHG đã tăng lên gấp 4 lần khi vượt qua thua lỗ, mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho cổ đông. Đây là một trong những điển hình của tái cơ cấu, khi đi từ vực sâu rồi hiên ngang vượt lên trên mệnh giá.
Lột xác hoàn toàn
Để đạt được những thành quả trên, VHG đã mạnh tay bán tài sản, thanh lý cổ phiếu các công ty Nhựa Kim Tín và Vật liệu xây dựng Việt Hàn và phải thu 110 tỷ đồng từ các cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phiếu của 2 công ty này.
Cho nên, 9 tháng đầu năm VHG thoát lỗ và mang lại khoản lãi ròng 75,5 tỷ đồng. Trong đó, lãi gộp từ hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, còn lại 64,5 tỷ đồng lãi nhờ doanh thu tài chính.
Trước đó, VHG từng gây sốc cho thị trường chứng khoán bằng quyết định điều chỉnh kế hoạch doanh thu 200 tỷ đồng, lợi nhuận âm 20 tỷ đồng chuyển thành doanh thu 695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng.
Như vậy, sau 9 tháng VHG đã thực hiện 58% kế hoạch kinh doanh điều chỉnh. Hơn nữa, VHG cũng đã bán hết hàng tồn kho, số dư cuối quý III chỉ còn 1,5 tỷ đồng, giảm đáng kể so với số dư 68,8 tỷ đồng đầu năm 2013.
VHG đã quyết tâm chuyển nhượng 3 triệu cổ phần của công ty con là Công ty CP Vật liệu xây dựng để thu về nguồn tiền lớn. Trước đó, VHG cũng đã "rao bán" cổ phiếu của công ty con khác là Công CP nhựa Kim Tín với giá không thấp hơn 13.000 đồng/cổ phiếu.
Dù chẳng ai tin vào kết quả chuyển nhượng nói trên, nhưng VHG đã chứng minh điều ngược lại là điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ lỗ 20 tỷ đồng sang lãi 130 tỷ đồng năm 2013, xấp xỉ số tiền thu được nếu VHG bán thành công tối đa số cổ phiếu Kim Tín mà công ty rao bán trước đó.
VHG cũng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Tại thời điểm cuối quý II/2013, VHG lỗ lũy kế 10,5 tỷ đồng nhưng đồng thời có nguồn thặng dư vốn cổ phần lên tới 175 tỷ đồng, tương đương 70% vốn điều lệ của công ty tại cùng thời điểm. Số cổ phiếu lẻ phát sinh sau chia thưởng sẽ được bán cho các đối tượng khác với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Sau hàng loạt động thái trên, giá cổ phiếu VHG đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp, khiến cho nhiều nhà đầu tư phải khát khao sở hữu. Tuy nhiên, mọi thứ gần như đã phản ánh vào giá của cổ phiếu này từ khi quyết định bán tài sản, thu về khoản lợi nhuận lớn khi nhiều doanh nghiệp khác vẫn ngập chìm trong thua lỗ và nợ nần.
Kỳ vọng vào chính mình
Một cổ phiếu khác là DIG, của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng, cũng từng tăng khá nóng. Trước đây, khi chưa công bố thoái vốn ở các công ty con, cổ phiếu này cũng nằm dưới mệnh giá. Sau khi công bố thoái vốn hàng loạt, cổ phiếu DIG đã tăng lên gấp đôi trong thời gian ngắn.
DIG đã giải thể các công ty con không hiệu quả và thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Phước An và nhiều công ty khác. Vì vậy, đã tác động vào giá cổ phiếu tăng lên và thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư khi được Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đưa ra khỏi diện chứng khoán bị cảnh báo.
Từ quý II/2013, Dự án Đại Phước đã bắt đầu cho doanh thu sau nhiều năm đầu tư và có thể tiếp tục đóng góp vào doanh thu của Công ty trong thời gian tới. Trong quý II/2013, lợi nhuận của DIC Corp đã tăng 139,3% so với quý II/2012, phần lớn là nhờ vào kết quả kinh doanh của Dự án Đại Phước. Dự án có diện tích 464,6 ha tại cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư là 7.506 tỷ đồng.
Việc bán bớt phần vốn sở hữu tại các công ty con nhằm cân đối tài chính trong bối cảnh khủng hoảng là điều nên làm và phải làm quyết liệt thì mới hy vọng thoát khỏi khó khăn. Trong lúc những doanh nghiệp khác vẫn tìm cách mở rộng đầu tư, bị phân tán vào những khoản lợi nhuận nhỏ, thị trường ngách mà mình không thấu hiểu thì cách làm thành công của VHG và DIG là điều mà nhiều chủ doanh nghiệp khác đang phải suy ngẫm.
Các doanh nghiệp này tái cơ cấu, bán bớt tài sản là giải tỏa căng thẳng về gánh nặng nợ vay qua đó có nguồn tiền ổn định vực dậy hoạt động kinh doanh chính. Điều đó chứng tỏ những hoạt động kinh doanh đa ngành, không phải thế mạnh cần phải nhanh chóng dẹp bỏ.
Mục tiêu lâu dài mà các doanh nghiệp hướng đến là tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính, cải thiện năng lực vốn lưu động.
Với cách làm khá năng động và quyết liệt, nhiều doanh nghiệp đã thành công và nhà đầu tư có quyền hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp niêm yết khác đủ khả năng đột phá bằng chính sức mạnh của mình.
Theo Sơn Long
Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét