Nhiều khả năng xu thế đi ngang có thể tiếp diễn, tuy nhiên lực cầu tại mức giá thấp trên toàn thị trường được duy trì và những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt không giảm giá nhiều. Do đó, trong thời gian tới, thị trường nghiêng về kịch bản tích lũy và đi lên.
Thị trường tiếp tục đi ngang trong vùng 580 - 610 điểm nên các NĐT có thể xem xét chốt lời những mã tăng giá tốt thời gian qua, đồng thời chờ đợi trạng thái điều chỉnh của thị trường để canh mua trở lại khi các chỉ số chạm gần về vùng cận dưới của khoảng giá trên. Đó là nhận định của nhiều CTCK cho thị trường tuần này.
Phiên thứ Hai đầu tuần, giá trị giao dịch ở mức cao, đạt 2.886,6 tỷ đồng, VN-Index giảm nhẹ 0,08% xuống 602,12 điểm (-0,08%), HNX-Index giảm 0,04% xuống 89,52 điểm. Phiên hôm qua (thứ Ba), thị trường trở nên sôi động với sự đóng góp của các mã như KLF, FLC, ITA, KBC, HQC… Những mã này đã tạo sự hưng phấn và kéo dòng tiền đầu cơ trở lại thị trường.
Thực tế, thời gian qua, nhóm cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng và hạ tầng có nhiều mã tăng giá và thu hút lượng tiền lớn đổ vào thị trường. Không ít CTCK cho rằng, tính thanh khoản trên thị trường địa ốc có xu hướng tăng, vật liệu xây dựng bán được nhiều hơn, nhưng sẽ khó tạo được cơn sốt, mà chỉ ấm dần lên.
Do đó, NĐT nên tập trung vào một số mã bất động sản mang tính chọn lọc, đồng thời quan tâm đến các ngành, lĩnh vực tiềm năng khác, có triển vọng kết quả kinh doanh quý IV khả quan như xuất khẩu, hàng tiêu dùng, chứng khoán…
Quay trở lại với diễn biến giao dịch đáng chú ý trong phiên hôm qua, chỉ trong phiên buổi sáng, KLF được đẩy lên mức giá trần, với 24,1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Khoảng 307 tỷ đồng đã được đổ vào KLF, đóng góp trên 45% giá trị giao dịch cho sàn HNX.
KLF là nguyên nhân đẩy thanh khoản của sàn HNX trong phiên sáng qua tăng vọt 39%, đạt 676,5 tỷ đồng. Kết thúc phiên, KLF đạt thanh khoản đột biến với lượng khớp lệnh gần 37,8 triệu đơn vị, chiếm xấp xỉ 24% tổng khối lượng cổ phiếu của doanh nghiệp.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS) cho biết, ngoài KLF và FLC có khối lượng giao dịch lớn thì đa phần thanh khoản của các cổ phiếu khác vẫn ở mức trung bình và thấp. Ngoài ra, trong phiên hôm qua, nếu không nhờ GAS tăng 3.000 đồng/cổ phiếu, có thể thị trường sẽ có thêm một phiên giảm điểm.
Hiện tại, cả bên mua và bán đều đang thận trọng. Sự thăm dò của hai bên cung cầu khiến thị trường có thời điểm giao dịch cầm chừng và số mã giảm giá chiếm đa số. Các chỉ số điều chỉnh giảm trở lại sau khi chạm tới cận trên của vùng 580 - 610 điểm của VN-Index.
Theo ông Sơn, thực tế này cho thấy, nhiều khả năng xu thế đi ngang có thể tiếp diễn. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu tại mức giá thấp trên toàn thị trường được duy trì và những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt không giảm giá nhiều. Do đó, trong thời gian tới, thị trường nghiêng về kịch bản tích lũy và đi lên.
Về hoạt động của khối NĐT nước ngoài, phiên đầu tuần, khối ngoại trở lại bán ròng sau khi mua ròng cuối tuần trước. Cụ thể, trên sàn HOSE, các NĐT nước ngoài đã bán ròng gần 2,4 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 80 tỷ đồng (so với mức mua ròng 55,3 tỷ đồng cuối tuần trước).
Động thái này đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều NĐT trong nước nên trong thời gian giao dịch buổi chiều, lực mua vào không còn được duy trì và hoạt động chốt lời bắt đầu diễn ra. Trong phiên hôm qua, khối ngoại bán ròng nhẹ trên sàn HOSE, với 0,66 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 4,7 tỷ đồng và trên sàn HNX, họ mua ròng 0,24 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 2,4 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), hoạt động bán ròng của các NĐT nước ngoài trong hai phiên đầu tuần chưa có tác động đáng kể đến thị trường. Nhìn lại giao dịch của khối ngoại trong 3 tuần qua, giao dịch của họ ở trạng thái cân bằng hơn so với xu hướng bán ròng trước đó.
Đây là điểm cộng cho thị trường. Đối với VN-Index, vùng hỗ trợ quan trọng hiện tại là 560 - 575 điểm. Chỉ số có thể dao động gần vùng này cho đến khi tích lũy đủ để vượt 610 điểm. Khi đã vượt 610 điểm, thị trường sẽ tăng bền vững hơn.
Theo Bizlive
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét