Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Tăng vốn điều lệ: Càng trì hoãn càng khó thực hiện

Tăng vốn điều lệ: Càng trì hoãn càng khó thực hiện


Rõ ràng, chuyện tăng vốn theo lộ trình dù khó khăn song là yêu cầu không thể trì hoãn. Chính bản thân các ngân hàng phải tự quyết tâm thực hiện để tăng khả năng cạnh tranh chứ không phải áp lực từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).


Xin rồi để đó


OCB vừa loan báo đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.234 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thường niên thông qua tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-ĐHĐCĐ ngày 28/4/2014. Theo đó, giai đoạn 1, OCB sẽ phát hành từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối các năm để phân phối theo tỷ lệ 10%/số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu; giai đoạn 2 sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc. Trước đó, SCB cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng để đạt quy mô 14.294 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2014 đã thông qua Đại hội Cổ đông (ĐHCĐ).


Sẽ không có gì để bàn luận về việc NHNN chấp thuận cho các NHTM tăng vốn điều lệ theo tờ trình. Điều đáng nói ở đây là trong các văn bản ban hành gần đây, Thống đốc NHNN nhấn mạnh thêm yêu cầu là phải kiểm soát chặt tiến trình. Đơn cử, trong văn bản của SCB, NHNN Việt Nam giao NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc SCB thực hiện các nội dung nêu trên; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động với mức vốn điều lệ mới của SCB, trình Thống đốc NHNN, thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát NH để xem xét, quyết định.


Yêu cầu chặt chẽ trên của Thống đốc NHNN có căn nguyên xuất phát từ chuyện trước đó có một số NHTM ồ ạt gửi tờ trình xin tăng vốn, nhưng thực tế hầu như không NH nào thực hiện được lộ trình tăng vốn được cam kết trong văn bản trình ở giai đoạn “xin phép”.


Đơn cử, khoảng thời kỳ cuối năm 2013, đầu năm 2014, NHNN đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho các NHTM tăng vốn điều lệ cho: NamABank, SaigonBank (tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng), BaoVietBank (từ 3.000 tỷ đồng lên 5.200 tỷ), DongABank (từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng), VPBank muốn tăng vốn lên 7.325 tỷ đồng, SHB nâng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng… Kế hoạch thực hiện các NH đặt ra trong tờ trình để xin phép NHNN rất cụ thể, nhưng đến nay, khi chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2014 vẫn chưa có NHTM nào thông báo về tiến độ, kết quả thực hiện tăng vốn điều lệ theo kế hoạch.


Đơn cử tại NamABank. Năm 2013, NH này nộp tờ trình NHNN xin tăng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng, nhưng sau đó rút lại. Năm 2014, NamABank lại thể hiện quyết tâm tăng vốn để “phù hợp với quá trình tái cơ cấu” và đã được NHNN chấp thuận. Theo nội dung tờ trình, quý III/2014 là thời điểm để Nam A Bank thực hiện kế hoạch trên, nhưng đơn vị này lại thay đổi kế hoạch thực hiện ở quý IV/2014. Kết quả đến nay, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có báo cáo về tiến độ tăng vốn của NH này.


Nhiều NH khác cũng trì hoãn lộ trình tăng vốn từ năm này qua năm khác, thậm chí, mỗi năm lại trình NHNN một kế hoạch như trường hợp của DongABank. Đã qua vài năm, đến nay, NH này vẫn cho biết đang trong quá trình thực hiện và chưa có kết quả cụ thể…


Áp chuẩn Basel II buộc phải tăng vốn


Thực ra, việc các NHTM không thể tăng vốn theo lộ trình trong bối cảnh hiện nay là điều dễ hiểu. Vài năm gần đây, không ít NHTM nhỏ, yếu kém phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại và hiện đang trong quá trình tái cơ cấu. Tuy đã được M&A và tái cấu trúc, nhưng không phải NH nào cũng có thể nhanh chóng cải thiện trong thời kỳ hậu mua bán, sáp nhập. Đặc biệt là với vấn đề nợ xấu – vốn được xem là “cục máu đông” không dễ xử lý trong thời gian ngắn đã làm mất dần sự hấp dẫn của cổ phiếu ngành NH.


Như trường hợp của SCB, mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã được kéo giảm xuống mức khá thấp, nhưng để xử lý được triệt để nợ xấu đòi hỏi NH này phải tốn kém khá nhiều thời gian. Do vậy, việc phát hành cổ phiếu để gọi vốn từ bên ngoài không phải chuyện dễ dàng đối với NH này. Trên thực tế, ngay cả những NH không thực hiện M&A và đã có kế hoạch kêu gọi vốn từ NĐT nước ngoài như DongA Bank đến nay vẫn bỏ lửng kế hoạch với nguyên nhân được lý giải là: “chỉ tăng vốn khi điều kiện thị trường thuận lợi, tránh thiệt hại cho cổ đông”.


Về nguyên tắc, diễn biến trên không nằm ngoài dự kiến của NHNN và các cổ đông NH bởi vì đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp một NHTM xin tăng vốn nhưng không hoàn thành đúng thời hạn. Trong đợt tăng vốn tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng trước đây, theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP, có đến 15 NHTM không hoàn thành đúng thời hạn vào ngày 31/12/2010. Nên sau đó, Nghị định 10/2011/NĐ-CP được ban hành để dời thời hạn.


Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh NH, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng, không chỉ hỗ trợ ứng phó rủi ro mà còn là đòn bẩy tài chính để các NH mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, với kế hoạch tái cơ cấu, hệ thống NHTM sẽ thu gọn, NH nào đủ sức khỏe mới có thể tiếp tục tồn tại. Vì vậy, chính các NHTM phải chủ động thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ để có được nền tảng vững chắc hơn.


Rõ ràng, chuyện tăng vốn theo lộ trình dù khó khăn song là yêu cầu không thể trì hoãn. Chính bản thân các NH phải tự quyết tâm thực hiện để tăng khả năng cạnh tranh chứ không phải áp lực từ phía NHNN.


Đơn cử, SCB nằm trong nhóm 7 NHTMCP lớn nhất Việt Nam, nhưng năm 2014 SCB vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng để cải thiện thanh khoản, củng cố năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, duy trì nợ quá hạn và nợ xấu ở ngưỡng an toàn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động của NH để nâng cao sức cạnh tranh.


Trong khi đó, 12 NH có vốn dưới 4.000 tỷ đồng, trong đó có 6 NH là NamABank, VietBank, BaoVietBank, PGBank, KienLongBank,VietcapitalBank chỉ mới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nếu không tăng vốn, bên cạnh việc khó đảm bảo tính cạnh tranh, khi dự thảo tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng được cơ quan quản lý Nhà nước thông qua sẽ tạo ra một sức ép không nhỏ với các NHTM.


Mặt khác, với các NHTM quy mô nhỏ, “áp lực” M&A vẫn treo lơ lửng khi NHNN vẫn chọn các biện pháp thông qua giải thể, sáp nhập để tiết giảm chi phí hoạt động nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hệ thống các NHTMCP. Bên cạnh đó, NHNN cũng đang nỗ lực thực hiện các bước cải cách tiếp theo trong quá trình tái cơ cấu toàn Ngành để lành mạnh hóa hệ thống NH và đặc biệt tăng cường sự minh bạch và khả năng giám sát, xử lý nợ xấu; sở hữu chéo, góp phần kiểm soát hiệu quả hoạt động của các TCTD.


Phát biểu tại Hội nghị bàn về hoạt động của các NH trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng chỉ rõ: “cái yếu của NH nhỏ hiện nay là khả năng quản trị. Vì thế, để có thể tồn tại và phát triển, ngay lúc này các nhà băng này phải ngồi lại với nhau để bàn đến việc hợp nhất, sáp nhập… Đây cũng là mục tiêu của đề án tái cơ cấu của Ngành đang được NHNN đẩy mạnh”.


Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang từng bước áp dụng chuẩn mực Basel II. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là NH không chỉ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí như mức độ đủ vốn, quản lý rủi ro… Vì vậy, áp lực tăng vốn điều lệ của một số NHTM từ nay đến năm 2018 để hoàn thành mục tiêu của tiêu chuẩn Basel II là rất lớn…


Theo Thời Báo Ngân Hàng




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á