Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Cần có giải pháp 'bù đắp' việc giảm dần đầu tư công

Cần có giải pháp 'bù đắp' việc giảm dần đầu tư công


Tái cơ cấu đầu tư công cần bảo đảm mức tổng đầu tư toàn xã hội trong 2 năm 2014-2015 duy trì khoảng 32% GDP và phấn đấu đưa hệ số ICOR hiện nay ở mức 5,5 xuống mức 5,2 sẽ tạo tăng trưởng khoảng 6,1%/năm là phù hợp.

Đó là khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội liên quan đến vấn đề tái cơ cấu đầu tư công.


Giải pháp tình huống, ngắn hạn


Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 15/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.


Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005, xuống 38,7% thời kỳ 2006-2010, 37,4% thời kỳ 2011-2012; và ở mức 37,1% trong 9 tháng 2013.


Cân đối vốn đầu tư đã được thực hiện theo kế hoạch trung hạn bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc phân bổ và giao vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2012 - 2015 đã tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc sắp xếp, bố trí nguồn lực theo thứ tự ưu tiên.


Theo đó tập trung bố trí vốn cho các dự án có khả năng hoàn thành trong các năm 2012 - 2013, giảm dần tỷ lệ nợ đọng trong xây dựng cơ bản, không còn tình trạng yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thi công khi chưa có nguồn vốn, không sử dụng vốn vay từ ngân sách địa phương để khởi công khi chưa có nguồn trả...


Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, hiện nay, tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là giải pháp mang tính chất tình huống và ngắn hạn, chỉ là bước thực hiện Nghị quyết 11 ngày 24/02/2011 của Chính phủ và đến nay Chính phủ chưa phê duyệt đề án toàn diện tái cơ cấu đầu tư công.


Bên cạnh đó, về hoàn thiện thể chế nhất là Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trong quá trình xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và thứ 7 tới đây.



Xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ bản để giám gánh nặng cho ngân sách


Cắt giảm chưa gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư


Tỷ lệ đầu tư công giảm từ 8,5% GDP năm 2010 xuống còn 6% năm 2012, trong khi chưa có các biện pháp đột phá để huy động các nguồn vốn khác tham gia đầu tư để giữ ổn định tổng mức đầu tư toàn xã hội, duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội.


Ngoài ra, việc thực hiện trên thực tế về tái cơ cấu đầu tư công đã bộc lộ mặt trái, việc cắt giảm vốn đầu tư công chưa gắn với việc nâng cao hiệu quả đầu tư, chưa thực sự hợp lý, gây nên tình trạng nhiều công trình đang xây dựng dở dang, lãng phí, tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và tăng khó khăn cho doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng.


Một số tồn tại trong đầu tư công vẫn chưa được giải quyết như việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn, nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng giá, điều chỉnh yếu tố kỹ thuật, tăng quy mô chưa hợp lý.


Từ những bất cập trên, Ủy ban Kinh tế kiến nghị, tái cơ cấu đầu tư công cần bảo đảm mức tổng đầu tư toàn xã hội trong 2 năm 2014-2015 duy trì khoảng 32% GDP và phấn đấu đưa hệ số ICOR hiện nay ở mức 5,5 xuống mức 5,2 sẽ tạo tăng trưởng khoảng 6,1%/năm là phù hợp.


Đồng thời phải bố trí đủ vốn, giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công để thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp, tạo tiền đề cho doanh nghiệp tái cơ cấu, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Làm rõ trách nhiệm về trả nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương và có cơ chế xử lý nhanh tình trạng này.


"Để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư công, có thể cân nhắc việc nâng bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu Chính phủ", Ủy ban kinh tế cho biết. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, cần phải có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm tăng các nguồn vốn đầu tư khác như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước bù đắp nguồn vốn đầu tư công giảm dần theo lộ trình.


Theo TBNH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á