Gần như ngày nào, các cổ phiếu đầu cơ cũng được nhắc đến với từ “khủng” khi tiền đổ vào quá mạnh, chiếm tới 30 – 40% giá trị giao dịch trên mỗi sàn.
Nếu như các cổ phiếu cơ bản được đánh giá là vẫn đang tích lũy thì cổ phiếu đầu cơ đã làm mưa làm gió trong tuần qua. Gần như ngày nào, các cổ phiếu này cũng được nhắc đến với từ “khủng” khi tiền đổ vào quá mạnh, chiếm tới 30 – 40% giá trị giao dịch trên mỗi sàn.
Khi dòng đầu cơ lên ngôi thì bên cạnh sự “hăng máu” luôn có sự nghi ngại và sợ hãi rất lớn. Và như các chuyên gia đã nói, khi đó, tâm lý mong manh của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất mạnh bởi các tin đồn. Câu chuyện căng thẳng margin lại lần nữa được đem ra gây nên một áp lực không nhỏ lên tất cả các đối tượng, nhất là khi các công ty chứng khoán lại có những động thái khác nhau về việc cung cấp dịch vụ này.
Tuy vậy, những cổ phiếu gây bão trong tuần qua vẫn tiếp tục gây bất ngờ khi trong ngày cuối tuần, trước áp lực chốt lời cùng nỗi lo lắng về margin, lực cầu mạnh về cuối phiên đã giúp các cổ phiếu này đóng cửa tại giá xanh và khối lượng vẫn rất lớn. Đối với các "siêu đầu cơ", mức lợi nhuận 20% có vẻ không "bõ bèn" gì? Nhưng có đúng đó là "siêu đầu cơ" hay không và nhất là thị trường có đủ sự đồng thuận để một cổ phiếu trở thành siêu đầu cơ hay không?
Đối với dòng chứng khoán, có vẻ nhà đầu tư đang kỳ vọng vào làn sóng cuối năm nên sự quan tâm đến dòng này cũng thể hiện rõ hơn. Riêng khối ngoại trong tuần qua đã mua ròng một số cổ phiếu chứng khoán như BVS (6 tỷ đồng), VND (6,2 tỷ đồng), IVS (8 tỷ đồng) và nhiều nhất là SHS (19,2 tỷ đồng).
Trong khi đó, dòng bất động sản đã không được như kỳ vọng dù KQKD quý 3/2014 của các doanh nghiệp bất động sản được công bố liên tục với nhiều điểm sáng.
Một trong số các cổ phiếu nổi bật trong tuần có thể kể đến là KDC. Cổ phiếu này bị khối ngoại liên tục 9 ngày gần đây với tổng giá trị bán ròng gần 182 tỷ, riêng trong tuần qua KDC bị khối ngoại bán ròng 162 tỷ.
Biến động chỉ số và thanh khoản
Dùng dằng mãi quanh 605, rồi lại hạ xuống 600, lên xuống theo biến động của các cổ phiếu vốn hóa lớn, cuối cùng, VN-Index vẫn giảm 2,2 điểm tương đương 0,3% trong tuần thứ 2 của tháng 11. Kết thúc tuần, chỉ số còn 600,4 điểm.
Dù vậy, thanh khoản đã tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch bình quân tuần là 132,3 triệu đơn vị/ngày – tăng 20% so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân là 2.230 tỷ/ngày – tăng 16%.
Ngược lại, HNX-Index thể hiện sự hấp dẫn hơn khi tăng 3/5 phiên, kết thúc tuần tại 90,74 điểm – tăng 1,2 điểm so với tuần trước tương đương 1,3%.
Thanh khoản tại sàn này tăng vọt, cũng nhờ sự thu hút dòng tiền “khủng khiếp” tại các mã đầu cơ trên sàn này. KLGD khớp lệnh trung bình của sàn Hà Nội đạt 76,1 triệu đơn vị/ngày – tăng 47,2% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt hơn 1.080 tỷ/ngày – tăng 41%.
Giao dịch của khối ngoại
Trên sàn HOSE, khối ngoại lại bán ròng mạnh, tập trung vào 2 ngày cuối tuần với giá trị lần lượt là 109 tỷ và 226,8 tỷ. Tính chung trong tuần này, khối ngoại bán ròng gần 400 tỷ.
Trong đó, KDC đứng đầu khi bị bán ròng tới 161 tỷ, Hag bị bán ròng 87 tỷ , PVD 69 tỷ và GAS 59 tỷ.
Trên sàn Hà Nội, khối ngoại bán ròng 14,5 tỷ trong ngày đầu tuần 10/11 và mua ròng 14,5 tỷ trong ngày 13/1. Tính chung cả tuần, họ mua ròng 2,3 triệu cổ phiếu tương đương gần 5 tỷ đồng.
Giao dịch của khối tự doanh trên HOSE
Tính đến ngày thứ 5 của tuần qua, khối tự doanh đã mua ròng 103 tỷ đồng, tập trung vào ngày đầu tuần và ngày 12/11 với giá trị mua ròng lần lượt là 48 tỷ và 58 tỷ.
Hải Long
Theo Infonet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét