Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Chính phủ cần có thêm biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp


Đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ chỉ có tác dụng với các doanh nghiệp khỏe, làm ăn có lãi.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng nay 31/10, đại biểu Trần Ngọc Vinh của đoàn Hải Phòng nhận định, trong các giải pháp của Chính phủ, thì vai trò nòng cốt chính sách tiền tệ là không thể phủ nhận. Ngành ngân hàng thời gian qua vừa được giao trọng trách lớn là vừa kiểm soát lạm phát, vừa góp phần ổn định tăng trưởng hợp lý, vừa áp dụng các chính sách tín dụng ưu đãi, vừa góp phần làm an sinh xã hội nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.


Trong các lĩnh vực thì ngành ngân hàng đã làm tốt, từ việc giảm lãi suất nhanh, ổn định lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của các TCTD, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, xử lý nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém nhằm khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.


Trong báo cáo của chính phủ cần phân tích sâu sắc, toàn diện hơn để thấy được rằng vì sao chúng ta phấn đấu nhiều năm nhưng có một số mục tiêu quan trọng vẫn chưa đạt được, như GDP, giải quyết việc làm, công nghiệp và nông nghiệp thụt lùi, thu ngân sách giảm…trên cơ sở đó cần có các giải pháp kịp thời hiệu quả, gắn liền với các nguyên nhân.


Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong những năm gần đây, nguồn vốn thu hút khá lớn nguồn ngoại tệ và ODA lớn cho thấy chúng ta đã tạo được sức hút tốt. Nguồn vốn này đóng góp lớn vào nền kinh tế nhất là trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên có đến 60% thị phần xuất khẩu nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài, hiện tượng chuyển giá, báo lỗ vẫn đang diễn ra, do đó đầu tư nước ngoài vào VN, đại biểu đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu kỹ để có những biện pháp khắc phục những bất cập nêu trên.


Về phát triển doanh nghiệp, trong lúc DN còn nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi ổn định, các DN mới ra đời chủ yếu là vừa và nhỏ, chưa có thương hiệu. Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ chỉ có tác dụng với các doanh nghiệp khỏe, làm ăn có lãi, còn những doanh nghiệp thua lỗ thì không có tác dụng mấy. Chính phủ cần có các biện pháp khác như xử lý nợ xấu, giãn nợ, cơ cấu lại nợ, xử lý hàng tồn kho, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, miễn, giảm, khoanh nợ thuế và một số vấn đề khác để điều chỉnh chính sách hợp lý nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.


Về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, hoạt động sản xuất thời gian qua chậm lại, tốc độ tăng trưởng ngày càng yếu, kinh tế hộ gia đình bộc lộ nhiều khuyết điểm, giá đầu vào cao, đầu ra giảm, sản xuất không có lãi, sản phẩm của VN trên thị trường kém cạnh tranh, tình trạng người nông dân bỏ ruộng ra thành phố ngày càng nhiều. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư hơn nữa để phát triển nông nghiệp và nông thôn, nâng cao giá trị nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, có cơ chế phù hợp, giải quyết đầu ra chon nông lâm sản…


Về giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau khi các doanh nghiệp bị phá sản thời gian qua chưa đạt được yêu cầu đề ra. Công tác hướng nghiệp cho sinh viên mới ra trường còn chưa tốt. Chính sách ưu đãi với gia đình chính sách, người có công, người nghèo, sinh viên, trẻ mồ côi...chính sách an sinh xã hội dù được quan tâm nhưng do kinh tế còn khó khăn nên chưa toàn diện, chưa đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Đại biểu đề nghị chính phủ cần có các biện pháp, chính sách hỗ trợ hơn nữa để tăng niềm tin cho người dân và ổn định phát triển kinh tế xã hội.


Thành Hưng


Theo Trí Thức Trẻ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á