Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Dậy sóng cổ phiếu giá thấp

Dậy sóng cổ phiếu giá thấp


Trong khi thị trường vẫn trong trạng thái lình xình, không mấy biến động thì một số các cổ phiếu dưới mệnh giá trở nên “nóng bỏng” khi tạo được mức sinh lợi khiến nhiều nhà đầu tư phải mơ ước.

Theo thống kê của Vietstock, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10, số lượng cổ phiếu dưới mệnh giá (10,000 đồng) là 379 cổ phiếu, chiếm hơn 55.57% tổng số cổ phiếu toàn thị trường (682). Trong đó có 176 cổ phiếu có thị giá từ 5,000 đồng/cp trở xuống. Trong thời gian gần đây, chính nhóm cổ phiếu giá thấp này lại là nhân tố kích thích thị trường, tạo đà hưng phấn cho nhà đầu tư. Nổi trội phải kể đến các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như ITA, KBC, OGC, HQC, PVT hay các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ cao như HAR, TLH, KMR. Những biến động về giá và thanh khoản ở những cổ phiếu này luôn dẫn đầu thị trường suốt thời gian qua.


Phân loại cổ phiếu niêm yết theo thị giá



Cổ phiếu dành cho nhà đầu tư yêu thích rủi ro


Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao, việc chấp nhận mạo hiểm để đầu tư vào một số cổ phiếu giá thấp đang đem lại mức lợi nhuận đáng kể cho nhiều nhà đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều mã cổ phiếu mặc dù đang trong tình trạng bị cảnh báo nhưng lại được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo thống kê của Vietstock, tính trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10/2013, có 197 mã dưới mệnh giá tăng giá, trong đó có 22 cổ phiếu tăng giá đến trên 40% sau 43 phiên giao dịch. Đặc biệt, chiếm 50% trong số này lại là các cổ phiếu đang trong tình trạng bị cảnh báo và kiểm soát.


Xét ở góc độ mức sinh lời khủng kèm theo thanh khoản ấn tượng phải kể đến KMR, mức sinh lời tại KMR xét riêng trong giai đoạn hai tháng vừa qua lên đến hơn 80%. Khối lượng giao dịch tại cổ phiếu này cũng khá ấn tượng với bình quân trong 43 phiên ở mức hơn 621 ngàn đơn vị. Đáng chú ý, trước đó KMR bị đưa vào diện cảnh báo từ 22/04 do kiểm toán đưa ra ý kiến hạn chế xử lý kế toán có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh, làm lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi thành lỗ.


Nhưng hiện tại tình hình kinh doanh của công ty đã có những dấu hiệu khả quan khi quý 2 đã có lãi gần 6.8 tỷ đồng, còn quý 3 lãi gần 12 tỷ đồng, đưa mức lãi lũy kế 9 tháng lên 14.19 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra (12.35 tỷ đồng). Việc công ty đạt mức lợi nhuận này là nhờ thu được một phần công nợ khó đòi từ cổ đông lớn Mirae Fiber Tech Co.Ltd.


Ngoài ra, những cổ phiếu có khối lượng giao dịch có thể chấp nhận được là SDH, KSD và TNT. Khối lượng của các mã này lần lượt ở mức gần 188 ngàn đơn vị, gần 124 ngàn đơn vị và gần 211 ngàn đơn vị. Giá tăng lần lượt 64% , 57.14% và 46.67%.


Tốp cổ phiếu dưới mệnh giá tăng giá từ 40% hai tháng qua



Trong tốp những cổ phiếu tăng mạnh từ 40% trở lên bị kiểm soát và cảnh báo còn có VNI, SRA, SD1, BHC, PGT, VCR nhưng ở các cổ phiếu này giao dịch không được sôi nổi khi khối lượng khớp lệnh bình quân 43 phiên cao nhất chỉ hơn 30.6 ngàn đơn vị.


Ở chiều ngược lại, nhóm các cổ phiếu giá thấp tăng giá mạnh nhưng không bị cảnh báo hay kiểm soát có sự xuất hiện của cổ phiếu cơ bản tốt là PVT, giao dịch tại PVT đặc biệt nổi bật với giá trị khớp lệnh bình quân 43 phiên đạt hơn 2.8 triệu đơn vị, giá của cổ phiếu này cũng tăng từ mức 6,500 đồng/cp ở đầu tháng 9 lên 9,600 đồng/cp khi kết phiên ngày 30/10, tương ứng mức tăng 47.69%. Kết thúc quý 3/2013, PVT ghi nhận mức lãi ròng 19.5 tỷ đồng công ty mẹ và lũy kế 9 tháng đầu năm ở mức 139.35 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.


Tuy nhiên, xét trong nhóm này PVT không phải là cổ phiếu có mức tăng cao nhất, tăng cao nhất thuộc về AME với 119.23% ( từ 01/09 – 30/09), kết phiên ngày 30/10 giá AME đứng tại mức 5,700 đồng/cp. AME cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm 22 cổ phiếu có mức tăng trên 40%.


Ngoài ra, cổ phiếu AMV cũng có mức tăng ấn tượng khi đạt hơn 100%. Giá của AMV kết phiên ngày 30/10 đứng tại mức 7,300 đồng/cp. Cả hai cổ phiếu AME và AME mặc dù tăng mạnh nhưng giao dịch không được sôi nổi khi khối lượng giao dịch bình quân 43 phiên chỉ ở mức gần 4.5 ngàn đơn vị và gần 5.1 ngàn đơn vị.


Bất động sản chiếm ưu thế về giao dịch trong nhóm giá thấp


Trong nhóm cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá, giao dịch tại các cổ phiếu ngành bất động sản chiếm ưu thế. Với 20 cổ phiếu dưới mệnh giá giao dịch nhiều nhất thì có đến 11 cổ phiếu thuộc ngành này.


Cổ phiếu ITA giao dịch nhiều nhất trong nhóm ngành bất động sản thị giá thấp, với khối lượng giao dịch trung bình 43 phiên gần 3.8 triệu đơn vị, giá của ITA so với đầu tháng 9 tăng nhẹ hơn 7%. Hoạt động kinh doanh của ITA đến thời điểm hiện tại cũng có một số rủi ro, tiêu biểu nhất là Dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Dự án này chiếm 6.7 tỷ USD của ITA nhưng hiện đang “giậm chân tại chỗ” sau 5 năm triển khai.


Ngành bất động sản còn có một số cổ phiếu như FLC, VCG, PVX, SCR, IJC, HAR, HQC nằm trong top 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất. Trong nhóm các cổ phiếu bất động sản này có HAR, từng là cổ phiếu đầu cơ nóng trong giai đoạn đầu năm khi giá lên đến gần 40,000 đồng/cp trong tháng 4. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn cuối tháng 6, giá cổ phiếu này tụt dốc không phanh và về giao dịch trong khoảng từ gần 6,000 đồng/cp đến 7,100 đồng/cp trong suốt tháng 10.


Tốp 20 cổ phiếu dưới mệnh giá giao dịch nhiều 2 tháng qua



Nhưng giao dịch nhiều nhất tốp 20 là SHB với hơn 4.3 triệu đơn vị, giá của SHB tăng hơn 7.8% so với đầu tháng 9. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các ngành khác như PVT, TLH, SAM, VNE và 3 cổ phiếu ngành chứng khoán là KLS, SHS, VND.


Có thể thấy, tính đầu cơ cổ phiếu trên thị trường hiện nay cũng khá cao. Những cổ phiếu có yếu tố cơ bản không tốt, kết quả kinh doanh kém khả quan hay thậm chí có nguy cơ rời sàn vẫn tạo được sức hút lớn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh mức sinh lời ấn tượng như những trường hợp kể trên thì mức độ rủi ro khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này cũng ở mức cao không kém.


Theo Duy Hoàng


CÔNG LÝ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á