Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Một năm nhìn lại của ngành tài chính

Một năm nhìn lại của ngành tài chính


Năm 2014 chắc chắn là một năm đáng nhớ với ngành tài chính khi đã “vượt cạn” thành công trong chỉ tiêu thu – chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo túi tiền quốc gia vẫn gia tăng trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung.


Túi tiền quốc gia đã bớt “hụt”, nhưng vẫn canh cánh lo nợ công


Túi tiền quốc gia kết thúc năm 2014 không những không hụt mà còn vượt thu. Thực tế này phản ánh qua con số kết quả thu ngân sách. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN)-(sau khi loại trừ hoàn thuế GTGT 80.006 tỷ đồng), ước khoảng 858.053 tỷ đồng, bằng 109,6% dự toán, tăng 75.353 tỷ đồng, bằng 101,4% so với báo cáo Quốc hội, tăng thêm 11.653 tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao. Nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương; phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN.


Về cân đối NSNN, đảm bảo giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3% GDP.


Không thể phủ nhận trong khi kinh tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí tới hết tháng 9-2014 ngành tài chính còn đang trăn trở làm sao thu đủ ngân sách thì tới những ngày cuối cùng của năm 2014 khi con số thu chi ngân sách chính thức được công bố và vượt thu, phần nào người dân mới cảm thấy thở phào.


Nếu phần nào ngân quỹ quốc gia được đảm bảo cho các khoản chi tiêu quốc gia, an sinh xã hội, quốc phòng… thì ở chiều ngược lại vẫn tồn tại một mối lo của ngành luôn thường trực, canh cánh – mối lo về nợ công. Có lẽ chưa người tiền nhiệm của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nào lại chịu áp lực của dư luận về con số nợ công đất nước như ông. Kinh tế khó khăn, đất nước cần nguồn tiền cho đầu tư phát triển và một trong số nguồn tiền đó lấy từ tiền đi vay đã khiến gánh nặng nợ công đang ngày một lớn. Lần đầu tiên tại nghị trường Quốc hội – kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngành tài chính đã thẳng thắn công khai con số về nợ công quốc gia. Ở thời điểm đó, khi nhìn vào con số sắp vượt trần 65% GDP của nợ công bất kỳ ai cũng thấy ngỡ ngàng, lo lắng.


Tuy con số nợ công vẫn trong “ngưỡng” an toàn và dưới “chuẩn” nghị quyết của Quốc hội là 65%, thế nhưng nợ công không ngừng gia tăng đã dấy lên mối lo ngại thực sự về khả năng cân đối ngân sách để trả.Theo con số công bố chính thức của ngành tài chính, dư nợ công đến hết năm 2014 là 60,3%GDP, nợ Chính phủ là 46,9%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là 39,9%GDP. Các chỉ tiêu về nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.


Chưa kể, trong số nợ công hiện nay thì tỷ lệ nợ nước ngoài đang tiến dần tới ngưỡng 50% với điều kiện vay cơ bản ưu đãi với thời gian đáo hạn trả nợ còn khoảng 15 năm; và một nửa số nợ còn lại là vay trong nước qua nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn 2-5 năm.


Rõ ràng, ngoài con số nợ công “khủng” mà mỗi người dân đang phải gánh trên vai thì thời gian trả nợ ngày càng đến gần đang là áp lực lớn đặt lên vai ngành tài chính, cũng như vị tư lệnh ngành.


Dầu thô giảm sâu không phải là lực cản


Một trong những thành công nữa phải kể tới của ngành tài chính năm 2014 là cơ quan này đã “áp chế” được giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu. Tình trạng hàng hóa giá cả nhảy múa trước nay đã không còn, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng nói nhất trong số các mặt hàng trọng yếu là mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi năm qua đã được ngành tài chính vào cuộc quyết liệt. Bằng cách đưa ra giải pháp giá trần đối với mặt hàng này, có mặt hàng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm tới 30% so với năm trước. Tình trạng loạn giá sữa đã từng bước được dẹp, túi tiền của các bậc phụ huynh có con nhỏ vì thế cũng rủng rỉnh hơn, mỗi tháng tiết kiệm một khoản không nhỏ.


Với những giải pháp đã triển khai, công tác quản lý, điều hành giá đã đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2014 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013. Mức CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây.


Dù kết quả đạt được của ngành tài chính trong việc “giữ đầy” túi tiền quốc gia, điều hành quản lý giá đảm bảo kiểm soát vĩ mô, lạm phát… thì nhiệm vụ đặt ra cho ngành trong năm 2015 được Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá là khá nặng nề. Năm 2015 dự báo kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,2%, lạm phát khoảng 5%... Song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; áp lực của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, diễn biến phức tạp, bất thường của giá dầu thế giới sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế trong nước, tác động đến việc thực thi chính sách kinh tế vĩ mô và cân đối thu chi ngân sách. Ở tình thế này, vai trò “cầm trịch” để làm sao túi tiền quốc gia không bị “thâm hụt” và ngược lại vẫn đảm bảo ở thế “dày” với ngành tài chính là vô cùng khó khăn.


Chia sẻ với mối lo ngại trước việc giá dầu thô giảm mạnh, kéo dài ảnh hưởng tới “túi tiền” quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trấn an, giá dầu giảm khiến ngân sách giảm thu, nhưng cũng có mặt tích cực là giúp giảm giá bán hàng hóa trong nước.


“Về mặt dài hạn giá dầu giảm có mặt tác động tốt, nhưng cũng nhiều vấn đề phải lo toan tính toán. Theo nghiên cứu chu kỳ xuống của giá dầu sẽ mở ra một chu kỳ mới bùng phát của kinh tế toàn cầu. Chúng tôi cũng kỳ vọng như thế"- Bộ trưởng Tài chính nói.


Cũng chính với kỳ vọng như thế, mà ngành tài chính đã đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2015. Trong đó, quyết tâm lớn của ngành là tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm, phấn đấu hoàn thành vượt nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 đã được Quốc hội phê duyệt với tổng số thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 1.147,1 tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5%GDP…


Theo Quân Đội Nhân Dân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỆM LIÊN Á