TS. Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc NHNN, nguyên Chủ tịch UBCKNN trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH.
Thị trường đang rất quan tâm đến việc nới room cho khối ngoại. Ông có đánh giá như thế nào về vai trò của nguồn vốn nước ngoài trong phát triển kinh tế Việt Nam?
Khi kinh tế thị trường đi vào chiều sâu, đặc biệt khi nền kinh tế nước ta đang chuyển dần sang kinh tế thị trường, TTCK đang trên đà phát triển thì không thể không có vốn đầu tư từ nước ngoài. Nước nào cũng vậy, phần vốn của NĐT nước ngoài cũng đóng phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước theo định hướng của nước đó.
Cho đến nay, vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước đã khá rõ. Còn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng đã góp phần rất quan trọng, hỗ trợ và thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là quyết tâm cổ phần hóa DNNN thì NĐT chiến lược nước ngoài là quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần coi nguồn vốn nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam là đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển thị trường vốn của đất nước.
Có quan ngại việc nới room quá rộng cho khối ngoại sẽ tăng rủi ro ngoại hối, từ khả năng rút vốn của NĐT nước ngoài. Quan điểm của ông?
Chúng ta đã ban hành Pháp lệnh về Quản lý ngoại hối. Khi quản lý ngoại hối chặt chẽ thì việc rút vốn ra khỏi Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Pháp lệnh này. Tuy nhiên, chúng ta cần có những chính sách khuyến khích phù hợp với tình hình thực tế để họ gắn bó với nền kinh tế Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Còn lo ngại NĐT nước ngoài sẽ chiếm lĩnh và thao túng thị trường, thưa ông?
Chúng ta không nên quá lo lắng về tỷ lệ sở hữu hiện nay. Chúng ta đang phát triển nền kinh tế theo chiều sâu. Điều này có nghĩa, chúng ta không chỉ cần vốn mà cả về công nghệ và kỹ năng quản lý. Vì vậy, NĐT chiến lược nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Hơn thế, khi Chính phủ đã quyết tâm cổ phần hóa DNNN thì không nới room là không được. Khả năng nới room 60% trong một số lĩnh vực Chính phủ cũng đã cân nhắc thận trọng. Và hiện nay, khi vẫn còn ý kiến băn khoăn thì Chính phủ vẫn chưa quyết.
Với lĩnh vực ngân hàng, khi nới room cho khối ngoại thì có xuất hiện rủi ro ngân hàng nội bị chi phối bởi đối tác nước ngoài?
Đến nay, một số ngân hàng đã niêm yết trên TTCK, trong đó một số ngân hàng vẫn chưa có NĐT chiến lược nước ngoài tham gia thì cần tìm chọn đối tác chiến lược để thúc đẩy phát triển nhanh và lâu dài. Bởi vậy, trong lĩnh vực ngân hàng, dù quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài cho phép tới 30% cũng không có gì đáng ngại. Đặc biệt, năm 2014, các chính sách của Chính phủ đều quyết tâm cổ phần hóa đối với các DN lớn thì đây là nguồn hàng rất quan trọng thu hút NĐT nước ngoài.
Cân nhắc rủi ro và lợi ích trong thu hút vốn FII, ông có nhận định gì về hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam của dòng vốn ngoại?
Về chủ trương, chính sách thì Chính phủ đã có nhiều Nghị định; Bộ Tài chính, UBCKNN đã ban hành nhiều thông tư và quyết định hướng dẫn tạo điều kiện pháp lý cho TTCK, các tổ chức tài chính trung gian, CTCK, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư thực hiện. UBCKNN đã chuẩn bị một vài sản phẩm mới sẽ triển khai trong thời gian tới, kể cả quá trình cơ cấu lại TTCK trong thời gian qua và sắp tới góp phần tạo lòng tin cho NĐT trong và ngoài nước.
Tôi tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, sự đồng tình của các bộ, ngành, nhất là sự phối hợp chặt chẽ của NHNN và Bộ Tài chính, TTCK Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trong năm 2014, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Trần Hương thực hiện
Thoibaonganhang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét