Hàng loạt chương trình ưu đãi được các tổ chức tín dụng đưa ra nhằm đẩy tiến độ giải ngân, đưa kết quả tín dụng tiến gần hơn mốc kế hoạch 12% đã được đề ra.
Nhưng, bên cạnh nỗi lo “khê” vốn, ngân hàng còn đối mặt với nhiều mối lo khác trong bối cảnh “tiến, thoái lưỡng nan”.
Ngân hàng đua nhau “đẩy” tín dụng
Các ngân hàng đang đưa ra hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Techcombank cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay lãi suất từ 8,2%/năm đối với tiền đồng và từ 3,8%/năm đối với USD, thời gian chương trình kéo dài đến cuối năm.
Ngân hàng Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank) đã dành 20 triệu USD cho vay với lãi suất chỉ 3% một năm, cùng với một gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ 8% dành cho doanh nghiệp. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 8%/năm cho các khoản vay của khách hàng doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1/10 đến 31/12/2013.
Còn OceanBank cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay lãi suất 8,5%/năm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014. Sacombank cũng dành hơn 1.200 tỷ đồng để cung ứng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014...
Đến hẹn lại lên, 2 tháng cuối năm luôn là thời gian các ngân hàng đẩy tiến độ để giúp doanh nghiệp có vốn hoàn thành kế hoạch, và ngân hàng cũng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và doanh thu đề ra. Tuy nhiên, năm nay nhiệm vụ đó càng nặng nề hơn khi thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 6,82%, hoàn thành hơn 50% kế hoạch. Như vậy, để đạt được mục tiêu cả năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân các tháng cuối năm cần phải đạt mức 1,7% mỗi tháng.
Hầu hết các ngân hàng đã vào cuộc đua, nhưng nỗi lo “khê” vốn – vốn đọng trong ngân hàng không lưu thông vào sản xuất – lại đang trở nên “không ăn nhằm gì” so với nỗi lo cho ai vay, thu hồi vốn vay và xử lý nợ xấu ra sao.
Tìm cách tự cứu
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... đang ở mức thấp 7-9%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng chỉ dao động 9-10,5%/năm. Cá biệt, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7% một năm.
Chia sẻ của Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình Phạm Duy Hiếu cũng là tâm sự từ nhiều ngân hàng khác, là lượng vốn trong các ngân hàng hiện khá dư thừa, và các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ ứ vốn. “Bởi trên thị trường vốn lức này, sức cầu vẫn rất yếu do các doanh nghiệp còn đủ điều kiện vay vốn không muốn mở rộng kinh doanh – lãnh đạo một chi nhánh Ngân hàng Liên Việt cho biết – Trong khi đó, hiện nay phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn”.
Nếu muốn “đẩy” tín dụng, chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể. Bởi, bơm vốn vào những doanh nghiệp điều kiện kém, ngân hàng dễ sa lầy vào vũng bùn nợ xấu. “Chúng tôi bây giờ không lo chuyện cho vay bằng lo thu hồi vốn vay. Lúc nào ngân hàng cũng nơm nớp lo khách hàng không trả tiền được” – một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Quân đội cho biết.
Theo Thủy Anh
Báo Pháp luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét