Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đồng tình với nhận định của nhiều đại biểu rằng, tiến trình tái cơ cấu của nước ta chậm, nhưng ở đây là “chậm so với mong muốn”.
Theo Bộ trưởng, Luật đầu tư công cùng một số luật khác ra đời là một trong những văn bản pháp lý quan trọng phục vụ cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước. Đây có thể coi là một thành công trong giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhất trí, những kết quả của quá trình tái cơ cấu thời gian qua chưa đủ khiến Quốc hội, Chính phủ và nhân dân bằng lòng.
"Tôi cũng thấy tái cơ cấu của chúng ta chậm, nhưng là chậm do cái gì, chính là do mong muốn, rõ ràng chúng ta mong muốn cao hơn, tốt hơn và thực tiễn cũng đòi hỏi chúng ta cần phải làm nhanh hơn, tốt hơn nữa", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, những chỉ tiêu liên quan đến năng suất lao động tăng chậm, chi tiêu cho yếu tố trung gian giảm, chỉ tiêu tiết kiệm so với GDP đang giảm đi… báo hiệu rằng chúng ta cần phải đổi mới mô hình, nếu không đổi mới sẽ không tăng trưởng cao được.
Bộ trưởng cũng chưa đồng tình với nhận định của một số đại biểu Quốc hội rằng tăng trưởng của Việt Nam đang "dưới tiềm năng".
"Tiềm năng tính bằng cách gì? Căn cứ nào để tính rằng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng bao nhiêu? Là 7%? Không phải, Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 8-9% và quốc tế cũng đang đề nghị Việt Nam phải tăng trưởng từ 8-9,5% thì 40 năm sau chúng ta mới bằng được các nước phát triển khác", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, để nền kinh tế nước ta cạnh tranh cao hơn, bền vững hơn thì mỗi ngành, mỗi cấp, các lĩnh vực đều phải nghiên cứu, lập ra đề án tái cấu trúc của riêng mình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu các ngành, các cấp quyết liệt thực hiện việc này.
Đặc biệt, Bộ trưởng cũng tán thành với việc tái cấu trúc về tổ chức. Không đổi mới tổ chức, cán bộ, không đổi mới được nền kinh tế vì nếu chúng ta đổi mới doanh nghiệp Nhà nước nhưng vẫn để nguyên những người lãnh đạo là những người đã từng sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang thì hôm nay họ "không thể tự mình chặt chân mình", phải người khác thì mới đổi mới được. Đây là kinh nghiệm của Indonesia và nhiều nước.
Bộ trưởng cho rằng, các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu trước, từ đó mới đến các địa phương làm. Vì vậy, Bộ trưởng không đồng tình với một số nhận định rằng địa phương đang tiến hành việc này chậm.
Theo Hà Nội Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét