Tuần qua, kết quả xử lý của Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) về khoản tiền gửi tiết kiệm 270 đồng sau 30 năm thu hút sự chú ý của dư luận, cùng với những quan điểm trái chiều.
Ngày 9/11, báo Tuổi Trẻ có bài viết phản ánh bà Lê Thị Bích Thủy (tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM) đã gửi 270 đồng tiền tiết kiệm (theo mệnh giá năm 1983) vào quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu theo sự vận động của tổ dân phố lúc đó.
Qua 30 năm với những thay đổi, khoản tiền gửi trên được xác định tại VietinBank chi nhánh 7. Việc xử lý sau đó trở thành câu chuyện có cách kết thúc đơn giản, nhưng khó gọn về dư âm…
Từ “mất trắng” đến... mớ rau
Theo phản ánh của bài viết trên, khi bà Thủy tìm đến VietinBank chi nhánh 7 thì nhận được câu trả lời: năm 1985, nhà nước có thực hiện đổi tiền theo tỷ giá 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới, nên khoản tiền 270 đồng của bà còn 27 đồng, không phát sinh lãi gì. Vì số tiền này thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định nên khoản tiền trong sổ bị trừ còn 0 đồng.
Với trả lời trên, người gửi bỗng nhiên “mất trắng” số tiền, hay ngân hàng lẳng lặng “ăn không” nó.
Cũng may, đó chưa phải là cái kết sớm của câu chuyện.
Ngày 24/11, có một cái kết khác và cũng là cuối cùng cho đến thời điểm này. VietinBank đã rà soát lại, căn theo các quy định hiện hành và tính toán số tiền gốc và lãi suất quy định từng thời kỳ, để rồi thực hiện chi trả tổng cộng 4.385 đồng cả gốc lẫn lãi tính đến 30/11/2014.
“VietinBank cũng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch nhận lại số tiền gửi tiết kiệm, VietinBank chỉ định chi nhánh 7 thực hiện chi trả cho khách hàng khoản tiền gửi tiết kiệm”, báo Tuổi Trẻ viết ở kỳ tiếp theo.
Điểm nhấn “để tạo điều kiện thuận lợi” cùng với con số 4.385 đồng gây xôn xao trong cộng đồng mạng những ngày qua.
Thứ nhất là những phản ứng về số phận của khoản tiền gửi, từ “mất trắng” thành giá trị chỉ bằng một mớ rau.
Ở kết quả này, VietinBank cho rằng đã làm đúng các quy định, tính lãi theo đúng thời kỳ và đó là nguyên tắc rõ ràng. Thế nhưng, bên cạnh chữ “lý”, nhiều quan điểm chia sẻ trên mạng xã hội đề cập đến chữ “tình”.
Có điều gì đó hụt hẫng khi mà 30 năm trước bà Thủy thực hiện gửi tiền theo vận động của phường, tổ dân phố như một hành động yêu nước, với kết quả nhận được hiện nay. Thời điểm đó, 270 đồng bà gửi được xác định tương đương khoảng 2 chỉ vàng; còn nay tổng giá trị chi trả chỉ ngang mớ rau hay 1,5 ly trà đá vậy.
Thứ hai là quan điểm rõ ràng về nguyên tắc, thực hiện theo đúng quy định pháp lý. Theo đó, 4.385 đồng VietinBank chi trả là xong, chuyện kết thúc ở đó, khách hàng không thể trách ngân hàng được. Bởi lẽ, khoản tiền gửi trên là tài sản của họ và họ phải tự quản lý.
Tuy nhiên, ở đây còn có một điểm để ngỏ khi nói về nguyên tắc: nếu như khách hàng không tìm đến ngân hàng, thì mà chính ngân hàng cũng không chủ động tìm đến khách hàng để nhắc nhở hoặc xử lý. Dù nhỏ, nhưng nếu vậy sẽ là sự lẳng lặng biến tài sản của người khác thành của mình.
Thứ ba, một quan điểm khác so sánh: giả sử trước đây số tiền đó chuyển sang nắm giữ bằng vàng thì giá trị đến nay đã rất khác. Góc nhìn này góp thêm phần lý giải cho tâm lý ưa thích vàng trong dân cư, hay hàng trăm (thậm chí nghìn) tấn vàng trong dân vẫn chưa thể “nung chảy” thành VND để thành một nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh - điều mà Ngân hàng Nhà nước tập trung thực hiện suốt ba năm qua.
Cùng đó, cái kết 4.385 đồng sau 30 năm trở thành một điển hình về giá trị của đồng tiền trước những thay đổi của nền kinh tế, đặc biệt là lạm phát…
“Cơ hội vàng”
Còn có một cái kết khác nữa cho câu chuyện, đúng hơn là một tình huống. Tiếc rằng nó đã không diễn ra.
Trên trang cá nhân, doanh nhân Lương Hoài Nam nhìn nhận rằng: “Trong vụ này VietinBank có một cơ hội làm thương hiệu cực tốt, không tốn kém bao nhiêu tiền, thế mà bỏ lỡ, đã thế lại còn bị dư luận chỉ trích”.
Góc nhìn của ông nhận được không ít đồng tình. Cùng đó là so sánh với trường hợp chớp cơ hội làm thương hiệu của câu lạc bộ bóng đá Arsenal với “Running Man”, sự kiện nổi tiếng cả thế giới trong chuyến du đấu tại Việt Nam năm ngoái.
Tương tự như nguyên tắc của VietinBank, Arsenal không bắt buộc phải dừng xe để đón “Running Man” Vũ Xuân Tiến chạy theo, nhưng họ đã chớp lấy và biết cách biến cơ hội thành sự kiện được thế giới chú ý.
Dĩ nhiên, cũng có ý kiến phản biện rằng, ngân hàng là nguyên tắc, VietinBank không làm khác được vì nếu có sẽ tạo ra tiền lệ, trong khi đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết là thực tế còn có nhiều trường hợp gửi tiền như bà Thủy.
Ngược lại, cũng sẽ không ngược nguyên tắc, cũng không có quy định cấm VietinBank chia sẻ, tri ân người gửi tiền bằng một cái kết khác, có hậu hơn. Ngay cả khi họ tranh thủ “cơ hội vàng” này để làm thương hiệu, hẳn sẽ vẫn nhận được nhiều ủng hộ.
Còn việc tạo ra tiền lệ, VietinBank hoàn toàn có thể truy xuất và chủ động tính toán chi phí cho những trường hợp này của riêng mình. Nếu xem đó là một khoản “đầu tư”, nó trở nên đáng giá không chỉ gắn với sự kiện, mà còn khẳng định thông điệp gắn bó, tri ân người gửi tiền - một thông điệp không hẳn cứ mạnh tay đầu tư là tạo được hiệu ứng mong muốn.
Chuyện có thể đã qua, cái kết 4.385 đồng đã định. VietinBank đã không như Arsenal để ghi một bàn thắng đẹp. Thế nhưng, có lẽ công chúng vẫn rộng lòng đón nhận một cái kết có hậu hơn (nếu có thể), dù nó được làm bất cứ khi nào, hay chỉ đến sau khi nghĩ lại.
Theo Vneconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét