Không chỉ có Vietnam Airlines, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực hàng không còn đến từ việc một loạt doanh nghiệp trong ngành đã và sẽ cổ phần hóa như Nội Bài Cargo, Sasco, SAGS và Tổng Công ty Cảng hàng không.
Hàng không và dịch vụ phụ trợ hàng không là lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với phần đông nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là số doanh nghiệp khá ít, hầu hết lại là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, lĩnh vực này cũng khá “kén chọn” nhà đầu tư. Đối với những dự án đầu tư vào ngành này thường đòi nhà đầu tư có vốn lớn, mà số cơ hội để đầu tư cũng không nhiều.
Một số cơ hội hiếm hoi để cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này gồm có CTCP Cho thuê máy Việt Nam – VALC: bên cạnh 2 cổ đông chính là Vietnam Airlines và BIDV đã thu hút được các đầu tư tài chính khác gồm VinaCapital, Eurowindow, Tổng Công ty Phong Phú, PVCombank… Một dự án khác là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC), do Gemadept làm cổ đông chính, hợp tác với ACV và công ty Sửa chữa máy bay A41…
Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể tìm đến những doanh nghiệp thành viên của Vietnam Airlines đã được cổ phần hóa như Masco, Nasco, Nội Bài Cargo, Nội Bài Catering…
Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Vietnam Airlines sẽ được tổ chức vào sáng 14/11. |
Cơ hội đầu tư rộng mở
Với việc nhà nước quyết tâm cổ phần hóa hai trụ cột của ngành là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV cùng một số doanh nghiệp liên quan đã mở ra cơ hội lớn chưa từng có đối với những nhà đầu tư quan tâm đến ngành hàng không.
Công ty Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) đã tiến hành IPO trong tháng 9, Vietnam Airlines sẽ IPO vào ngày 14/11 tới đây và đầu tháng 12 sẽ IPO Công ty Phục vụ Mặt đất Sài Gòn – SAGS.
Hiệu quả kinh doanh của Sasco hay Vietnam Airlines có thể chưa hấp dẫn ở thời điểm hiện tại. Nhưng các doanh nghiệp nghiệp nắm giữ những vai trò hết sức quan trọng trong ngành; sau khi cổ phần hóa, nếu khai thác được tối đa các tiềm năng của mình, kết quả kinh doanh chắc chắn sẽ tốt hơn rất nhiều.
Những con số về đợt IPO của Sasco đã cho thấy được sức nóng của cổ phiếu hàng không: Tổng lượng đặt mua lên đến 145 triệu cổ phần, gấp gần 5 số cổ phần chào bán. Giá trúng bình quân đạt hơn 19.300 đồng/cp, cao gấp đôi giá khởi điểm. Trong đó, một nhà đầu tư đã đặt mua 31 triệu cổ phần tại mức giá 19.200 đồng – đúng bằng mức giá trúng thấp nhất.
Tập đoàn Imex Pan Pacifc của ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã không bỏ lỡ cơ hội này khi đăng ký mua toàn bộ 23,6% cổ phần chào bán cho cổ đông chiến lược. Kinh doanh cửa hàng miễn thuế và dịch vụ ăn uống tại sân bay là một trong những thế mạnh của Imex Pan Pacific đồng thời là nguồn thu chính của Sasco.
Với đợt IPO của Vietnam Airlines, dù lượng đặt mua chỉ tương đương với lượng chào bán nhưng việc có 2 tổ chức (nhiều khả năng là Techcombank và Vietcombank) đặt mua tới 98,6% lượng đấu giá cho thấy dù không hấp dẫn với số đông nhưng một số nhà đầu tư lớn vẫn nhận thấy cơ hội hiếm có để đầu tư.
Với lợi thế chiếm phần lớn thị phần dịch vụ kỹ thuật mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, đợt IPO sắp tới của SAGS chắn chắc cũng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm. SAGS đã tìm được 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó có Vietjet Air.
ACV đang quản lý tất cả các sân bay dân dụng tại Việt Nam và có kết quả kinh doanh tốt nhất ngành
ACV – “Hàng khủng” của ngành hàng không
Khi nói đến ngành hàng không, sự chú ý tập trung nhiều vào các hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Vietjet mà ít để ý tới hoạt động kinh doanh của các sân bay.
Tất cả các sân bay dân dụng tại Việt Nam hiện nằm dưới sự quản lý của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – Airport Corporation of Vietnam). ACV được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 tổng công ty cảng hàng không Bắc – Trung – Nam vào năm 2012.
Trong khi lợi nhuận của các hãng không còn thấp thì ACV lại duy trì được mức lợi nhuận cao, lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Điều này cũng diễn ra tương tự ở ngành hàng hải: trong khi phần lớn các doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ triền miên thì một số doanh nghiệp vận hành cảng biển vẫn có kết quả kinh doanh ấn tượng như Tân Cảng Sài Gòn, cảng Đình Vũ, Viconship…
Dự kiến ACV sẽ được cổ phần hóa trong năm 2015, tuy nhiên, từ tháng 9/2014, Công ty Quản lý sân bay Aeroport de Paris (ADP - Pháp) đã bày tỏ mong muốn được trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Doanh nghiệp tốt nhất của Vietnam Airlines nộp hồ sơ niêm yết
Với những nhà đầu tư nhỏ, phương án tốt nhất là lựa chọn các doanh nghiệp đã niêm yết. Trên sàn hiện có 3 doanh nghiệp thành viên của Vietnam Airlines gồm Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng – Masco (MAS), In Hàng không (IHK) và Xuất Nhập khẩu hàng không (ARM).
Đây đều là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, trong đó chỉ có Masco là đáng chú ý với hiệu quả kinh doanh tốt, doanh thu cũng như lợi nhuận đang tăng trưởng mạnh. Hiện tại, thị giá cổ phiếu MAS đạt 90.000 đồng.
Mới đây, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống Vietnam Airlines là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài – Nội Bài Cargo đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại sàn HoSE. Các năm trước, Nội Bài Cargo đều trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên đến trên 100%/năm.
Theo Cafef
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét