Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Gỡ sở hữu chéo - Minh bạch thông tin, con số

Gỡ sở hữu chéo - Minh bạch thông tin, con số


Xử lý sở hữu chéo (SHC) được xem là vấn đề nổi cộm và khó khăn nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM bên cạnh việc xử lý nợ xấu. Kỳ vọng gỡ SHC cũng quy định rõ tại Điều 20 trong Thông tư 36/TT-NHNN việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác. Song theo các chuyên gia, muốn gỡ SHC điều quan trọng phải đảm bảo công khai, minh bạch các con số liên quan.


Kỳ vọng Thông tư 36


Theo Điều 20 của Thông tư 36, giới hạn quy định NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NHTM đó; chỉ được mua, nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của TCTD khác đó.


NHTM không được cử người tham gia HĐQT tại TCTD mà NHTM đã mua trừ trường hợp là công ty con, tham gia tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN. Đây được xem là một trong những nỗ lực của NHNN để xử lý vấn đề SHC đã tồn tại khá lâu trong hệ thống NHTM.


Trước đó, liên quan đến việc xử lý SHC cũng đã có nhiều giải pháp được ban hành và triển khai nhưng vẫn chưa xử lý rốt ráo. Trong số các giải pháp xử lý SHC đã được thực hiện, sáp nhập và hợp nhất (M&A) được đánh giá có thể xử lý triệt để SHC. Tuy nhiên, dù thực hiện nhiều thương vụ M&A nhưng cũng chỉ có 2 trường hợp M&A có liên quan đến SHC.


Tiếp theo, Đề án 254 về việc yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn trong các TCTD trước ngày 31-12-2015 với 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến xử SHC trong hệ thống các TCTD; Nghị định 15/NĐ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ gỡ được SHC với 4 cách thức thoái vốn nhà nước tại các NHTM. Tuy nhiên, khi đi vào triển khai thực tế, các giải pháp này không suôn sẻ như mong muốn và khó có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra.


Khi một loạt giải pháp được triển khai thực hiện chậm chạp, những quy định của Thông tư 36 được xem như một động thái tích cực đối với việc xử lý tình trạng SHC. Theo Thông tư này, từ năm 2015, một số NHTM sẽ phải thoái vốn tại một hoặc các TCTD khác để giảm sở hữu về dưới 5%, đồng thời siết tín dụng đề phòng doanh nghiệp vay mua trái phiếu, cổ phiếu cũng được kỳ vọng làm giảm nguy cơ thâu tóm NH. Điều này đã tạo ra kỳ vọng tích cực đối với việc ngăn chặn và xử lý được tình trạng SHC trong hệ thống NH thời gian tới.


Phải đảm bảo minh bạch


Tại Nghị quyết được thông qua tại phiên họp cuối cùng cuối tuần trước, Quốc hội đánh giá việc xử lý SHC, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD vẫn còn chậm. Theo đó, Quốc hội yêu cầu phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với TCTD, giám sát chặt chẽ vấn đề SHC, đầu tư chéo, xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh, để cuối năm 2015 cơ bản kiểm soát SHC, đầu tư chéo theo quy định của pháp luật.


Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, SHC đã có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro mang tính hệ thống. Do mối quan hệ giữa dòng tiền và sản xuất, nên nếu một vài NH đổ vỡ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống NH mà còn lan tỏa đến khu vực sản xuất kinh doanh. Nợ xấu là một kết quả của quá trình trên. SHC cũng làm cho dòng tiền chuyển vào các dự án sân sau của các ông chủ NH.


Khi xảy ra nợ xấu, sự nhập nhằng của SHC khiến vấn đề nợ xấu trở nên rất khó xử lý. Song song đó, SHC cũng làm giảm đi tính minh bạch, tăng khả năng đổ vỡ của một định chế tài chính, đe dọa sự an toàn của người gửi tiền và đặc biệt gây cản trở quá trình tái cơ cấu hệ thống NH. Vì vậy, nếu thực hiện được mục tiêu Quốc hội đề ra sẽ có lợi cho quá trình tái cơ cấu cũng như hoạt động của hệ thống.


Với Thông tư 36, những quy định về việc NHTM mua và nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác đang nhận được nhiều ý kiến tán thành, vì quy định này cho thấy sự nhiệt tình trong việc xử lý vấn đề SHC của hệ thống.


Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lưu ý muốn xử lý SHC như mong muốn khi thực thi Thông tư 36 nhất thiết phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% phải là con số thật. Thời gian qua, nợ xấu chưa rõ ràng, số liệu mỗi cơ quan công bố mỗi khác, nên cho đến thời điểm này con số về nợ xấu vẫn gây nghi ngờ.


PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, chỉ khi nào công khai, minh bạch về các số liệu liên quan của các NHTM mới có thể tháo gỡ được tình trạng SHC và xóa bỏ được tình trạng lách luật để sở hữu cổ phần vượt quá quy định. Muốn kiểm soát SHC hiện nay không chỉ cần có văn bản pháp quy mà cần phải có giải pháp kiểm soát quá trình thực hiện và có thể hình sự hóa các vấn đề liên quan đến SHC bổ sung vào luật dân sự để ngăn ngừa hành vi này.


Còn muốn minh bạch thông tin về tỷ lệ và đối tượng sở hữu, NHNN cần phải thúc đẩy các NHTM sớm niêm yết lên sàn như mục tiêu đã đề ra.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á