Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Nhập siêu quay lại: Điều tất yếu

Nhập siêu quay lại: Điều tất yếu


Hết “tự sướng”




Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy: 10 tháng đầu năm xuất siêu đạt khoảng 1,87 tỷ USD. Điều đáng nói là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ở mức khá cao vơíz13,82 tỷ USD, nhưng thành tích này đã bị khu vực trong nước kéo xuống khi nhập siêu tới 11,95 tỷ USD. Như vậy, mặc dù 10 tháng qua vẫn xuất siêu nhưng hoàn toàn nhờ vào khu vực FDI và hàng hóa gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu (điện thoại, dệt may, giày dép, thủy sản, sản phẩm gỗ, cà phê, hat điều, dầu thô…).


Trong khi đó, chỉ khoảng 8 năm trước - thời điểm Việt Nam đang rục rịch vào WTO, các doanh nghiệp nội chiếm tới 53,5% “thị phần xuất khẩu” còn khối doanh nghiệp nước ngoài chiếm 46,5%. Ngay năm đầu tiên gia nhập WTO (2007), xuất khẩu đạt 48,56 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm trước và nhập khẩu đạt 62,7 tỷ USD, tăng xấp xỉ 40%, cao gấp gần 2 lần tốc độ tăng xuất khẩu. Cách biệt quá lớn về về tốc độ tăng của nhập khẩu so với xuất khẩu đã đẩy nhập siêu lên đỉnh (14,12 tỷ USD), gấp 2,8 lần của nhập siêu năm 2006 (5,06 tỷ USD) và gấp 12,4 lần của nhập siêu năm 2001 (1,12 tỷ USD).


Điều đó cho thấy, sau khi “ra khơi” (cụm từ báo giới hay dùng khi đó để nói về việc gia nhập WTO), Việt Nam đã không thể tận dụng cơ hội thuế giảm để xuất hàng đi các nước. Bởi doanh nghiệp trong nước còn “bận” với những dự án “ma” kiếm tiền nhờ bán nhà trên… giấy và bị kẹt với lãi suất đi vay cao ngất ngưởng. Thành ra, được hưởng lợi lớn nhất lại là các doanh nghiệp FDI, sau khi nghiên cứu xong thị trường - vốn được tiến hành từ trước đó rất lâu - thì bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất, chiếm lấy các ưu đãi mà doanh nghiệp nội không có.


Việt Nam chỉ có thể “tự sướng” được một chút khi giá dầu thô tăng cao và khu vực FDI xuất siêu lớn một phần nhờ “ăn no” ưu đãi. Nhờ đó, 3 năm qua, “xuất siêu” được thêm vào chuỗi những cụm từ quen thuộc xuất hiện trong các báo cáo “kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiềm chế, công cuộc tái cơ cấu được triển khai, một số kết quả cao hơn các năm trước…”


Thế nhưng, sau tám tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất siêu được 1,7 tỷ USD, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu thì báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tháng 9 nhập siêu 600 triệu USD, tháng 10 ước tính 400 triệu USD. Nghe chừng hai con số mới này có vẻ hợp lý hơn, bởi nếu xuất siêu chứng tỏ hoạt động sản xuất của Việt Nam phải khá mạnh, vậy mà tín dụng toàn hệ thống 10 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 8,63% so với cuối năm 2013, trong khi mục tiêu cả năm là 12-14%. Như vậy, phải có thành tích đột xuất như năm 2013 - tín dụng bỗng tăng mạnh những tháng cuối năm - thì Việt Nam mới có thể đạt kế hoạch 2014.


Có đơn giản chỉ là vấn đề tỷ giá?


Hiện tượng quay đầu này đến từ cả hai đầu nhập tăng xuất giảm, nhưng càng trở nên nghiêm trọng khi nhập hàng thành phẩm và xuất đi hàng thô. Theo Business Week, với một chiếc quần jeans có giá bán lẻ tại một cửa hàng ở Anh là 22,12 USD, tiền công cắt may, bao gồm cả chi phí điện nước, mặt bằng của nơi gia công chỉ là 90 xu. Điều đó cho thấy, với vai trò gia công được duy trì suốt gần 30 năm đổi mới, Việt Nam cũng chỉ được hưởng 90 xu, tức là được 4% giá trị bán chiếc quần đó, 96% còn lại phát tán ra hết bên ngoài. Với thống kê không đầy đủ ở Việt Nam, chúng ta khó xác định được sẽ hưởng bao nhiêu từ khoảng 30 tỷ USD xuất khẩu của Samsung, nhưng hẳn nhiên là sẽ không nhiều. Mà cứ cho là Việt Nam được hưởng toàn bộ 30 tỷ USD này thì cũng đã nhập về 31,27 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc (chưa xét đến hàng lậu). Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng không khá hơn. Nếu coi toàn bộ tỷ lệ nội địa hóa thấp đến đau lòng 10% toàn bộ về Việt Nam thì mỗi lần mua một chiếc xe, người Việt đã đưa 90% cho người bên ngoài. Đấy là chưa kể kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 10 tháng đầu năm đạt giá trị 1,18 tỷ USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái.


Việc xuất khẩu suy giảm thời gian qua có thể do tỷ giá hối đoái khi tiền đồng mạnh lên một cách tương đối, trong khi Euro và Yên yếu một cách tương đối đã ảnh hưởng đến quyết định nhập khẩu của các đối tác truyền thống như EU và Nhật Bản, nhưng đó chỉ là một phần bề nổi. Cuộc chiến trừng phạt kinh tế giữa EU và Nga đẩy EU tìm đến nhiều hơn các bạn hàng châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - vốn là đối tác kinh tế lớn từ lâu của các nước châu Âu. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất sang EU lại đang giảm dần về số lượng, giá và cả thị phần do không có chất lượng ổn định, không có nhận dạng xuất xứ nguồn gốc, không có hoặc thương hiệu mờ nhạt…


Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPT&NT) - đổ cho EU yêu cầu quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, cách thức mà doanh nghiệp làm ra sản phẩm, khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó đáp ứng nổi... Tuy nhiên, nếu lấy lý do này để bào chữa cho sự yếu kém của khâu sản xuất thì chỉ càng tô đậm sự tụt hậu của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam không phải là bạn hàng duy nhất của châu Âu. Thậm chí hàng “made by China” bị “ghẻ lạnh” ở nhiều nơi mà Trung Quốc vẫn có thể trở thành một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của EU. Trong khi đó, Việt Nam lúc nào cũng tự nhận yếu từ năng lực tài chính cho đến con người và công nghệ để chống chế cho sự yếu kém của mình. Dân gian có câu “tư tưởng kích phát tiềm năng”, lúc nào cũng nghĩ đặt mình ở thế yếu, trong khi lại luôn đọc vanh vách “rừng vàng biển bạc” thì việc luôn bị đánh giá ở mức khiêm tốn, thường thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực về năng lực cạnh tranh cũng không có gì khó hiểu.


Đó mới là câu chuyện 10 tháng đầu năm 2014. Đến khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN chính thức đi vào hiệu lực trong 4 năm tới thì con số nhập siêu từ các nước Đông Nam Á e không chỉ dừng 3,5 tỷ USD như hiện nay. Chưa kể hàng hóa Trung Quốc trong trường hợp bị hạn chế theo đường chính ngạch thì vẫn có đường tiểu ngạch để luồn lách vào thị trường Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á