Trước đó, vào đầu tháng 10/2014, cổ đông lớn của Công ty CP Bibica là Lotte Confectionary Co., Ltd đã mua thành công 71.730 cổ phần của Bibica. Với giao dịch này, Lotte Confectionary Co., Ltd sở hữu 6,789 triệu cổ phần của Bibica, tương đương tỷ lệ sở hữu 44,03%. Ý đồ thâu tóm Bibica của Lotte đã bắt đầu dậy sóng từ năm 2007, khi Lotte mua 30% cổ phần của Bibica và hai bên ký kết hợp đồng trở thành đối tác chiến lược. Ngay sau đó, Lotte ngày càng lộ rõ tham vọng thâu tón Bibica khi liên tục gom cổ phần và gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Lotte cũng nhiều lần gây áp lực và tham gia vào hoạt động kinh doanh của Bibica. Trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2012, Lotte đề xuất đổi tên Bibica thành Công ty CP Lotte - Bibica nhưng nội dung này đã được điều chỉnh vào giờ chót. Tại cuộc họp đại hội cổ đông đầu năm 2013, Lotte tiếp tục đề xuất thay toàn bộ Hội đồng quản trị của Bibica nhưng phút chót, đại hội không diễn ra được do nhóm cổ đông Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI - nắm hơn 38%) không tham dự. Cuộc họp đại hội cổ đông năm 2013 được tổ chức sau đó dù đã diễn ra êm đẹp, song đến nay, Lotte vẫn tiếp tục thu gom cổ phần của Bibica.
Theo đánh giá của giới phân tích, nguy cơ bị Lotte thâu tóm của Bibica là rất lớn bởi nhiều khả năng SSI sẽ chuyển nhượng số cổ phần sở hữu của mình khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng.
Cũng trong tháng 11/2014, tại TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với Quỹ đầu tư Global Emerging Market (GEM). Theo đó, GEM cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD) để mua 10% cổ phiếu HAG. Ông Martin Đoan, đại diện của quỹ GEM chia sẻ rằng thương vụ này được quyết định trong vòng hai tháng sau chuyến đi thăm các dự án nông nghiệp của HAG tại Việt Nam, Lào và nhiều cuộc thương lượng giữa hai bên. Dự kiến giao dịch này sẽ được hoàn tất trong vòng 3 tháng tới.
Ông Martin Đoan khẳng định, dù giá cổ phiếu trên thị trường trong thời gian tới tăng hay giảm cũng không làm ảnh hưởng đến cam kết của GE, và GEM cam kết sẽ đầu tư lâu dài và hỗ trợ HAG niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cổ đông của Công ty CP Sữa Việt Nam (VNM) là F&N Dairy Investments Pte Ltd mới đây cũng đã mua thêm 15 triệu cổ phần của VNM, nâng sở hữu lên 110,4 triệu cổ phần, tương đương 11,04% vốn điều lệ.
Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, việc tiếp nhận dòng vốn ngoại sẽ giúp DN có thêm tiềm lực về tài chính để đẩy mạnh đầu tư và gia tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn, đặc biệt là khi đối tác mua cổ phần là những DN cùng ngành với mục tiêu mua cổ phần để mở rộng mạng lưới, gia tăng thị phần. Do đó, các DN khi ký kết hợp tác cần hết sức tỉnh táo để có những bước đi phù hợp, tránh gặp phải những bài học như một số thương hiệu Việt đã gặp phải trước đây như Tribeco bị thâu tóm bởi Uni-President, kem đánh răng Dạ Lan bị Colgate mua lại, Công ty bia Huế bị Carlsberg thâu tóm…
Một số thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần của DN Việt niêm yết trong thời gian gần đây: Mutual Fund Elite (Non-Ucits) mua thêm 3,19 triệu cổ phần Công ty CP Thế giới Di động (MWG), nâng tỷ lệ nắm giữ từ 4,5 triệu cổ phiếu lên thành 7,7 triệu, tương đương 7,23% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn của MWG. Amersham Industies Limited mua thêm 1 triệu cổ phần của Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), nâng sở hữu lên thành 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 5,04% vốn điều lệ. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét