Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Biến SCIC thành 'siêu' doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước?

Biến SCIC thành 'siêu' doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước?


Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị nên thành lập một một cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước, trong đó có đại biểu cho rằng nên nâng cấp Tổng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) thành “siêu” doanh nghiệp quản lý vốn nhà nước.


Cuộc thảo luận sáng nay (11/11) của Quốc hội tại hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 8 lần này.


Theo nhiều đại biểu, việc thông qua dự án Luật này sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giúp sử dụng vốn nhà nước trong các tập doàn, doanh nghiệp một các căn cơ hơn.


Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đối với việc quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước, phải có cơ quan độc lập để làm đại diện vốn chủ sở hữu của dnnn. “Phải tách bạch ra thì mới đảm bảo tính minh bạch, giống như mô hình của Singapore, Malysia. Mình nên làm như vậy. Tội nghĩ nên nâng cấp SCIC lên bậc nữa, trực thuộc quản lý của Thủ tướng để quản lý vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước”, ông Ngân bình luận.


Theo ông Ngân, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là vốn doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu là hơn 1 triệu tỷ đồng, thì lợi nhuận đóng góp vào ngân sách ít nhất cũng phải 500 nghìn tỷ đồng, tệ nhất cũng phải 200 – 300 nghìn tỷ đồng.


“Vậy nhưng, thời gian qua, cổ tức của nhà nước hầu như không thu, thời gian gần đây mới thực hiện thu nhưng năm 2013 chỉ thu được 6000 – 7000 tỷ đồng. Vì vậy, luật này cần làm sâu làm rõ trách nhiệm để doanh nghiệp nhà nước đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước”, ông Ngân bình luận.


Sở dĩ thời gian qua doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả là vì bị ràng buộc rất nhiều, cơ chế quản lý không rõ ràng nên 1 doanh nghiệp nhà nước phải gửi báo cáo cho rất nhiều bộ ngành.


“Thậm chí, ở các địa phương do bộ máy hành chính cồng kềnh nên việc trình duyệt cũng lâu dẫn đến nhiều quyết định của doanh nghiệp Nhà nước chậm đi vào cuộc sống. Bởi vậy, làm sao để tách bạch được việc quản lý với sử dụng vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Phải tách bạch ra mới giúp doanh nghiệp đóng góp được nhiều hơn cho việc tăng trưởng kinh tế”, ông Ngân nhấn mạnh.


Để làm được việc này, theo ông Ngân, cơ quan quản lý phải thấy trách nhiệm của mình và giảm bớt quyền lợi của mình. “Ví dụ như bộ có nhiều nhiệm vụ phải làm như không phải anh chỉ lo cho một thành phần kinh tế duy nhất là doanh nghiệp nhà nước, mà còn phải lo cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. “Cho nên phải tách bạch ra. Bộ là đơn vị quản lý phải đảm bảo minh bạch, chứ bây giờ vừa là quản lý, vừa là đại diện vốn chủ sở hữu thì mặt nào đó, người ta cảm thấy không công bằng giữa sự quản lý này”, ông Ngân bình luận.


Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM), hiện tại, toàn bộ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước giao hết cho Chính phủ, Quốc hội đứng ngoài giám sát.


“Tại sao ta không mở cái luật này theo cái hướng là trong tương lai, chúng ta có 5 – 3 tập đoàn quy mô lớn của nhà nước. Các doanh nghiệp này phải báo cáo trực tiếp Quốc hội chứ không giao hết cho Chính phủ”, đại biểu Trần Du Lịch đặt câu hỏi.


Lý do được đại biểu Trần Du Lịch đưa ra là doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện điều tiết lợi ích kinh tế - xã hội. Các lợi ích này phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, không tách rời việc sử dụng nguồn vốn này với chiến lược phát triển kinh tế do Quốc hội quyết định.


Bên cạnh kiến nghị này, một số ý kiến tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu thực hiện mô hình quản lý vốn tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước.


Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác nhau sẽ có những điều kiện khác nhau. Chẳng hạn đối với các đơn vị công ích thì cũng cần có sự phân loại rõ ràng.


Không thể so Agribank với Vietinbank, ngân hàng khác được mà hải phân loại, anh tự chủ được 100% hay 70% hay 50% vốn…. Phải phân loại để từ đấy quy định thu cổ phần như thế nào.


“Làm thế nào để áp dụng được quy chế này? Theo tôi có lẽ phải thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ để quản lý nguồn vốn này. Có thể các đại biểu sẽ lo lắng về biên chế quản lý. Nhưng hiện nay ở các Bộ cũng phải có biên chế để quản lý nguồn vốn này rồi”, đại biểu Tiên kiến phân tích.


Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng việc tính toán, tìm ra mô hình một cơ quan, tổ chức phù hợp để thay thế toàn bộ các bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước là hết sức quan trọng. Sau những nỗ lực sắp xếp, đổi mới, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã tinh giản mạnh, nhưng vẫn còn hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, quan trọng. Chính phủ đã có kế hoạch xây dựng mô hình cơ quan quản lý sau khi Luật được thông qua.


“Nếu thành lập một bộ mới, hoặc tổng cục chuyên để thực hiện chức năng chủ sở hữu này cũng không dễ dàng gì và không tạo ra những khác biệt về cơ chế, thậm chí có thể quá tải vì số lượng, quy mô doanh nghiệp Nhà nước còn lớn. Do đó, cần một lộ trình với điều cốt yếu là phải tiếp tục giảm số lượng doanh nghiệp Nhà nước xuống nữa, đến khi đạt mức phù hợp thì giao cho một cơ quan không có chức năng quản lý Nhà nước mà có chức năng kinh doanh, như Temasek của Singapore”, Phó Thủ tướng bình luận.


Theo Bizlive




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á