Đó là câu mà một trưởng phòng giao dịch đã ví von về nhân viên ngân hàng hiện nay. Cái thời lương thưởng vài chục triệu đồng, được sếp ưu ái, doanh nghiệp "chăm sóc" đã… là quá khứ.
Giờ, nhiều nhân viên bằng lòng với đồng lương ít ỏi, bị điều chuyển vị trí và luôn phập phồng trong nỗi lo sẽ bị sa thải bất cứ lúc nào.
Chỉ qua 2 năm tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) đã có sự xáo trộn mạnh mẽ về nhân sự, từ lãnh đạo cấp cao đến các giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch, nhân viên phòng ban. Sắp xếp, cắt giảm nhân sự, dồn ưu tiên phát triển những bộ phận kinh doanh trực tiếp là chủ trương của một số ngân hàng sau thời gian bộ máy "phình" quá nhanh.
Cắt giảm bộ phận kém hiệu quả
Những ngày qua, anh T - nhân viên của một chi nhánh ngân hàng ở Chợ Lớn (Tp.HCM) không khỏi lo lắng khi nghe phong thanh về kế hoạch cắt giảm nhân sự trong toàn hệ thống. Các phòng, ban sẽ phải sắp xếp lại, thu gọn các đầu mối theo hướng hợp nhất bộ phận có cùng mảng kinh doanh hoặc có thể hỗ trợ cho nhau.
Kế hoạch sắp xếp nhân sự đã được triển khai từng bước từ năm 2012, tùy theo quy mô, định hướng phát triển của từng cấp chi nhánh. Chẳng hạn, ở chi nhánh này đã sáp nhập phòng thanh toán quốc tế và phòng tín dụng, giữ nguyên số lượng nhân viên, nhưng điều chỉnh vị trí làm việc phù hợp hơn, tránh chồng chéo nhau.
"Tạm thời chưa có nhân viên nào bị sa thải, nhưng ngân hàng đang tiến hành thay đổi bộ máy hoạt động, nên chuyện này sẽ xảy ra thôi. Bộ phận nào làm việc kém hiệu quả, dư thừa sẽ bị cắt giảm, hoặc chuyển sang bộ phận khác, mảng kinh doanh cần tăng cường", anh T chia sẻ.
Việc hợp nhất các phòng, ban sẽ khiến nhiều trưởng, phó phòng bỗng dưng… mất chức, bị chuyển sang các vị trí không như mong muốn. Nhưng họ buộc phải chấp nhận vì nếu bị sa thải, sẽ không dễ tìm được một công việc có vị trí, thu nhập tương đương ở ngân hàng khác.
Kế hoạch cắt giảm nhân sự, giảm lương tại ngân hàng này cũng được một cán bộ văn phòng xác nhận. Theo vị này, ngân hàng đang tổ chức lại hệ thống bán hàng, thu gọn bộ máy vận hành, ưu tiên phát triển các bộ phận kinh doanh trực tiếp, tạo ra doanh thu, lợi nhuận. Nhất là bộ phận tín dụng, huy động vốn, kinh doanh dịch vụ thẻ…
Việc sắp xếp lại các bộ phận sẽ dẫn tới một lượng nhân sự bị dôi dư, buộc phải cắt giảm khiến người trong cuộc cũng cảm thấy khó xử lý. Vì nếu sa thải nhân viên ồ ạt sẽ gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho những người ở lại. "Ban Tổng Giám đốc đang tiến hành sắp xếp lại bộ máy hoạt động, nhưng sẽ cân nhắc cắt giảm nhân sự ở mức độ hợp lý", cán bộ này nói.
Do làm việc ở bộ phận tín dụng nên anh T tạm thời thoát nỗi lo bị sa thải. Nhưng cái khó nhất bây giờ là chỉ tiêu cho vay (được giao khoán cho từng nhân viên) năm 2013 sẽ khó hoàn thành. Bởi thực tế, khách hàng cũ (chủ yếu là doanh nghiệp) kinh doanh khó khăn, không đủ điều kiện cho vay, còn khách hàng mới lại không dám vay. Do nợ xấu chưa xử lý xong nên lãnh đạo ngân hàng cũng rất khắt khe khi phê duyệt một khoản vay của doanh nghiệp, dù áp lực phải tăng tín dụng.
Giảm lương còn hơn mất việc
"Ngân hàng trả lương theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh, làm nhiều hưởng nhiều. Thu nhập bình quân của tôi chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng, phải co kéo mới đủ sống ở thành phố đắt đỏ như Tp.HCM", Anh T nói và cho biết thêm là dù bị giảm lương thì vẫn còn may mắn hơn mất việc. Với thu nhập hiện tại khá thấp, cuộc sống bấp bênh nên anh chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.
Hơn chục năm gắn bó với ngân hàng, một trưởng phòng giao dịch của ngân hàng K cũng ngao ngán khi nói về nghề. "Trước kia, các ngân hàng ồ ạt tuyển nhân viên để phục vụ mục tiêu tăng huy động tiền gửi. Nhưng ngân hàng chỉ ký hợp đồng thời vụ, thử việc 6 tháng, giao khoán chỉ tiêu huy động. Nếu không đạt hoặc không muốn tuyển nhân viên mới thì họ cho nghỉ việc luôn", vị này nói.
Với nhân viên tín dụng, thu nhập đã bị giảm đáng kể do việc cho vay khó khăn, nợ xấu lớn, chưa xử lý được. Hiện, thu nhập của nhân viên tín dụng ở nhiều ngân hàng đã giảm xuống còn 6 - 7 triệu/tháng, chưa kể có nơi cắt giảm 10 - 20% lương.
Những khoản thưởng hậu hĩnh hàng tháng, năm hay tiền "bồi dưỡng" của doanh nghiệp vay được vốn giờ cũng không còn nữa. Do đó, vị trưởng phòng giao dịch trên ví von "nhân viên ngân hàng giờ khổ ải hơn xưa, mà thu nhập cũng có khác gì nhân viên da giầy đâu".
Những đợt "sóng" cắt giảm nhân viên vẫn âm thầm diễn ra ở một số ngân hàng khác thời gian qua, theo cả hình thức tự nguyện hoặc "ép" viết đơn nghỉ việc. Phía sau câu chuyện sa thải cũng không thiếu những lá đơn bày tỏ tâm trạng bức xúc, xót xa, hẫng hụt của người "kém may mắn", thậm chí kiện cáo om sòm.
Dù không ai muốn rơi vào tình cảnh mất việc, nhưng sa thải là sự chọn lọc tự nhiên và cần thiết để ngân hàng thu gọn bộ máy cồng kềnh, tốn kém chi phí, hiệu quả thấp.
Theo Thu Hằng
Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét