Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Thị trường tăng, soi kết quả đầu tư của các 'tay to'

Thị trường tăng, soi kết quả đầu tư của các 'tay to'


Cùng với đợt tăng của thị trường chứng khoán trong hai tháng đầu năm, một số quỹ mở có giá trị tài sản ròng tăng cao, nhưng không ít quỹ mở khác có mức tăng rất thấp và bị nhà đầu tư rút vốn.


Quỹ cổ phiếu


Quỹ cổ phiếu VF4 của Công ty VFM tăng 13,8% giá trị tài sản ròng trong hơn hai tháng từ đầu năm đến ngày 5/3/2013. Quỹ này có chiến lược tập trung vào các cổ phiếu đầu ngành, do đó, đợt tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã hỗ trợ mạnh cho kết quả hoạt động của Quỹ.


Mức tăng của VF4 gần sát với mức tăng của VN-Index và tương đương với mức tăng của các quỹ mở nước ngoài. VN-Index đã tăng 14,9% từ đầu năm tới nay, đóng cửa cuối tuần qua (7/3) tại 579,5 điểm. Tính trong hai tháng đầu năm, chỉ số này tăng 16,2%. Các quỹ mở nước ngoài tiêu biểu như Vietnam Holding, PXP Vietnam Fund cũng tăng khoảng 13 - 14% trong hai tháng đầu năm.


Ngược lại, cũng là quỹ đầu tư cổ phiếu của VFM, nhưng Quỹ mở VFA chỉ tăng vỏn vẹn 3,29% trong hai tháng đầu năm. Theo giới thiệu của Quỹ, VFA đi theo mô hình “đầu tư theo xu hướng”.


Quỹ cân bằng


Quỹ VF1 cũng của VFM, với chiến lược cân đối tài sản vào cả cổ phiếu và trái phiếu, tăng mạnh không kém quỹ cổ phiếu VF4. Quỹ VF1 đã tăng 13,9% giá trị tài sản ròng trong vòng hơn hai tháng, từ đầu năm đến ngày 6/3/2014.


Ngược lại, Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF-TBF của Công ty Vietcombank Fund chỉ tăng 5,18%, tính đến ngày 7/3/2014.


Các quỹ đầu tư cân bằng phân bổ tài sản vào cả cổ phiếu và trái phiếu, nhằm mục đích cân bằng giữa lợi nhuận và tính rủi ro. Tuy nhiên, tỷ lệ của cổ phiếu và trái phiếu có thể thay đổi theo biên độ rất rộng, tùy vào điều kiện thị trường.


Quỹ trái phiếu


Cả 3 quỹ trái phiếu đều tăng khá trong hai tháng đầu năm. Quỹ VFB của VFM ghi nhận mức tăng cao nhất trong số này, với giá trị tài sản ròng tăng 2,59%. Đây là sự bật lên rõ rệt của VFB, khi mà quỹ này trong 6 tháng cuối năm ngoái chỉ tăng 2,5% (do thị trường trái phiếu giảm).


Quỹ VFF của Vinawealth tăng 1,41% tính từ đầu năm đến ngày 25/2. Trong năm 2013, VFF tăng 5,65% giá trị tài sản ròng.


Trong khi đó, Quỹ MBBF của MBCapital - quỹ tăng cao nhất thị trường trong năm ngoái - mới tăng 1,29% trong hai tháng đầu năm nay, tính đến ngày 26/2. Năm 2013, MBBF vượt xa các quỹ khác với mức tăng tài sản ròng 10,25%.


Khác với quỹ cổ phiếu, các quỹ trái phiếu có mức tăng thấp, nhưng ổn định và tính an toàn cao hơn nhiều. Mức tăng của các quỹ trái phiếu thường được so sánh với lãi suất tiết kiệm.


Trong tháng 1/2014, Quỹ VFB tăng 0,7% giá trị tài sản ròng, gần sát với mức tăng 0,9% của chỉ số Bond-Index (2 năm) do VFM tự xây dựng. VFB cho biết, trong thời gian này, Quỹ không thực hiện giao dịch đầu tư. Mức tăng giá trị tài sản ròng nêu trên là Quỹ nhờ hưởng lợi từ việc chuyển đổi kỳ hạn trái phiếu đầu tư từ 2 năm sang 3 năm trong tháng 12/2013. Lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 3 năm giảm mạnh trong tháng 1 đã giúp Quỹ hưởng lợi tốt. Trong quý I/2014, Quỹ sẽ cân nhắc việc tăng cường đầu tư vào trái phiếu có kỳ hạn dài hơn.


Một số quỹ tăng - giảm quy mô


Cho đến nay, các nhà đầu tư trong nước vẫn khá hờ hững với quỹ mở, chỉ có một vài quỹ bắt đầu ghi nhận số tiền tham gia tăng lên. Tổng số chứng chỉ của Quỹ trái phiếu MBBF của MBCapital hồi đầu tháng 2 đã tăng lên gần 6,4 triệu chứng chỉ, tăng 1 triệu chứng chỉ so với thời điểm khai trương đầu năm ngoái. Quy mô của Quỹ tăng lên gần 70 tỷ đồng.


Quỹ VCBF-TBF của Vietcombank Fund, mặc dù có mức tăng giá trị tài sản ròng không cao, nhưng cũng đã huy động thêm được 500.000 chứng chỉ trong hai tháng đầu năm, tăng quy mô quỹ lên hơn 68 tỷ đồng. Quỹ VFF của Vinawealth không báo cáo về số lượng chứng chỉ quỹ.


Trong khi đó, các quỹ của VFM sau khi chuyển từ dạng đóng sang dạng mở từ năm ngoái đều chịu chung tình trạng bị nhà đầu tư rút vốn. Quỹ VFA đã bị rút ròng liên tục, từ 21,6 triệu chứng chỉ xuống gần 15 triệu chứng chỉ, quy mô hiện khoảng 112 tỷ đồng. VF1 bị rút ròng liên tục từ hơn 100 triệu chứng chỉ xuống 48,1 triệu chứng chỉ, quy mô hiện khoảng 1.000 tỷ đồng. Quỹ VF4 bị rút ròng từ 80 triệu chứng chỉ xuống khoảng 60 triệu chứng chỉ, quy mô hiện xấp xỉ 560 tỷ đồng.


Ngay cả Quỹ VFB - quỹ mở thành lập mới - cũng bị rút gần 3 triệu chứng chỉ, khiến quy mô quỹ giảm xuống còn 75 tỷ đồng.


Hải Linh


Theo ĐTCK




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á