Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Thừa tiền không thể mua trái phiếu Chính phủ

Thừa tiền không thể mua trái phiếu Chính phủ


Hiện nay, phần lớn tổ chức sở hữu TPCP là các NHTM, do tăng trưởng tín dụng thấp so với huy động nên các NH tìm kênh đầu tư qua TPCP để tăng hiệu quả sử dụng vốn.


Thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy chỉ trong tháng 1-2015 đã có 28.000 tỷ đồng trái phiếu được bán ra, chiếm 83% giá trị trái phiếu chào thầu. Tỷ lệ và số lượng trái phiếu trúng thầu đều cao hơn nhưng lãi suất thấp hơn nhiều so với trung bình của năm trước. Mặc dù đây vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn với các NH, nhưng trên thực tế NH đang “đau đầu” với bài toán trái phiếu.


Kết thúc tháng đầu tiên của năm 2015, HNX đã tổ chức 22 phiên đấu thầu trái phiếu, trong đó kỳ hạn trái phiếu 3 năm và 5 năm thu hút mạnh với giá trị trúng thầu chiếm đa số. Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động thành công hơn 17.000 tỷ đồng, hơn 60% tổng khối lượng trúng thầu.


Chỉ riêng trong phiên đấu thầu ngày 29-1, KBNN đã huy động được 8.400 tỷ đồng TPCP, trong đó trái phiếu 5 năm đạt giá trị 6.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,48%/năm, thấp hơn 0,42%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó. Đặc biệt, là số lượng thành viên tham gia dự thầu rất cao trong các đợt đấu thầu gần đây của KBNN.


Nếu tính từ đầu năm đến nay, khối lượng gọi thầu của các đơn vị phát hành gần 37.000 tỷ đồng, thì khối lượng đặt thầu hợp lệ lên đến hơn 79.000 tỷ đồng. Ngoài KBNN, đơn vị tiếp theo huy động lượng lớn là NH Phát triển Việt Nam đã huy động được 9.000 tỷ đồng.


Diễn biến các phiên đấu thầu TPCP từ đầu năm đến nay cho thấy dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào thị trường này. Kỳ hạn trái phiếu được mua chủ yếu là kỳ hạn ngắn và so với năm 2014 lãi suất trái phiếu trúng cũng thấp hơn.


Trong khi đó, theo Nghị quyết 78/2014/QH13, yêu cầu từ năm 2015 Chính phủ chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn để bù đắp bội chi ngân sách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong số TPCP đang lưu hành trên thị trường, hiện khoảng 35,2% có kỳ hạn 2 năm, 34,5% có kỳ hạn 3 năm, 21,8% có kỳ hạn 5 năm, 6,1% có kỳ hạn 10 năm và 2,3% có kỳ hạn 15 năm.


Mới đây, KBNN Việt Nam đã công bố kế hoạch phát hành TPCP nhằm thực hiện huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển năm 2015. Cụ thể, tổng khối lượng KBNN sẽ phát hành các loại TPCP năm 2015 là 250.000 tỷ đồng, giảm 4,6% so với năm 2014. Trong đó trái phiếu kỳ hạn 5 năm 180.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm 50.000 tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm 20.000 tỷ đồng.


Theo ông Nguyễn Duy Phong, Phòng phân tích vĩ mô Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong các đợt đấu thầu trái phiếu đầu tiên của năm 2015, các nhà đầu tư đã cho thấy mức cầu to lớn đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Đáng chú ý, tỷ lệ giữa hồ sơ dự thầu và số hồ sơ được chấp nhận cao gấp 3-4 lần với khối lượng đặt thầu. Mức lợi suất trúng thầu giảm so với các cuộc đấu thầu trước đó do mức cầu cao.


Một nguyên nhân làm tăng mức cầu cao đến từ phía các NH, do vốn đang thừa trong tháng đầu tiên của năm với khoảng 17.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Ngoài ra, lợi suất của các kỳ hạn ngắn như 1 năm, 2 năm và 3 năm sẽ tiếp tục giảm khi các NH vẫn có nhu cầu đầu tư ngắn hạn cao nhưng nguồn cung có hạn.


Hiện nay, phần lớn tổ chức sở hữu TPCP là các NHTM, do tăng trưởng tín dụng thấp so với huy động nên các NH tìm kênh đầu tư qua TPCP để tăng hiệu quả sử dụng vốn. Nói như TS. Lê Xuân Nghĩa, các NHTM hiện nay đang “đầy ắp” TPCP.


Trong khi đó, theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định tỷ lệ tối đa các TCTD được mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn là 15% đối với NHTM nhà nước, 35% với NHTM CP và NH 100% vốn nước ngoài, 5% với các TCTD phi NH. Thực tế, với quy định này nhiều NH đang “thừa” TPCP theo quy định trên. Như vậy rõ ràng NH muốn mua thêm TPCP cũng là một bài toán cân nhắc.


Bên cạnh đó, với việc KBNN chỉ huy động vốn dài hạn từ 5 năm trở lên cũng sẽ làm các NH đau đầu. Theo một giám đốc NH, hiện nay NH đang dư thừa vốn nhưng cũng phải hết sức cân nhắc trong việc mua trái phiếu dài hạn.


Theo vị lãnh đạo này, vốn ngắn hạn thường chiếm một tỷ lệ khá cao trong nguồn vốn NH, nếu dùng số vốn này mua trái phiếu dài hạn sẽ có nhiều rủi ro do việc bán trên thị trường thứ cấp không phải là dễ dàng. Thực tế các con số thống kê trong những năm gần đây cho thấy tăng trưởng huy động của hầu hết NH đều cao hơn khá nhiều so với tăng trưởng tín dụng.


Tỷ lệ cho vay trên huy động của các NH hiện đã giảm xuống còn dưới 90%. Trong thời gian qua nhiều NH cũng tăng cường đầu tư trái phiếu, tuy nhiên “tồn kho tiền” vẫn còn rất lớn. Như vậy, không ít NH đang mắc kẹt trong quy định tỷ lệ mua trái phiếu, việc an toàn sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn.


Theo Xuân Anh


Sài Gòn đầu tư




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á