Anh ta ngồi xuống chiếc ghế, nhắm nghiền mắt, môi cắn chặt lại, không nhìn khán giả một milimét! Thế rồi anh chàng bắt đầu lướt các ngón tay theo điệu nhạc flamenco rực lửa. Cả sân khấu bốc khói… Ôi chao là nghệ thuật! Ôi chao là nghệ sĩ!
Thuở đầu xuất hiện "nguyên thủy và sơ khai ấy", Lê Minh Sơn mạnh mẽ như một cơn gió lốc. Anh ra album liên tục, với một tốc độ chóng mặt. Sơn khiến những ca sĩ vô danh trở thành sao sáng (Ngọc Khuê, Tùng Dương); thắp sáng chòm sao cũ và khiến nó trở thành mặt trời của riêng Sơn (Thanh Lam).
Sơn ngang tàng. Sơn nghênh ngang. Sơn gây sốc với những câu phát ngôn động chạm, với cái cằm không bao giờ chịu cúi xuống, với cái tôi to tướng của kẻ "tiểu nông". Điều đó khiến một nửa giới nhạc sĩ (trừ Sơn và "bố" Nguyễn Cường) nghĩ rằng: Thằng này "điên"!
Nhưng đó là câu chuyện của 6 năm về trước, của một Sơn "nhà quê", "tiểu nông". Hai năm gần đây, Sơn im ắng, gần như mất tích. Anh trốn chạy báo chí, trốn làm album, đóng cửa ra ngoại thành… đi câu.
Thị dân và nhà quê
Lâu lâu không xuất hiện, Lê Minh Sơn bỗng cẩn thận một cách kỳ lạ, luôn bắt phóng viên phải đưa bài trước khi xuất xưởng. Có lẽ chất non trẻ cuối cùng trong Sơn đã tắt ngúm. Còn nhớ năm 2003, vào lúc Sơn bừng sáng cũng là lúc gặp nhiều phản ứng dữ dội nhất của giới trong nghề. Mà về cơ bản là lỗi của Sơn, bởi do tính ngông cuồng, hiếu thắng, thiếu suy nghĩ của một người thành công quá sớm.
Đằng sau vinh quang, Sơn sốc, kiệt quệ về tinh thần. Khi ấy, nhạc sĩ Nguyễn Cường nhắn cho Sơn một câu, nửa yêu thương, nửa khích bác "Đại bàng sợ gì bão tố. Mày là chim sẻ, chết mày đi". Cho tới giờ, rất nhiều những tin nhắn tình tứ đã bị xóa đi, riêng tin nhắn đó của "bố", Sơn lưu mãi. Chắc là, tự răn mình không được biến thành "chim sẻ".
Trước, báo chí đối với Sơn là nơi để lập ngôn. Giờ, báo chí là để nói chuyện vui vẻ, bông phèng, hời hợt. Xưa, gương mặt đầy kiêu hãnh, thân hình khỏe mạnh, ăn mặc phủi, giản dị. Nay, mặt bì bì bia rượu, người phúng phính, nước hoa thơm nức, vận đồ điệu đàng đúng kiểu… trai lơ!
Cảm giác như càng ngày, Sơn càng mất đi vị đậm đà bản địa và trở thành tay thị dân có hạng. Đúng là không phải ai cũng thích Sơn. Nhiều người gọi Sơn là "lưu manh thành thị", ăn bám, mặc cảm quê nhà. Không rõ Sơn giật đồ, của nả, ăn cướp của ai cái gì để mất lòng thiên hạ như vậy, nhưng tâm thế của Sơn nhất định không phải là tâm thế của kẻ mặc cảm quê nhà. Những "Bên bờ ao nhà mình", "Ôi quê tôi", "Cặp ba lá", "À í a", "Chạy trốn", rõ ràng xuất phát từ tâm hồn của một người rất tự hào về gốc quê của mình.
Nhưng yêu quê hương không nhất thiết là phải sống ở nơi đó. Thi sĩ Nguyễn Bính viết thơ về thôn quê thế, hay thế, đều là những ký ức của quá khứ (ông lên 10 đã phải theo anh ruột ra Hà Nội sinh sống); Vũ Bằng tả ngon về món ăn Hà Nội cũng là tả trong tưởng tượng, trong thương nhớ khi đang sống ở Sài Gòn. Hình như càng xa quê, xa khỏi cuộc sống giản dị, đẹp tới khốn khổ ấy, người ta mới tách ra được hai chữ "khốn khổ", để chỉ thấy cái đẹp và thơ mộng!
Gia đình
Nếu không có những "cuộc tình" bên ngoài, hay chính xác là những nghi hoặc về người đàn bà bí mật mà ai - cũng - biết - là - ai - đó, Lê Minh Sơn có lẽ là người đàn ông tuyệt vời nhất của gia đình. Anh nấu ăn rất cừ. Sơn nấu được hết các món nhậu, từ những món đơn giản cho tới phức tạp như ba ba. Theo anh, nấu khó là nấu được "đỉnh cao" các món quen thuộc như cơm, rau, cá rán, thịt kho tàu. Kỹ nghệ nấu ăn, Sơn học từ mẹ, và…bàn nhậu.
Ngoài khoản nấu ăn, Sơn còn là một ông bố hoàn hảo. Sơn thích đưa đón con đi học, tự tay tắm táp cho nó. Mặc dầu cố gắng không kể về gia đình trên báo chí, nhưng thi thoảng cao hứng không chịu nổi, lại buột mồm "Ôi thằng cu nhà anh…". Sơn kể: "Ôi thằng cu nhà anh. Nó hỏi anh, mồm mếu mếu: Sao bố nhiều râu thế mà con chẳng có sợi râu nào?".
Với việc dạy con, ông bố Lê Minh Sơn có những tư tưởng rất thực tế: Sơn muốn con mình học trong một ngôi trường bình thường, không Tây hóa, không trường chuyên. Một ngôi trường mà lớp học phải có từ 40-50 học sinh. Để làm gì? Để con trai mình phải biết chiến đấu, sinh tồn giữa những điều bình thường nhất. Nếu để cho nó học trường quốc tế, nó sẽ mau chóng biến thành "dở ông dở thằng", vừa không theo kịp lối sống Tây học, vừa không quay lại được với văn hóa Việt. Đừng nên cho nó sướng quá. Nó phải khổ chút mới học được nhiều điều của cuộc đời này.
Còn vợ? Đó là người đàn bà bắt Sơn không được nhắc tới mình, dù chỉ một câu trước báo chí. Sơn cần có khoảng riêng cho mình "Tôi phải có khoảng riêng cho mình, còn mọi đồn đại, về việc tôi yêu người này người nọ, thậm chí là tôi gay (trời ơi một thằng thà ngủ một mình chứ không bao giờ ngủ cùng phòng với một thằng đàn ông khác mà còn bị đồn như thế)! À, dù sao, tôi mặc kệ".
Cá, đàn bà và âm nhạc
Thật khó tưởng tượng một kẻ không bao giờ chịu thôi việc như Lê Minh Sơn lại dành tận 2 năm để theo học câu cá. Sơn kể về cá mà mắt long lên, khuôn mặt bừng bừng như kẻ si tình đang kể về người yêu của mình. Vốn là kẻ kỹ tính, lại được học một "cao thủ" trong nghề câu, Sơn khoái chí với những chuẩn bị
tiểu tiết như chọn cần, chọn mồi, chọn thời điểm câu (muốn câu cá to phải chọn ngày giông bão), hồ câu, tư thế câu, v.v...
Câu cá có giống làm nghệ thuật? Theo Sơn là có. Bởi, đó là cuộc chiến, cuộc chinh phục của cá nhân mỗi người. Anh đi câu cá nhưng không có nghĩa là anh câu được cá. Có những ngày, kẻ đi câu ngồi hàng tiếng trước cái cần, chẳng suy nghĩ, chẳng tính toán gì. Câu được ngoài khả năng, là trời cho, cũng giống như âm nhạc vậy. Cuối cùng, chơi nghệ thuật cũng như câu cá bởi sự tinh tế, tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Những đêm trăng rằm, thi thoảng Sơn nằm mơ thấy con cá. Một con cá to sụ, 20 kg to bằng cái bàn chình ình ngay trước mặt. Nhưng có những đêm…trở gió, Sơn cứ thấy lởn vởn trong giấc mơ cái cần câu rơi tõm xuống hồ, rồi cái phao câu trôi lõng bõng. Còn Sơn cứ ngồi ì ở đó với cái cần, bất động, hóa đá.
Giờ này, có lẽ cá chiếm trọn trái tim Sơn còn hơn đàn bà. Bởi, cá không nói nhiều, cá không đặt ra những câu hỏi khó hiểu, cá không điệu đà và dễ chinh phục! Có lẽ người nào biết tới suy nghĩ thầm kín này sẽ ao ước có được quyền năng của cá. Đó là quyền năng khiến đàn ông luôn muốn theo đuổi và chinh phục.
Nhưng cá chỉ không đơn thuần là cá. Tiền nhân nghề câu nổi tiếng nhất là Lã Vọng bên Trung Quốc. Ông rất sát cá nhưng lại bẻ thẳng lưỡi câu để cá không đớp mồi. Lã Vọng ngồi câu một điều gì đó lớn hơn cá. Sau này, ông "câu" được chức quan Tể tướng. Đó chính là Khương Tử Nha giúp Chu Vũ Vương lập nên nhà Chu, và cũng là người lập nên binh pháp Lục Thao, binh pháp lâu đời nhất của Trung Quốc.
Còn Lê Minh Sơn câu cá để câu gì? Cuối cùng, Sơn đã có câu trả lời: đó là những ấp ủ về một dự định hoành tráng, mới tinh tươm về dự án "Ngũ khúc sông Hồng". "Ngũ khúc sông Hồng" được viết nên trong thời gian đi câu và cả những cuộc nhậu bên sông Hồng.
Sơn tâm sự: "Điều muốn nhất là nói với những người yêu nhạc của mình, hai năm rồi thằng Sơn không chết. Thằng Sơn ghi lại những xúc cảm bằng một "xêri" 15 bài hát về Hà Nội. Có những lúc tôi ném từng tác phẩm của tôi xuống sông. Với một thằng tham công tiếc việc như tôi mà tôi bỏ đi 2 năm không làm gì cả. Tôi chỉ ngồi. Tôi câu cá chứ không bị cá câu".
Liệu một người chuyên viết về thôn quê như Sơn có làm nên được chất Hà Nội? "Ngũ khúc sông Hồng" khác với rất nhiều tác phẩm khác về Hà Nội ở chỗ đi tận sâu vào trong cái ngõ ngách, cái tính "thổ địa" của Hà Nội. Một Hà Nội gai góc, hừng hực, bụi bặm, tắc đường, inh ỏi còi xe…
Nhưng đó mới đúng là Hà Nội của Lê Minh Sơn.
"Bố" Nguyễn Cường hay tinh thần của những gã cao bồi
Không ai được Lê Minh Sơn nhắc tới tràn đầy sung sướng và hồ hởi như nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đối với Sơn, ông là điều may mắn nhất của cuộc đời anh. Được nhạc sĩ Nguyễn Cường dẫn dắt khi còn là cậu bé, ban đầu âm nhạc Lê Minh Sơn bị ảnh hưởng bởi chất nhạc Nguyễn Cường khá nhiều. Sống bên cạnh những cây đại thụ đó (Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến) vừa sướng, vừa vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ, anh là cây non, anh sẽ chết yểu vì bị những tán lá cao, dày che hết ánh nắng. Chỉ có những kẽ hở rất nhỏ, nếu anh biết cách luồn qua, anh sẽ sống được. Bởi thế bên cạnh những cây đại thụ, có những cây chẳng bao giờ lớn được, nhưng vẫn có những cây vươn cao, đứng một góc độc lập, sum suê trĩu quả ngọt của riêng mình. Lê Minh Sơn là loài cây như thế.
19 tuổi, thời điểm hoang mang của tuổi trẻ, Lê Minh Sơn từng nghĩ sẽ thôi không theo học ở Nhạc viện. Sơn đánh bạc với ngả rẽ cuộc đời mình bằng quyết định của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Sơn hỏi ông: "Con hỏi bố, bố phải trả lời thật với con (vì bố toàn khen mọi người), là con có viết nhạc được không. Chỉ cần bố trả lời không, con sẽ bỏ nghiệp và không bao giờ sáng tác nữa".
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có đáp án: Ở con hội tụ đủ 3 yếu tố. Thứ nhất, trời cho (tài năng, cái gu). Thứ hai, người cho (các mối quan hệ). Thứ ba, quan trọng nhất: sự lung linh của nghề. Nhiều nhạc sĩ được hai thứ, nhưng thiếu cái thứ 3 thì tác phẩm không thể nào đi tới được công chúng. Sự lung linh là điều không thể giải thích được.
Sơn và "bố" còn có chung sở thích nữa là xem phim cao bồi. Triết lý của phim cao bồi rất thú vị: Thằng nào hèn, nhát là thằng đấy chết đầu tiên (vì không dám nhìn thẳng vào mắt đối phương). Chẳng thế mà Nguyễn Cường lúc nào cũng thủ trên đầu cái mũ cao bồi, còn Sơn thì trọc mãi rồi cũng lại để dài, túm đuôi ngựa phía sau, nghênh ngang như một gã Texas ở Hà Nội.
Texas, quê hương của những gã cao bồi thô lỗ nhưng đầy quyến rũ. Texas không dành cho triết học, không dành cho những lý thuyết cao sang, không dành cho tính toàn cầu. Đó là một nơi mà những gã cao bồi sống rất cổ hủ, đậm đặc chất "nhà quê" theo cách riêng của nó.
Nhưng trên tất cả, gã cao bồi bắt đầu mỗi ngày như một người chiến thắng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét