Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Dậy sóng cổ phiếu giá thấp

Dậy sóng cổ phiếu giá thấp


Trong khi thị trường vẫn trong trạng thái lình xình, không mấy biến động thì một số các cổ phiếu dưới mệnh giá trở nên “nóng bỏng” khi tạo được mức sinh lợi khiến nhiều nhà đầu tư phải mơ ước.

Theo thống kê của Vietstock, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10, số lượng cổ phiếu dưới mệnh giá (10,000 đồng) là 379 cổ phiếu, chiếm hơn 55.57% tổng số cổ phiếu toàn thị trường (682). Trong đó có 176 cổ phiếu có thị giá từ 5,000 đồng/cp trở xuống. Trong thời gian gần đây, chính nhóm cổ phiếu giá thấp này lại là nhân tố kích thích thị trường, tạo đà hưng phấn cho nhà đầu tư. Nổi trội phải kể đến các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như ITA, KBC, OGC, HQC, PVT hay các cổ phiếu thuộc diện đầu cơ cao như HAR, TLH, KMR. Những biến động về giá và thanh khoản ở những cổ phiếu này luôn dẫn đầu thị trường suốt thời gian qua.


Phân loại cổ phiếu niêm yết theo thị giá



Cổ phiếu dành cho nhà đầu tư yêu thích rủi ro


Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao, việc chấp nhận mạo hiểm để đầu tư vào một số cổ phiếu giá thấp đang đem lại mức lợi nhuận đáng kể cho nhiều nhà đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều mã cổ phiếu mặc dù đang trong tình trạng bị cảnh báo nhưng lại được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo thống kê của Vietstock, tính trong giai đoạn tháng 9 và tháng 10/2013, có 197 mã dưới mệnh giá tăng giá, trong đó có 22 cổ phiếu tăng giá đến trên 40% sau 43 phiên giao dịch. Đặc biệt, chiếm 50% trong số này lại là các cổ phiếu đang trong tình trạng bị cảnh báo và kiểm soát.


Xét ở góc độ mức sinh lời khủng kèm theo thanh khoản ấn tượng phải kể đến KMR, mức sinh lời tại KMR xét riêng trong giai đoạn hai tháng vừa qua lên đến hơn 80%. Khối lượng giao dịch tại cổ phiếu này cũng khá ấn tượng với bình quân trong 43 phiên ở mức hơn 621 ngàn đơn vị. Đáng chú ý, trước đó KMR bị đưa vào diện cảnh báo từ 22/04 do kiểm toán đưa ra ý kiến hạn chế xử lý kế toán có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh, làm lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi thành lỗ.


Nhưng hiện tại tình hình kinh doanh của công ty đã có những dấu hiệu khả quan khi quý 2 đã có lãi gần 6.8 tỷ đồng, còn quý 3 lãi gần 12 tỷ đồng, đưa mức lãi lũy kế 9 tháng lên 14.19 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra (12.35 tỷ đồng). Việc công ty đạt mức lợi nhuận này là nhờ thu được một phần công nợ khó đòi từ cổ đông lớn Mirae Fiber Tech Co.Ltd.


Ngoài ra, những cổ phiếu có khối lượng giao dịch có thể chấp nhận được là SDH, KSD và TNT. Khối lượng của các mã này lần lượt ở mức gần 188 ngàn đơn vị, gần 124 ngàn đơn vị và gần 211 ngàn đơn vị. Giá tăng lần lượt 64% , 57.14% và 46.67%.


Tốp cổ phiếu dưới mệnh giá tăng giá từ 40% hai tháng qua



Trong tốp những cổ phiếu tăng mạnh từ 40% trở lên bị kiểm soát và cảnh báo còn có VNI, SRA, SD1, BHC, PGT, VCR nhưng ở các cổ phiếu này giao dịch không được sôi nổi khi khối lượng khớp lệnh bình quân 43 phiên cao nhất chỉ hơn 30.6 ngàn đơn vị.


Ở chiều ngược lại, nhóm các cổ phiếu giá thấp tăng giá mạnh nhưng không bị cảnh báo hay kiểm soát có sự xuất hiện của cổ phiếu cơ bản tốt là PVT, giao dịch tại PVT đặc biệt nổi bật với giá trị khớp lệnh bình quân 43 phiên đạt hơn 2.8 triệu đơn vị, giá của cổ phiếu này cũng tăng từ mức 6,500 đồng/cp ở đầu tháng 9 lên 9,600 đồng/cp khi kết phiên ngày 30/10, tương ứng mức tăng 47.69%. Kết thúc quý 3/2013, PVT ghi nhận mức lãi ròng 19.5 tỷ đồng công ty mẹ và lũy kế 9 tháng đầu năm ở mức 139.35 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.


Tuy nhiên, xét trong nhóm này PVT không phải là cổ phiếu có mức tăng cao nhất, tăng cao nhất thuộc về AME với 119.23% ( từ 01/09 – 30/09), kết phiên ngày 30/10 giá AME đứng tại mức 5,700 đồng/cp. AME cũng là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm 22 cổ phiếu có mức tăng trên 40%.


Ngoài ra, cổ phiếu AMV cũng có mức tăng ấn tượng khi đạt hơn 100%. Giá của AMV kết phiên ngày 30/10 đứng tại mức 7,300 đồng/cp. Cả hai cổ phiếu AME và AME mặc dù tăng mạnh nhưng giao dịch không được sôi nổi khi khối lượng giao dịch bình quân 43 phiên chỉ ở mức gần 4.5 ngàn đơn vị và gần 5.1 ngàn đơn vị.


Bất động sản chiếm ưu thế về giao dịch trong nhóm giá thấp


Trong nhóm cổ phiếu có thị giá dưới mệnh giá, giao dịch tại các cổ phiếu ngành bất động sản chiếm ưu thế. Với 20 cổ phiếu dưới mệnh giá giao dịch nhiều nhất thì có đến 11 cổ phiếu thuộc ngành này.


Cổ phiếu ITA giao dịch nhiều nhất trong nhóm ngành bất động sản thị giá thấp, với khối lượng giao dịch trung bình 43 phiên gần 3.8 triệu đơn vị, giá của ITA so với đầu tháng 9 tăng nhẹ hơn 7%. Hoạt động kinh doanh của ITA đến thời điểm hiện tại cũng có một số rủi ro, tiêu biểu nhất là Dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Dự án này chiếm 6.7 tỷ USD của ITA nhưng hiện đang “giậm chân tại chỗ” sau 5 năm triển khai.


Ngành bất động sản còn có một số cổ phiếu như FLC, VCG, PVX, SCR, IJC, HAR, HQC nằm trong top 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất. Trong nhóm các cổ phiếu bất động sản này có HAR, từng là cổ phiếu đầu cơ nóng trong giai đoạn đầu năm khi giá lên đến gần 40,000 đồng/cp trong tháng 4. Tuy nhiên, kể từ giai đoạn cuối tháng 6, giá cổ phiếu này tụt dốc không phanh và về giao dịch trong khoảng từ gần 6,000 đồng/cp đến 7,100 đồng/cp trong suốt tháng 10.


Tốp 20 cổ phiếu dưới mệnh giá giao dịch nhiều 2 tháng qua



Nhưng giao dịch nhiều nhất tốp 20 là SHB với hơn 4.3 triệu đơn vị, giá của SHB tăng hơn 7.8% so với đầu tháng 9. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các ngành khác như PVT, TLH, SAM, VNE và 3 cổ phiếu ngành chứng khoán là KLS, SHS, VND.


Có thể thấy, tính đầu cơ cổ phiếu trên thị trường hiện nay cũng khá cao. Những cổ phiếu có yếu tố cơ bản không tốt, kết quả kinh doanh kém khả quan hay thậm chí có nguy cơ rời sàn vẫn tạo được sức hút lớn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh mức sinh lời ấn tượng như những trường hợp kể trên thì mức độ rủi ro khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này cũng ở mức cao không kém.


Theo Duy Hoàng


CÔNG LÝ




Đột biến sau tái cấu trúc

Đột biến sau tái cấu trúc


Dòng tiền đang tích cực săn lùng những cổ phiếu có lợi nhuận đột biến sau tái cấu trúc. Trong đó có những cổ phiếu vừa thoát khỏi diện cảnh báo đã tăng chóng mặt với mức lợi nhuận cao.

Các doanh nghiệp còn lại cũng tích cực thay đổi khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh để vượt qua thời kỳ đen tối.


Vào thời điểm này năm trước, cổ phiếu VHG của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn vẫn giao dịch ở mức lẹt đẹt dưới 3.000 đồng/cổ phiếu. Vậy mà giờ đây, VHG đã tăng lên gấp 4 lần khi vượt qua thua lỗ, mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho cổ đông. Đây là một trong những điển hình của tái cơ cấu, khi đi từ vực sâu rồi hiên ngang vượt lên trên mệnh giá.


Lột xác hoàn toàn


Để đạt được những thành quả trên, VHG đã mạnh tay bán tài sản, thanh lý cổ phiếu các công ty Nhựa Kim Tín và Vật liệu xây dựng Việt Hàn và phải thu 110 tỷ đồng từ các cá nhân nhận chuyển nhượng cổ phiếu của 2 công ty này.


Cho nên, 9 tháng đầu năm VHG thoát lỗ và mang lại khoản lãi ròng 75,5 tỷ đồng. Trong đó, lãi gộp từ hoạt động kinh doanh chính chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, còn lại 64,5 tỷ đồng lãi nhờ doanh thu tài chính.


Trước đó, VHG từng gây sốc cho thị trường chứng khoán bằng quyết định điều chỉnh kế hoạch doanh thu 200 tỷ đồng, lợi nhuận âm 20 tỷ đồng chuyển thành doanh thu 695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130 tỷ đồng.


Như vậy, sau 9 tháng VHG đã thực hiện 58% kế hoạch kinh doanh điều chỉnh. Hơn nữa, VHG cũng đã bán hết hàng tồn kho, số dư cuối quý III chỉ còn 1,5 tỷ đồng, giảm đáng kể so với số dư 68,8 tỷ đồng đầu năm 2013.


VHG đã quyết tâm chuyển nhượng 3 triệu cổ phần của công ty con là Công ty CP Vật liệu xây dựng để thu về nguồn tiền lớn. Trước đó, VHG cũng đã "rao bán" cổ phiếu của công ty con khác là Công CP nhựa Kim Tín với giá không thấp hơn 13.000 đồng/cổ phiếu.


Dù chẳng ai tin vào kết quả chuyển nhượng nói trên, nhưng VHG đã chứng minh điều ngược lại là điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ lỗ 20 tỷ đồng sang lãi 130 tỷ đồng năm 2013, xấp xỉ số tiền thu được nếu VHG bán thành công tối đa số cổ phiếu Kim Tín mà công ty rao bán trước đó.


VHG cũng phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Tại thời điểm cuối quý II/2013, VHG lỗ lũy kế 10,5 tỷ đồng nhưng đồng thời có nguồn thặng dư vốn cổ phần lên tới 175 tỷ đồng, tương đương 70% vốn điều lệ của công ty tại cùng thời điểm. Số cổ phiếu lẻ phát sinh sau chia thưởng sẽ được bán cho các đối tượng khác với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.


Sau hàng loạt động thái trên, giá cổ phiếu VHG đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và tăng kịch trần nhiều phiên liên tiếp, khiến cho nhiều nhà đầu tư phải khát khao sở hữu. Tuy nhiên, mọi thứ gần như đã phản ánh vào giá của cổ phiếu này từ khi quyết định bán tài sản, thu về khoản lợi nhuận lớn khi nhiều doanh nghiệp khác vẫn ngập chìm trong thua lỗ và nợ nần.


Kỳ vọng vào chính mình


Một cổ phiếu khác là DIG, của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng, cũng từng tăng khá nóng. Trước đây, khi chưa công bố thoái vốn ở các công ty con, cổ phiếu này cũng nằm dưới mệnh giá. Sau khi công bố thoái vốn hàng loạt, cổ phiếu DIG đã tăng lên gấp đôi trong thời gian ngắn.


DIG đã giải thể các công ty con không hiệu quả và thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Phước An và nhiều công ty khác. Vì vậy, đã tác động vào giá cổ phiếu tăng lên và thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư khi được Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đưa ra khỏi diện chứng khoán bị cảnh báo.


Từ quý II/2013, Dự án Đại Phước đã bắt đầu cho doanh thu sau nhiều năm đầu tư và có thể tiếp tục đóng góp vào doanh thu của Công ty trong thời gian tới. Trong quý II/2013, lợi nhuận của DIC Corp đã tăng 139,3% so với quý II/2012, phần lớn là nhờ vào kết quả kinh doanh của Dự án Đại Phước. Dự án có diện tích 464,6 ha tại cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư là 7.506 tỷ đồng.


Việc bán bớt phần vốn sở hữu tại các công ty con nhằm cân đối tài chính trong bối cảnh khủng hoảng là điều nên làm và phải làm quyết liệt thì mới hy vọng thoát khỏi khó khăn. Trong lúc những doanh nghiệp khác vẫn tìm cách mở rộng đầu tư, bị phân tán vào những khoản lợi nhuận nhỏ, thị trường ngách mà mình không thấu hiểu thì cách làm thành công của VHG và DIG là điều mà nhiều chủ doanh nghiệp khác đang phải suy ngẫm.


Các doanh nghiệp này tái cơ cấu, bán bớt tài sản là giải tỏa căng thẳng về gánh nặng nợ vay qua đó có nguồn tiền ổn định vực dậy hoạt động kinh doanh chính. Điều đó chứng tỏ những hoạt động kinh doanh đa ngành, không phải thế mạnh cần phải nhanh chóng dẹp bỏ.


Mục tiêu lâu dài mà các doanh nghiệp hướng đến là tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính, cải thiện năng lực vốn lưu động.


Với cách làm khá năng động và quyết liệt, nhiều doanh nghiệp đã thành công và nhà đầu tư có quyền hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp niêm yết khác đủ khả năng đột phá bằng chính sức mạnh của mình.


Theo Sơn Long


Thời báo kinh doanh




'Nổi giận' vì diện tích căn hộ: Sự im lặng đáng sợ của Bộ Xây dựng

'Nổi giận' vì diện tích căn hộ: Sự im lặng đáng sợ của Bộ Xây dựng


Lý do khiến ngày càng “bùng nổ” các tranh chấp, khiếu nại về cách tính diện tích căn hộ tại nhiều dự án nhà ở là bởi có nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này.

Căng thẳng đấu tranh diện tích


Gần đây, nhiều người dân tại một số dự án bất động sản đã bức xúc phản đối vì bị thiếu hụt diện tích so với diện tích ghi trong hợp đồng, thậm chí có dự án mà khách mua “đổ máu” chỉ vì mong được đối thoại với chủ đầu tư nhằm làm rõ điều này.


Điển hình như dự án Đại Thanh, Xa La, thời gian qua liên tục xảy ra việc khách hàng khiếu kiện, đòi đối thoại với chủ đầu tư về diện tích bị thiếu hụt sau khi gửi nhiều văn bản mà không được trả lời.


Khách hàng mua nhà của Công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu bức xúc vì căn hộ bị tính diện tích chẳng theo luật nào, khi chủ đầu tư là tính theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài căn hộ.


Hàng chục chủ căn hộ ở dự án Keangnam cũng đang khởi kiện chủ đầu tư ra Tòa án bởi cách tính diện tích căn hộ của chủ đầu tư. Theo phản ánh của các hộ dân, tại hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư đã không công khai “các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản”. Bản vẽ căn hộ Keangnam cung cấp cho khách hàng trong hợp đồng là bản vẽ nhỏ bằng nửa bàn tay, thiếu ghi chú kích thước, tỷ lệ của cột, hộp kỹ thuật.


Đối với những hợp đồng bán căn hộ ký từ năm 2008 cho đến tháng 3/2009, chủ đầu tư đã tính diện tích căn hộ để bán cho khách hàng theo phương pháp đo phủ bì. Với phương pháp phủ bì này, cứ một bức tường phân chia giữa 2 căn hộ liền kề thì chủ đầu tư đã tính tiền 2 lần cho 2 căn hộ cạnh nhau. Chẳng hạn trường hợp bà Đoàn Ngọc Thu do mua 3 căn hộ liền nhau (B3305, B3306, B3307) nên ngoài việc phải bỏ tiền mua cả hộp kỹ thuật diện tích lớn, đã phải mua 2 lần chính bức tường ngăn giữa các căn hộ của mình.


Theo kết quả giám định diện tích sử dụng của cơ quan chức năng thì có căn hộ thiếu tới trên 30m2 so với diện tích ghi trong hợp đồng như căn B606, còn nhiều căn hộ khác như A610, B3306, A1101, A710, B3504, B4511... đều thiếu từ trên 10m2 trở lên.


Nhiều khách hàng mua dự án Lê Văn Lương Residential của Tập đoàn Nam Cường cũng đã tập trung phản đối chủ đầu tư vì bỗng nhiên phải trả thêm tới vài chục triệu đồng cho mỗi căn hộ. Cụ thể, trong hợp đồng mua bán giữa khách hàng với chủ đầu tư ghi rõ phần cột khung, hộp kỹ thuật thuộc sở hữu chung. Tuy nhiên, khi tính diện tích căn hộ chủ đầu tư lại cộng cả diện tích này vào và buộc người mua trả tiền. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn cho là cách tính diện tích căn hộ của mình là đúng theo quy định của pháp luật.


Quy định "đá" nhau, mặc chủ - khách tự xử


Lý do khiến ngày càng “bùng nổ” các tranh chấp, khiếu nại về cách tính diện tích căn hộ tại nhiều dự án là bởi có nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này khiến chủ đầu tư “nhập nhằng” trong cách tính.


Theo luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty Luật TNHH YouMe: Việc xác định diện tích sàn căn hộ đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 01.09.2010. Theo đó, diện tích sàn căn hộ mua bán có thể được xác định theo hai phương pháp, hoặc: tính kích thước thông thuỷ của căn hộ, hoặc: tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ. Về nguyên tắc, hợp đồng mua bán căn hộ sau thời điểm Thông tư số 16/2010/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 16.10.2010, thì việc thỏa thuận diện tích sàn căn hộ trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng phải phù hợp với quy định này.


Thực tế, một số tranh chấp hiện nay, có nguyên do từ việc chủ đầu tư sử dụng cách tính diện tích từ tim tường, trong đó tính phần cột, hộp kỹ thuật… nằm trong diện tích căn hộ để tính tiền khách hàng, thậm chí tính diện tích theo kích thước tim tường chung và toàn bộ tường bao ngoài của căn hộ, nhưng vẫn khẳng định là đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 16/2010/TT-BXD.


Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 16/2010/TT-BXD có quy định rõ: “Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư… phải ghi rõ thêm các nội dung: phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ)”.


Trong khi đó, theo quy định tại Điều 70 Luật Nhà ở năm 2005 và Điều 49 Nghị định số 71/2010/NĐ_CP đã quy định rõ: “khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ” thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư.


Như vậy, tuy trong Thông tư số 16 không nêu chi tiết rằng, đối với cách tính diện tích căn hộ từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ có bao gồm cả khung, cột, tường chịu lực hay không, nhưng nếu như phần diện tích sàn chứa khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ đã được quy định rõ trong Luật Nhà ở (và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ) là phần sở hữu chung, thì không thể “nhập nhằng” tính đây là phần sở hữu riêng của căn hộ để tính vào giá bán căn hộ cho khách hàng.


Về nguyên tắc,các quy định chi tiết tại Thông tư 16 không thể trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 và (giả thiết) các quy định chi tiết tại Thông tư 16 có khác với quy định tại Luật Nhà ở và Nghị định 71 thì phải áp dụng quy đinh của có hiệu lực pháp lý cao hơn là Luật Nhà ở và Nghị định 71.


Trường hợp trong hợp đồng mua bán (theo mẫu) do chủ đầu tư đưa ra có thỏa thuận khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ nằm trong diện tích căn hộ, và khác hàng không tham khảo kỹ nên đã ký vào hợp đồng, thì đây cũng là thỏa thuận trái luật nên vô hiệu, thiệt hại (nếu có) phải do chủ đầu tư gánh chịu.


Tuy nhiên, vì lý gì mà các chủ đầu tư làm trái Luật nhà ở, Nghị định 71, vẫn "hồn nhiên" thu tiền của khách hàng, bỏ ngoài tai bức xúc của khách mua căn hộ, và sự im lặng của Bộ Xây dựng trong vai trò quản lý thị trường bất động sản vẫn đang là điều khó hiểu nhất khi thị trường rơi vào thời điểm "bung bét" này.


Theo Minh Thư


Infonet




‘Bóc mẽ’ 4 sai lầm của con trai khi mới yêu

‘Bóc mẽ’ 4 sai lầm của con trai khi mới yêu

Quá “đánh bóng” bản thân


Hầu hết các chàng trai khi vào cuộc “tán tỉnh” đều muốn tạo dựng một hình mẫu thật hoàn hảo trước mắt nàng. Chính vì thế, nhiều chàng tìm cách làm chủ mọi cuộc đối thoại và thường thao thao bất tuyệt không biết chán về bản thân. Đừng nghĩ làm vậy cô ấy sẽ hâm mộ và thán phục bạn nhé! Các nàng rất ghét kiểu “mồm miệng đỡ chân tay” như thế.


Thoại Hà (ĐH Ngoại thương) chia sẻ: “Sau 2 cuộc hẹn với cậu bạn mới quen, mình… chạy mất dép. Cậu ấy cứ luôn miệng PR về bản thân: nào là học hành giỏi giang ra sao, đi du lịch trong nước ngoài nước thế nào, bố mẹ làm sếp ở đâu… Mình ậm ừ cho qua chuyện chứ thú thực trong lòng ngán ngẩm vô cùng!”.


Thay vì xoay câu chuyện xung quanh bản thân mình, hãy thử làm một người điềm đạm, “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” các chàng trai nhé. Để ý một chút, bạn sẽ thấy nàng trở nên sôi nổi, hào hứng chứ không “ngáp ngắn ngáp dài” trước những câu chuyện mang nặng tính “đánh bóng” bản thân như thế nữa.


“Mình và nhiều cô bạn của mình đều thích những anh chàng tinh tế, nói vừa phải, im lặng đúng lúc và biết cách chia sẻ” – Hoàng Yến (ĐH Thủy lợi) khẳng định.


‘Bóc mẽ’ 4 sai lầm của con trai khi mới yêu


Ảnh minh họa.


Kịch bản quen thuộc


Mỗi sáng, bạn đánh thức nàng bằng một tin nhắn kiểu như: “Chào buổi sáng, chúc em một ngày mới tốt lành”. Trưa đến, đều như vắt chanh, SMS bay tới điện thoại của nàng: “Em ăn cơm chưa? Ngon miệng nhé!”. Tối tối, không quên chúc nàng ngủ ngon kèm theo mấy icon trái tim nhấp nháy… Mô típ quen thuộc này của một số chàng khiến các nàng… “phát ớn”.


“Hễ điện thoại báo có tin nhắn của anh ta là mình biết tỏng nội dung thế nào rồi. Thậm chí, khi gọi điện, anh ấy cũng chỉ nói đi nói lại mấy câu: em ăn cơm chưa, hôm nay em có đi học không…? Mình băn khoăn có phải anh ta tẻ nhạt đến mức ngoài những lời ấy ra, không còn gì để nói thêm nữa” – Hồng Vân (18 tuổi) kể.


Có thể, bạn là một chàng trai nhút nhát và khá vụng về trong chuyện yêu đương. Nhưng hãy chịu khó “động não” một chút để hành trình chinh phục trái tim nàng không bị rơi vào những lối mòn “cũ rích” và nhàm chán.


Những tin nhắn kiểu vui nhộn có thể cuốn hút nàng vào cuộc chuyện trò. Bất ngờ mời nàng đi xem chương trình ca nhạc có ca sỹ nàng thần tượng, tặng nàng một món quà nho nhỏ xinh xinh không nhân dịp gì cả hay trổ tài vào bếp nấu món ăn nàng ưa thích, cuối tuần “bắt cóc” nàng đi dã ngoại… Cô ấy sẽ thực sự ngạc nhiên bởi sự mới mẻ không ngừng trong cách thể hiện tình yêu của bạn.


Anh chàng thích nói “tùy em”


Vẫn biết khi đã rơi vào “lưới tình” của nàng, các chàng luôn ra sức yêu chiều nàng hết mực. Mỗi một lời nàng thốt ra chẳng khác nào “thánh chỉ”, sẽ được thực thi ngay lập tức. Song, điều nàng thực sự cần là chàng trai quyết đoán, có chính kiến riêng chứ không phải một “cái máy” chăm chăm làm theo ý muốn của nàng.


“Người yêu cũ của mình thường để mặc mình tự quyết trong mọi chuyện. Đi đâu, làm gì, kế hoạch như thế nào… anh ấy chỉ phán một câu “xanh rờn”: Tùy em! Miết như vậy khiến mình nản. Nếu việc gì cũng thế thì cần gì sự có mặt của anh ấy nữa?” – Minh Hòa (HV Bưu chính Viễn thông) cho hay.


‘Bóc mẽ’ 4 sai lầm của con trai khi mới yêu


Ảnh minh họa.


Ngược lại, Vân Trang (HV Báo chí Tuyên truyền) lại tỏ ra tự hào về bạn trai hiện tại: “Sở dĩ mình nhận lời yêu anh vì nhận thấy anh khác với những chàng trai khác. Họ răm rắp nghe theo mình còn anh sẵn sàng không đồng ý, ngăn cản nếu việc mình làm không hợp lý. Thậm chí, anh chẳng ngần ngại góp ý, phê bình khi mình làm sai. Nhờ có anh, mình đã trưởng thành và chín chắn hơn trước. Mình rất nể phục anh ấy”.


Dám bộc lộ cái tôi thông qua cá tính và bản lĩnh của mình sẽ giúp bạn ghi điểm cộng tuyệt vời trong mắt nàng đó, chàng trai ạ!


Tỏ tình “mỳ ăn liền”


Phương Thúy (24 tuổi, nhân viên văn phòng) phát hoảng bởi chỉ sau 1 tuần hẹn hò ngắn ngủi, người bạn trai học cùng lớp tiếng Anh buổi tối đã nói lời yêu đầy mùi mẫn. Tùng Chi (HV Ngân hàng) cũng ngỡ ngàng nghe một “vệ tinh ” thề “suốt đời sống chết” vì nàng khi cả 2 mới gặp gỡ tâm tình đôi câu trong quán cafe. “Mình còn chưa kịp hiểu gì về anh ta, anh ta cũng đâu biết tường tận về mình. Thật khó chấp nhận” – Chi nói.


Thông thường, các chàng trai hay “kết đứ đừ” một cô gái ngay trong lần gặp đầu tiên hoặc sau 2, 3 buổi hẹn hò. Họ tìm mọi cách đẩy nhanh tiến độ của cuộc “chinh phục” khi trái tim đã bị nàng “bắt làm tù binh”. Họ theo sát nàng 24/24, trao những lời ngọt ngào có cánh, những cử chỉ quan tâm, tận dụng cơ hội gần gũi nàng… và tỏ tình một cách chóng vánh! Điều này thỏa mãn sự hiếu thắng của con trai, nhưng con gái lại cực kỳ “dị ứng” nhé.


“Chúng tớ thích cảm giác được chinh phục, được thử thách đối phương để có thể vững lòng tin tưởng vào một tình yêu chân thành. Muốn vậy, phải trải qua cả một quá trình tìm hiểu lâu dài chứ không yêu vội, tỏ tình gấp kiểu mỳ ăn liền được” – Mỹ Lan, THPT N.T nhắn nhủ.






Fun facts: Ảnh thật mà như photoshop

Fun facts: Ảnh thật mà như photoshop

Có những sự thật bất ngờ, thú vị như ở đầu thế kỷ 20, xe ô tô được coi là phương tiện "xanh", thân thiện với môi trường.


















‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể

‘Cuộc chiến’ chống chuyển giá, chuyện giờ mới kể


Có nhiều sự phi lý dễ nhận thấy trong bức tranh lãi lỗ của FDI song để kết luận đó là chuyển giá thì không dễ chút nào.

Các ông lớn quốc tế là những nhà kinh doanh lọc lõi, DN của họ có đội kế toán giỏi, giấy tờ sổ sách đầy đủ và kín kẽ. Bên cạnh họ luôn có một bộ máy tư vấn là các luật sư, chuyên gia tài chính trình độ quốc tế… Vì thế, phát hiện sai phạm đã khó nhưng buộc họ quy thuận càng khó hơn.


Có nhiều sự phi lý dễ nhận thấy trong bức tranh lãi lỗ của FDI song để kết luận đó là chuyển giá thì không dễ chút nào. Phát hiện chuyển giá, đối đầu với những nhà kinh doanh, chuyên gia tư vấn luật, tài chính quốc để buộc những ông lớn thừa nhận vi phạm là cuộc đấu trí kiên trì, đầy khó khăn.


Lần vết: giấu đầu hở đuôi


Sau loạt bài hàng trăm doanh nghiệp FDI chuyển giá được phản ánh trên báo VietnamNet, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính chia sẻ, có những vụ việc thanh kiểm tra, hồ sơ chuẩn bị phải kéo dài hàng năm trời.


Ông Nam cho biết, để “bắt lỗi” được Tập đoàn dệt may Hualon Coporation, đoàn thanh tra Tổng cục thuế phải huy động mấy nghìn DN dệt may trong nước gửi dữ liệu giá về. Sau đó, phải mất khá nhiều ngày để các cán bộ thanh tra tổng hợp, phân tích để cho ra dữ liệu giá so sánh độc lập. Từ đó mới tìm ra được điểm bất hợp lý, phi thị trường trong giá bán sản phẩm cho công ty liên kết của Hualon.



Từ những dữ liệu ban đầu, cuộc thanh tra mới phát hiện ra vụ chuyển gia của DN này khi mua một dây chuyền thiết bị dệt cũ kỹ, lạc hậu với giá chỉ khoảng 400.000 USD mà nâng khống 40 lần lên 16 triệu USD.


Vị lãnh đạo Tổng cục Thuế nói: “Chúng tôi phải căn cứ trên các định mức về kỹ thuật, các tiêu chuẩn công nghệ để xác định sự bất hợp lý. Cùng 1 máy như vậy, nhập từ các nước G7 giá chỉ có ngần này mà tại sao, anh nhập từ Đài Loan, lại có giá cao vô lý như vậy”.


“Vốn liếng” để các cán bộ thanh tra kiểm tra về chuyển giá bắt bài DN bắt đầu từ những chi tiết giấu đầu hở đuôi tương tự như vậy.


Chẳng hạn như ở vụ chuyển giá của 17 DN Đài Loan chế biến trà ở Lâm Đồng, những tính toán giá đầu ra, đầu vào trái khoáy đã được đoàn thanh tra truy xét tận nơi.


“7 kg chè tươi mới sản xuất ra được 1kg chè khô. Giá thị trường năm đó là 40.000 đồng/kg chè tươi. Tính ra, riêng nguyên liệu cho 1 kg chè khô đã là 280.000 đồng. Vậy cớ sao, các vị DN lại bán cho công ty liên kết giá chè khô chỉ có 140.000 đồng. Có ai đi kinh doanh mà lại mua cao, bán thấp bằng 1 nửa giá thành như thế không?”, ông Nam kể


Hay như ở vụ việc chuyển giá ngàn tỷ của Keangnam Vina, điểm phí lý là tại sao, khi ngân hàng lãi suất trung bình chỉ có 5-7% mà anh lại đi vay tới 12% từ ngân hàng của Tập đoàn mẹ. Có mấy DN lại đi vay lãi cao để tự mình gây lỗ? Tuy nhiên, ngay sau khi có tin sẽ thanh tra, Tập đoàn này đã chủ động sửa lại.


Theo người đứng đầu ngành thuế, hầu hết DN vi phạm chuyển giá đều không thể biện minh cho bài toán kinh doanh vô lý, kể cả khi họ thuê các luật sư nước ngoài “bào chữa”. Sau khi đấu tranh, các DN đã buộc phải thừa nhận hành vi liên kết, chuyển giá và chấp hành án truy thu thuế.


Con số truy thu có thể lớn hơn nhiều


Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Trưởng ban Cải cách thuế, Tổng Cục thuế - “Tổng quản” chiến dịch chống chuyển giá của DN FDI tiếc nuối: “Đáng lẽ, con số truy thu thuế còn lớn hơn rất nhiều”.


Ông cho biết: “Theo luật, chúng tôi chỉ thanh tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong thời hạn 5 năm, từ năm 2007 đến nay. Trong khi đó, có những DN đến Việt Nam từ những năm 90 thế kỷ trước, khai lỗ liên tục với số lớn. Vây là, mặc nhiên DN được công nhận hàng chục tỷ báo lỗ từ năm 2006 trở về. Nếu thanh tra thuế giai đoạn trước năm 2006, hẳn số điều chỉnh về giá chuyển nhượng còn cao hơn”.


Bên cạnh đó, các khoản tiền thuế và phạt đều được tính theo tỷ giá USD của thời điểm chuyển giá. Ví dụ, truy thu thuế của năm 2007 thì phải tính theo tỷ giá USD năm 2007, tỷ giá khi đó chỉ mười mấy ngàn đồng. Nếu tính theo tỷ giá hơn 21.000 đồng bây giờ, các DN phải nộp thuế lớn hơn nhiều con số hiện nay”.


Tới đây, ngành thuế sẽ mạnh tay hơn khi đang điều tra chuyển giá ở hơn 40 doanh nghiệp FDI. Cây gậy pháp lý vừa được bổ sung là cơ chế thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết đã được quy định trong Luật sửa đổi Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ 1/7 vừa qua. Theo đó, khi cơ quan thuế đã có thỏa thuận trước về giá thị trường trong giao dịch liên kết, các doanh nghiệp FDI có vi phạm sẽ không thể chối cãi và sẽ phải chịu ấn định giá của cơ quan thuế.


Tuy nhiên, theo ông Tiến, chống chuyển giá đang gặp rất nhiều khó khăn do các hành vi ngày càng phức tạp, tinh vi. Các doanh nghiệp FDI lớn có những công ty tư vấn tài chính uy tín với những chuyên gia về chuyển giá giỏi, kinh nghiệm hỗ trợ.


Trên thế giới, trung bình một cuộc thanh tra chống chuyển giá kéo dài từ 18 tháng đến 24 tháng, đặc biệt có cuộc kéo dài đến 13 năm và không quốc gia nào khống chế thời hạn của một cuộc thanh tra về giá chuyển nhượng nhưng tại Việt Nam, thời gian thanh tra dài nhất cũng chỉ được phép trong 70 ngày, theo Luật Thanh tra.


Việt Nam đã trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài với hàng loạt chính sách ưu đãi thuế thông thoáng. Trong khi đó, tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm, khai báo nộp thuế đúng và đầy đủ ở nhiều DN FDI chưa cao. Vì vậy, việc hậu kiểm, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách lại trở thành một nhiệm vụ nặng nề mà ngành thuế phải đảm nhận. Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia về thuế, chế tài xử phạt về chuyển giá cần nặng hơn, thay vì chỉ phạt như hành vi kê khai sai thuế hiện nay.


Theo Phạm Huyền


Vietnamnet




Ngân hàng lo... 'khê' vốn

Ngân hàng lo... 'khê' vốn


Hàng loạt chương trình ưu đãi được các tổ chức tín dụng đưa ra nhằm đẩy tiến độ giải ngân, đưa kết quả tín dụng tiến gần hơn mốc kế hoạch 12% đã được đề ra.

Nhưng, bên cạnh nỗi lo “khê” vốn, ngân hàng còn đối mặt với nhiều mối lo khác trong bối cảnh “tiến, thoái lưỡng nan”.


Ngân hàng đua nhau “đẩy” tín dụng


Các ngân hàng đang đưa ra hàng loạt gói cho vay với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Techcombank cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay lãi suất từ 8,2%/năm đối với tiền đồng và từ 3,8%/năm đối với USD, thời gian chương trình kéo dài đến cuối năm.


Ngân hàng Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank) đã dành 20 triệu USD cho vay với lãi suất chỉ 3% một năm, cùng với một gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ 8% dành cho doanh nghiệp. Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 8%/năm cho các khoản vay của khách hàng doanh nghiệp phát sinh từ ngày 1/10 đến 31/12/2013.


Còn OceanBank cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay lãi suất 8,5%/năm trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2014. Sacombank cũng dành hơn 1.200 tỷ đồng để cung ứng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014...


Đến hẹn lại lên, 2 tháng cuối năm luôn là thời gian các ngân hàng đẩy tiến độ để giúp doanh nghiệp có vốn hoàn thành kế hoạch, và ngân hàng cũng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng và doanh thu đề ra. Tuy nhiên, năm nay nhiệm vụ đó càng nặng nề hơn khi thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 6,82%, hoàn thành hơn 50% kế hoạch. Như vậy, để đạt được mục tiêu cả năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân các tháng cuối năm cần phải đạt mức 1,7% mỗi tháng.


Hầu hết các ngân hàng đã vào cuộc đua, nhưng nỗi lo “khê” vốn – vốn đọng trong ngân hàng không lưu thông vào sản xuất – lại đang trở nên “không ăn nhằm gì” so với nỗi lo cho ai vay, thu hồi vốn vay và xử lý nợ xấu ra sao.


Tìm cách tự cứu


Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa... đang ở mức thấp 7-9%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng chỉ dao động 9-10,5%/năm. Cá biệt, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5-7% một năm.


Chia sẻ của Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình Phạm Duy Hiếu cũng là tâm sự từ nhiều ngân hàng khác, là lượng vốn trong các ngân hàng hiện khá dư thừa, và các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ ứ vốn. “Bởi trên thị trường vốn lức này, sức cầu vẫn rất yếu do các doanh nghiệp còn đủ điều kiện vay vốn không muốn mở rộng kinh doanh – lãnh đạo một chi nhánh Ngân hàng Liên Việt cho biết – Trong khi đó, hiện nay phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vay vốn”.


Nếu muốn “đẩy” tín dụng, chỉ có cách hạ chuẩn tín dụng, mà đây là điều không thể. Bởi, bơm vốn vào những doanh nghiệp điều kiện kém, ngân hàng dễ sa lầy vào vũng bùn nợ xấu. “Chúng tôi bây giờ không lo chuyện cho vay bằng lo thu hồi vốn vay. Lúc nào ngân hàng cũng nơm nớp lo khách hàng không trả tiền được” – một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Quân đội cho biết.


Theo Thủy Anh


Báo Pháp luật




Lee Min Ho suýt... đấm vào khuôn mặt đẹp của tình địch

Lee Min Ho suýt... đấm vào khuôn mặt đẹp của tình địch

Những bức ảnh trong tập phim sắp tới của The Heirs cho thấy một cuộc chiến nảy lửa diễn ra giữa Kim Tan (Lee Min Ho ) và Choi Young Do (Kim Woo Bin), mà nguyên nhân là vì Cha Eun Sang (Park Shin Hye). Vì Jung Young (Jo Yoon Woo), cậu bạn cùng lớp là mục tiêu bắt nạt của Young Do đã chuyển trường, Eun Sang trở thành mục tiêu bắt nạt mới của Young Do.


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Young Do và đám bạn của cậu ta đến chỗ của Eun Sang và muốn cùng ngồi ăn với cô tại nhà ăn. Lúc này Kim Tan bước vào và cố gắng giải cứu cô. Young Do tiếp tục bám chặt lấy Eun Sang, trêu chọc cô khiến Kim Tan vô cùng tức giận. Anh chàng bèn vung nắm đấm lên. Thế nhưng Eun Sang đã nhanh chóng ngăn anh lại.


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Trong tập trước, Young Do cũng là người thường xuyên trêu chọc Eun Sang. Hình như anh chàng cố tình muốn chọc tức Kim Tan. Anh chàng cũng đã lãnh một nắm đấm như trời giáng của cậu bạn học cũ, sau khi bắt Jung Young quỳ xuống cầu xin mình.


Một cư dân mạng chia sẻ rằng: "Liệu Young Do làm thế nào để có thể "cưa đổ" Eun Sang nếu như cứ tiếp tục gây hấn với cô ấy như vậy?".


Lee Min Ho suýt đấm vỡ mặt của tình địch


Mối thâm thù giữa Kim Tan và Young Do cũng đã phần nào được hé lộ trong tập 7. Hóa ra, hai người từng là bạn thân, nhưng tình cờ họ nhìn thấy cha Young Do đi với người phụ nữ khác. Kể từ đó, Young Do tỏ ra ghét Kim Tan, vì cậu chính là người con trai của “tình nhân” - con của kẻ thứ 3 chen vào hạnh phúc gia đình người khác.


Tập 8 của phim sẽ được lên sóng tối nay.



Giật mình siêu dự án!

Giật mình siêu dự án!


Có một thực tế được khẳng định bằng các số liệu là đầu tư công không hiệu quả bằng các nguồn đầu tư khác.

Có thể nói Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, Thủy điện Sơn La... là những siêu dự án của nước ta bởi tổng vốn đầu tư “nhỏ” nhất trong các dự án này là thủy điện Sơn La cũng lên tới hơn 60.000 tỉ đồng, tức khoảng gần 3 tỉ USD tính theo thời giá lúc này.


Những siêu dự án ở nước ta không chỉ gây ấn tượng về tổng vốn đầu tư mà còn về khả năng... tăng vốn. Ngay tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, bàn thảo để đi đến quyết định có đồng ý với đề nghị tăng thêm vài chục ngàn tỉ đồng đầu tư cho dự án đường Hồ Chí Minh hay không. Theo đề nghị, sẽ bổ sung 24.000 tỉ đồng nữa từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nâng tổng đầu tư dự án lên hơn 103.000 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với dự toán trong quy hoạch tổng thể năm 2007.


Trong trường hợp Quốc hội chấp thuận đề nghị trên thì dự án đường Hồ Chí Minh nằm trong nhiều siêu dự án từng được Quốc hội “quyết” nâng tổng mức vốn đầu tư theo đề nghị của Chính phủ. Trước đó, tổng mức đầu tư của dự án Thủy điện Sơn La cũng “đội” lên thêm 14.000 tỉ đồng, tăng 39% so với dự toán ban đầu. Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự trù tổng mức đầu tư ban đầu là 1,5 tỉ USD song cuối cùng thì vốn đầu tư thực tế vọt lên hơn 3 tỉ USD, tức là gấp 2 lần.


Có nhiều nguyên nhân, lý do đưa ra để giải thích vì sao có sự chênh lệch lớn, thậm chí rất lớn, về dự toán và quyết toán các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, trong đó có những siêu dự án. Nhưng ít thấy ai chỉ ra là có phải dự toán thấp để thấy dự án hiệu quả hay không và tăng vốn đầu tư như vậy thì dự án còn có hiệu quả?


Tuy nhiên, có một thực tế được khẳng định bằng các số liệu là đầu tư công không hiệu quả bằng các nguồn đầu tư khác. Nói cách khác, đầu tư công đang ngốn một khoản ngân sách không nhỏ trong bối cảnh “tấm chăn ngân sách” eo hẹp, co chỗ này thì hở chỗ kia.


Cách đây hơn 1 năm, dư luận cả nước, nhất là những người làm công ăn lương, từng xôn xao trước việc Bộ Tài chính đề xuất chưa tăng lương theo lộ trình với lý do không bố trí được nguồn. “Tấm chăn ngân sách” xem ra càng eo hẹp hơn khi số liệu công bố mới đây tại Quốc hội cho thấy ngân sách năm nay hụt thu tới hơn 63.000 tỉ đồng.


Ngân sách hụt thu có nghĩa là sẽ càng phải cắt giảm hơn nữa chi ngân sách đi đôi với việc nới trần bội chi. Những lúc như thế này mới thấy 1 đồng ngân sách kiếm được khó và quý thế nào. Và cũng càng phải thấy chi ngân sách sao cho tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Trong bối cảnh đó, ai mà không giật mình trước những siêu dự án mà mỗi lần điều chỉnh vốn đầu tư công đã ngốn thêm cả chục ngàn tỉ đồng.


Theo PHAN ĐĂNG


Người lao động




Giá vàng trượt mạnh trong phiên cuối tháng 10

Giá vàng trượt mạnh trong phiên cuối tháng 10


Chốt phiên 31/10, giá vàng giao ngay hạ 1,4% xuống 1.323,69 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 25,6 USD xuống 1.323,7 USD/ounce.

Giá vàng cùng các kim loại quý khác đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/10 bởi các quỹ chốt sổ sách cuối tháng bên cạnh việc nhà đầu tư giảm nắm giữ tài sản an toàn khi Fed không mang đến bất ngờ nào về chính sách tiền tệ trong phiên họp lần này của FOMC.


Trong phiên qua, vàng giảm 1,4%, là mặt hàng giảm nhiều thứ 2 trong số các hàng hóa, sau bạc với mức giảm 3,3%. Tính chung tháng 10, kim loại quý này tuy nhiên chỉ giảm có 0,2%. Những lo lắng về nâng trần nợ cũng như việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã tạo sức hút cho vàng trong suốt những tuần đầu tiên.


Ngoài áp lực chốt sổ sách, giá vàng hôm qua giảm còn bởi đồng USD và trái phiếu chính phủ tăng lên sau báo cáo cho thấy hoạt động kinh doanh ở khu vực Trung Tây nước Mỹ tăng mạnh hơn dự đoán trong tháng 10, củng cố niềm tin vào sự hồi phục của nền kinh tế.


Chốt phiên, giá vàng giao ngay hạ 1,4% xuống 1.323,69 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 25,6 USD xuống 1.323,7 USD/ounce. Trong phiên có lúc giá xuống 1.318,79 USD – thấp nhất trong 1 tuần.



Ngọc Toàn


Theo Trí Thức Trẻ/Kitco




Cấm cho, tặng ngoại tệ: 'Nên xem lại quyền của dân'

Cấm cho, tặng ngoại tệ: 'Nên xem lại quyền của dân'


Một số bạn đọc nêu ý kiến sau khi VnEconomy thông tin về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, trong đó có dự tính quy định các cá nhân không được dùng ngoại tệ tiền mặt cho, tặng lẫn nhau.

Như ở bản tin trước, Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện các dự thảo quy định về giao dịch hối đoái và nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.


Theo thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước, đối với việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân, dự thảo bỏ quy định cho phép người cư trú, người không cư trú là cá nhân được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để cho, tặng để đảm bảo mục tiêu chống tình trạng đô la hóa, thống nhất với các quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối.


Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ban soạn thảo dự thảo nghị định cần xem xét kỹ điểm nội dung này, trước khi hoàn thiện và ban hành.


“Chống đô la hóa tức là chúng ta không muốn sử dụng đô la là đồng tiền trong thanh toán, chứ không phải biến đô la thành tờ giấy lộn. Khi đô la (hay vàng) không còn chức năng phương tiện thanh toán thì nó sẽ quay về với thuộc tính là hàng hóa. Mà đã là hàng hóa thì phải có quyền sở hữu, mà có quyền sở hữu tức là có quyền định đoạt, mà có quyền định đoạt tức là có quyền cho - tặng...”, một bạn đọc phân tích ở bản tin trước.


Cũng theo bạn đọc này, “khi mất đi quyền cho - tặng, thì người dân mất đi quyền định đoạt đối với tài sản hay vật mà mình sở hữu, cũng đồng nghĩa là người dân mất đi quyền sở hữu. Thế thì người dân còn lại những quyền gì?”.


Trong cuộc gọi trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, một luật sư và cũng là lãnh đạo ngân hàng thương mại chuyên trách về các vấn đề pháp chế, nêu quan điểm rằng, nếu cấm cho - tặng ngoại tệ thì sẽ không ổn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo, ông hy vọng nội dung này sẽ có nhiều ý kiến tham gia góp ý trước khi chốt lại và ban hành.


Như ý kiến của bạn đọc trên, ông nhấn mạnh: “Sở hữu và định đoạt tài sản của mình là quyền thiêng liêng của người dân, được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Trong quyền định đoạt tài sản có quyền cho và tặng. Khi cá nhân cho - tặng nhau ngoại tệ, ngoại tệ đó cần được hiểu là tài sản chứ không phải là phương tiện thanh toán hay ngoại tệ sử dụng như các giao dịch thông thường để tính chuyện hạn chế, cấm để chống đô la hóa”.


Ở góc độ là người trong ngành, vị lãnh đạo ngân hàng này cho rằng không thể vì khó khăn trong xử lý các “giao dịch đen”, vì có tình trạng lách luật, vì chống đô la hóa mà cấm cá nhân cho, tặng ngoại tệ. Thay vào đó là cần xây dựng các chính sách quản lý chặt chẽ và hợp lý hơn, cũng như tăng cường công tác giám sát và xử lý các giao dịch vi phạm.


“Để chặt chẽ trong vấn đề này, theo tôi nên tính quy định và giám sát thực hiện chặt chẽ giao dịch ngoại tệ tiền mặt ở mức nào thì phải qua kênh ngân hàng. Bởi ở đây còn là vấn đề thuế. Người được cho, tặng có thu nhập bất thường và phải chịu thuế thu nhập. Nếu các giao dịch bất hợp pháp dùng lý do cho - tặng để lách luật thì cũng phải thực hiện qua ngân hàng, khi đó thuế thu nhập sẽ là một rào cản; còn giao dịch bên ngoài để tránh thuế thì đó là chuyện của cơ quan chức năng giám sát và xử lý”, ông khuyến nghị thêm.


Tuy nhiên, thực tế đời sống rất đa dạng. Người góp ý trên cho rằng nếu có quy định cấm cho - tặng ngoại tệ thì cũng rất khó để giám sát và đảm bảo thực thi tốt các chế tài. Thế nên, tình huống mà ông đặt ra là nếu những người trong gia đình có ngoại tệ cho nhau, mừng tuổi, cho người đi du học… thì sao? “Sẽ phải đóng cửa nhà lại và thầm thì với nhau. Khi đó pháp luật có được thực thi, có kiểm soát được hết hay không, hay là bị hổng?”.


Ở một tình huống khác, một bạn đọc gửi phản hồi về VnEconomy rằng: “Vậy là bây giờ con cái ở nước ngoài cũng không được cho, tặng ngoại tệ cho bố mẹ nữa sao?”. Nhưng theo dự thảo nghị định, quy định dự kiến trên chỉ điều chỉnh việc cho - tặng ngoại tệ giữa các cá nhân trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, cũng như không điều chỉnh hoạt động kiều hối.


Bản dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước công bố rộng rãi từ ngày 25/10/2013. Cơ quan này đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Chính phủ và có thể ban hành trong năm nay.


Theo Minh Đức


VNECONOMY




Dùng kế 've sầu thoát xác' để xóa lỗ, vứt nợ

Dùng kế 've sầu thoát xác' để xóa lỗ, vứt nợ


Từ việc thua lỗ chồng chất, nợ hàng trăm, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng, một số doanh nghiệp bất ngờ thoát lỗ, hết nợ khi lột xác thành một cái tên hoàn toàn mới.

Sáng 31/10/2013, thông cáo báo chí của Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên.


Từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, với ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…


Tái cấu trúc Vinashin là vấn đề nóng không chỉ với dư luận trong nước, nay đã có hướng giải quyết. Trong ngành chứng khoán, tuy ở phạm vi hẹp hơn, nhưng câu chuyện tái cấu trúc đã và đang diễn ra mạnh mẽ, bắt đầu có những công ty quyết tâm “làm lại từ đầu”.


Thương vụ hợp nhất CTCK MBS và VIT là một ví dụ. Với khoản lỗ lũy kế trên 500 tỷ đồng của MBS, hợp nhất với một CTCK khác là cách tốt nhất để định giá lại vốn chủ sở hữu, điều chỉnh vốn điều lệ, xóa hết lỗ lũy kế, để MBS bắt đầu lại. Một số CTCK có lỗ lũy kế lớn khác, đặc biệt là SBS, đã từng tính phương xóa lỗ bằng cách giảm vốn điều lệ, nhằm đưa Công ty về “vạch xuất phát” và làm lại từ đầu.


Điểm chung của 3 trường hợp trên là tổ chức “mẹ” của các DN không muốn cắt đứt “đứa con” của mình.


Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), phương án giữ MBS hay không, khi công ty này lâm vào cảnh lỗ nặng hồi cuối năm 2011 (lỗ lũy kế 600 tỷ đồng), đã từng được đặt lên bàn cân. Tuy nhiên, cuối cùng, Ngân hàng mẹ quyết định giữ lại CTCK, vì định hướng chiến lược của Ngân hàng là trở thành tập đoàn kinh tế, trong đó có một mảng kinh doanh là chứng khoán.


Nhưng khi quyết định giữ lại MBS, MB đã đặt mục tiêu không đơn giản cho DN này. Định vị của MB là nằm trong Top 3 các ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam vào năm 2015 và vì thế, MBS cũng phải có tên trong Top 3 - 5 CTCK tốt nhất sau 2 năm nữa, cộng với một nhiệm vụ rất cụ thể là phải trả được cổ tức tăng dần cho cổ đông.


Thương vụ hợp nhất MBS và VIT sắp hoàn tất để sau đó, MBS sẽ phải hướng đến mục tiêu chiến lược, như một cách đền đáp sự giúp sức của tất cả các cổ đông, đặc biệt là cổ đông mẹ MB.


Với Vinashin thì sao? Thông điệp từ Bộ Giao thông - Vận tải không nói gì đến mục tiêu mà Tổng công ty được hình thành sau quá trình tái cấu trúc Vinashin phải đạt được trong một vài năm tới.


Khoản nợ Vinashin để lại cho nền kinh tế không tự nhiên mất đi, rất nhiều chủ thể, trong đó cả ngân hàng, đã “mất nghiệp” từ sự chìm xuồng của Vinashin.


Việt Nam không thể thiếu một DN mạnh trong ngành công nghiệp đóng tàu và đó có lẽ là lý do chính khiến Vinashin được hỗ trợ nhiệt tình để thay tên, đổi vận…


Nhưng Vinashin khi đã trở lại, cần phải hướng đến những mục tiêu cụ thể, định vị mình ở đâu trong ngành công nghiệp đóng tàu quốc tế, chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế cho ngân sách nhà nước như thế nào trong thời gian tới. Bởi với người dân, Vinashin chỉ đáng giữ lại nếu DN này mang lại những hiệu quả cụ thể để “trả nợ” cho nền kinh tế và hướng đến tương lai đóng góp cho nền kinh tế thịnh vượng hơn.


Theo Người quan sát - ĐTCK




Khi nàng ‘ham chơi’ còn chàng ‘thèm’ cưới

Khi nàng ‘ham chơi’ còn chàng ‘thèm’ cưới

Khi chàng suốt ngày “đòi” cưới


Có bạn trai 8X chín chắn, già dặn và “cưng chiều” mình là sự lựa chọn trong mơ của không ít bạn gái 9X. Nhưng chính sự lệch pha về tuổi tác cũng gây ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Đáng chú ý nhất là tình huống chàng thì “thèm” cưới, còn nàng thì lại chưa muốn ràng buộc quá sớm.


Khi nàng ‘ham chơi’ còn chàng ‘thèm’ cưới


Người yêu của Kim Thoa (21 tuổi) sinh năm 1987, theo lời chàng thì năm nay vừa hợp vận lại đẹp cho cả hai nên bố mẹ chàng cứ nhất nhất đòi cưới, trong khi cô nàng còn chưa tốt nghiệp. Việc ngày ngày bị bố mẹ “tra tấn” giục giã khiến chàng cũng xuôi xuôi, nghĩ có vợ con rồi lo sự nghiệp cũng có người đỡ đần. Nhưng với một cô gái còn chưa kịp bước ra khỏi giảng đường như Thoa thì đó đúng là “bi hài kịch”. Thoa tâm sự: “Yêu nhau 4 năm bảo bỏ thì không được mà cưới thì mình thật sự chưa sẵn sàng. Mình hoàn toàn chưa trang bị được nhiều cho bản thân để có thể làm vợ, chưa kể là làm mẹ”.


Việc yêu một chàng trai đã nhiều tuổi và chin chắn buộc bạn phải chấp nhận rằng khi bạn đang ở độ tuổi cuồng nhiệt, ham chơi nhất thì chàng lại sắp bước vào tuổi cần sự ổn định và có gia đình. Vì thế, việc một số bạn trẻ bị “giục” cưới, “ép” cưới thậm chí “lừa” để cưới là chuyện không có gì lạ.


“Người yêu mình năm nay đã 30 tuổi rồi, nếu không cưới sớm thì lại không đẹp tuổi phải đợi thêm 5 năm nữa. Suốt ngày anh ấy gọi điện bàn chuyện cưới xin nhưng mình thì còn muốn được đi chơi, còn muốn được học này học nọ, đi đây đó làm đủ thứ mình thích. Ai cũng có một lần tuổi trẻ thôi nên mình rất ức chế khi chàng cứ hay bàn về chuyện đó” - Minh Anh ( 22 tuổi) tâm sự.


Khi nàng ‘ham chơi’ còn chàng ‘thèm’ cưới


Và nỗi lo sợ cưới sớm của con gái


Là một cô gái năng động hẳn bạn sẽ sợ rằng hôn nhân kéo theo mọi đam mê, ước mơ và cả sự nghiệp. “Lúc đang yêu nhau được chiều chuộng, chăm sóc còn khi là vợ rồi sẽ phải đảm đương mọi việc lớn bé trong nhà, chẳng thể còn thời gian lo cho bản thân và sự nghiệp nữa. Muốn phát triển bản thân, muốn học này học nọ hay chỉ là tụ tập chơi bời thôi cũng khó lắm. Người yêu mình cũng có tuổi rồi. Bố mẹ đã già nên cũng muốn có cháu bế cháu bồng. Hiểu và thông cảm cho anh ấy lắm nhưng mình đang rất lo lắng và chưa muốn cưới bây giờ” - Lan Phương (20 tuổi) bày tỏ.


Và phản ứng thường thấy của con gái trong trường hợp này thường là lảng tránh, cáu gắt hay kiếm cớ nào đó để không phải cưới ngay.


“Nghe chuyện bị giục cưới mãi cũng nhàm, mình chẳng muốn đề cập đến nên thường cố tình lảng sang vẫn đề khác” - Kim Oanh (21 tuổi) chia sẻ. Còn cô bạn Hiền Anh (SV Đại học Quốc gia) lại chọn cách phản ứng lại. Mỗi lần người yêu đề cập đến vấn đề cưới xin cô đều nổi cáu rất khó chịu.


Khi nàng ‘ham chơi’ còn chàng ‘thèm’ cưới


Thiết nghĩ, đây là vấn đề khá nghiêm túc nên thay vì lảng tránh hoặc phản ứng lại, hai bạn nên ngồi nói chuyện với nhau và với cả gia đình để có được giải pháp tốt nhất.


Chưa sẵn sàng làm vợ, chưa có đủ kĩ năng cần thiết là lý do bạn có thể đưa ra để thuyết phục chàng. Hãy nhẹ nhàng phân tích, bày tỏ quan điểm cho chàng hiểu và mong chàng thông cảm. Đừng tỏ ra cáu gắt hay “bơ” đi vì như thế sẽ làm chàng thêm chán nản và khó xử. Thậm chí có thể chàng sẽ nghĩ bạn chưa yêu chàng thật lòng nên mới không muốn gắn bó lâu dài.


“Người yêu mình đòi cưới ngay khi tốt nghiệp còn mình thì muốn 5, 6 năm nữa. Mình rất yêu anh ấy nên cũng không muốn anh buồn, mình cố gắng thuyết phục anh rằng mình muốn học thêm những cái còn yêu, và muốn thực sự tự tin để làm vợ. Thế là cuối cùng thỏa thuận nhau 2 năm sau sẽ cưới, trong 2 năm này mình sẽ được làm bất cứ thứ gì mình thích” - Thanh Xuân (22 tuổi) bật mí.






NỆM LIÊN Á